Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Chút nghĩ ngợi ở vùng Nam Sài Gòn

Chút nghĩ ngợi ở vùng Nam Sài Gòn
Đăng ngày: 21:10 14-11-2007

Vùng Nam Sài Gòn đã gây một ấn tượng mạnh với tôi.
Trước đây mình cũng đã tới khu dân cư mới này. Hôm đó chú Viên nói, mới chỉ là mời anh "cưỡi ngựa xem hoa" chút thôi.
Lúc thăm, tôi đã có ngay ý định phải tự đi một mình lần nữa thăm lại. Và bữa nay, tôi nghĩ việc trở lại với Phú Mỹ Hưng là quyết định đúng đắn.
Đúng, vì đơn giản nó rất có ích cho sự hiểu biết thêm của tôi về Sài Gòn. Một Sài Gòn lúc nào cũng ở trong guồng đổi thay không ngừng nghỉ.
Về phát triển đô thị, Sài Gòn hướng mạnh ra các khu ven nội. Và ở đây là vùng Nam SG, Phú Mỹ Hưng có lẽ là điểm nổi bật.
Trong tôi đã hình thành một bài viết cho số Tết Mậu Tý 2008 của báo nhà. Không hẳn chỉ là khu đô thị Phú Mỹ Hưng mà là một quyết sách lớn, quyết sách phát triển đô thị hiện đại.
Ở thành phố này người ta đã "định vị" để hướng một bộ phận người dân có thu nhập cao, tức đời sống đã khá giả, tiến đến một cuộc sống có chất lượng cao. Tạm hiểu là cuộc sống đủ tiện nghi, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cư dân thư giãn nghỉ ngơi. Với một thành phố lớn mà lao động chân tay và trí óc đều ở cường độ cao thì xu hướng xây dựng đô thị này là có triển vọng. Nói thật cụ thể, nhà cửa xây nên sẽ bán được. Dễ hiểu thôi, giới kinh doanh địa ốc của cả nước đang đổ xô đến đây.
Nơi này sẽ là nơi cư trú có chất lượng cao nhất, tạo sự dễ chịu cao nhất cho một bộ phận dân cư dư dả về khía cạnh kinh tế tài chính.
Ở đây còn phải kể tới đáp ứng một số lượng ngày càng gia tăng người ngoại quốc đến sinh sống, định cư để làm việc dài hạn tại Sài Gòn và các khu vực xung quanh thành phố này.
Bài tôi định viết cũng là dịp để mình nhắc đến bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Rất tình cờ khi lướt qua trong chuyến thăm đầu, tôi chụp được bức ảnh có một đường phố mới ở Phú Mỹ Hưng mang tên ông. Không hiểu tôi nói có đúng không, ở Hà Nội nơi ông trở về nước sinh sống và làm việc cho đến lúc mất, hình như chưa thấy một đường phố nào được đặt tên ông như vậy.
Nhớ về ông Viện, bác sĩ Viện, thầy Viện (đối với lớp sinh viên ra trường, được nhận vào làm việc ở cơ quan do ông làm thủ trưởng khi đó), đó thật sự là một gương sáng lao động trí óc, một lối tư duy thức thời, các ý tưởng tốt đẹp không xa rời, không thoát ly hiện thực... Con người ông Viện đầy chất humour - hóm hỉnh, với một phong cách sống giản dị, lão thực... như sống mãi nhiều lớp người biết ông, nghe tên tuổi ông. Nó cũng mãi mãi hòa chung với phong cách khoáng đạt của người phương Nam, người Sài Gòn.
(Ghi lại đây kẻo quên mất: con đường Nguyễn Khắc Viện cùng hai đường Hoàng Văn Thái và đại lộ Nguyễn Văn Linh giao cắt nhau. Cạnh đường này là một nhà hàng lớn, mà tên nó rất nổi tiếng ở nhiều thủ đô các nước - nhà hàng Minh Triều (Ming Dynasty). Kế cận đường Nguyễn Khắc Viện, Tòa cao ốc 5 sao "Lawrence Tching" nổi trội ở góc cắt phía đại lộ lớn nhất Sài Gòn là Nguyễn Văn Linh. Dọc đường bên kia đại lộ nay vẫn là ruộng hoang, chờ các dự án lớn).

Sài Gòn - trung tuần 11/2007
Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...