Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

NHỚ NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU DƯƠNG DANH DY

Nhớ những kỷ niệm với NNC Dương Danh Dy

Nhà nghiên cứu nổi tiếng (NNC) về Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, đã qua đời ở tuổi 85 (ông Dy sinh năm 1934, nhưng ở VN tuổi thọ đưNHỚ ợc tính như vậy).

Xin kể lại một vài chuyện nhỏ, cũng là những kỷ niệm khó quên với nhà nghiên cứu TQ kỳ cựu có rất nhiều đóng góp này.

Với báo Quốc Tế thuôc Bộ ngoại giao (nay là báo Thế giới & Việt Nam), bác Dy - hay anh Dương Danh Dy - luôn là một cộng tác viên đầy nhiệt tình cùng một tình cảm như gia đình hết sức thân thuộc. Hình ảnh bác Dy tự đi xe buýt hoặc xe ôm (lúc đó bác Dy đã về hưu lâu và khá cao tuổi) đến với tòa soạn báo ở phố Chu Văn An, trèo lên tầng 2, đưa đến tập bài viết cho tổng biên tập khó phai mờ trong tâm trí nhiều anh chị em trong tòa báo hồi đó chứng kiến.

Nói tập bài viết vì những lần đó bác Dy không đưa từng bài đơn lẻ, mà nhân tiện đưa dăm ba bài khác nhau để tòa soạn tự lựa chọn. Hồi đó (là khoảng cuối những năm 1998 đến 2005) tôi nhớ bài bác Dy viết được chọn in ra chỉ là những bài vở ngắn, tiểu phẩm nhỏ chứ những bài viết dài thì ít sử dụng. Bởi các bài này đều viết về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc với nhiều ý kiến “độc lập”, khác "dòng chảy chung" nên khó đăng.

Nên nhớ là thời kỳ này Tổng bí thư là ông Nông Đức Mạnh mới có chuyến đi Trung Quốc dài ngày, tới cả thủ phủ Tứ Xuyên là Thành Đô, nơi diễn ra sự kiện bình thường hóa VN-TQ mà TQ có ý bố trí để đoàn đến tận nơi (bản thân tôi là tổng biên tập cũng đi tháp tùng trong đoàn nay), nên việc một tờ báo trực thuộc trong Bộ Ngoại giao rất “khó xử lý” nội dung bài vở nếu như trong bài viết đụng chạm tới các chuyện “nhạy cảm, tế nhị” trong quan hệ 2 nước.

Chắc biết như vậy nên sau khi gửi bác Dy những tờ báo biếu, bác cũng chẳng phản ứng gì khi không đăng các bài mà bác đặt nhiều kỳ vọng tờ báo chính thức của Bộ sẽ công bố. Thường là bác Dương Danh Dy lặng lẽ sửa chữa ít nhiều rồi gửi cho một số cơ quan truyền thông báo chí khác của ta, và họ đã biên tập rồi đăng; một số bài khác tôi biết cứ được giữ nguyên và đã công bố trên đài BBC mà sau này tôi đều tìm đọc được cả (ở đài BBC và một số cơ quan truyền thông nước ngoài khác đã liên hệ và đặt bài bác Dy).

Nhắc lại chuyện trên không phải đến bây giờ tôi băn khoăn sao không sử dụng bài bác Dương Danh Dy. Tôi nghĩ nếu mình phụ trách một tờ báo khác không phải nằm trong Bộ ngoại giao thì chắc cũng sẽ xử lý như các tờ báo bạn đã xử lý, đăng với một chút ít chỉnh lý hoặc sửa chữa là được. Nằm trong Bộ, biết rõ chủ trương về đối ngoại, về TQ, mà đưa ra những gì chưa chuẩn về đối tượng phương Bắc này là thường bị "soi", bị phạt việt vị (hors-jeu). Cũng bài như thế đăng báo khác chắc không vấn đề gì, nhưng báo Quốc Tế đăng là thể nào phía TQ họ cũng có cách phản ứng (thường là qua con đường Đại sứ quán của họ - hoặc gọi điện, hoặc một buổi nhân có gặp gỡ tiếp xúc với ai đó trong BNG là họ tìm cách nói thế nào đó như một cách bắn tin, cách nhắc nhở). Điều này mấy anh tiền nhiệm của tôi đã trải qua và thường luôn kể lại công khai để anh em trong tòa soạn cùng biết mà tránh khi nhận bài, khi biên tập những bài vở có liên quan đến TQ.

Nhưng thôi đó là câu chuyện cũ đã qua. Bác Dy không đăng được một số bài bác muốn với tờ báo Quốc Tế thì chính bác Dy cũng chẳng khi nào tỏ ý trách móc, không hài lòng với tòa soạn. Bởi vì hơn ai hết bác Dy biết cái cách Bộ ngoại giao “vận hành”, xử lý trong mối quan hệ và va chạm với đối tượng TQ ở Vụ xưa bác làm (Vụ Trung Quốc), hay Văn phòng Bộ cùng một số Vụ chính trị khác. Tờ báo của Bộ không nằm ngoài sự chỉ đạo và điều tiết đó.

