Sài Gòn "Tấy cống" với những bạn bè cũ của tôi
Sài Gòn, vẫn là Sài Gòn - Tây Cống đấy thôi. Thành phố này vẫn thế. Đầy ắp sức sống.
Sài Gòn, “Xi-cung”, cái âm Hoa Hán Việt “Tây Cống” ấy khắc vào lớp tôi thuở nào.
Từ Tân Sơn Nhất về nhà, những dòng xe và những dòng người lớp lớp. Dân Sài Gòn đông quá.
Trên xe những khuôn mặt tươi trẻ. Ánh vẻ vui, vì sau giờ làm là giờ hò hẹn, giờ ăn nhậu...
Tuy nhiên cũng nhiều nét mặt mệt mỏi lo âu.
Ùn ùn đông cứng trên mặt đường kẹt xe. Kết thúc sao đây một ngày dài mưu sinh, trước cơn trượt giá đụng chạm đến đời sống. Đám con thơ và gánh nặng gia đình đang chờ trông ở nhà...
Cũng như Hà Nội vậy thôi, vẫn là những nét tương đồng về kiếp sống nhân sinh trước một thời cuộc biến động. Có kẻ gặp may lên ông, lên tiên, vì tiền bạc hay bổng lộc. Trúng quả. Lại nhiều người trượt dài vào khốn khó, thất bát. Bế tắc.
...
Mai mốt gặp lại bạn bè. Đa phần từ Bắc vào. Ít người mãn nguyện nhưng họ đều sống được, trụ được với một thành phố luôn trẻ trung, sôi lên sùng sục nay. Phải biết chấp nhận những đổi thay, yêu thích sáng kiến và tính năng động của con người. Bí quyết hình như ở đó cả.
Trong số bè bạn vào, có người làm được điều này. Đương nhiên nhiều bạn lỡ cuộc. Đổ gãy, thất vọng - dù khi đi vào thường là hăm hở...
Trong bạn bè, tiếc vô cùng là Lâm râu. Anh đã khuất rồi. Chưa phải một văn tài gì, nhưng sự đam mê văn chương và tình bạn của Lâm là "số một", bất diệt trong đám bạn bè. Yêu mến Lâm và thương cảm cho Lâm biết bao nhiêu!
Đùa với nhau, là rồi bạn Lâm ta cũng được kết nạp ngay vào cái hội văn sĩ dưới ấy. Có Lâm Quang Vũ, Xuân Quỳnh, có Nghiêm Đa Văn và nhiều bạn văn khác. Hội hè này đâu có ban chấp hành, có quyền lợi gì đâu. Không ai lãnh đạo ai cả, chỉ xếp đặt bằng tài năng và đức độ thôi.
Nhắc đến Lâm nhiều chút, vì mình đang trở lại đây với Sài Gòn Tây Cống mà Lâm ước ao hăm hở khi vào thành phố này sau giải phóng. Ai hay hết được những ngày tất tả ngược xuôi kiếm sống để tồn tại của Lâm râu. Cũng ai hay những đêm dài Lâm trước bàn viết, chong đèn đọc sách trong căn phòng nóng bức Hàng Xanh. Với nhiều giấc mơ xanh về Sài Gòn, về văn chương. Thi ca của chàng trai từng ở con phố Triệu Việt Vương, số nhà 28 của một Thăng Long Thành xa xưa.
Nhắc đến Lâm râu cũng bởi những tháng ngày này khá nặng nề đối với đám bạn bè chúng ta. Nghiệp, Nguyễn Kế Nghiệp, ngày thêm ốm yếu và trọng bệnh. Người bạn tốt và tài hoa đó, vui và yêu đời có ai đạt được như Nghiệp? Lại sẽ đi xa ư, thật buồn. Và Duật, Duật Trường Sơn Đông rồi Tây cũng đang cơn nguy của bệnh tật. Không hiểu anh còn ở với bạn hữu được bao lâu nữa nếu hiểu đúng "thông điệp" của các thầy thuốc? Có cảm tưởng như họ phải đau đớn bó tay trong bất lực...
Dù thế nào cũng cầu chúc hai bạn chống chọi thêm với số phận, số mệnh.
Vào Sài Gòn lần này trong tâm trạng buồn, rất buồn.
Nguyễn Vĩnh
(Đăng ngày: 23:05 09-11-2007 trên Blog Hầu chuyện/360plus)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét