Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Kể chuyện Myanmar (10) - Văn học nghệ thuật

Kể chuyện Myanmar 10

 

 


 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar

 

Tác giả CHU CÔNG PHÙNG 

 

BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/03/mot-serie-bai-gui-tu-mien-ien-myanmar.html
BÀI 2; 3; 4 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/03/myanmar-at-nuoc-ang-thay-oi-ngoan-muc.html
BÀI 5 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/04/ke-chuyen-myanmar-5.html
BÀI 6 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/04/ke-chuyen-myanmar-6.html
BÀI 7 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/04/ke-chuyen-myanmar-7.html
BÀI 8 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/04/ke-chuyen-myanmar-8.html
BÀI 9 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/05/ke-chuyen-myanmar-9-tiem-nang-kinh-te.html
BÀI 11 -  http://vinhnv43.blogspot.com/2012/05/ke-chuyen-myanmar-11-bao-chi-o-myanmar.html

BÀI 12 - http://vinhnv43.blogspot.com/2012/05/ke-chuyen-myanmar-12-giao-duc-o-myanmar.html


Myanmar có nền văn hóa lúa nước lâu đời mang đậm màu sắc Phật giáo dòng Tiểu thừa và tiếp thu nhiều tình hoa của văn hóa Ấn Độ và văn hóa Thái Lan. Văn hóa Phương Tây cũng xâm nhập vào Myanmar trong gần một thế kỷ thuộc Anh.


Khác với những nước có chung biên giới với Trung Quốc và tuy cộng đồng người Hoa ở Myanmar khá đông đúc, nhưng Myanmar hầu như không tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Myanmar có Lịch nông nghiệp (Âm lịch) và 7 con Giáp khác hẳn 12 con Giáp của Trung Quốc, các ngày lễ tết trong năm cũng khác Trung Quốc. Tư tưởng Khổng giáo, Nho giáo, chữ viết, văn học cổ điển, âm nhạc, phong tục tập quán văn hóa của Trung Quốc hầu như không tồn tại ở Myanmar [1].


            Bộ Văn hóa Myanmar phụ trách quản lý tất cả các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật, bảo tàng và xuất bản.

1. Văn học

Văn học Myanmar chịu ảnh hưởng rất lớn từ các triết lý của Phật giáo, những tác phẩm văn học đầu tiên của Myanmar chủ yếu là những tác phẩm tôn giáo được khắc trên đá, có niên đại vào thời kỳ Pagan, thế kỷ XI.

Từ sau thế kỷ XV, Myanmar mới xuất hiện những thư bản chép tay trên lá cọ hay giấy. Văn học trong thời kỳ này chủ yếu liên quan tới những câu chuyện Jataka do Đức Phật kể cho các môn đệ và trả lời các câu hỏi của họ, thường được thể hiện bằng những vở kịch hay thơ. Những tác phẩm về luật pháp hay lịch sử thì viết bằng văn xuôi.

Văn học cổ điển Myamar phát triển hưng thịnh qua 2 thời kỳ lớn.

Thời kỳ đầu kéo dài 300 năm từ năm 1450 – 1750 ra đời và tồn tại một thể loại văn vần (gọi là Pyo) và 4 thể loại thơ (gọi là Mongun, Eigyin, Tola, Yadu) với các chủ đề chủ yếu kể chuyện về Phật giáo, ca ngợi vua chúa, truyền thống vinh quang của Hoàng tộc, các chiến dịch quân sự, miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên...

Thời kỳ thứ hai từ năm 1750 trở đi với sự xuất hiện thêm thể loại sử thi (gọi là Yagan) kể lại những huyền thoại Mon, huyền thoại Ấn Độ và thể loại thơ hát (gọi là Bole) được sáng tác và biểu diễn theo yêu cầu của cung đình.



Văn chương cổ điển của Myanmar thường viết theo lối văn hoa mĩ với câu cú cầu kỳ, dài dòng kể về những chuyện thần bí có nguồn gốc từ trong cung đình của các vị quốc vương.

Sau cuộc xâm lăng Thái Lan năm 1767, kịch và tiểu thuyết Thái Lan được giới thiệu vào Myanmar, tạo nên nguồn kích thích phát triển nền văn học thế tục.

