Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Tri thuc tre cua ta nhieu nguoi gioi

Trí thức trẻ của ta
có nhiều người giỏi


Đã có nhiều lời khen đối với một bài viết mới đây của Giáp Văn Dương, bài “Thoát thân luận”.
Bằng cách khéo nêu bài học phát triển thành công khi “thoát Á” của người Nhật cuối thế kỷ 19, tác giả cho rằng Việt Nam bây giờ chưa cần tính thoát khỏi ai, Á hay Âu, hoặc cụ thể là thoát một nước như Nhật, Mỹ để phát triển mà là hãy thoát ra khỏi cái bóng của chính mình.
Bằng cách lập luận và nêu một số chứng cứ, tác giả Giáp Văn Dương nói người Việt ta cần biết vượt thoát ra những trói buộc rất vô hình vô ảnh, rũ bỏ các thói tật đang cản trở bước tiến của mình đã là một bước quan trọng, không chừng là quan trọng bậc nhất với người Việt Nam chúng ta hiện nay.
Đó có thể coi là một quan niệm, một cách nhìn độc đáo về thực trạng tinh thần của đất nước khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đáng chú ý là người viết ra những điều ấy thuộc thế hệ 7x, một công dân Việt còn rất trẻ từng học đại học ở trong nước, rồi sau đó đi học nước ngoài và giờ đây anh đang làm việc tại một trường đại học bên Tây Âu.
Theo dõi lâu nay, tôi còn biết anh Giáp Văn Dương đã có nhiều bài viết khác được công bố ở trong nước, một số khác trên mạng cá nhân của anh, đều cũng mang được những ý tưởng hay và thái độ góp ý xây dựng tương tự.
Bài Thoát thân luận mới xuất hiện vài hôm trước trên VietnamNet. Đọc xong thấy thú vị nên vội chuyển cho “ông bạn già” Trần Nhương cùng xem (chủ trang trannhuong.com). Ông bạn tôi đọc và reply thư lại là “bài rất được”. Trang của ông Nhương có nhiều bài hay, gọi vui là những bài “đỉnh”, nên ông nói rất được như thế là đã đánh giá rất cao.
Vì thấy bài được một tờ báo điện tử chính thức “lề phải” của ta đã đăng tải, tôi nháy máy và thư email chuyện này tới mấy ông bạn thân. Cũng là một cách chia sẻ thông tin và các ý tưởng hay trong bạn bè đồng nghiệp chúng tôi.
Nhưng tôi gặp ngay nhiều thông tin phản hồi, đại thể đều nói bài cũng “đường được thôi”, chứ có gì đâu mà bài hay quá như tôi quá lời!
Thấy hơi lạ, vì lâu nay cách đánh của chúng tôi về các tác phẩm báo chí thường gần gặn với nhau. Chả lẽ bây giờ lại thay đổi đột ngột đến thế chăng? Nên tôi trao đổi lại ngay với các ông bạn thì mới vỡ lẽ. Do các bạn ấy truy cập vào VietnamNet như tôi giới thiệu, bài đó đã bị lược đi khá nhiều. Không hiểu sao lại rơi vào những ý được coi là hay nhất của bài.
Tôi vào lại VietnamNet trưa nay, thấy đúng là tòa soạn tờ báo này đã sửa lại và cắt đi nhiều dòng như vậy.
Để các bạn của tôi theo dõi lại câu chuyện đó, tôi post lên dưới đây bài của Giáp Văn Dương để mọi người đọc lại. Và có điều kiện so sánh điều tôi nói và tự đi đến các kết luận.
Chỉ có điều nhân dịp này, tôi gửi thêm đến mấy ông bạn mình “ít dòng về tác giả Giáp Văn Dương” mà tôi biết được để các bạn tôi tham khảo thêm về con người, về lớp trí thức trẻ của đất nước.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Hóa Dầu năm 1999;
Thạc sĩ Giáp Văn Dương tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội ngành Hóa Dầu năm 1999;
Thạc sĩ Đại học Quốc gia Chonbuk (Hàn Quốc) ngành Công nghệ Hóa học năm 2002;
Tiến sĩ Đại học Công nghệ Vienna ngành Vật lý kỹ thuật (Áo) năm 2006. Hiện tại anh
làm việc tại Đại học Livepool, Anh.
Nếu đọc lại bài viết và các điều tôi viết ra đây nhân việc này, các bạn của tôi thống nhất lại rằng, bài viết của anh Giáp Văn Dương (là bài nguyên văn) đúng là một bài viết có nhiều ý tưởng hay thì tôi muốn nói thêm vài câu nữa.
Các bạn trẻ của chúng ta hiện nay khi được đào tạo cơ bản tốt, một số bạn lại có điều kiện du học ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến hiện đại, rất nhiều khả năng sẽ trưởng thành lên rất nhanh.
Nó tạo đà để các bạn ấy có thể trở nên lớp trí thức trẻ mới, mang được trong đầu óc mình một thế giới quan phóng khoáng của những công dân toàn cầu. Một khi lòng yêu nước thương nòi sưởi nóng tâm can, trong các bạn lại có một nhân sinh quan đúng đắn và tiến bộ vì đất nước Việt, chắc chắn các bạn ấy sẽ trở thành một lực lượng mạnh để cùng toàn dân ta dựng xây xã hội Việt Nam tốt đẹp trong tương lai gần.
Những người trẻ tuổi như thế, họ vừa có học vấn vững chắc vừa mang tâm hồn dân tộc Việt xem ra không hiếm trong xã hội ta. Họ có mặt ở trong nước hay đang ở nước ngoài, nhưng tất cả đều là người Việt Nam, là công dân Việt Nam.
Xã hội ta thậ̣t sự trông cậy nơi lớp người này. Điều ấy đáng kỳ vọng làm sao...

