Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Học hay không học tiếng Hán


Chuyện học tiếng Hán, chữ Hán (Hán văn) rộ lên khá nóng và những ý kiến đóng góp gay gắt là có những yếu tố “ngoại” ngôn ngữ xen vào. Những dòng viết dưới đây tôi không nói tới ý “ngoại”ngôn ngữ kia. Chắc phải là dịp khác.

Dưới đây tôi chỉ thuần túy nói về chủ đề chính yếu mà nhiều stt trên mạng đã và đang đề cập.

Tôi muốn đi thẳng vào vấn đề, là có nên/cần/phải học Hán văn để cứu vãn tiếng Việt không trong sáng (hay đang đe dọa không trong sáng nữa) hay không? Nhất là điều đó một vị PGS-TS gần đây đã nghiêm túc nêu lên công luận - do báo chính thống đăng - là cho học sinh học Hán văn (từ cấp tiểu học trở lên).

Xin trả lời ngay, theo ý kiến cá nhân tôi - tự nhận là một người có kiến văn kha khá về Hoa văn, Hán ngữ (1) – tôi vẫn cho là không cần. Đành rằng trong kho từ vựng tiếng Việt có rất, rất nhiều từ ngữ có gốc Hán.

Tuy nhiên phải phân biệt ngay, đó là từ gốc Hán-Việt. Nói Hán-Việt vì chữ Hán vay mượn đó đã được Việt hóa mà người Việt nói với nhau hiểu, dù có thể là hiểu chưa/không sâu.
Cho nên nếu cần học thì có thể tổ chức cho học sinh các cấp (tiểu và trung học) có các tiết học từ Hán-Việt này thôi.

Cấu tạo chương trình này có thể để mở (open), khuyến khích các nhóm học sinh đã học chắc các bộ môn khác ghi danh học, những học sinh xếp kém hơn thì cho tự nguyện, tức là không nhất thiết chấm điểm, là không bắt buộc.

Chỉ cần một giải pháp như vậy thôi vì khi học xong trung học (đỗ bằng tú tài) thì một bộ phận học giỏi từ Hán-Việt sẽ sử dụng tiếng Việt tốt hơn, chuẩn hơn, tức nhóm người này góp thêm phần vào làm “trong sáng tiếng Việt”.

Còn các tốp còn lại - có thể đông đảo hơn cũng không lấy gì làm thất vọng – mức độ kém dần xuống (về sự hiểu từ vựng Hán-Việt) cũng không vì thế mà các em không sử dụng được tiếng Việt, tức các em vẫn giao lưu và làm việc được với nhau bằng tiếng Việt.

Viết những dòng trên cũng là phục vụ cho ý dưới đây.

Như một xã hội sau này có sự phân công, không phải ai học xong đại học cũng phải/muốn trở thành những nhà văn học, ngôn ngữ học, lịch sử học, sư phạm học, hoặc các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội khác…; cho nên ở môi trường đại học (hay cao đẳng, hoặc tương đương) cũng chỉ cần dạy từ Hán-Việt một cách "có chọn lọc", có phân loại phân cấp mà thôi.

Ở cấp học này, môn học trên (nếu có), thì nâng cao hơn - chẳng hạn về số lượng từ ngữ cần phải biết, và ý nghĩa của các từ ngữ Hán-Việt đã học ở độ sâu sắc hơn so với khi học ở cấp học phổ thông).
Điều đó cũng có thể hiểu là chúng ta chỉ nên dạy kỹ, dạy sâu môn từ ngữ Hán-Việt cho các chuyên ngành của khoa xã hội, các khoa học chính trị, kinh, tế xã hội khác...Mục đích để khu vực sinh viên này hiểu sâu về ngôn ngữ Việt Nam, về các từ vựng có gốc Hán-Việt, về giá trị và ý nghĩa của kho tàng văn học cùng một kho thư tịch khác viết bằng chữ Hán, hoặc chữ Hán Nôm... nhằm phục vụ cho những lĩnh vực công tác cụ thể liên quan đến môn khoa học xã hội sau này mà họ phụng sự và nghiên cứu.

