Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

Thứ trưởng Trần Quang Cơ còn muốn 'nhường ghế' cho anh em

 Thứ trưởng Trần Quang Cơ còn muốn 'nhường ghế' cho anh em

Bài viết của tôi dưới đây có đầu đề "Trân quý một nhân cách", viết về Thứ trưởng Trần Quang Cơ. Bài này đã khởi thảo từ 5 năm trước. Có bài viết này là một quá trình biết, quan sát, trao đổi thông tin bạn bè và nhất là có một thời gian ngắn được trực tiếp làm việc dưới quyền ông.

Ý tưởng để có được bài viết này được thúc đẩy thêm từ khi nhận được một bài viết mà nay được coi là trước tác cuối cùng của ông Trần Quang Cơ.

Thứ trưởng Trần Quang Cơ mất đi đã để lại một "tài sản" đối ngoại khá đồ sộ. Đứng trước công việc và những thử thách ông luôn thể hiện một con người có tầm nhìn chiến lược và một khí phách của một kẻ sĩ thời hiện đại. Ông được những người trong ngành ngoại giao yêu mến và nể phục về nhiều phương diện. Ông được giới ngoại giao quốc tế, ngay cả các đối thủ một thời, đánh giá cao và tôn trọng.

Báo điện tử VietnamNet đã đăng bài viết với một đầu đề khác. Tiếp theo bài viết trên, VietnamNet đăng tiếp bài viết cuối cùng của Thứ trưởng Trần Quang Cơ.

Chủ blog tôi xin post lên đây hai bài viết đó. (bài của Thứ trưởng Trần Quang Cơ sẽ post vào Entry kế tiếp).

Vệ Nhi 


* Tham khảo "nguyên văn" bản thảo ban đầu (phía dưới). 
-----



Thứ trưởng Trần Quang Cơ còn muốn 'nhường ghế' cho anh em

Anh Cơ còn có ý thức “nhường ghế” cho lứa anh em ít tuổi trong Bộ để mình lui dần về tuyến sau, yểm trợ lớp kế nhiệm, cho đến khi anh rút hẳn nơi hậu trường và nghỉ hưu hoàn toàn. 

LTS:Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết tưởng nhớ cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ của ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng biên tập báo Quốc Tế. 

Lứa chúng tôi gọi ông Trần Quang Cơ một cách thân tình là “anh Cơ” lúc còn làm việc cũng như lâu nay anh nghỉ hưu. Ngay cả mấy năm gần đây chúng tôi vẫn cứ một cách xưng hô tình cảm như thế với anh.   
Trong Bộ ngoại giao, anh Cơ nhiều năm liên tục giữ trọng trách, từ Vụ trưởng, Đại sứ, Thứ trưởng, Thứ trưởng thứ nhất (sau này gọi là Thứ trưởng thường trực). Về Đảng, anh là ủy viên trung ương từ 1986 đến 1994. 

Có thời điểm, Bộ Chính trị dự kiến trao anh trách nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao thay ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ hưu “bất thường”. Nhưng khi đó anh Cơ một mực xin được “không đảm đương” chức vụ cao hơn này. 

Anh Cơ còn có ý thức “nhường ghế” cho lứa anh em ít tuổi trong Bộ để mình lui dần về tuyến sau, yểm trợ lớp kế nhiệm, cho đến khi anh rút hẳn nơi hậu trường và nghỉ hưu hoàn toàn.  

Nói thế bởi đến đầu năm 1994, tại Hội nghị Đảng khóa VII giữa kỳ, anh Cơ đã tự nguyện xin rút khỏi BCH Trung ương. Việc đó được chấp nhận, ngành ngoại giao khi ấy đã được bầu bổ sung một Ủy viên Trung ương trẻ hơn là Thứ trưởng Lê Mai. Tấm gương Trần Quang Cơ được mọi người trong ngành chúng tôi hết sức quý trọng và nể phục. 

Trong 40 năm công tác của mình, tôi được làm việc trực tiếp dưới quyền anh Trần Quang Cơ từ năm 1993-1997. Tôi đảm nhận công việc chuẩn bị tổ chức cho Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (tháng 11/1997), lần đầu tiên tại Việt Nam. 