Còn việc bác Dương Danh Dy gửi bài cho tòa báo trong Bộ trước khi gửi đi các nơi, công bố ở các nơi ngoài biên giới VN lại có những lý do khác. Đó không là chủ đề, là ý chính của stt này.
Nhưng ở thời kỳ đó, cái ý định, cái cách mà bác Duơng Danh Dy đã tiến hành cho những bài vở bác nghiên cứu và viết thì không những đúng, chuẩn mà lại rất “kín võ”. Làm như thế khó mà ai phàn nàn, chê trách sao bác Dy viết về đối ngoại, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà không ưu tiên gửi cho “báo nhà” chuyên về đối ngoại (chứ bác Dy cũng thừa biết đăng trên Quốc Tế là khó xảy ra trong tình hình quan hệ song phương lúc đó).

Bác Dương Danh Dy làm như vậy - như lời bác Dy kể lại với người viết những dòng này - cũng là bác có ý tránh cái đám “thọc gậy bánh xe vào” một khi nội dung những bài vở này bị săm soi, bị “gây sự” lúc này lúc khác.

Sau này đúng là đây đó có những điều tiếng, đồn thổi này khác về bài này bài kia “chống TQ, không ưa TQ…” của bác Dy nhưng bác Dy thường nhẹ nhàng yên lặng. Tức bác không tỏ phản ứng gì ngoài cái cách tìm một vài diễn đàn - mà người ta, tức là những nơi sở hữu diễn đàn dư luận này cũng muốn thế -, là nêu lên câu chuyện bị đồn đại để "nói lại cho rõ" hơn lập trường, chỗ đứng, cách nhìn nhận mà bác Dy cho là phải, là đúng đắn nhất khi xử lý mối quan hệ Việt - Trung. Như thế thôi. Tôi nghĩ đó là cách phản ứng có văn hóa, phản ứng của một nhà nghiên cứu uyên thâm, của một học giả.
Kể lại vậy thôi cứ đó là những câu chuyện hậu trường, chuyện “đằng sau bức tường” mà không phải lúc nào cũng đem ra vô tư thuật lại cho nhiều người nghe được, nhất là lúc này bác Dương Danh Dy đã rời xa chúng ta.

Báo Quốc Tế ít đăng các bài “cỗ món” về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc chẳng một chút ảnh hưởng tới mối quan hệ rất thân tình của bác Dương Danh Dy với (dành cho) tờ báo của chúng tôi.
Nhớ lại hồi tôi làm tổng biên tập có 3 lần mời được bác Dy cùng đi “dã ngoại” với anh chị em trong tòa soạn.

Đó là những chuyến đi xa ba bốn ngày liền (có lần đi sang Đông Hưng, Trung Quốc). Là vào những dịp nghỉ bù khi ra 2 số báo gộp lại, hoặc xuất bản 1 số kỷ niệm bài vở dày gấp đôi, gấp ba số báo bình thường nhân ngày thành lập ngành ngoại giao (28/8) và đó cũng sát với ngày nghỉ lễ Quốc khánh... là công đoàn tờ báo tổ chức cho anh chị em và gia đình đi picnic, đi nghỉ ở các địa phương xa xa.
Khách mời đi chơi, đi nghỉ chỉ vài ba người nhưng không bao giờ thiếu bác Dy. Biết tòa soạn không dư dật tài chính bác Dy muốn đóng góp, nhưng chúng tôi luôn khéo thoái thác, nói rằng quỹ phúc lợi của tòa báo đảm đương được.

Để an lòng bác Dy, tôi thường phân trần thêm, rằng “công sức anh – tôi kém NNC Dương Danh Dy 9 tuổi nên thường xưng hô như thế) có những đóng góp thường xuyên cho mục Góc nhà ngoại giao, Câu chuyện đối ngoại, Lượm lặt gần xa... của báo mà chúng em trả nhuận bút còm thì nay cho chúng em sửa sai chút đỉnh thôi…”.

Nghe câu ấy xong bác Dy chấp nhận, rồi thường cười rất tươi, và bác cũng lại thường “to tiếng” đáp lại, cốt như để anh em tòa báo đứng xung quanh nghe được, “đấy là điều khiến tao rất thích, rất quý (tờ báo) chúng mày” – ý nói là ở sự chân tình, mộc mạc, tình nghĩa con người. Nên biết là bác Dương Danh Dy rất hay dùng từ "mày, tao" vô cùng thân mật khi đối thoại với lớp người mà bán thân tình quý mên ở dưới tuổi của mình.

Hôm nay gia đình, người thân và bạn bè, đồng nghiệp tiễn đưa bác Dương Danh Dy đi xa. Tôi cũng ở một chân trời rất xa không có mặt để đưa tiễn bác, đưa tiễn anh Dương Danh Dy (anh Dy còn là đồng môn trường Hàn Thuyên, Bắc Ninh với tôi, anh thuộc lớp đàn anh học trước tôi gần chục khóa), xin viết những dòng này như một nén hương thơm vái vọng, một cái lễ viễn bái hướng về nơi Anh - một góc trời nước Việt xa xăm kia mà Anh yêu quý và luôn bảo vệ đến cùng lợi ích của đất nước trên dư luận và trên nhiều đấu trường quốc tế.

Cầu mong Anh yên bình - an nghỉ giấc ngàn thu.

Sự nghiệp và nhân cách của anh sẽ mãi mãi còn lại với đời, với các thế hệ đàn em, đàn cháu chúng tôi đã và sẽ được là đồng nghiệp của Anh trong Bộ ngoại giao.


@ Ảnh một lần bác Dương Danh Dy trong một chuyến đi dã ngoại với anh chị em tòa soạn tại tỉnh Lạng Sơn.

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...