Vẫn cần nhắc lại lần nữa ở đây, ngay cấp đại học cũng chỉ cần giới hạn hay đóng khung vào học từ Hán-Việt – chứ tuyệt đối không phải lao vào học chữ ô vuông (thứ chữ tượng hình của Hán tự), và nhất là không thể học Cổ văn trong kho tàng văn học chữ Hán, vì đó là một môn học rất khó và đòi hỏi không ít thời gian đầu tư và nết chuyên cần.

(Chú thêm: Tuy nhiên ở cấp đại học, với những sinh viên học văn học Việt Nam trung cổ đại, học lịch sử, học chuyên ngành về Hán Nôm, v.v…, thì việc học Trung văn, Hán tự, học chữ viết tượng hình Hoa ngữ (học kỹ chữ Hán) lại là một câu chuyện bình thường, và đương nhiên phải học cho sâu rồi. Nói cho gọn là học Hán ngữ với những đối tượng này là bắt buộc).

Với hệ thống giáo dục thì như thế (phần trên đã sơ sơ trình bày). Nhưng còn trong đời sống xã hội nói chung thì sao?

Theo tôi nghĩ, các nhà khoa học về ngôn ngữ, về văn học hãy hết lòng hết sức - và tùy theo khả năng của từng ngươi - các vị hãy cộng tác với các nhà xuất bản và hệ thống báo chí - truyền thông khắp đất nước, để sáng tác, biên tập, xuất bản những cuốn sách cũng như viết báo, đăng đàn… nhằm phổ biến rộng khắp những ”kiến thức về tiếng Việt, về từ Hán-Việt” cho công chúng tìm đọc và mọi người quan tâm cùng suy nghi, đào sâu nghiên cứu thêm..
.
Từ đó xã hội sẽ hưởng lợi, sẽ củng cố và nâng dần mặt bằng yêu cầu sử dụng tiếng Việt chuẩn, và tiến Việt khi ấy sẽ dần trong sáng hơn (bởi suy cho cùng thì muốn "trong sáng" cho một ngôn ngữ thì việc đầu tiên là phải hiểu, hiểu căn nguyên của tiếng Việt, chữ Việt).

Nhưng xin nhấn mạnh, đây là chữ Việt, tiếng Việt chứ không phải tiếng Hán, chữ Hán – cho dù gốc từ vựng của tiếng Việt chúng ta có nhiều chữ mà nghĩa là từ gốc Hán, mang gốc Hán.
Bài viết ngắn trên fb này cũng không đề cập đến các ngoại ngữ khác cần học cho người học Việt Nam lúc này.

Mà nếu nói một câu rất ngắn thì điều cần nhất là "cần học cho giỏi tiếng Anh". Bởi ta nhìn thấy quá rõ ràng là đất nước muốn hội nhập (như Nhà nước đang chủ trương), thì nếu thiếu/kém tiếng Anh sẽ là một trở ngại rất lớn. Chưa kể rất nhiều vốn liếng, kiến thức về KHKT, về công nghệ, nhất là công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới này đã và đang có, đều được tích hợp vào sách vở, tư liệu, tài liệu trong sinh ngữ này.

Điểm cuối cùng tôi muốn nói (mà bài viết của vị PGS-TS kia cũng có đề cập) là công việc, sự xử lý của chúng ta về ngôn ngữ tiếng Việt, muốn giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt, thì điều đó hoàn toàn khác với 2 quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc (và cả Bắc Triều Tiên nữa).

Đó là bởi chữ viết của hai (3) quốc gia kia chưa La-tinh hóa, trong khi chữ Quốc ngữ của chúng ta đã La-tinh hóa .

Như vậy phải có 2 cách xử lý khác nhau, chứ không thể rập khuôn, bắt “học tập” nhau sẽ là điều khiên cưỡng. Đây lại là một topic khác mà stt này chưa muốn đề cập tới...

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

------
(1) Tôi học Trung văn 3 năm ở cấp phổ thông, rồi học 4 năm Trung văn tiếp theo ở cấp đại học, trong đó có nhiều tiết học Cổ văn (Trung văn) do thầy Chu Thiên dạy (cụ Chu Thiên được coi là số ít những nhà “bỉnh Nho” có đẳng cấp còn sống và giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thời đó – đầu và giữa thập kỷ 1960. Cụ đã mất lâu).

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...