Diễn giả : PGS.TS. NGUYỄN HỮU SƠN, Tạp chí Văn học, Viện Văn học 
 Cùng với sự tham gia của : TS. Phùng Ngọc Kiên, Viện Văn học; GS. Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuấ bản Tri Thức

Vài lời giới thiệu trước: Tác phẩm du ký Du lịch Âu châu – Hội chợ Marseille – Đấu xảo quốc tế Paris của Nguyễn Công Tiễu kể về chuyến sang Pháp tham dự Hội chợ Marseille và ông đã tỉ mỉ “xin kê tên và địa chỉ mấy nhà xuất cảng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, vân vân, để các nhà sản xuất ra những món hàng ấy biết chỗ mà bán”; đồng thời tham dự Hội nghị khảo cứu khoa học ở các thuộc địa Pháp (Congrès de la Recherche Scientifique des Territoires d’Outre mer) và “có được một lần lên diễn đàn để giảng nghĩa về cái máy chạy bằng ánh sáng mặt giời, mà ông Trần Công Tiến đã cùng tôi sáng chế ra năm nọ. Máy ấy gọi là Turbine solaire Tiêu – Tiên”…, in trên Khoa học tạp chí (từ số 170, ra ngày 11-9-1937, tr.502-504 đến số 230, ra ngày 1-5-1940, tr.606)…

 Những điều tai nghe mắt thấy trên đường sang Pháp và quang cảnh hội chợ, không khí hội nghị khoa học, cơ sở các phòng ban chuyên môn, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh ở Marseille và Paris được Nguyễn Công Tiễu diễn tả đầy đủ, chi tiết, khơi gợi hứng thú và đưa đến nguồn tri thức mới mẻ.

Đặc biệt Nguyễn Công Tiễu luôn chú ý liên hệ, so sánh thực tại nước Pháp hiện đại với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, dân tộc mình. Qua đây cũng có thể thấy rõ năng lực và tâm huyết của một thế hệ trí thức Tây học, bên cạnh hoạt động nghề nghiệp chuyên môn vẫn trổ tài viết du ký, phác họa cảnh quan những miền đất mới, giúp bạn đọc quê nhà cùng được hưởng niềm vui du ngoạn «ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm»…

----

Tham khảo:



Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976) là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam ngay từ thời Pháp thuộc cho đến thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cuộc đời làm khoa học của ông luôn gắn bó với người nông dân và nền nông nghiệp của đất nước.
Cuộc đời
Quê quán: làng Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Thuở nhỏ ông học chữ Nho, sau học chữ Quốc Ngữ.
Năm 1912: Tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm.
Năm 1931: Sáng lập tạp chí Khoa học. (ra được 232 số, đến tháng 8/1941 thì bị đình bản)
Do dồn hết thị lực quan sát, nghiên cứu sinh học trên kính hiển vi mà thị lực của ông yếu dần, đến năm ông 50 tuổi thì lòa hẳn. Ông học cách đọc và viết bằng chữ nổi cho người mù và tiếp tục nghiên cứu khoa học. Ông đã từng làm chủ tịch Hội người mù và tích cực tuyên truyền việc học chữ nổi cho người mù.
Năm 1976: ông mất, thọ 85 tuổi.
Sự nghiệp
Với kiến thức khoa học và sự am hiểu thực tiễn sản xuất của nông dân, đầu tiên ông chọn lựa nghiên cứu loài bèo hoa dâu - là loại thực vật mọc nhiều ở vùng Phù Cừ quê hương ông. Ông đã từng viết bài về bèo hoa dâu gửi Hội nghị khoa học Thái Bình Dương mở rộng, bài viết của ông được đăng trong kỷ yếu của Hội nghị.
Ông cũng là hội viên người Việt duy nhất trong Hội đồng nghiên cứu khoa học ở Đông Dương.
Là nhà khoa học được đi đến nhiều nơi trên thế giới, ông luôn chú ý tìm kiếm những cây giống mới, kỹ thuật trồng và chăm sóc mới để về áp dụng ở nước mình.
Ông còn tìm ra cách thuộc da rắn, nhuộm màu cho thủy tinh và làm nước hoa bằng dược thảo.
Công trình nghiên cứu
  • Những kỳ quan vũ trụ (1929)
  • Tạp chí Khoa học (1931-1941)
  • Những điều bí mật về bèo hoa dâu (1934)
  • Khảo cứu về bèo hoa dâu (1934)
  • Xem cây mọc dại biết loại đất hoang
 ----

Tin đăng trên báo Thanh Niên

 
TỌA ĐÀM VỀ SÁCH DU KÝ CỦA CỤ NGUYỄN CÔNG TIỄU
 
Cụ Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976) là một trong những nhà khoa học hàng đầu VN chuyên nghiên cứu về nông nghiệp từ thời Pháp thuộc cho đến thời VN dân chủ cộng hòa.
Cụ Nguyễn Công Tiễu đã viết tác phẩm du ký Du lịch Âu châu - Hội chợ Marseille - Đấu xảo quốc tế Paris kể về chuyến sang Pháp tham dự hội chợ Marseille, hay những chuyến tham dự hội nghị khảo cứu khoa học ở các thuộc địa Pháp... Những điều mắt thấy tai nghe trên đường sang Pháp và những nơi ông đến như quang cảnh hội chợ, không khí hội nghị khoa học, cơ sở các phòng ban chuyên môn, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh ở Marseille và Paris được Nguyễn Công Tiễu mô tả chi tiết, khơi gợi hứng thú và đưa đến nguồn tri thức mới mẻ.
 
Đặc biệt, nhà nông học Nguyễn Công Tiễu luôn chú ý liên hệ, so sánh thực tại nước Pháp với hoàn cảnh của đất nước, dân tộc mình. Qua cuốn sách có thể thấy năng lực và tâm huyết của một nhà tri thức Tây học. Bên cạnh hoạt động nghề nghiệp chuyên môn, Nguyễn Công Tiễu viết du ký, phác họa cảnh quan những miền đất mới, giúp bạn đọc quê nhà cùng được hưởng niềm vui du ngoạn “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”. Buổi tọa đàm về cuốn sách (do NXB Tri thức ấn hành) diễn ra vào lúc 18 giờ ngày 18.4 tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) với sự tham gia của các diễn giả: PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn (Viện Văn học), TS Phùng Ngọc Kiên (Viện Văn học), GS Chu Hảo (Giám đốc NXB Tri thức).
Ngọc An

------ 

Tham khảo: https://opeconomica.wordpress.com/2015/09/12/nha-khoa-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-hien-dai-nguyen-cong-tieu-1892-1976/