Nguyễn Vĩnh
-----------------

Dưới đây là bài của Giáp Văn Dương:
(Chú ý bài của Giáp Văn Dương đăng trên VNNet lúc đầu nguyên nhưng ít lâu sau bị cắt đi ở những dòng chữ bôi đỏ):

Thoát Thân Luận
Giáp Văn Dương

Ngày 16 tháng 3 năm 1885, tờ Thời Sự Tân Báo của Nhật Bản cho đăng bài “Thoát Á Luận” của Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Bài báo cổ vũ phong trào Minh Trị Duy Tân và chủ trương cải cách văn hóa Nhật Bản để phát triển kịp các nước phương Tây.
Nội dung chính của bài luận nổi tiếng này, cũng là chủ trương của Fukuzawa Yukichi, được tóm gọn trong hai chữ “Thoát Á”. Nghĩa là thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông, cổ hủ lạc hậu, nặng về hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu Á mà Trung Quốc là điển hình, để học theo nền văn minh phương Tây và hội nhập vào thế giới bên ngoài.
Mục đích của chủ trương Thoát Á là giữ độc lập cho nước Nhật và giúp nước này phát triển theo kịp các nước phương Tây đương thời.
Chính nhờ chủ trương này, cộng với sự triển khai thành công của phong trào Duy Tân, nước Nhật đã hình thành được một hệ thống các thang giá trị mới và hội nhập được với bên ngoài, giúp cho nước Nhật không chỉ giữ được độc lập mà còn trở thành một cường quốc về kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật sau này.
Đến nay, bài Thoát Á Luận vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đến mức có nhiều người chủ trương: muốn phát triển, Việt Nam cũng cần phải làm một cuộc Thoát Á như Nhật Bản đã từng làm.
Nhưng như vậy có thực sự khôn ngoan, khi châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ, và thế kỉ 21 được cho là thế kỉ của châu Á? Và Việt Nam có thực sự cần thiết phải học lại từ đầu bài học của nước Nhật 125 năm về trước?
Muốn trả lời câu hỏi này, phải tìm xem những cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam hiện thời là gì?
Quan sát sẽ thấy đó là sức ì văn hóa và tâm lý tự mãn, không muốn thay đổi, thậm chí lảng tránh thay đổi trong một thế giới đang biến đổi không ngừng.
Những giáo điều cũ kĩ, những mô hình và luận thuyết lạc hậu, tuy đã thoái hóa trở thành hình thức và giả tạo, nhưng lại kịp trở thành những thang giá trị lưu hành trong xã hội.
Chúng không chỉ là những rào cản đơn thuần, mà thực sự trở thành những gông cùm, tuy vô hình và được che đậy bằng những mỹ từ, nhưng lại kìm kẹp và trói chặt sự phát triển.
Chúng trở thành những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... mà mỗi người, thậm chí cả dân tộc, sa vào và tốn hàng chục năm loay hoay không thoát ra được.
Vì thế, muốn phát triển, không còn cách nào khác là phải chỉ rõ mặt, gọi đúng tên và tìm cách thoát khỏi những gông cùm và bẫy vô hình này.
Chúng là gì?
-Là sự nhạo báng những giá trị phổ quát như Chân-Thiện-Mỹ: dối trá tràn lan; tin trộm cắp giết người hãm hiếp nhan nhản trên mặt báo hàng ngày; tranh giành, cướp, giật hỗn loạn sau mỗi lễ hội hoa...
-Là những giáo điều xa lạ, nhập khẩu từ bên ngoài bằng cách này hay cách khác, do chủ ý của con người hay ngẫu nhiên của lịch sử, làm biến dạng văn hóa và tư tưởng Việt.
-Là những thang giá trị lạc hậu, phản tiến bộ nhưng vẫn được phép, thậm chí dung túng để tồn tại, cản trở hoặc chặn đứng sự ra đời của những thang giá trị mới.
-Là những chỉ tiêu duy ý chí, lửng lơ ở trên trời nhưng lại bắt cả xã hội phải vắt sức chạy theo.
-Là bệnh thành tích, sẵn sàng đánh đổi tất cả, thậm chí phẩm giá con người, chỉ để làm đẹp các con số.
-Là quan liêu trì trệ, không quản được thì cấm, trói tay trói chân tất cả mọi người.
-Là những dự án treo, kế hoạch treo lãng phí hàng chục năm nguồn lực.
-Là văn hóa tiểu nông, tư duy nhỏ mọn, địa phương cục bộ, nhiệm kì.
-Là sự xuống cấp đạo đức, vô cảm trước cái xấu và cái ác.
-Là niềm tin đang bị xói mòn và vỡ ra từng mảng.
-Là im lặng đến rợn người.
-Là giả dối.
-V.v...


