Khi Trung Quốc nói ngoại giao
về vấn đề Biển Đông
Tại một cuộc họp báo ngày 6/1/2010 ở Hà Nội, ông Đại sứ Trung Quốc đã trình bày và nhận định về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, sau đó đã trả lời các phóng viên Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước đặc biệt là cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như cách thức giải quyết vấn đề đó nên như thế nào trong tình hình hiện nay.
Cuộc họp báo, theo Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trước đó là một trong những hoạt động nằm trong tiến trình tiến tới năm 2010, được gọi là Năm Hữu nghị Việt - Trung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã trù liệu.
Thấy những vấn đề mà ông Đại sứ Trung Quốc nêu ra lần này là hết sức quan trọng ở khía cạnh quan hệ hai nước. Ông đại sứ cũng không né tránh nói lên những bất đồng trong vấn đề Biển Đông giữa hai nước khi đề cập tới các câu hỏi của phóng viên ta nêu.
Nếu chỉ theo sát từng câu chữ ông đại sứ phát ra, thì đại thể chúng ta vẫn thấy chưa có điều gì là nổi bật, là mới so với đường lối và quan điểm công khai mà CHND Trung Hoa lâu nay vẫn chính thức truyền đi từ thủ đô Bắc Kinh về cả quan hệ Trung - Việt và các vấn đề biển đảo liên quan đến hai nước.
Duy chỉ có một ý mới (hoặc với bản thân tôi hiểu là thế và cũng chỉ biết đến như thế) là ông nói với đại ý: TQ khuyên VN chúng ta nên chờ đợi các điều kiện chín mùi hãy tính đến chuyện giải quyết. Còn hiện tại quan hệ hai nước đang tốt đẹp, hãy ưu tiên cho hợp tác với nhau, cụ thể hai nước cứ theo tinh thần hữu nghị mà tiến hành công việc quan hệ với nhau như bình thường lâu nay là tốt, chắc chắn có lợi cho cả hai bên...
TQ nói thì nói như vậy, nhưng hành động thì chưa phải như vậy.
Không kể suốt từ hồi giữa năm đến gần đây, trên mặt biển có biết bao sự kiện tàu vũ trang Trung Quốc bắt bớ, giam hãm tàu thuyền và ngư dân ta đánh cá hợp pháp trên vùng biển của mình, chỉ kể mới hôm trước thôi, người phát ngôn bộ ngoại giao VN đã phải lên tiếng phản đối việc TQ chủ trương đẩy mạnh du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Trở lại ý về quan hệ hai nước, nếu như các thông tin từ bài tường thuật của báo điện tử VNNet là chính xác (xin xem trong phần dưới đây), thì với tinh thần và lời văn của ông ĐS Trung Quốc nói, người VN ta có thể hiểu ý tứ như sau:
Một là TQ công nhận có những bất đồng trong vấn đề Biển Đông giữa hai nước, và vấn đề đó cần được giải quyết;
Tiếp đến là TQ "nhắn gửi" một ý tứ khuyên can (mà cũng đầy ý răn đe trong đó) là qua kinh nghiệm quan hệ hai nước từ 60 năm nay, là "hợp tác sẽ phát triển", còn "đấu tranh sẽ thất bại";
Cuối cùng, đây mới thật là cái chốt của sự nhắn gửi cho phia ta, là hãy chờ cho các điều kiện chín mùi thì hai nước sẽ bàn đến cách giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, khi ấy giải quyết mới tốt đẹp được.
Trong ba điều, hãy để ra một bên điều đầu tiên, còn hai điều sau đều có nhiều sự lạ. Mà lạ nhất là ở điều thứ ba này. Bởi tại đây, TQ nói là hãy đợi khi điều chín mùi (hãy đàm phán giải quyết mới tốt), nhưng lại tịnh không nói rõ điều kiện chín mùi là gì, hay là được hiểu nó là như thế nào. Và nhất là "bao giờ" thì xuất hiện điều kiện chín mùi kia? Tất cả đều như "kín bưng", chắc là để muốn hiểu thế nào thì hiểu...
Là người có những năm làm việc trong ngành ngoại giao, ở môt cơ quan làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, tôi cũng hiểu đôi phần về các chức phận, chức trách ngoại giao và ý tứ câu chữ phát đi từ các nhân vật có thân phận ngoại giao. Nó có những ý nghĩa có thể lúc này là rất cụ thể, lúc khác lại nhắm tới đích chung chung nào đó thôi, nhiều khi như càng mơ hồ thì càng đạt yêu cầu. Miễn sao bảo vệ cho được lợi ích quốc gia của mình. Âu đó cũng là nghệ thuật trong phép tắc ứng xử ngoại giao.
Ở trường hợp trên qua một phát ngôn cụ thể của vị có chức trách cấp đại sứ tại nước sở tại (có quan hệ trực tiếp với nhau) nên chúng ta càng phải dõi theo và phân tích một cách nghiêm túc và thận trọng nhất có thể.
Mặt khác tôi nghĩ, với phận sự trách nhiệm của một vị sứ thần, thì khi phát đi một ý như đã kể ở trên (tạm tóm tắt thành ba ý đã nêu), là ông đại sứ TQ đã bộc lộ rõ quan điểm chỉ đạo từ cấp cao hơn ông, tức cũng là làm hết chức trách của mình cho quyền lực ủy nhiệm từ trong nước sang.
Ở đây, chúng ta không thể đòi hỏi điều gì cao hơn thế, rõ hơn thế ở một cương vị như ông đại sứ đang có. Vì đây là vấn đề chỉ thị, vấn đề "khoanh lại" chỉ đến như thế. Nói khác đi tức là vấn đề mới "mở ra" đại thể là như vậy đấy, cấp trên - cấp lãnh đạo ở trong nước cho chủ trương đường lối là cái hướng như thế. Và nói được công khai đến một chừng mực, một mức độ như vậy.
Cho nên cái điều mà chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn - và cũng cần phải quan tâm hơn cả ở thời điểm hiện nay - là "cái ý tứ gì ẩn sau những động thái ngoại giao này" (qua ông đại sứ TQ phát biểu trên)?
Và sau hết thực chất những điều tiết lộ công khai như vậy có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh quốc tế, bối cảnh khu vực và bối cảnh quan hệ hai nước vào thời điểm lúc này mới là vấn đề hệ trọng bậc nhất.
Đương nhiên đây là một công việc lớn không nắm bắt được một cách dễ dàng. Cần có những thông tin, sự tìm hiểu và nghiên cứu một cách thật sự nghiêm túc mới tìm ra được cách tiếp cận và mới hé lộ những lời giải cho vấn đề vô cùng phức tạp này.
Dù sao một tín hiệu ngoại giao đã được đánh đi. Chắc chắn nó muốn tìm địa chỉ gửi tới và chờ đợi một sự hồi âm hoặc cách thức hồi đáp như thế nào đó của đối tượng mà nó muốn gửi đến.
Xin kính chuyển công việc "quốc gia đại sự" đó đến những cơ quan, tổ chức, con người có thẩm quyền, có trách nhiệm cao với đất nước này.
Còn với những công dân bình thường như chúng ta, cái tín hiệu ngoại giao đã đánh đi kia - nghĩ thế nào thì nghĩ - cũng không hẳn đã làm chúng ta hoàn toàn yên lòng. Tức là yên lòng yên tâm về mối quan hệ được trưng ra là khá tốt đẹp như ông đại sứ thường nêu ở Việt Nam khi có dịp, mà không khéo "ba ý toát lên" từ các câu trả lời lần họp báo này của ông đại sứ còn khiến chúng ta băn khoăn, lo lắng thêm là đằng khác.
Vì sao vậy? Đơn giản thôi, vì nó ẩn chứa các vấn đề tranh chấp Biển Đông còn vô cùng phức tạp, nước lớn đang có tranh chấp với ta quyết liệt nhất là Trung Quốc hình như vẫn chưa sẵn sàng, chưa tin cậy và thiện chí để giải quyết công việc này với chúng ta.
Nguyễn Vĩnh
Dưới đây là tin tổng hợp về cuộc họp báo kể trên của phóng viên VNNet:
--------------
Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường :
Chờ điều kiện chín muồi
giải quyết tranh chấp biển Đông
Cập nhật lúc 16:07, Thứ Tư, 06/01/2010 (GMT+7)
,
- Tại buổi họp báo sáng 6/1 tại Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường cho rằng giải pháp thiết thực hiện nay đó là tạm gác lại tranh chấp biển Đông, chờ điều kiện chín muồi giải quyết trong khi ưu tiên cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở hai nước.