Nhớ lại hồi ấy, sau một vài người giới thiệu, tháng 4/1993 anh Trần Quang Cơ đã thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao điều động tôi tham gia cùng với một nhóm gọn nhẹ của Bộ triển khai các công việc chuẩn bị hội nghị. Từ một vị trí lãnh đạo báo Quốc Tế, cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao, tôi sang làm Vụ phó Vụ các Tổ chức quốc tế chuyên trách chuẩn bị cho hội nghị Pháp ngữ. Khi ấy Vụ này do chị Tôn Nữ Thị Ninh làm Vụ trưởng. Bỏ lại một công việc lý thú là báo chí không phải tôi thích thú gì nhưng trước việc đã được điều động, tôi nhanh chóng thích ứng với công việc mới. 

Thời điểm 1993-1994, nước ta chưa tổ chức Hội nghị cấp thượng đỉnh có nhiều nguyên thủ quốc gia (tổ chức Pháp ngữ có hơn 50 nước tham gia) tới dự bao giờ nên cái gì cũng bỡ ngỡ. Điều đó giải thích vì sao chúng ta phải chủ động để ra hẳn mấy năm chuẩn bị tập dượt và đào tạo nhân lực. Càng về sau càng thấy đó là một quyết định đúng đắn của Bộ Ngoại giao.  

Bắt đầu công việc, hầu như đụng vào việc gì cũng ngỡ ngàng, đơn giản vì chưa gặp một việc tương tự thế bao giờ. Anh Cơ ở cương vị lãnh đạo vĩ mô nhưng do xuất thân từ người lính, nhiều năm là chuyên viên rồi cấp Vụ giải quyết trực tiếp công việc, nên ở anh không có sự quan liêu, chung chung. Anh là người đầu tiên ở cấp lãnh đạo Bộ nắm và điều khiển công việc chuẩn bị âm thầm này.  


 Bạn bè và đồng nghiệp đến thăm nhà ngoại giao lão thành Trần Quang Cơ (ngày 20/4/2014).

Hồi mới có bộ khung, chính anh đã sớm nghĩ sao đó phải lập ra một Ủy ban cấp quốc gia để chuẩn bị mọi việc. Bởi Bộ Ngoại giao tài giỏi mấy cũng không sao đảm đương được. Phải có đại diện cấp lãnh đạo Bộ của các ngành khác, sơ tính qua phải hơn chục ngành như Giáo dục đào tạo, Văn hóa thông tin, Tài chính, Khoa học công nghệ, An ninh, rồi UBND Hà Nội - địa phương họp hội nghị… Dứt khoát cần có nơi như văn phòng chính phủ làm “hạt nhân”.  

Quả như vậy, sau này khi Ủy ban Quốc gia được thành lập, do Phó Thủ tướng đứng đầu, có lãnh đạo Bộ Ngoại giao (lúc đó anh Cơ đã rút về hậu trường, Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin ở vào vị trí này) và lãnh đạo các bộ ngành khác tham gia… đã đặt trụ sở làm việc thường trực cho Ban thư ký của UBQG tại ngay Văn phòng Chính phủ. Cách nhìn nhận của anh Trần Quang Cơ như vậy là rất sát hợp và có tầm trông xa cho công việc.         

Hai từ “âm thầm” càng đúng với anh Trần Quang Cơ. Bởi khi công việc triển khai tích cực sắp tới ngày gặt hái kết quả, rồi hội nghị diễn ra sau đó rất thành công, gây ấn tượng mạnh trong Cộng đồng Pháp ngữ về khả năng tổ chức của Việt Nam thì anh Trần Quang Cơ trước đó đã lui về tuyến sau, tiếp đó về nghỉ hưu…  
Nguyên do anh cho là mình lớn tuổi, không sử dụng biệt lệ để tại vị. Anh Cơ đã không gặt hái thành tích, hưởng vinh quang khi hội nghị thành tựu dù anh đã góp phần xứng đáng tổ chức và xây dựng đội ngũ chuẩn bị cho hội nghị cấp cao này từ những ngày đầu tiên, tức đặt những viên gạch đầu tiên.   