Chúng nhan nhản khắp mọi nơi, mọi cấp bậc, mọi mặt của đời sống. Phải gỡ bỏ chúng, thoát khỏi chúng trước hết.
Vì thế, thay vì tính chuyện Thoát Á hay Thoát Âu, Thoát Mỹ, hãy tính chuyện thoát khỏi những những gông cùm kìm kẹp và những thứ xấu xa phản tiến bộ đang nằm trong chính bản thân mình này trước hết. Nghĩa là phải vượt lên bản thân mình, tổ chức lại bản thân mình, thay đổi những thang giá trị đã bị lịch sử chứng mình là lạc hậu để hình thành nên những thang giá trị mới, trong một hình hài mới. Nếu không, những gông cùm kìm kẹp phản tiến bộ này không chỉ cản trở sự phát triển, mà còn trực tiếp đẩy đất nước đến đến bờ tụt hậu, suy vong do sập phải những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... do chúng tạo ra.
Chủ trương này có thể gọi bằng một tên ngắn gọn: “Thoát Thân”, với hàm nghĩa: vượt lên bản thân mình, thoát khỏi những thang giá trị, những tư tưởng lạc hậu đang nằm trong chính bản thân mình để tránh sa lầy vào những bẫy vô hình do chúng tạo ra, từ đó hình thành những thang giá trị mới, tư tưởng mới, tiến bộ, hiện đại, mở đường cho phát triển.
Chủ trương thoát thân và thoát thân liên tục sẽ giúp gạt bỏ những cản trở nội tại để đổi mới và sáng tạo không ngừng. Suy cho cùng, phát triển chỉ đạt được từ đổi mới và sáng tạo. Và những cản trở đáng kể nhất cho sự đổi mới và sáng tạo là những cản trở nội tại, nằm ngay trong chính bản thân mình.
Chỉ có như thế, năng lực mọi mặt của đất nước mới được giải phóng. Đất nước mới có thể đương đầu và thích nghi được với một thế giới đầy biến động và thay đổi từng ngày, và quan trọng hơn, không sa vào những bẫy vô hình, do sự vô tình hay cố ý của con người, hoặc ngẫu nhiên của lịch sử tạo ra.
Cho nên, thay vì tính chuyện Thoát Á, Thoát Âu, Thoát Mỹ..., hãy tính chuyện Thoát Thân trước hết.

Giáp Văn Dương
----------------------------------

Tham khảo một bài khác của Giáp Văn Dương (lấy trên blog cá nhân của tác giả, và bài này có đăng trên VNNet):

