Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Bảo sao Bắc Kinh không bài xích Đạt Lai Lạt Ma


Bảo sao Bắc Kinh không bài xích Đạt Lai Lạt Ma


Nhiều thập niên qua mình nghe, đọc khá nhiều về nhân vật này – Đạt Lai Lạt Ma. Đọc hay là nghe về một nhà tu hành nước ngoài, với đa số người Việt mình, cũng chỉ là sự biết mà “để đấy” thôi. Chứ một khi thiếu đi những kiến thức, những hiểu biết cần thiết khác về nhân thân và về giá trị, tầm trí tuệ của nhân vật đó thì bản thân chúng ta chưa thể định giá được nhân vật mà mình chỉ mới nghe thấy tên...   

Đúng là Ngài Đạt Lai Lạt Ma vừa là nhà tu hành, vừa có những hoạt động xã hội - chính trị rất nổi tiếng không chỉ trên dư luận mà còn là trong chính trường thế giới hiện đại.

Vậy thì một thái độ kính nhi viễn chi vẫn là cái cách ứng xử sát hợp nhất trong trường hợp này. Đó cũng là ứng xử và thái độ của người viết mấy dòng này…

Đổ lỗi cho bận rộn, lo công việc chung khi còn ngồi vào chiếc ghế công chức làm công ăn lương, nên một thái độ thụ động như đã nói trên kiacứ kéo dài cả mấy thập kỷ...

*

Ít năm nay về nghỉ hưu, có nhiều thì giờ để đọc và  ngẫm nghĩ hơn. Trong số kha khá những vấn đề lớn mà tôi quan tâm, có nhân vật tu hành kia. Bởi ông nguyên là con người có nguồn gốc Tây Tạng bên Trung Quốc, con dòng cháu giống (Đạt Lai Lạt Ma là một danh xưng cao quý và truyền đời), nhưng đã sớm phải buộc rời đất nước, đi tị nạn chính trị tại Ấn Độ ngay từ 1959, khi ông mới ….tuổi.

Phải chăng sự “tò mò” về Đạt Lai Lạt Ma còn tăng lên khi đã từ mấy chục năm qua, cứvmỗi khi nhà tu hành gốc Tây Tạng này có một hoạt động, hành động gì đó ở bất kỳ đâu trên thế giới, là truyền thông TQ, rồi giới chức chính trị TQ đều ngay lập tức phản ứng, lên án ở mức mạnh mẽ và dữ dội.

Đặc biệt là những chuyến thăm đến Mỹ và các nước Tây Âu tư bản chủ nghĩa của nhà tu hành Đạt Lai Lạt Ma đều dấy nên các cơn sóng gió chính trị và có ảnh hưởng đang kể đến quan hệ giữa nước đón tiếp và TQ.

Những điều trên chứng tỏ vị tu hành này là nhân vật công chúng, có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, chứ không phải sự đánh giá rất thiếu khách quan của chính quyền Bắc Kinh.

Tự thấy mình để tâm đến nhân vật này chắc không bao giờ là một việc thừa thãi và vô ích cả. Bởi tự bản thân những sự kiện diễn ra cũng như hiểu biết và kiến thức thu nhận được từ hoạt động của Đạt Lai Lạt Ma..., tất cả đều có giá trị thông tin sâu sắc, nó ảnh hưởng không nhỏ tới nền chính trị Bắc Kinh và phần còn lại của thế giới.

Dưới đây xin giới thiệu một số bài viết liên quan đến Đạt Lai Lạt Ma mà chủ blog tôi cho rằng có nhiều thông tin có ích cho những bạn muốn hiểu Tây Tạng, hiểu chính sách bài xích Đạt Lai Lạt Mà của Bắc Kinh và đạo Phật theo cách nhìn của bậc giáo chủ Đạt Lai Lạt Ma. 

Vệ Nhi


 ------


Tôn-giáo nào tốt nhất…?

Đây là một mẩu đối-thoại ngắn với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, nhà Thần-học người Brazil,

 Leonardo Boff kể lại :



 Tại một cuộc hội-thảo bàn tròn về “Tôn-giáo và tự-do” có Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và tôi cùng tham-dự. 
Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh-nghịch vừa tò-mò :

 - “Thưa ngài, tôn-giáo nào tốt nhất? ”

 Tôi nghĩ ngài sẽ nói:

 - “Phật-giáo Tây-tạng” hoặc

 “Các tôn-giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.
 Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trầm-ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi…
 Điều này làm tôi ngạc-nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

 Ngài trả lời:
 - “Tôn-giáo tốt nhất là tôn-giáo đưa anh đến gần Đấng tối-cao nhất. Là tôn-giáo biến anh
 thành con người tốt hơn”.

 Để giấu sự bối-rối của tôi trước 1 câu trả-lời đầy khôn-ngoan như thế, tôi hỏi:
 - “Cái gì làm tôi tốt hơn? ”

 Ngài trả lời:
 “Tất cả những gì làm anh :
 - Biết thương-cảm hơn
 - Biết theo lẽ-phải hơn
 - Biết từ-bỏ hơn
 - Biết dịu-dàng hơn
 - Biết nhân-hậu hơn
 - Có trách-nhiệm hơn
 - Có đạo-đức hơn”.
 - "Tôn-giáo nào biến anh thành như vậy, là tôn-giáo tốt nhất”.

Tôi thinh-lặng giây lát, lòng đầy thán-phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả-lời
 đầy khôn-ngoan và khó phản-bác , Ngài tiếp :

 - “Anh bạn tôi ơi! Tôi không quan-tâm đến tôn-giáo của anh hoặc anh có ngoan-đạo hay không
 . Điều thật-sự quan-trọng đối với tôi là cách cư-xử của anh đối-với người
 đồng-đẳng, gia-đình, công-việc, cộng-đồng và đối-với thế-giới .

 Hãy nhớ rằng vũ-trụ dội lại hành-động và
 tư-tưởng của chúng ta . Quy-luật của
 hành-động (Action) và phản-ứng (Reaction) không
 chỉ dành riêng cho vật-lý . Nó cũng được
 áp-dụng cho tương-quan con người.

 - Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành.

 - Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.

 - Những gì ông bà nói với chúng ta là sự-thật thuần-túy . Chúng ta luôn nhận được những gì
 chúng ta làm cho người khác . Hạnh-phúc không phải là vấn đề số-mệnh . Đó là vấn-đề lựa-chọn.”

 Cuối cùng ngài nói:

 - “Hãy suy-tư cẩn-thận vì Tư-tưởng sẽ biến-thành Lời-nói,
 -  Hãy ăn-nói cẩn-thận vì Lời-nói sẽ biến-thành Hành-động,
 -  Hãy hành-xử cẩn-thận vì Hành-động sẽ biến-thành Thói-quen,
 -  Hãy chú-trọng Thói-quen vì chúng hình-thành Nhân-cách,
 -  Hãy chú-trọng Nhân-cách vì nó hình-thành Số-mệnh,
 -  Và Số-mệnh của anh sẽ là Cuộc-đời của anh.

 và …
 - "Không có tôn-giáo nào cao-trọng hơn Sự-Thật."
Description: https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif
------








                                ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA LÀ AI?
Minh Tân dịch

Phật tử Tây Tạng tin rằng Đức Dalai Lama là hóa thân đời thứ 14 của vị Dalai Lama đầu tiên – một vị lãnh đạo tinh thần sinh năm 1351 và được cho là hóa thân của Bồ Tát Quán thế âm – vị bồ tát của từ bi và cứu khổ.
Tại sao chúng ta đặt câu hỏi lúc này?
Hàng chục người dân đã chết trong các cuộc biểu tình chống sự cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng. Người Tây Tạng trên đường phố thủ phủ Lhasa đã đốt cháy các cửa hiệu kinh doanh của người Hán và tập phá các tòa nhà của chính quyền. Các cuộc biểu tình bắt đầu khi tu sĩ Phật giáo tuần hành từ các tu viện vào ngày 10 tháng 3 để kỷ niệm 49 năm ngày phong trào chống lại sự cai trị của Trung Quốc thất bại năm 1959. 
Một số người biểu tình đã bị bắt, và khi tin tức được toan tải, người Tây Tạng ở Trung Quốc, Nepal và Ấn độ cũng đã xuống đường
Người Tây Tạng biểu tình vì điều gì?


 
Hơn 1 phần 6 trong số 6 triệu dân Tây Tạng đã chết khi người Trung Quốc xâm lược Tây Tạng năm 1950 với lý do Tây Tạng đã chính thức là một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ thế kỷ 13. Người Tây Tạng bác bỏ khi cho rằng mảnh đất của họ là một vương quốc độc lập từ nhiều thế kỷ dưới sự đứng đầu của các vị Dalai Lama từ thế kỷ 17. Tây Tạng tự tuyên bố độc lập từ năm 1912 và được tự trị cho đến cuộc xâm lược năm 1950 – một sự kiện vẫn còn gây đau đớn trong lòng người dân Tây Tạng
Trong những năm đầu, chính quyền Trung Quốc duy trì sự kiểm soát bằng vũ lực. Quân đội đối xử với người địa phương rất mạnh tay. Văn hóa Tây Tạng bị hạn chế tối đa, các tu viện phải đóng cửa và ngôn ngữ địa phương bị đưa ra khỏi trường đại học. 
Gần đây, Bắc Kinh nỗ lực bình định Tây Tạng bằng cách đưa số lượng lớn người Hán đến đây, và đưa sắc dân này từ thiểu số lên đa số ngay tại chính vùng đất của người Tây Tạng. Người Tây Tạng bực bội với những người Hán di cư vì cho rằng người Hán đã lấy hết những chỗ làm tốt nhất. 
Người Tây Tạng cũng phàn nàn rằng vùng đất của họ bị tụt lại phía sau sự bùng nổ kinh tế trong đó người Hán được hưởng lợi, và người Tây Tạng đang phải chịu hậu quả của tình trạng lạm phát gia tăng. Đức Dalai Lama đã nói đến “sự phá hoại văn hóa – và bác bỏ rằng người Tây Tạng được bình đẳng về kinh tế và xã hội trên mảnh đất của mình". 
Đức Dalai Lama là ai?
Phật tử Tây Tạng tin rằng Ngài là hóa thân đời thứ 14 của vị Dalai Lama đầu tiên – một vị lãnh đạo tinh thần sinh năm 1351 và được cho là hóa thân của Bồ Tát Quán thế âm – vị bồ tát của từ bi và cứu khổ. 
Vị Dalai Lama hiện nay được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo trong một ngôi làng nhỏ ở phía đông bắc Tây Tạng năm 1935. Khi lên ba tuổi, các tu sĩ đến gặp và chỉ định cậu là hóa thân của Đức Dalai Lama 13, người đã viên tịch trước đó 4 năm.
Năm 1950, vào tuổi 15, Ngài đảm nhận vị trí lãnh đạo thế tục của Tây Tạng đúng lúc Trung Quốc xâm lược. 7 năm sau, Ngài trốn thoát và thành lập chính phủ lưu vong tại Dharamsala, phía bắc Ấn Độ. Cùng lúc đó, một phái đoàn Tây Tạng được triệu đến Bắc Kinh để ký văn bản từ bỏ nền độc lập của Tây Tạng.
Vậy Ngài là lãnh đạo tôn giáo hay lãnh đạo chính trị?
Cả hai. 6 triệu Phật tử Tây Tạng trong đợi Ngài hướng dẫn về tôn giáo, nhưng ngài cũng là lãnh đạo của 100.000 người Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ và cũng là người tị nạn chính trị nổi bật nhất trên thế giới. 
Từ khi trốn khỏi Tây Tạng, Ngài đã cống hiến cho mảnh đất quê hương, nhưng luôn nhấn mạnh sự cần thiết của bất bạo động – lý do ngài đã đạt giải Nobel Hòa bình năm 1989.
Đức Dalai Lama có những bước đi rất cẩn thận để đảm bảo Ngài là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhưng cũng là một nhà chính trị đầy nghệ thuật. Ngài đã đưa ra hướng đi “trung đạo” để giải quyết vấn đề Tây Tạng – tự trị cho Tây Tạng trong lòng Trung Quốc. 
Ngài ứng xử với người Tây Tạng và người Phương Tây khác nhau. Với người người Tây Tạng, giống như các vị Dalai Lama trước đây, Ngài chỉ rõ họ cần phải làm gì. Còn đối với người Phương Tây, Ngài không hành xử như một lãnh đạo tôn giáo mà là một nhân vật hòa đồng để chia sẻ kinh nghiệm tu tập Phật giáo của riêng mình. 
Ngài là người nhiệt tình và hài hước. Thông điệp của ngài mang tính trung dung. Khi nói chuyện với người Phương Tây, Ngài thường cảnh báo họ rằng “khi bạn quan tâm đến tôn giáo cũng có nghĩa là bạn phải liên quan đến chính trị”.
Vì sao Ngài nổi tiếng?
Đức Dalai Lama là nhân vật đã đưa đạo Phật đến Hollywood. Đạo Phật là tôn giáo Phương Đông phát triển nhanh nhất ở Phương Tây. Theo đạo Phật, nhất là tập thiền đang là một trào lưu thịnh hành trong các tầng lớp xã hội thế tục, nhất là giới trung lưu vì đạo Phật khuyến khích sự khám phá hơn là niềm tin thần quyền. 
Mặc dù vậy, Ngài không phải là người đi cải đạo người khác. Ngài khuyến khích mọi người nhìn sâu vào truyền thống văn hóa tâm linh của chính mình. Tuy thế, với sức hút và sự khoan dung, Ngài trở thành một trong những nhân vật tôn giáo nổi tiếng nhất hiện nay.
Nếu ngài chủ trương bất bạo động, tại sao những người theo Ngài lại gây bạo lực?
Bởi vì rất nhiều thanh niên Tây Tạng đang mất kiên nhẫn và không ủng hộ chủ trương hòa bình của Ngài. Đồng thời, sự áp chế của Trung Quốc cũng là nguyên nhân gây bạo động, tuy nhiên mục tiêu hướng đến của các thanh niên này là tài sản hơn là người dân. 
Dù vậy, Đức Dalai Lama cũng tuyên bố các sự kiện xảy ra ở Tây Tạng nằm ngoài tầm kiểm soát của Ngài và Ngài sẽ từ chức nếu bạo lực ở Tây Tạng trầm trọng hơn.
Chính quyền Trung Quốc đáp trả thế nào?
Bằng bạo lực. Ước đoán có hàng chục người chết, trong đó có cả những người bị lực lượng an ninh bắn chết ở tỉnh Tây Bắc Gansu. Chính quyền Bắc Kinh đổ tội cho Đức Dalai Lama và nói “bọn phá phách Tây Tạng” đã giết 13 “người Trung Quốc vô tội". Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói: có bằng chứng biến “cố này do bè lũ Dalai tổ chức, lập kế hoạch, điều khiển và xúi giục".
Đức Dalai Lama có phải trịu trách nhiệm về bạo lực ở Tây Tạng?
Có...
* Phong trào đòi tự trị cho Tây Tạng của Ngài, với tư cách là một thực tế chính trị, đã làm thất vọng người dân Tây Tạng biểu tình
* Chính phủ Trung Quốc tuyên bố có bằng chứng bạo loạn ‘được dự trù và xúi giục bở bè lũ Dalai'
* Dù trên lời nói, Ngài là một nhân vật hòa bình, nhưng hành động cho thấy Ngài là một nhà chính trị đầy quyền xảo
Không...
* Ngài suốt đời cam kết hòa bình, và chỉ chấp nhận biểu tình nhân danh Ngài nếu là bất bạo lực
* Lần nữa, giới chức Trung Quốc lại gửi quân đội có vũ trang đến để ứng phó với thường dân không có vũ trang
* Chính sách di cư tràn ngập người Trung Quốc đến Tây Tạng là nguyên nhân thực sự dẫn đến sự bất mãn sâu sắc trong lòng người dân Tây Tạng.

Minh Tân (dịch) (Theo The Independent)




50 DANH NGÔN CỦA ĐỨC DALAI LAMA 14 
Thích Nhật Từ sưu tầm và dịch

thichnhattu_dalialama_in_dharamsala_02Trong thời gian làm trưởng Ban tổ chức Pháp hội đức Dalai Lama 14 thuyết giảng cho cộng đồng Việt Nam tại Tu viện Namgyal, Dharmasala, Ấn Độ, từ ngày 1-3/7/2013, tôi có cơ hội đọc các danh ngôn của đức Dalai Lama được viết thành thư pháp trong Phòng phát hành của tu viện. Tìm thêm trên trang Wikiquote và Ineedmotivation.com, tôi tuyển chọn thêm, phân loại và dịch sát nghĩa 50 câu danh ngôn dưới đây. Hy vọng, các danh ngôn này soi sáng và giúp chúng ta sống hạnh phúc bây giờ và tại đây.

TRIẾT LÝ SỐNG BÌNH DỊ
1- Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn. Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta (Happiness is not something ready-made. It comes from your own actions).
2- Nếu có thể, hãy giúp người khác. Nếu không có thể thì ít nhất không nên hại ai (If you can, help others; if you cannot do that, at least do not harm them).
3- Nếu bạn muốn người khác được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi. Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy thực tập từ bi (If you want others to be happy, practice compassion. If you want to be happy, practice compassion).
4- Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi là sự tử tế (My religion is very simple. My religion is kindness).
5- Hãy nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt vời (Remember that not getting what you want is sometimes a wonderful stroke of luck).
6- Thẩm quyền tuyệt đối luôn dựa vào lý trí và sự phân tích nghiêm túc (The ultimate authority must always rest with the individual’s own reason and critical analysis).
7- Chúng ta có thể sống thiếu tôn giáo và thiền định, nhưng chúng ta không thể tồn tại nếu không có tình người (We can live without religion and meditation, but we cannot survive without human affection).
8- Chúng ta không bao giờ đạt được hòa bình trên thế giới, ngoại trừ chúng ta phải thực sự có hòa bình trong chính mình (We can never obtain peace in the outer world until we make peace with ourselves).
9- Hãy trở nên tử tế bất cứ khi nào có thể. Trên thực tế, ai cũng có thể trở nên tử tế (Be kind whenever possible. It is always possible).
10- Nếu bạn có sợ hãi về nỗi khổ niềm đau, bạn nên quan sát xem bạn có thể làm được gì với nó. Nếu bạn có thể, không có gì phải lo lắng về nó. Nếu bạn không thể làm được, lại càng không nên lo lắng về nó (If you have fear of some pain or suffering, you should examine whether there is anything you can do about it. If you can, there is no need to worry about it; if you cannot do anything, then there is also no need to worry).

LỜI VÀNG
11- Nếu không yêu thương chính mình, bạn không thể yêu thương người khác. Nếu bạn không có từ bi đối với mình, bạn không thể phát triển lòng từ bi đối với người khác. (If you don’t love yourself, you cannot love others. If you have no compassion for yourself then you are not able of developing compassion for others).
12- Tiềm năng con người vốn bằng nhau ở mỗi người. Cảm giác: “tôi không có giá trị” là sai lầm. Hoàn toàn sai lầm. Bạn đang lừa dối chính mình. Chúng ta có năng lực tư duy, do vậy, thử hỏi ta thiếu cái gì đây? Nếu ta có năng lực ý chí, bạn có thể thay đổi mọi thứ. Bạn có thể nói rằng: “Bạn là chủ nhân của chính bạn.” (Human potential is the same for all. Your feeling, “I am of no value”, is wrong. Absolutely wrong. You are deceiving yourself. We all have the power of thought – so what are you lacking? If you have willpower, then you can change anything. It is usually said that you are your own master).
13- Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại. (We must recognize that the suffering of one person or one nation is the suffering of humanity. That the happiness of one person or nation is the happiness of humanity).
14- Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời, bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác. (Through violence, you may ‘solve’ one problem, but you sow the seeds for another).
15- Khi con người còn sống, chúng ta phải nghĩ đến các thế hệ tương lai: Một môi trường sạch được xem là nhân quyền giống như bao quyền khác. Vì vậy, một phần trách nhiệm của chúng ta về người khác là đảm bảo rằng thế giới mà ta đang sống là khỏe mạnh, nếu không nói là khỏe mạnh hơn cái ta đã thấy (As people alive today, we must consider future generations: a clean environment is a human right like any other. It is therefore part of our responsibility toward others to ensure that the world we pass on is as healthy, if not healthier, than we found it).
16- Danh ngôn Tây Tạng có câu: “Bi kịch nên được sử dụng như nguồn sức mạnh”. Bất luận là khó khăn nào, kinh nghiệm đau khổ ra sao, nếu chúng ta đánh mất hy vọng thì đó là thảm họa đích thực (There is a saying in Tibetan, “Tragedy should be utilized as a source of strength.”No matter what sort of difficulties, how painful experience is, if we lose our hope, that’s our real disaster).
17- Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là con người hay con vật, là để cống hiến, theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới (The creatures that inhabit this earth-be they human beings or animals-are here to contribute, each in its own particular way, to the beauty and prosperity of the world).
18- Cái muỗng không thể nếm được vị của thức ăn mà nó chứa đựng. Tương tự, người ngu không thể hiểu được trí tuệ của người khôn, dù cho có thân cận bậc thánh (A spoon cannot taste of the food it carries. Likewise, a foolish man cannot understand the wise man´s wisdom even if he associates with a sage).
19- Trong cuộc chiến vì tự do, chân lý là vũ khí duy nhất mà chúng ta sở hữu (In our struggle for freedom, truth is the only weapon we possess).
20. Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực ra là biểu hiện của sức mạnh (Compassion and tolerance are not a sign of weakness, but a sign of strength).

HÃY TẬN HƯỞNG HẠNH PHÚC
21. Mỗi ngày, khi thức dậy, bạn hãy nghĩ rằng hôm nay tôi may mắn còn sống, tôi có cuộc sống con người quý giá, tôi sẽ không phí phạm cuộc sống này (Everyday, think as you wake up, today I am fortunate to be alive, I have a precious human life, I am not going to waste it).
22. Tâm con người giống như sự nhảy dù. Nó chỉ trở nên tốt đẹp nhất khi nó ở trạng thái mở bung ra (The mind is like a parachute. It works best when it’s open).
23. Nếu bạn nghĩ rằng bạn quá nhỏ bé để tạo ra sự khác biệt, hãy thử ngủ với loài muỗi [rồi bạn sẽ biết] (If you think you are too small to make a difference, try sleeping with a mosquito).
24. Cần ghi nhận rằng tình thương vĩ đại và các thành tựu to lớn thường dính líu đến các rũi ro lớn (Take into account that great love and great achievements involve great risk).
25. Hãy dang tay ra để thay đổi nhưng nhớ đừng làm tuột mất các giá trị mà bạn có (Open your arms to change but don’t let go of your values).
26. Hãy nhớ rằng im lặng, thi thoảng, là câu trả lời tốt nhất (Remember that silence is sometimes the best answer).
27. Hạnh phúc con người và sự thỏa mãn con người cần phải phát xuất từ chính mình. Sẽ là một sai lầm nếu ta mong mỏi các thỏa mãn cuối cùng đến từ tiền bạc hoặc từ máy vi tính (Human happiness and human satisfaction must ultimately come from within oneself. It is wrong to expect some final satisfaction to come from money or from a computer).
28. Thật cần thiết trong việc phát khởi thiện chí và thái độ tốt, càng nhiều càng tốt. Với thiện chí và thái độ tốt, hạnh phúc, ngắn hạn và dài hạn, cho chính ta và tha nhân sẽ hiện hữu (It is very important to generate a good attitude, a good heart, as much as possible. From this, happiness in both the short term and the long term for both yourself and others will come).
29. Chúng ta cần hơn một chút nữa từ bi. Nếu chúng ta không thể có từ bi thì không có chính trị gia hay ảo thuật gia nào có thể cứu nguy hành tinh này (We need a little more compassion, and if we cannot have it then no politician or even a magician can save the planet).
30. Giới truyền thông cần có các lỗ mũi dài như con voi để ngửi thấy các chính trị gia, thị trưởng, thủ tướng và nhà kinh doanh. Chúng ta cần biết thực tại, cái tốt lẫn cái xấu, không đơn thuần chỉ là các biểu hiện bên ngoài (Media people should have long noses like an elephant to smell out politicians, mayors, prime ministers and businessmen. We need to know the reality, the good and the bad, not just the appearance).

VÌ MỘT THẾ GIỚI AN BÌNH
31. Tha thứ không có nghĩa là quên đi tất cả những gì đã xảy ra. Nếu điều gì đó xảy ra quá nghiêm trọng thì bạn cần phải tiến hành các biện pháp đối phó. Bạn cần có các biện pháp đối phó (Forgiveness doesn't mean forget what happened. … If something is serious and it is necessary to take counter-measures, you have to take counter-measures).
32. Hạnh phúc đích thực có được từ sự biết hài lòng và hòa bình nội tại. Sự hài lòng và hòa bình nội tại chỉ có thể đạt được thông qua sự phát triển tinh thần vị tha về tình thương, từ bi và sự diệt trừ vô minh, ích kỷ và tham lam (True happiness comes from a sense of inner peace and contentment, which in turn must be achieved through the cultivation of altruism, of love and compassion and elimination of ignorance, selfishness and greed).
33. Đã đến lúc cần giáo dục quần chúng ngừng lại các tranh cãi dưới danh nghĩa tôn giáo, văn hóa, quốc gia và các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau. Đấu tranh như thế là vô dụng và tự tử (The time has come to educate people, to cease all quarrels in the name of religion, culture, countries, different political or economic systems. Fighting is useless. Suicide).
34. Tôn giáo không có nghĩa là giới điều, đền miếu, tu viện hay các dấu hiệu bên ngoài, vì chúng chỉ là các yếu tố hỗ trợ trong việc điều trị tâm. Khi tâm trở thành sự thực tập, mỗi người mới thực sự là một hành giả tôn giáo (Religion does not mean just precepts, a temple, monastery, or other external signs, for these are subsidiary factors in taming the mind. When the mind becomes the practices, one is a practitioner of religion).
35. Tôi cảm nhận rằng tinh hoa của thực tập tâm linh là thái độ của ta đối với tha nhân. Khi bạn có động cơ chân thành và trong sáng, lúc ấy bạn sẽ có thái độ đúng với tha nhân, trên nền tảng từ bi, tình thương và sự tôn trọng. Thực tập Phật pháp] sẽ mang lại cho bạn sự nhận thức rõ ràng về tính chân như của mỗi con người và tầm quan trọng của người khác, làm lợi lạc bởi các hành vi của bạn (I feel that the essence of spiritual practice is your attitude toward others. When you have a pure, sincere motivation, then you have right attitude toward others based on kindness, compassion, love and respect. Dharma Practice brings the clear realisation of the oneness of all human beings and the importance of others benefiting by your actions).
36. Tâm bồ-đề là dược liệu, có khả năng làm mới và cung cấp sự sống cho mỗi chúng sanh, những ai chỉ cần nghe đến nó. Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, lúc ấy các nhu cầu của bạn đang được hoàn thiện như một phó phẩm (Bodhicitta is the medicine which revives and gives life to every sentient being who even hears of it. When you engage in fulfilling the needs of others, your own needs are fulfilled as a by-product).
37. Từ bi không phải là một phản ứng cảm xúc, mà là sự cam kết chắc chắn được xây dựng trên lý trí. Do vậy, thái độ từ bi thực sự đối với tha nhân sẽ không thay đổi, ngay cả trong tình huống bị người khác ứng xử tiêu cực. Từ bi đích thực không dựa trên các đề án hay sự mong đợi, mà thực ra là dựa trên nhu cầu của tha nhân (Compassion is not just an emotional response but a firm commitment founded on reason. Therefore, a truly compassionate attitude towards others does not change even if they behave negatively. Genuine compassion is based not on our own projections and expectations, but rather on the needs of the other...).
38. Các vấn nạn chúng ta đối diện ngày nay như xung đột bạo lực, sự hủy hoại thiên nhiên, nghèo đói v.v... đều là các vấn nạn do chính con người gây ra. Các vấn nạn cần được giải quyết bằng sự hiểu biết và nỗ lực của con người, cũng như sự phát triển ý thức về tình huynh đệ. Chúng ta cần phát huy tính trách nhiệm phổ quát vì nhau và vì hành tinh mà chúng ta đang chia sẻ (The problems we face today, violent conflicts, destruction of nature, poverty, hunger, and so on, are human-created problems which can be resolved through human effort, understanding and the development of a sense of brotherhood and sisterhood. We need to cultivate a universal responsibility for one another and the planet we share).
39. Vì chúng ta chia sẻ hành tinh nhỏ bé này, chúng ta phải học cách sống hài hòa và hòa bình, vì nhau và vì thiên nhiên. Đó không phải là giấc mơ, mà là sự cần thiết. Chúng ta tương thuộc nhau bằng nhiều cách. Chúng ta đã không thể sống trong cộng đồng cô lập và không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ngoài cộng đồng. Chúng ta nên chia sẻ các may mắn mà chúng ta đang hưởng được (Because we all share this small planet earth, we have to learn to live in harmony and peace with each other and with nature. That is not just a dream, but a necessity. We are dependent on each other in so many ways, that we can no longer live in isolated communities and ignore what is happening outside those communities, and we must share the good fortune that we enjoy).
40. Mặc dù tôi nhận ra rằng đạo Phật của tôi [có giá trị] giúp ta phát khởi tâm từ bi, ngay cả đối với những ai chúng ta xem là kẻ thù, tôi tin chắc rằng mọi người có thể phát triển thiện chí và ý thức trách nhiệm phổ quát, cùng với hay không cùng với tôn giáo (Although I have found my own Buddhist religion helpful in generating love and compassion, even for those we consider our enemies, I am convinced that everyone can develop a good heart and a sense of universal responsibility with or without religion).








TÔN GIÁO VÀ THẾ GIỚI CỦA TÔI
41. Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần tu viện; không cần triết học phức tạp. Bộ não và trái tim của chúng ta là chùa chiền của chúng ta; triết học là lòng tử tế (This is my simple religion. There is no need for temples; no need for complicated philosophy. Our own brain, our own heart is our temple; the philosophy is kindness).
42. Từ một góc nhìn, Phật giáo là một tôn giáo. Từ phương diện khác, Phật giáo là khoa học về tâm và không phải là tôn giáo. Phật giáo có thể là cây cầu giữa hai phương diện vừa nêu (From one viewpoint, Buddhism is a religion, from another viewpoint Buddhism is a science of mind and not a religion. Buddhism can be a bridge between these two sides).
43. Tôi không muốn cải đạo người khác theo đạo Phật. Tất cả các tôn giáo lớn, khi hiểu một cách đúng đắn, đều có tiềm năng phục vụ cái tốt (I don't want to convert people to Buddhism — all major religions, when understood properly, have the same potential for good).
44. Năm tháng trôi đi, càng ngày tôi càng tin rằng, bỏ qua các dị biệt về triết lý, các tôn giáo có thể làm việc cùng nhau. Mỗi tôn giáo đều nhắm tới việc phục vụ nhân sinh. Vì thế, các tôn giáo khác nhau có thể làm việc cùng nhau để phục vụ nhân loại và đóng góp cho hòa bình thế giới (As time passes I have firmed my conviction that all religions can work together despite fundamental differences in philosophy. Every religion aims at serving humanity. Therefore, it is possible for the various religions to work together to serve humanity and contribute to world peace).
45. Các bạn cũ ra đi, các bạn mới xuất hiện. Cũng giống như ngày tháng. Khi ngày cũ trôi qua, ngày mới lại đến. Điều quan trọng là hãy làm cho mọi thứ có ý nghĩa: một người bạn có ý nghĩa, hoặc một ngày có ý nghĩa (Old friends pass away, new friends appear. It is just like the days. An old day passes, a new day arrives. The important thing is to make it meaningful: a meaningful friend — or a meaningful day).
46. Giúp đỡ tha nhân là cần thiết, không chỉ trong thời khóa cầu nguyện của ta, mà phải trong đời sống thường nhật. Khi ta nhận chân rằng chúng ta không thể giúp người khác thì điều tối thiểu ta có thể làm là dừng ngay các hành động thương tổn họ (It is necessary to help others, not only in our prayers, but in our daily lives. If we find we cannot help others, the least we can do is to desist from harming them).
47. Chúng ta cần tự phê bình. [Chẳng hạn như] tôi đã làm được gì trong việc vượt qua giận dữ, chấp dính, hận thù, hãnh diện và ganh tỵ? Đây là những điều chúng ta cần kiểm tra trong đời sống thường nhật bằng kiến thức của lời Phật dạy (We must criticize ourselves. How much am I doing about my anger? About my attachment, about my hatred, about my pride, my jealousy? These are the things which we must check in daily life with the knowledge of the Buddhist teachings).
48. Chủ nghĩa cực đoan là kinh hãi vì nó dựa trên cảm xúc thuần túy, hơn là sự thông minh. Nó ngăn tín đồ không thể suy tư với tư cách là các cá nhân và không vì lợi ích của thế giới (Fundamentalism is terrifying because it is based purely on emotion, rather than intelligence. It prevents followers from thinking as individuals and about the good of the world).
49. Ngày nay, chúng ta thực sự là một gia đình toàn cầu. Những gì xảy ra trong một phần của thế giới có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Điều này dĩ nhiên không chỉ đúng với sự việc tiêu cực, mà còn đúng cả với các phát triển tích cực (Today, we are truly a global family. What happens in one part of the world may affect us all. This, of course, is not only true of the negative things that happen, but is equally valid for the positive developments).
50. Ngày nay, chúng ta đối diện với nhiều vấn nạn. Vài vấn nạn do chính chúng ta tạo ra, do các phân biệt về ý thức hệ, tôn giáo, sắc tộc, tình trạng kinh tế, hoặc do các yếu tố khác. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ dưới góc độ sâu sắc hơn, dưới lăng kính con người, và từ góc độ này, chúng ta nên ghi nhận và tôn trọng tính tương đồng của người khác với tư cách là nhân loại (Today we face many problems. Some are created essentially by ourselves based on divisions due to ideology, religion, race, economic status, or other factors. Therefore, the time has come for us to think on a deeper level, on the human level, and from that level we should appreciate and respect the sameness of others as human beings).


-------

Người Việt ở Mỹ chào đón Đạt Lai Lạt Ma

 

(NLĐO) – Hàng ngàn người, trong đó có nhiều Phật tử gốc Việt Nam, đổ xô đến khu Little Saigon, miền Nam California - Mỹ để chào đón Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của Phật giáo Tây Tạng. 

Buổi diễn thuyết của Đạt Lai Lạt Ma, 80 tuổi, ở chùa Điều Ngự nằm trong khu Little Saigon hôm 18-6 (giờ địa phương) đã thu hút rất đông Phật tử đến tham dự, theo đài VOA

Cô Annie Hoang, người Mỹ gốc Việt, có mặt từ sáng sớm để không bỏ lỡ những thông điệp của vị lãnh tụ Phật giáo đáng kính. Hoang nói với giọng háo hức: “Tôi yêu Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi nghĩ rằng ngài ấy là một người sáng suốt, đại diện cho một kho tàng kiến thức khổng lồ”
.
Long Bui, học sinh trường trung học Marina ở Huntington Beach, kể với tờ Los Angeles Times rằng "không ngờ Đạt Lai Lạt Ma lại giản dị như thế". Cậu đến chùa với mẹ nhưng sau đó tách ra để chọn vị trí thuận tiện có thể nhìn rõ Đạt Lai Lạt Ma bằng xương bằng thịt.

Hàng ngàn người đổ về chùa Điều Ngự hôm 18-6. Ảnh: VOA NEWS
Hàng ngàn người đổ về chùa Điều Ngự hôm 18-6. Ảnh: VOA NEWS

Còn Tuy Suong Nguyen thì cảm động khi được tham gia buổi diễn thuyết của nhân vật mà cô đã đọc rất nhiều sách của ông: “Những gì ngài ấy nói đều thấm vào tâm hồn tôi”.

Trong khi đó, Uyen Thy Nguyen, chủ sở hữu tiệm bánh Corner View trên đường Bolsa, khu Little Saigon, lại cảm thấy may mắn và vinh dự khi được phục vụ cho các khách mời được ăn trưa với Đạt Lai Lạt Ma.

Nguyen và các đồng nghiệp đã làm một chiếc bánh hình hoa sen đủ cho 500 người ăn. “Trong cuộc đời, không dễ có cơ hội làm một cái gì đó cho ngài. Đường phố Little Saigon vắng vẻ vì tất cả mọi người đều ở đây” – Nguyen nói.

Riêng ông Bao Nguyen, thị trưởng TP Garden Grove thuộc quận Cam, nói ông ngưỡng mộ tình yêu và lòng trắc ẩn mà Đạt Lai Lạt Ma dành cho con người. "Tôi như thấy một con đường mới hướng tới hòa bình và tình yêu. Ngài cũng rất hài hước và dễ gần".

Theo báo Los Angles Times, đài phát thanh Việt ngữ ở địa phương đã tường thuật trực tiếp sự kiện với sự tham gia của ước tính hơn 6.000 người này. Nhiều Phật tử xếp hàng chờ trước cổng chùa Điều Ngự từ 2-3 giờ sáng.

Jessica Ha rất vui khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến dự lễ khánh thành chùa Điều Ngự. Ảnh: VOA NEWS
Jessica Ha rất vui khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến dự lễ khánh thành chùa Điều Ngự. Ảnh: VOA NEWS


Đức Đạt Lai Lạt Ma tại chùa Điều Ngự. Ảnh: LOS ANGELES TIMES
Đức Đạt Lai Lạt Ma tại chùa Điều Ngự. Ảnh: LOS ANGELES TIMES

Chùa Điều Ngự được xây dựng ở khu Little Saigon từ năm 2008, sau đó chuyển đến địa điểm mới. Chùa mới được xây dựng theo kiến trúc ngôi chùa cũ, với chi phí quyên góp là 6 triệu USD.
Trụ trì chùa Điều Ngự, Thich Vien Ly, đã đến Ấn Độ gặp Đạt Lai Lạt Ma vào năm ngoài và mời ngài đến Little Saigon tham dự lễ khánh thành chùa mới vào ngày 19-6.
Trong bài phát biểu lễ khánh thành chùa Điều Ngự hôm 19-6, vị lãnh tụ Phật giáo Tây Tạng cho rằng lòng từ bi và hòa hợp tôn giáo là những thứ rất cần thiết tại thời điểm bạo lực và xung đột tràn lan như hiện nay.

Ông kêu gọi các Phật tử hãy thể hiện lòng từ bi “ngay từ bây giờ” để mang lại hòa bình cho thế giới. “Nếu chúng ta làm thế, có thể hy vọng phần còn lại của thế kỷ này được hòa bình. Bạo lực không phải do vũ khí gây ra, mà là do từ tâm phát ra. Giải trừ vũ khí bên ngoài chỉ có thể đạt được nếu giải trừ vũ khí trong tâm" - Đạt Lai Lạt Ma nói.

Không chỉ dừng lại ở lời nói, Đức Đạt Lai Lạt Ma còn thể hiện bằng hành động khi nhắc các Phật tử ngồi dưới nắng lấy mũ hoặc khăn che đầu.

Ông đề nghị nhân viên bảo vệ không đẩy những người muốn lại gần mình, đồng thời chụp hình trên điện thoại của những Phật tử tham dự. Ông cũng mời một người đàn ông lớn tuổi phải chống nạng lên sân khấu để ban phước lành.

Thượng nghị sĩ Janet Nguyen cho biết Đạt Lai Lạt Ma dự kiến có bài phát biểu trước nghị viện bang California vào ngày 20-6 (giờ địa phương).



Trung Quốc lại đe Mỹ

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18-6, Ngoại trưởng Trung
Quốc Vương Nghị nói Mỹ không nênn can thiệp vào nội bộ Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Kerry tái khẳng định rằng không hề có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ về Tây Tạng, tức đây vẫn là vùng đất thuộc Trung Quốc và Mỹ không ủng hộ Tây Tạng độc lập.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.



Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...