Kể từ khi Myanmar rơi vào ách thống trị của người Anh, văn học Myanmar bắt đầu chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Việc du nhập nghề in ấn cũng ảnh hưởng nhiều đến văn học - lĩnh vực trước đó chỉ có lượng độc giả rất hạn chế. Nhờ công nghệ in ấn mà những vở kịch cung đình được công chúng thưởng thức rộng rãi, họ không chỉ được xem biểu diễn trên sân khấu mà còn được đọc trên giấy. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Myanmar là bản phóng tác một tác phẩm của Alexander Dumas - "Bá tước Monte Cristo" trong khung cảnh của Myanmar.

Nền văn học hiện đại của Myanmar bắt đầu từ thập kỷ 30 thế kỷ XX sau khi trường Đại học tổng hợp Yangon được thành lập. Một xu hướng mới trong văn học - gọi là phong trào Khitsan (đương đại) đã xuất hiện với những nhà văn sử dụng  phong cách văn chương đơn giản, rõ ràng và phong cách đó hiện vẫn đang tiếp tục tồn tại ở Myanmar.

Văn học hiện đại của Myanmar vẫn nổi bật với các tác phẩm tôn giáo; đồng thời có nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, truyện thiếu nhi và tác phẩm dịch từ văn học nước ngoài. Các tiểu thuyết nổi tiếng chủ yếu là tiểu thuyết tình yêu lãng mạn và tiểu thuyết võ hiệp.

Các giải thưởng văn học của Myanmar được trao hàng năm. Nhiều nhà văn nổi tiếng là những viên chức hưu trí, một số đã và đang giảng dạy tại các trường đại học. Hầu hết các nhà văn đều coi viết văn là nghề tay trái, họ chỉ viết trong thời gian rảnh rỗi.

Văn học Myanmar chịu ảnh hưởng rất lớn của Phật giáo do Phật giáo chính thống cấm những câu chuyện hư cấu. Tuy vậy, quá trình thực dân hóa của Anh đã đem tới Myanmar nhiều thể loại truyện viễn tưởng rất phổ biến ngày nay. Thơ Myanmar rất độc đáo và có nhiều thể loại.

2. Nghệ thuật

2.1. Kịch truyền thống

Dân chúng Myanmar rất thích xem loại kịch dân gian gọi là Zat. Đó là những câu chuyện kể về tiền kiếp của Đức Phật và việc Ngài gặp các môn đệ, người thân và kẻ thù ra sao. Những câu chuyện này minh hoạ những hành động anh hùng, trí tuệ và lòng quả cảm của Đức Phật trước khi Ngài đạt tới giác ngộ. Vở kịch Zat thường được trình diễn suốt đêm, xen kẽ bằng những màn múa hát của các vũ công trên sân khấu hoặc các nhạc công ngồi sau sân khấu thể hiện.

  Zat được biểu diễn trong Zat-yone - một loại sân khấu rộng làm bằng tre hay đơn giản chỉ được quây bằng một tấm liếp tre. Khán giả ngồi trên những chiếc chiếu mang theo khi đi xem. Họ mang theo đồ ăn, thuốc lá rê và những thứ để nhai, hút cho trong khi xem. Zat thường bắt đầu vào khoảng nửa đêm và kết thúc vào lúc bình minh. Trước buổi biểu diễn là các màn nhảy múa của các vũ công.



Một loại ca kịch khác cũng rất nổi tiếng ở Myanmar là Yamazat - một phiên bản của sử thi Amayana theo kiểu Myanmar. Các diễn viên đeo mặt nạ thể thiện các nhân vật chính như anh em hoàng tử Yama và Lekkhana, công  chúa Thida, yêu tình, vua khỉ và lũ khỉ con.

Từ thế kỷ XVI,  sau khi vua Hsinbyushin chinh phục Thái Lan năm 1767, đưa về Myanmar nhiều nghệ sĩ, nhạc công người Thái, kịch truyền thống của Thái Lan cũng được du nhập vào Myanmar. Các vở kịch gọi là "Lakhonnai" – tiếng Thái nghĩa là "trong Hoàng cung" được sáng tác và trình diễn cho vua quan và các Tỉnh trưởng xem.

 Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, thể loại kịch truyền thống rất thịnh hành ở Myanmar. Đến thế kỷ XIX, kịch truyền thống đứng trước sự cạnh tranh của các loại nghệ thuật khác nhất là từ các nước Phương Tây.

2.2. Kịch rối

Kịch rối có từ thời thời vua Nga Sint Gu Min, vào giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII. Một viên quan đại thần chuyên lo việc giải trí cho Hoàng gia là U-Thaw, được coi là người khởi xướng ra thể loại kịch này. Trong xã hội phong kiến Myanmar, quan hệ xã  hội giữa nam và nữ bị hạn chế nghiêm ngặt ở nơi công cộng đã khiến việc dùng những con rối để thay cho các diễn viên trở nên thông dụng và kịch rối có cơ hội phát triển mạnh.

Việc sử dụng những con rối ở Myanmar đòi hỏi một kỹ năng điều khiển rất khéo léo, một số con rối có tới sáu sợi dây điều khiển. Một số con rối thậm chí có thể chớp mắt. Một vở kịch rối cần có tới hai mươi tám nhân vật: một ông vua, một bà lão, một hoàng tử, một công chúa, hai hoàng thần nhiếp chính (một người mặt đỏ một người mặt trắng), một thầy chiêm tình, một nhà ẩn dật, một Nat (hồn ma), một Mahadeva (vị thần), một ông lão, hai anh hề, hai tín đồ, một con ngựa, hai con voi (một con trắng một con đen), một con hổ, một con khỉ, hai con vẹt, một con rồng, một phù thuỷ và bốn trợ thủ. Các nghệ nhân múa rối điều khiển những con rối trong khi những người đàn ông và đàn bà giả tiếng của chúng và kể lại câu chuyện.

Kịch rối ngày nay hầu như đã biến mất ở Myanmar. Sự xuất hiện của các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác đã lôi kéo hết khán giả của kịch rối. Vì thế những nghệ nhân già khi qua đời đã không có người kế tục. Hiện nay kịch rối chỉ còn xuất hiện trong các lễ hội của một số ngôi chùa cổ ở Myanmar vào những dịp lễ hội lớn trong năm.

2.3. Múa

Nghệ thuật múa của Myanmar đã có từ thời đại tiền Phật giáo khi việc thờ cúng Nat luôn kèm theo việc nhảy múa. Các vũ điệu Myanmar rất sôi nổi và đòi hỏi người biểu diễn phải thực hiện những động tác rất khó, giống như làm xiếc. Các vũ điệu Myanmar rất đoan trang, trang phục cầu kỳ phủ kín người, các vũ công nam nữ không khi nào chạm vào người nhau. Thanh thiếu niên mới học sẽ được dạy múa Kabyalut - một vũ điệu truyền thống cơ bản của Myanmar.

Có một vũ điệu hết sức thú vị trong đó các vũ công làm những động tác như những con rối, chính vì thế mà người ta nói rằng vũ điệu của người Myanmar là sự bắt chước kịch rối - thể loại sân khấu đã có thời thay thế cho những vũ công thật.  Nữ vũ công chính mặc trang phục cung đình, áo khoác tay dài, vạt rộng thắt eo, Longyi dài phấp phới theo những bước chân. Vũ công nam chính  mặc trang phục Longyi lụa, áo khoác và chít khăn trắng có mẩu vải nhô ra như chiếc lá. Các vai múa khác gồm tiểu đồng, binh lính, Zawgyi (pháp sư) và Nat.

Yein - là vũ điệu nổi tiếng trong Lễ hội té nước hàng năm của Myanmar với các vũ công - thường là nữ, trang phục giống nhau và thực hiện những động tác đều như nhau.  Hnaparthwa là màn múa đôi hai nữ hoặc một nam một nữ. Lễ hội Múa voi được tổ chức tại vùng trung du và vùng núi với những vũ công đội những hình nộm voi làm bằng bìa, cót.

Điệu múa Anyein rất nổi tiếng là kết hợp điệu múa đơn với anh hề Lupyetxen vào chọc cười giữa màn diễn, châm chọc những sự kiện đương thời và những chủ đề khác, đôi khi rất tục tĩu. Khi anh hề biểu diễn thì cũng là lúc vũ công nghỉ ngơi hay thay trang phục. Đôi khi hai hay nhiều vũ công lần lượt biểu diễn. Toàn bộ điệu múa kéo dài trong khoảng hai giờ đồng hồ.

Nhiều điệu múa của các dân tộc thiểu số được biểu diễn với gươm giáo hay những loại trống lớn nhỏ. Các điệu múa của dân tộc thiểu số thường là các màn múa thành nhóm, trong đó các nam nữ thanh niên nhảy múa với nhau là điều rất hiếm thấy.

3. Âm nhạc

Dàn nhạc dân tộc cổ điển của Myanmar là một tổng hợp các nhạc cụ trống, cồng chiêng, chũm chọe, chuông, sáo và kèn, những âm thanh đó tạo thành một loại âm hưởng độc đáo chỉ Myanmar mới có.

