Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Kẹt xe "mãn tính"

Kẹt xe "mãn tính"

Đang ở trong Sài Gòn - TpHCM, cũng hay ra đường phố nên nạn kẹt xe là một hình ảnh quá quen thuộc với mình. 

Sáng chủ nhật search mạng thấy trên "Sống Mới online" có phóng sự ảnh khá sinh động về việc tắc đường (mà người Sài Gòn gọi là kẹt xe). 

Xin phép tác giả đưa về trang nhà để cùng chia sẻ với mọi người về một vấn nạn. Có thể thêm là căn bệnh kinh niên và mãn tính khó chữa này ở các đô thị lớn nước ta luôn gặp phải do sự quản lý và điều hành kém cỏi...

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

* Đầu đề Entry là của trang blog; đầu đề bài dưới đây là trong nguyên văn của tác giả.


------


Tắc đường: “đặc sản” đất Sài Thành

Người ta biết đến Sài Gòn vốn chỉ với hai mùa mưa nắng. Thế nhưng những ai đang sống ở đây đều phải công nhận rằng, Sài Gòn lại còn có thêm cả mùa “kẹt xe”. Mùa này đặc biệt lắm, vì nó không chỉ diễn ra trong vài tháng như mấy cơn mưa hay những đợt nắng gắt, mà kéo dài hằng ngày hằng giờ như một điều hiển nhiên không thể tránh khỏi.     


Sài Gòn cũng có “biển”, nhưng là “biển” xe

Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, đây là địa phương có số lượng phương tiện giao thông cao nhất nước với hơn 7,6 triệu xe các loại. Kẹt xe tăng đột biến có nhiều nguyên nhân, không chỉ do số lượng phương tiện tăng quá cao, mà còn vì nhiều công trình thi công mở rộng vòng xoay, cầu vượt… làm thu hẹp diện tích giao thông góp phần gây kẹt xe.
Tình trạng tắc đường, kẹt xe vốn không còn trở nên xa lạ với bất kì người dân nào, đặc biệt vào những giờ cao điểm như buổi sáng hay chiều muộn. Xe hai bánh, xe bốn bánh chen chúc trên từng con phố, những cái lắc đầu ngao ngán, tiếng còi xe, tiếng hối thúc là những hình ảnh và âm thanh hầu như xuất hiện trên khắp mọi nẻo đường. Đôi khi phải mất đến vài giờ đồng hồ mới có thể “thoát nạn” thành công.  


Vào những giờ tan tầm, dòng xe đông đúc khiến ai nấy đều không khỏi ngán ngẩm
Mặc cho công sức điều tiết giao thông gia tăng nhưng tình trạng không mấy khả quan hơn


Ai nấy đều muốn chạy về nhà thật nhanh để nghỉ ngơi, cùng với sự thiếu kiên nhẫn và nhường nhịn lẫn nhau nên cuối cùng tất cả chẳng thể nhích được thêm tấc nào. Cô Hoa - một người dân sống trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh – cho hay: “Cứ vào tầm 12 giờ trưa rồi 6, 7 giờ tối là đường này kẹt dữ dội lắm, vài tiếng vẫn chưa thấy thông thoáng. Khói bụi mù mịt mà cô đứng đó vài phút đã chịu không nổi, đằng này người ta phải chen lấn như vậy sao mà khổ quá!” Thời gian gần đây, không chỉ những tuyến đường “nóng” mà ngay cả những đoạn đường thông thoáng lúc trước cũng rơi vào ùn tắc. Tần suất kẹt xe ngày càng nhiều hơn và có thể vào bất kì thời gian nào trong ngày. 


Đoạn đường Võ Thị Sáu hướng ra Công trường Dân chủ luôn ùn tắc giờ vào làm và tan  tầm


Nhiều hướng đi khác nhau khiến dòng xe càng thêm hỗn loạn


Đặc biệt vào những dịp như Giáng sinh, Giao thừa, các ngày lễ Quốc tế Phụ nữ, Valentine… tình trạng kẹt xe còn trầm trọng hơn, đặc biệt vào buổi tối. Những ngày mưa lớn như gần đây cũng là thời điểm mà ùn tắc đường diễn ra vô cùng thường xuyên. Vừa phải vất vả vượt qua những đoạn đường trơn trợt, lại vừa phải tìm cách thoát khỏi dòng xe chật kín khiến cho hành trình về được đến nhà cực kì gian nan. 


Khoảnh khắc hiếm hoi ở một con đường vốn ken đặc xe cộ lúc tan tầm


Kẹt xe không chỉ là câu chuyện về sự mệt mỏi…

Đôi khi, kẹt xe tắc đường không chỉ là câu chuyện dài ngán ngẩm gây bực dọc hay khó chịu. Vì với một số người “đặc biệt”, đôi khi món “đặc sản” kẹt xe lại để lại dư vị rất riêng. Một bác xe ôm ở khu vực gần nhà thờ Đức Bà với thâm niên ngót nghét gần 10 năm tâm sự: “Nhìn dòng xe đông đúc, đôi khi chen chúc vậy chứ cũng vui lắm. Vì bác ở có một mình, giờ thấy xung quanh mình nhiều người quá tự nhiên cũng ấm lòng, cũng bớt cô đơn.”


Bức ảnh từng được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội. Không gây nhiều sự tức giận mà trái lại, nhiều người còn tỏ vẻ thích thú vì người phụ nữ dám “ngược dòng dư luận” này


Vậy là trong cái mệt mỏi, bức xúc của số đông, vẫn có những người “lạc quan” tìm niềm vui sống trong dòng người ùn tắc. Giờ sống ở thành phố lớn, gặp chuyện kẹt xe giống như “sống chung với lũ” vậy thôi!

Linh Linh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...