Nhìn rộng để gút lại thì trong cả hoạt động ngoại giao, làm chính sách cũng như xây dựng ngành, anh Trần Quang Cơ đều làm việc với sự tận tụy và nghiêm túc cao nhất. Anh trực tính và thường đòi hỏi cao nơi các cấp dưới. Phần mình anh rất gương mẫu và hết sức có trách nhiệm trong các quyết định đã quyết, là người giữ vững và bảo vệ nguyên tắc.  

Trong đời thường anh Cơ sống cởi mở và cư xử thân tình, nhân hậu với mọi người. Điều đó khiến nhiều cán bộ ngoại giao quý mến anh và đánh giá rất cao nhân cách và phẩm chất nơi anh. Anh về hưu lâu rồi nhưng nhiều anh chị em lứa sau vẫn nhớ anh, một lòng kính trọng yêu mến anh…  

Hồi đó, trong những lần thông tin qua lại với nhau, anh có chút tâm sự là thời gian này, sau những đêm mất ngủ do tuổi già và bệnh tật, anh có viết ra những điều đã ngẫm nghĩ kỹ, đã cân nhắc suy tư của bản thân mình. Anh bảo chuyển những điều đó cho tôi, đơn giản là quý tôi thì “coi như một điều tâm sự” với một người ở thế hệ đi sau. Anh Cơ còn bảo có điểm nào, câu chữ gì trong bài cần góp ý, cần sửa thì cứ sửa giúp cho anh… 

Ngay hồi đó tôi đọc ngay và đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết của anh. Rõ ràng Trần Quang Cơ vẫn một bộ óc và trái tim nhiệt huyết, ngay cả tuổi tác rất cao và bệnh tật hành hạ, anh vẫn dành những suy nghĩ suy tư của mình cho không chỉ bản thân, gia đình mình mà anh còn dành nó cho các vấn đề thuộc nhân quần xã hội.  
Đặc biệt nhất là anh vẫn dành phần nhiều, với bao nỗi trăn trở và tâm huyết nhất cho các suy tư về đối ngoại - công việc suốt một đời anh Trần Quang Cơ đã phụng sự. 

Bài viết của anh với một người từng trải trên con đường ngoại giao vinh quang và gian khó. Dù sang đầu thế kỷ mới nhưng cái bài toán đối ngoại hóc búa nhất xem ra “không mới”, vẫn cũ, vẫn một thách thức khổng lồ với nước non!...  

Giờ đây nhà ngoại giao lão luyện Trần Quang Cơ đã vĩnh viễn đi xa, được sự gợi ý và động viên của nhiều bạn bè và đồng nghiệp, tôi thấy nên viết ít dòng này và tiếp đó, sẽ công bố bài viết đầy tâm huyết và có giá trị ở giai đoạn cuối đời của Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất BNG Trần Quang Cơ. 

Nguyễn Vĩnh
(Nguyên Vụ trưởng, Tổng biên tập báo Quốc Tế, Bộ Ngoại giao) 

----

Đường Link trên VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/247884/thu-truong-tran-quang-co-con-muon--nhuong-ghe--cho-anh-em.html

-----

Bài viết nguyên bản:



Trân quý một nhân cách


(Ghi nhớ về một "bài viết cuối cùng" của Nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Trần Q@uang Cơ, khi đó ông 83 tuổi)


 Nguyễn Vĩnh

Lứa chúng tôi gọi bác Trần Quang Cơ một cách thân tình là anh Cơ. Cả hồi còn làm việc cũng như lâu nay anh nghỉ hưu; và ngay cả mấy năm gần đây ông già tuổi hạc quá nửa “bát thập” rồi thì chúng tôi vẫn cứ một cách xưng hô tình cảm như thế với anh. 

Trong bộ ngoại giao, anh Cơ nhiều năm liên tục giữ trọng trách, từ vụ trưởng, đại sứ, thứ trưởng, thứ trưởng thứ nhất (sau này gọi là thứ trưởng thường trực). Về đảng, anh là ủy viên trung ương từ 1986 đến 1994; và có thời điểm được Bộ chính trị dự kiến trao anh trách nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao thay ông Nguyễn Cơ Thạch nghỉ hưu “bất thường”. Nhưng khi đó anh Cơ một mực xin được “không đảm đương” chức vụ cao hơn này.

Anh Cơ còn có ý thức “nhường ghế” cho lứa anh em ít tuổi trong Bộ để mình lui dần về tuyến sau, yểm trợ lớp kế nhiệm, cho đến khi anh rút hẳn nơi hậu trường, rồi về nghỉ hưu hoàn toàn. Nói thế bởi đến đầu năm 1994, tại Hội nghị Đảng khóa VII giữa kỳ, anh Cơ đã tự nguyện xin rút khỏi BCH trung ương, được chấp nhận; và ngành ngoại giao khi ấy đã được bầu bổ sung một ủy viên trung ương trẻ hơn là thứ trưởng Lê Mai. 



  Bạn bè và đồng nghiệp đên thăm nhà ngoại giao lão thành Trần Quang Cơ (ngày 20/4/2014). Tác giả Nguyễn Vĩnh đứng ngoài cùng bên phải. (Ảnh của tác giả) (Ảnh của tác giả)

Cử chỉ và cách hành xử đó rõ là hiếm gặp ở những cán bộ lãnh đạo cao cấp khác. Tấm gương Trần Quang Cơ được mọi người trong ngành chúng tôi hết sức quý trọng và nể phục.

Trong 40 năm công tác của tôi thì có thời kỳ từ 1993-1997 được làm việc trực tiếp dưới quyền anh Trần Quang Cơ. Đó là quãng thời gian tôi chuyên trách làm công việc chuẩn bị tổ chức cho Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội (tháng 11/1997), nhưng là lần đầu tiên tại Việt Nam.

Tôi nhớ lại hồi ấy, sau một vài người giới thiệu, tháng 4/1993 anh Trần Quang Cơ đã thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao điều động tôi tham gia cùng với một nhóm gọn nhẹ của Bộ triển khai các công việc chuẩn bị hội nghị. Từ một vị trí lãnh đạo báo Quốc Tế, cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao, tôi sang làm Vụ phó Vụ các Tổ chức quốc tế chuyên trách chuẩn bị cho hội nghị Pháp ngữ. Khi ấy Vụ này do chị Tôn Nữ Thị Ninh làm Vụ trưởng. Bỏ lại một công việc lý thú là báo chí không phải tôi thích thú gì nhưng trước việc đã được điều động, tôi nhanh chóng thích ứng với công việc mới.

Phải nói gần như trước đó anh Cơ biết rất ít về cá nhân và năng lực của tôi. Nhưng sau vài lần trực tiếp giao việc và kiểm tra, anh nói với một người mà sau này nói lại cho tôi, là anh ấy đã có một lựa chọn con người và công việc thích hợp khi quyết định thuyên chuyển và giao việc cho tôi.          

Thời điểm 1993-1994 đó, nước ta chưa tổ chức một hội nghị cấp thượng đỉnh có nhiều nguyên thủ quốc gia (tổ chức Pháp ngữ có hơn 50 nước tham gia) tới dự bao giờ nên cái gì cũng bỡ ngỡ. Điều đó giải thích vì sao chúng ta phải chủ động để ra hẳn mấy năm chuẩn bị tập dượt và đào tạo nhân lực. Càng về sau càng thấy đó là một quyết định đúng đắn của Bộ Ngoại giao.

Bắt đầu công việc, hầu như đụng vào việc gì cũng ngỡ ngàng, đơn giản vì chưa gặp một việc tương tự thế bao giờ. Anh Cơ ở cương vị lãnh đạo vĩ mô nhưng do xuất thân từ người lính, nhiều năm là chuyên viên rồi cấp Vụ giải quyết trực tiếp công việc, nên ở anh không có sự quan liêu, chung chung. Anh là người đầu tiên ở cấp lãnh đạo Bộ nắm và điều khiển công việc chuẩn bị âm thầm này.

Hồi mới có bộ khung, chính anh đã sớm nghĩ sao đó phải lập ra một ủy ban cấp quốc gia để chuẩn bị mọi việc. Bởi một bộ ngoại giao tài giỏi mấy cũng không sao đảm đương được. Phải có đại diện cấp lãnh đạo Bộ của câc ngành khác, sơ tính qua phải hơn chục ngành, như giáo dục đào tạo, văn hóa thông tin, tài chính, khoa học công nghệ, an ninh, rồi UBND Hà Nội - địa phương họp hội nghị; và dứt khoát cần có nơi như văn phòng chính phủ làm “hạt nhân”. Quả như vậy, sau này khi Ủy ban Quốc gia được thành lập, do Phó thủ tướng đứng đầu, có lãnh đạo bộ ngoại giao (lúc đó anh Cơ đã rút về hậu trường, Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin ở vào vị trí này) và lãnh đạo các bộ ngành khác tham gia… đã đặt trụ sở làm việc thường trực cho Ban thư ký của UBQG tại ngay Văn phòng Chính phủ. Cách nhìn nhận của anh Trần Quang Cơ như vậy là rất sát hợp và có tầm trông xa cho công việc.   
     

 Trước mặt ông Trần Quang Cơ là ông Lưu Văn Lợi, Nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ; người đứng bên trái là ông Trẩn Tam Giáp, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, hiện là Chủ nhiệm CLB cán bộ hưu trí Bộ Ngoại giao. (Ảnh của tác giả)

Trên tôi có nói “âm thầm” thì càng đúng với anh Trần Quang Cơ. Bởi khi công việc triển khai tích cực sắp tới ngày gặt hái kết quả, rồi hội nghị diễn ra sau đó rất thành công, gây ấn tượng mạnh trong Cộng đồng Pháp ngữ về khả năng tổ chức của Việt Nam thì anh Trần Quang Cơ trước đó đã lui về tuyến sau, tiếp đó về nghỉ hưu… Nguyên do anh cho là mình lớn tuổi, không sử dụng biệt lệ để tại vị. Anh Cơ đã không gặt hái thành tích, hưởng vinh quang khi hội nghị thành tựu dù anh đã góp phần xứng đáng tổ chức và xây dựng đội ngũ chuẩn bị cho hội nghị cấp cao này từ những ngày đầu tiên, tức đặt những viên gạch đầu tiên.
  
Nhìn rộng để gút lại thì trong cả hoạt động ngoại giao, làm chính sách cũng như xây dựng ngành, anh Trần Quang Cơ đều làm việc với sự tận tụy và nghiêm túc cao nhất. Anh trực tính và thường đòi hỏi cao nơi các cấp dưới. Phần mình anh rất gương mẫu và hết sức có trách nhiệm trong các quyết định đã quyết, là người giữ vững và bảo vệ nguyên tắc. Nhưng trong đời thường anh Cơ sống cởi mở thân tình, cư xử thân tình và nhân hậu với mọi người. Điều đó khiến nhiều cán bộ ngoại giao quý mến anh và đánh giá rất cao nhân cách và phẩm chất nơi anh. Anh về hưu lâu rồi nhưng nhiều anh chị em lứa sau vẫn nhớ anh, một lòng kính trọng yêu mến anh…

Hồi đó, trong những lần thông tin qua lại với nhau, hoặc email hoặc điện thoại (tôi có “điểm tin” cho anh Cơ một thời gian dài, bởi như anh nói khi không mệt muốn đọc thì chỉ có đọc trên màn hình máy tính, chọn cỡ chữ phóng to lên được, chứ in trên giấy thì mắt mờ không thấy), anh có chút tâm sự là thời gian này, sau những đêm mất ngủ do tuổi già và bệnh tật, anh có viết ra những điều đã ngẫm nghĩ kỹ, đã cân nhắc suy tư của bản thân mình. Anh bảo chuyển những điều đó cho tôi, đơn giản là quý tôi thì “coi như một điều tâm sự” với một người ở thế hệ đi sau. Anh Cơ còn bảo có điểm nào, câu chữ gì trong bài cần góp ý, cần sửa thì cứ sửa giúp cho anh…

Ngay hồi đó tôi đọc ngay và đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết của anh. Thấy rõ ràng Trần Quang Cơ vẫn một bộ óc và trái tim nhiệt huyết, ngay cả tuổi tác rất cao và bênh tật hành hạ, anh vẫn dành những suy nghĩ suy tư của mình cho không chỉ bản thân, gia đình mình mà anh còn dành nó cho các vấn đề thuộc nhân quần xã hội. Đặc biệt nhất là anh vẫn dành phần nhiều, với bao nỗi trăn trở và tâm huyết nhất cho các suy tư về đối ngoại - công việc suốt một đời anh Trần Quang Cơ đã phụng sự.