Thứ hai, ngày 04 tháng một năm 2010

Tư duy định hình, định vị đất nước

(Tác giả chú thích: Bản thảo bài đăng trên Tuần Việt Nam ngày hôm nay, 04/01/2010, lưu lại đây làm tư liệu).
Năm 2010 là năm mở đầu một thập kỉ mới, có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với sự phát triển Việt Nam. Vì thế, cần có những tư duy mới để định hình và định vị một nước Việt Nam mới.
Nguời ta thường tìm cách định hình đất nước bằng một hình ảnh cụ thể thông qua hình dạng biên giới của nước đó. Ví dụ, Việt Nam hình chữ S, nước Ý hình chiếc ủng, nước Anh hình con thỏ. Nhưng ít ai để ý rằng, cái thực sự định hình một đất nước chính là tư duy của đất nước đó.
Người ta cũng thường định vị một đất nước bằng tọa độ địa lý của nước đó. Nhưng cũng ít ai để ý, trên trường quốc tế, cái định vị một đất nước cũng chính là tư duy của đất nước đó.
Cò nhớ hơn 700 năm trước, khi sơn hà nguy biến trước họa xâm lăng của quân Nguyên Mông đến từ phương Bắc, tư duy quyết chiến để bảo vệ đất nước của tiền nhân - hội tụ trong tinh thần Hội nghị Diên Hồng - và lãnh đạo đất nước - kết tinh trong câu nói nổi tiếng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: "Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước" đã giúp cho nước Việt ta tránh họa giày xéo bởi vó ngựa Nguyên Mông. Không những đất đai của tổ tông được bảo toàn, mà nòi giống cũng không bị đồng hóa.
Thế mới biết, một đất nước có hình dáng hiên ngang hay khom lưng qu gối là do chính tư duy của đất nước đó quyết định.
Lịch sử vệ quốc đã chứng kiến nhiều lần Việt Nam phải đương đầu với những kẻ thù to lớn và mạnh hơn mình gấp bội. Nhưng kết cục, chính họ mới là kẻ thất bại trước tư duy “quyết chiến”, “thà chết chứ không chịu làm nô lệ” của người Việt.
Thế mới biết, một đất nước mạnh hay yếu cũng do tư duy của đất nước đó quyết định.
Trên thế giới, có những nước được ưu đãi tài nguyên phong phú, khí hậu ấm áp, nhưng vẫn sa vào cảnh đói kém, lạc hậu, nội chiến triền miên, đẩy đất nước đến bờ suy vong. Nguyên nhân chính cũng là do tư duy vơ vét, xâu xé lẫn nhau của chính người dân và những người tự xưng là lãnh đạo.
Lại có những nước tuy đã độc lập, nhưng dân chúng phải làm thuê ngay trên đất nước của mình, hoặc coi việc lang thang làm thuê kiếm sống xứ người là một điều vinh hạnh. Không ai khác, chính tư duy làm thuê đã biến họ thành những kẻ làm thuê.
Thế mới biết, vị trí của một đất nước trong cuộc đua tranh phát triển và trên trường quốc tế do chính tư duy của đất nước đó quyết định.
Một đất nước hiên ngang khi có một tư duy hiên ngang khí khái dẫn dắt. Một đất nước mạnh mẽ khi có một tư duy mạnh mẽ, sáng tạo dẫn dắt. Muốn thế, tư duy của đất nước về bản thân mình, về con đường phát triển, về thế giới bên ngoài phải được bồi đắp và đổi mới không ngừng.
Tư duy dẫn dắt đôi chân, thúc đẩy đôi chân bước tới tương lai. Nhưng cũng chính tư duy kéo ta lùi về quá khứ, ngủ quên trong quá khứ, dù là quá khứ huy hoàng.
Tư duy mới sẽ mở ra những con đường mới. Tư duy lớn sẽ mở ra những con đường lớn - những đại lộ cho đất nước tiến lên.
Nói cách khác, phải có một hạ tầng tưu duy vững chắc làm nền tảng nâng đỡ và dẫn dắt phát triển. Tư duy của mọi cá nhân, nhất là của tầng lớp trí thức, chuyên gia, phải được giải phóng triệt để, tạo nền cho công cuộc phát triển của đất nước.
Bước sang một thập kỉ mới, Việt Nam đang có trong tay thế và lực mới, mạnh mẽ hơn so với những gì đã có trong quá khứ. Nhưng Việt Nam cũng phải đương đầu với những thách thức mới cả từ bên trong lẫn bên ngoài, mà nhiều trong số đó có thể dẫn đến sự an nguy của đất nước. Bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể chỉ ra hai trong số các nguy cơ đó: nội xâm – tham nhũng và ngoại xâm - tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Việt Nam cũng đang tiến dần thành nước có thu nhập trung bình, đây là điều đáng khích lệ. Nhưng Việt Nam có thoát được cái “bẫy thu nhập trung bình” để trở thành một nước phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh hay không là do chính tư duy của người dân và lãnh đạo Việt Nam quyết định.
Trong lịch sử, tư duy “quyết chiến” để bảo vệ tổ quốc đã giúp Việt Nam không phải khom lưng quỳ gối trước kẻ thù thì ngày nay, chỉ có tư duy “quyết phát triển”: phát triển để ổn định, phát triển để sánh vai các cường quốc năm châu mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu và “bẫy thu nhập trung bình”.
Sang thập kỉ mới, thập kỉ có tầm quan trọng sống còn trong việc quyết định Việt Nam có vượt qua được “bẫy phát triển” hay không, xã hội có giữ được sự bền vững thực sự hay không, độc lập chủ quyền có được bảo toàn hay không, phụ thuộc chủ yếu vào việc tư duy quản lý và điều hành đất nước có được thay đổi một cách thích hợp hay không.
Muốn Việt Nam có một diện mạo mới, thế đứng và vị trí mới trong thập kỉ mới - thập kỉ bản lề này, thì trước hết là tư duy của lãnh đạo và sau đó là tư duy của người dân Việt Nam cần phải thay đổi.
Vì một lẽ đơn giản: tư duy định hình và định vị đất nước.

Giáp Văn Dương


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...