Đại sứ Tôn Quốc Tường. Ảnh: Trường Sơn
Chuẩn bị cho các hoạt động của Năm Hữu nghị Việt - Trung 2010, kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường trong buổi họp báo đã thông báo các sự kiện cũng như đánh giá về tiến trình hợp tác 60 năm Trung - Việt.
"Hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại"
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thừa nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc cũng là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đại sứ Tôn Quốc Tường nói kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt đó là "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại".
"Là láng giềng, là đồng chí, anh em, hai nước có 100 lý do để hợp tác và không có một lý do nào làm hỏng quan hệ Trung - Việt. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, đặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện giữa Trung - Việt ở vị trí quan trọng và trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, không ngừng làm hết sức đóng góp cho sự nghiệp chung của hai bên", Đại sứ nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Trung Quốc, năm 2009, quan hệ hai nước có nhiều thu hoạch. Hai nước đã trao đổi 167 đoàn thăm viếng, làm việc, trong đó cấp Thứ trưởng 108 đoàn. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế, khủng hoảng, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước vẫn duy trì đà tăng trưởng, phấn đầu đạt 25 tỷ USD vào năm 2010...
VietNamNet lược ghi phần hỏi đáp giữa Đại sứ và các phóng viên Việt Nam về các vấn đề quan hệ song phương :
Chờ điều kiện chín muồi giải quyết tranh chấp trên biển
Tuổi trẻ : Xin Đại sứ cho biết chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông với Việt Nam?
Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng anh em. Nhưng cũng giống như quan hệ của các nước khác, trong quan hệ song phương của chúng ta chắc chắn tồn tại một số vấn đề. Tôi thường nói với các đồng chí lãnh đạo cũng như các bạn Việt Nam rằng trong gia đình dù là vợ chồng cũng có khi cãi nhau. Đây là vấn đề giữa anh em chúng ta.
Làm thế nào giải quyết vấn đề đó cũng nêu ra thách thức to lớn đối với ý chí và thiện chí, trí tuệ và khả năng giải quyết vấn đề này. Nếu điều kiện chín muồi, hai bên giải quyết được vấn đề chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên chúng ta. Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước thì điều cần phải làm và nên làm là gác lại vấn đề. Trong quan hệ hai nước còn có nhiều công việc cần cố gắng, nỗ lực, có nhiều hợp tác có thể tiến hành.
Trong khi phát triển quan hệ song phương và chờ đợi điều kiện chín muồi, hai bên có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn nữa. Quan hệ Trung - Việt có 3 vấn đề lịch sử để lại : phân định biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và giải quyết vấn đề biên giới trên biển. Hai bên đã cố gắng giải quyết hai vấn đề trước và chỉ còn lại vấn đề Nam Hải (cách gọi Biển Đông của phía Trung Quốc - PV).
Khi hai bên đang đàm phán, giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, phóng viên Việt Nam hỏi tôi về đánh giá quá trình đàm phán giải quyết và tôi đã trả lời rằng giải quyết vấn đề biên giới đất liền có ý nghĩa quan trọng, không những tạo cơ sở cho vùng biên giới hai nước hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác, cũng như chứng minh với các nước trên thế giới rằng hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo thì không có vấn đề nào không thể giải quyết được.
Bây giờ quan hệ hai nước chỉ còn vấn đề trên biển. Chúng ta đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề. Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp nhất.
Đại sứ Trung Quốc : Kinh nghiệm quý báu nhất rút ra trong tiến trình 60 năm quan hệ Trung - Việt đó là "hợp tác sẽ phát triển, đấu tranh sẽ thất bại". Ảnh: Trường Sơn
VietNamNet : Theo Đại sứ, đâu là những thuận lợi và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên biển - vấn đề tồn đọng cuối cùng giữa hai nước?
Tôi nghĩ đây là vấn để nổi bật đang tồn tại trong quan hệ hai nước. Hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán và đang tiến hành thuận lợi. Về thuận lợi, hai nước đều là nước xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản lãnh đạo nên không lý do nào không thể giải quyết được vấn đề tồn tại.
Nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên của hai nước bây giờ là tiến hành công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa, phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Hơn nữa, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được nhận thức chung hết sức quan trọng. Đó là không để cho vấn đề Nam Hải ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước.
Vấn đề nào cũng sẽ có mặt không thuận lợi. Vấn đề lãnh thổ là vấn đề phức tạp, khó khăn. Lập trường, quan điểm giữa hai bên khác nhau nhiều. Điều quan trọng nhất làm thế nào đối xử vấn đề tranh chấp, và những quan điểm khác nhau.
Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác. Ý nghĩa của nó là không nhắc đến vấn đề tranh chấp mà hai bên có thể tiến hành hoạt động phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của hai bên chúng ta. Bời vì đó là lợi ích hai bên cùng có lợi và cùng chia sẻ.
Trước khi vấn đề này có điều kiện giải quyết, sáng kiến đó có lẽ là con đường hiện thực, thiết thực mà hai bên có thể thực hiện. Chúng tôi đang cố gắng tiếp xúc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam để thúc đẩy.
"Trung Quốc đã đối xử nhân đạo, trách nhiệm"
Tiền Phong : Ở Việt Nam có rất nhiều thế hệ quý trọng tình hữu nghị giữa Việt Nam với Trung Quốc, coi Trung Quốc như anh em. Và tôi biết họ là những người hết lòng vun đắp cho tình hữu nghị đó. Những gì xảy ra về tranh chấp biển Đông thời gian qua, là điều không tránh khỏi, nhưng cách ứng xử của Trung Quốc, chẳng hạn như trong vụ bắt giữ tàu thuyền và đối xử với ngư dân Việt Nam không thực sự đàn anh cho lắm. Điều đó làm đau lòng người muốn vun đắp cho tình hữu nghị hai nước. Xin Đại sứ cho vài lời bình luận?
Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật, một số không phải là sự thật. Tôi phải nói rằng Trung Quốc luôn ứng xử những vấn đề như thế này rất có trách nhiệm. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra ngay lập tức nhưng kết quả xác minh của chúng tôi lại khác với kết quả của phía bên Việt Nam.
Ví dụ có một số báo chí đưa tin phía Trung Quốc đã đối xử với ngư dân Việt Nam không nhân đạo. Về vấn đề này, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra rất nghiêm túc nhưng kết quả cho thấy đó không phải sự thật. Ví như có lần Việt Nam đã can thiệp với Trung Quốc rằng Trung Quốc đã thu giữ những công cụ đánh bắt cá cũng như thủy sản đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi xác minh thì cho thấy phía Trung Quốc chỉ đuổi tàu cá ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc chứ không có hành vi tiếp xúc với ngư dân Việt Nam. Tôi cũng thắc mắc nếu không tiếp xúc làm sao thu giữ ngư cụ của ngư dân Việt Nam.
Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió cập cảng tại những cảng không phải cảng tránh gió của Trung Quốc, chúng tôi đã đối xử nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thể cập cảng. Nhưng khi rời cảng, họ lại chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo và làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc.
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã trao đổi riêng với các đồng chí Việt Nam. Chúng tôi cho rằng không nên đưa tin những việc xấu như thế này. Phóng viên Việt Nam kiểm tra lại, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về tranh chấp trên biển, tranh chấp về nghề cá và chúng tôi luôn xuất phát từ đại cục, tuy rằng chúng tôi có lý nhưng chúng tôi thấy cũng không nên đưa tin.
"Chúng tôi đầy lòng tin"
Nhân Dân : Xin Đại sứ nêu những nét nổi bật quan hệ trong hai nước trong 60 năm qua?
Nói đến quan hệ Trung - Việt, mọi người thường nhắc đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là "vừa là đồng chí vừa là anh em". Quan hệ Trung - Việt có một điều chung : chung chế độ và chung lý tưởng. Dù hai nước với diện tích đất nước, dân số, trình độ phát triển khác nhau cũng như trong 60 năm đã trải qua giai đoạn khó khăn nhưng đó chỉ là một giai đoạn khúc khỉu.
Tóm tắt lại quan hệ hai nước trong 60 năm, điều đầu tiên đó là hai nước đã tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau. Thứ hai là bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Thứ 3 là xuất phát từ đại cục, cầu đồng, tồn vịnh. Tôi nghĩ đây là 3 điều kiện, cơ sở hết sức quan trọng trong phát triển quan hệ hai nước.