Triều đại vua Hsinbyushin của Miến Điện khi xâm chiếm và thôn tính Thái Lan vào thế kỷ XVIII, đã bắt và đưa về Miến Điện nhiều nhạc công, vũ công, nhạc sĩ Xiêm. Văn hóa và âm nhạc Myanmar chịu ảnh hưởng mạnh từ những người Xiêm này. Loại vũ điệu và ca từ cổ điển được gọi 1à Yodaya, có nghĩa "của người Xiêm''. Ngày nay các nhạc cụ phương Tây như Violin, Piano, Mandolin, Guitar và Accordeon cũng tham gia vào dàn nhạc Myanmar.

Một dàn nhạc truyền thống của Myanmar thường bao gồm một bộ trống, một bộ cồng chiêng, nhiều chuông và những nhạc cụ hơi, gồm Hne - cho âm thanh rất cao, sáo và chũm chọe. Trong bộ trống, có một trống cái treo trên giá đỡ có hình rồng bay, chiêng và trống được trang trí bằng những đường viền sặc sỡ và vui mắt với những miếng kính và vàng khảm trên tang trống. Những chiếc trống này có thể tháo ra được để đem đi mọi nơi. Một bộ trống lớn có tới 21 chiếc, còn bộ trống nhỏ có 9 chiếc, bộ cồng gồm 19 chiếc. Đôi khi, thay cho bộ cồng là bộ chiêng tứ giác, nó gồm dàn chiêng treo trên một chiếc khung hình chữ nhật, thêm một vài chiếc chiêng tròn.

Trong các nghi lễ người ta dùng nhiều loại trống khác nhau, Sidaw -  trống đại - dùng trong những dịp lễ trọng đại, Ozl - trống có hình chiếc vò - và Dobat - trống cơm - dùng trong hội làng, Bonshay -  trống dài - và Bongyi - trống cái - dùng trong hội mùa và hội xuống đồng. Trống của người Miến có thể thay đổi được âm vực, người ta dính một nắm cơm nếp trộn với tro vào đáy trống khiến âm thanh của trống thay đổi. Một bộ trống cũng có thể chơi cả một bản nhạc bởi chúng có nhiều âm thanh cung bậc khác nhau.

Đàn Saung-gauk của Myanmar là loại đàn dân tộc nổi tiếng nhất có 13 dây, hình dáng giống như chiếc thuyền. Khi chơi đàn, nhạc công ngồi bệt dưới đất và giữ chiếc đàn trên đùi. Loại đàn này thường được đệm cho các bài hát cổ. Đàn Puttalar là một loại mộc cầm làm bằng các thanh tre hay thanh gỗ.



Các nhạc cụ của người dân tộc thiều số có nhiều loại với đủ mọi hình thù và vật liệu. Người Chin có một loại kèn giống như kèn Oboa, gọi là Buhne - một quả bầu có gắn một ống tre hay sậy. Bộ cồng chiêng của người Mon được treo trên giá đỡ hình móng ngựa. Sáo của người Kayah là những ống tre ngắn khác nhau kết lại thành hình tam giác…

4. Nhà hát  

Nhà hát phổ biển ở Myanmar được gọi là Pya-zat (Pya có nghĩa “buổi diễn” và Zat là “câu chuyện”). Pya-zat khá giống với một sân khấu nhạc hiện đại với rất nhiều cảnh trí đơn giản, nhưng không giống sân khấu ca nhạc phương Tây. Pya-zat không có những màn nhảy múa, ca hát mà thường là trình diễn những bài thơ và hát các bài tụng ca. Một buổi Pya-zat thường mở đầu bằng một màn kịch câm, giống như “phim câm” do các nghệ sĩ trình diễn ngay trên sân khấu. Loại kịch này rất được ưa chuộng trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai và sau ngày Độc lập của Myanmar. Tuy nhiên, từ cuối thập niên 1950 loại kịch này vắng dần khi các rạp chiếu bóng được dân chúng ưa chuộng hơn.

Năm 1943 một số nhà hát kiểu châu Âu được xây dựng tại Yangon. Trong thời gian từ giữa năm 1943 đến 1969 có trên 200 vở kịch đã được trình diễn ở các nhà hát này với dàn nhạc biểu diễn ở dưới sân khấu, trong đó có 180 vở là nhạc kịch. Hiện nay với sự hỗ trợ của nhà nước, thể loại kịch Pya-zat đang được hồi sinh, phục vụ  tất cả các tầng lớp dân chúng.

5. Hội họa    

            So với các lĩnh vực nghệ thuật khác, hội họa của Myanmar nổi trội hơn cả. Hội họa truyền thống của Myanmar hiện còn lưu lại những bức họa tuyệt đẹp về đức Phật cùng các môn đồ của Ngài và các bức họa về chùa chiền, tăng ni, lễ hội…

            Hội họa hiện đại của Myanmar cũng rất nổi tiếng với tranh thủy mạc, tranh sơn dầu; đặc biệt nhất là loại tranh sơn mầu được các nghệ nhân vẽ bằng dao trên mặt gỗ. Các tác phẩm hội họa của Myanmar được giới nghệ thuật quốc tế đánh giá cao và được bán với giá rất đắt.

6. Thủ công mỹ nghệ

Hiện nay, tại Myanmar các nghệ nhân và thợ thủ công vẫn có thể sống khá sung túc cho dù đất nước đang từng bước hướng tới công nghiệp hoá. Những nghề thủ công của Myanmar như xe tơ dệt vải, sơn mài, gia công vàng bạc, chạm gỗ, ngà voi, khảm trai, chạm đá, đóng thuyền du lịch, làm dù, đồ gốm v.v… vẫn rất hưng thịnh.

Đàn ông và phụ nữ trung niên Myanmar vẫn ưa mặc những tấm Longyi bằng vải lụa hay vải bông dệt tay cho dù lớp thanh niên trẻ thích mặc quần áo của Phương Tây hơn. Vùng Arakan nổi tiếng bởi nghề dệt Longyi những hoa văn Acheik gồm những đường xoắn đôi và xoắn ốc tuyệt đẹp. Vùng Mandalay, Amarapura và Moulmein cũng nổi tiếng về nghề dệt vải, còn Mudon ở gần Moulmein lại nổi tiếng về dệt chăn và khăn trải bàn. Những tấm Longyi bằng lụa được dệt ở Mandalay, Amarapura và Bang Shan với kiểu hoa văn được nhiều người ưa thích là Luntaya pha màu rực rỡ rất đẹp. Các sản phẩm dệt thủ công còn bao gồm khăn choàng và chăn ở Pakkoku - phía Bắc Myanmar và dệt địu của người Shan và Kachin. Địu của người Kachin dược dệt bằng khung cửi nằm, thao tác bằng chân.



Thảm thêu, gọi là Kalagar được du khách phương Tây rất ưa chuộng. Đó là những bức thêu trên nhung hay vải đính thêm hạt cườm. Những họa tiết truyền thống thường là hình vũ công, chim công, voi và các linh vật thần thoại.

Vàng thếp được sản xuất ở Mandalay được dùng để dát lên bề mặt các tháp chùa và tượng Phật như một hình thức thờ phụng.  Kim loại vàng được đặt giữa những tấm giấy bằng tre và dùng vồ gỗ đập cho đến khi vàng trở nên mỏng dính, rồi được cắt, gói và đem bán tại các sạp quanh đền chùa cho khách thập phương.

Phụ nữ Myanmar đeo đồ trang sức bằng vàng, đá quý, saphia, ruby… được coi là của để dành. Thành phố thị trấn nào cũng có hiệu kim hoàn, phụ nữ đến đó mua bán và tân trang lại đồ trang sức của mình theo mẫu mã mới hơn.

Đồ bạc mỹ nghệ của Myanmar rất nổi tiếng, phụ nữ Myanmar thường đeo thắt lưng, vòng cổ bằng bạc; chén bát, thìa dĩa bằng bạc thường được dùng trong các đám cưới và lễ tiệc.

Đồ gốm tại Myanmar gồm có gốm nung như chum, vại nước, nồi niêu, lọ hoa, và đồ sứ như bình nước, lọ hoa, thố và các loại đồ gốm mỹ nghệ  khác.

Đỗ thủ công mỹ nghệ phần lớn liên quan đến tôn giáo như tượng Phật bằng đá quý, gỗ, đồng hoặc bạc. Tượng đá được chế tác tại Mandalay, tượng đồng hay bạc được đúc tại Ywataung, gần Mandalay.

CCP



[1] Ví dụ:  Năm mới Âm lịch của Myanmar bắt đầu từ  ngày 13 tháng tư Dương lịch hàng năm . Tết tất niên là Tết té nước. Người Myanmar dùng 7 con Giáp: Phượng, Hổ, Nghê, Voi, Thỏ, Chuột, Rắn tượng trưng cho 7 ngày trong một tuần lễ. Ai sinh vào ngày thứ mấy trong tuần thì cầm tinh linh vật đó.

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...