Bài viết của anh được ghi dưới là thời gian anh hoàn thành “tháng Chạp năm 2010”, tôi chợt nghĩ thế là những dòng chữ kia được viết ra “ở đầu một thế kỷ mới” với một người từng trải trên con đường ngoại giao vinh quang và gian khó. Dù sang đầu thế kỷ mới nhưng cái bài toán đối ngoại hóc búa nhất xem ra “không mới”, vẫn cũ, vẫn một thách thức khổng lồ với nước non!... 


 Người đứng bên phải ông Trần Quang Cơ là ông Nguyễn Trung, Nguyên Trợ lý Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan. (Ảnh của tác giả)

Bài chỉ gói gọn hơn 6 trang A4, chưa đến 4.000 từ, nhưng trong đó chất chứa những suy tư “tổng kết” cả một đời người của anh. Một ông già 83 tuổi, bệnh tật đau ốm luôn luôn vẫn giữ được tấm lòng thành với cuộc đời và nghề nghiệp ngoại giao.

Đọc xong bài tôi càng quý mến và kính trọng tác giả bài viết. Hồi đó tôi đã xin phép tác giả và trao đổi với tác giả một số đoạn cần lược bớt và biên tập đôi chỗ để tập trung vào các ý tưởng chính yếu mà bài viết muốn nêu lên. Hồi đó cũng rất muốn đưa bài viết lên trang blog cá nhân của mình như một sự chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp gần xa đã một thời thân thiết và quen biết anh Trần Quang Cơ.

Nhưng do còn lấn cấn vài ba điểm trong nội dung, rồi một vài chi tiết còn muốn được tìm hiểu thêm cho tường minh…, nên bài viết của anh Cơ tôi vẫn chưa đưa lên blog. Sau thời gian đó những gì cần thiết đã được chính tôi tìm hiểu, nghiên cứu rất cẩn thận và bổ sung cho bài viết nói trên của anh Trần Quang Cơ. Mấy năm gần đây rất mừng là anh Cơ vẫn “trụ” với bệnh tật được, mấy lần được chị Vượng vợ anh, mời đến nhà chơi tôi vẫn chuyện trò, chia sẻ về bài “Suy tư” với anh…, nên bẵng đi…

Hôm trước cùng anh Trần Tam Giáp**, nhiều năm nay là Chủ nhiệm CLB hưu trí BNG vào thăm anh ở phòng cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị thì biết là mọi chuyện đã muộn. Chẳng còn cơ hội được nghe anh nói và nói gì với anh nữa…, càng tiếc nuối cuối tháng trước đã không đến vui với ngày sinh nhật của anh mà anh Giáp dự nói là anh tỉnh táo và khỏe hơn hẳn! Còn buổi thăm bây giờ anh trên giường bệnh, được nghe và nhìn chị Vượng nói về lần cấp cứu này (anh bị đột quỵ nhiều lần), thì càng thấy sự chăm sóc của chị và gia đình cùng thầy thuốc với anh là hết sức hết lòng rồi, nhưng chắc là khó qua khỏi…

Giờ đây nhà ngoại giao lão luyện Trần Quang Cơ đã vĩnh viễn đi xa, được sự gợi ý và động viên của nhiều bạn bè và đồng nghiệp, tôi thấy nên viết ít dòng này và công bố bài viết đầy tâm huyết và có giá trị ở giai đoạn cuối đời của Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất BNG Trần Quang Cơ.

N.V.

------

*Ông Trần Quang Cơ, sinh ngày 22/5/1927 tại xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, trú quán tại ngõ 23 đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, đã từ trần hồi 23g45 ngày 25/6/2015  tại Hà Nội, hưởng thọ 88 tuổi.

**Ông Trần Tam Giáp, nguyên Vụ trưởng BNG, Nguyên Đại sứ nước ta tại Ai Cập.  
 

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...