Một câu tóm tắt quan hệ hai nước đó là cần tăng cường sự hiểu biết chính trị để đảm bảo sự phát triển lâu dài của quan hệ song phương. Hai nước tiến tới quan hệ ngoại giao, trong lòng mọi người đang suy nghĩ chúng ta đã trải qua 60 năm thì 60 năm tiếp theo chúng ta sẽ như thế nào? Nếu có thể phát triển quan hệ trên những nguyên tắc tôi nêu, trong tương lai, quan hệ hai nước phát triển thuận lợi và tươi sáng. Chúng tôi hết sức đầy lòng tin.
Tiền Phong: Quan hệ cấp cao giữa hai nước có sự thỏa thuận hàng năm trao đổi viếng thăm cấp cao. Nhưng hai năm qua, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc - Việt Nam viếng thăm nhau rất nhiều nhưng không thấy chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc. Theo Đại sứ vì sao? Liệu năm 2010 có lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nào sang thăm Việt Nam?
Tôi phải sửa lại cách nói của bạn. Trong hai năm qua, hai bên đã tiến hành trao đổi viếng thăm cấp cao. Vì trong năm 2009, lãnh đạo cấp cao trong hệ thống Đảng, Chính trị cũng như Quân đội đều đã sang thăm Việt Nam. 6 tháng đầu năm, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam. Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam. Có các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc cũng đã sang thăm.
Nếu chỉ nhắc đến các đồng chí lãnh đạo Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, tôi phải nói thẳng thắn rằng chương trình làm việc của lãnh đạo cấp cao hết sức bận rộn. Chúng tôi coi Việt Nam là anh em, sẵn sàng thúc đẩy quan hệ. Nếu điểm lại sẽ thấy những chuyến thăm cấp cao của Trung Quốc sang Việt Nam nhiều hơn so với chuyến thăm cấp cao của Trung Quốc sang các nước khác.
Chúng tôi nói vui rằng chúng tôi nợ rất nhiều các nước khác vì có một số nước trong 10 năm qua chưa có một đoàn cấp cao của Trung Quốc sang thăm. Chúng tôi phải trả nợ nhiều nước. Chúng tôi có chương trình bận rộn, coi Việt Nam là đồng chí, anh em nên chúng tôi phải trả nợ những đối tác khác trước.
Năm 2010, tôi xin hứa chắc chắn sẽ có lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc sang thăm Việt Nam.
VOV : Năm 2010, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Vai trò mới của Việt Nam tác động như thế nào đến quan hệ hai nước cũng như quan hệ chung giữa Trung Quốc và ASEAN, nhất là trong bối cảnh từ 1/1/2010, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN có hiệu lực?
Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đảm nhiệm cương vị hết sức quan trọng là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách này. Quan hệ Trung Quốc và ASEAN trải qua chặng đường 30 năm và đang phát triển hết sức thuận lợi. Từ 1/1/2010, Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN chính thức thành lập, tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 1,9 tỷ người, GDP đạt 65.000 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4500 tỷ USD. Có thể nói đây là tin vui to lớn với các nước ASEAN và Trung Quốc.
Trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy giao thương cũng như vận tải hàng hóa giữa các nước. Tuy nhiên vì là khu vực thương mại tự do do các nước đang phát triển hình thành, có nhiều hàng hóa của Trung Quốc và ASEAN giống nhau nên tạo ra thách thức lớn cho nhau. Nhưng thách thức này sẽ thúc đẩy các nước tiến hành điều chỉnh cơ cấu thành phần kinh tế ở các nước.
Cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mỗi nước, là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế mỗi nước, nhưng là cơ hội dành cho phát triển thành phần kinh tế mới, thúc đẩy điều chỉnh, tái cơ cấu các thành phần kinh tế của Trung Quốc. Khu vực thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN cũng tương tự, nên cần nắm bắt thời cơ thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu các thành phần kinh tế trong nước, làm thế nào hàng hóa mỗi nước có sức cạnh tranh...
(Xuân Linh, PV Báo điện tử VNNet)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/201001/Cho-dieu-kien-chin-muoi-giai-quyet-tranh-chap-bien-Dong-888092/
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét