Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Lịch sử trước sau vẫn là lịch sử

Lịch sử trước sau vẫn là lịch sử

Cuộc chiến tranh Trung-Việt kể từ ngày quan hệ hai nước bình thường hóa trở lại (năm 1991) ít hoặc không thấy nhắc tới ở nước ta. Ngay như năm ngoái, dịp đúng 30 năm ngày cuộc chiến này diễn ra nhưng báo chí chính thức và bộ máy tuyên truyền của ta cũng tịnh không thấy xuất hiện lời nào dòng nào cả.
Vì sao như vậy? Câu hỏi và cũng là câu trả lời nữa – mà thực ra chỉ được hiểu ngầm - là về mặt đối ngoại, nêu lại chuyện đó là không có lợi cho đường lối chủ trương đối ngoại làm bạn với tất cả các nước, cụ thể càng không lợi gì cho quan hệ hai nước. Hoặc lãnh đạo ta coi đây là vấn đề quốc tế, bối cảnh quốc tế lâu nay thuộc diện “nhạy cảm” “tế nhị” không nên khơi gợi lại làm gì.
Thế nhưng ở Trung Quốc thì người ta đã không làm như thế. Bằng cách này cách khác, tùy theo phân công của bộ máy tuyên truyền, Trung Quốc thường xuyên nhắc lại câu chuyện trên như là phía họ đã hành động một cách chính nghĩa và hợp đạo lý. Văn học và phim ảnh nước này đã dựng lên cả loạt tác phẩm xuyên tạc cuộc chiến tranh này. Họ miêu tả những người lính Trung Quốc vượt qua biên giới vào đất Việt Nam bắn giết dân thường và tàn phá làng mạc thành phố của chúng ta rồi rút đi như những mẫu người hảo hớn anh hùng của thời đại. Đen đen trắng trắng thế nào đến nỗi một nhà xuất bản cỡ quốc gia của ta lầm lẫn tới mức cho dịch in một cuốn tiểu thuyết loại như vậy, gây nên vụ xì-căng-đan ầm làng sách báo.
Và không chỉ ở Trung Quốc. Giới học giả tại nhiều quốc gia với chính kiến không giống nhau cũng dành nhiều nghiên cứu công phu về cuộc chiến tranh “kỳ lạ” này. Một cuộc chiến như người ta nói, là của một nước rất lớn tự cho phép mình đi “trừng phạt” một nước yếu nhỏ hơn nhiều, lại từng là anh em đồng chí thân thiết của họ, với một phương thức tiến hành chiến tranh chớp nhoáng và hết sức tàn bạo.
Một trong số đó là công trình của nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc Trương Tiểu Minh. Ông làm việc tại Đại học Không quân Mỹ (Air War College – Montgomery, bang Alabama, Hoa Kỳ) ngay từ tháng 12/2005 đã cho công bố một bài viết có giá trị trên một tạp chí khoa học, trong đó phân tích từ nguyên nhân và diễn biến của cuộc chiến tới các hệ quả và bài học rút ra từ cuộc chiến kia mang lại. Đương nhiên góc nhìn của tác giả có những điều phải bàn lại, nhưng cả bài toát lên một thái độ khách quan nghiêm túc khi nhìn lại toàn bộ cuộc chiến tranh biên giới này.
Trước khi đi vào nội dung bài nghiên cứu trên, thiết tưởng chúng ta nên nghiêm túc nhìn lại mình. Liệu một thái độ chối bỏ hoặc giả là buông trôi không cho báo chí và sử liệu công khai được nhắc đến cuộc chiến trên có phải là một ứng xử khoa học và có trách nhiệm nghiêm túc trước lịch sử?
Oái oăm thay lịch sử vẫn thế và bao giờ cũng vẫn thế. Nó đã và đang tồn tại một cách khách quan ngoài ý muốn chủ quan của bất cứ ai. Nếu những người trong cuộc như Việt Nam chúng ta không nhắc đến thì thiên hạ họ cũng cứ nhắc tới, cứ nghiên cứu, cứ nêu vấn đề lên theo những giác độ của họ khi nhìn cuộc chiến này. Đúng sai từ các tác phẩm công trình nào đó chúng ta không/chưa vội bàn tới hoặc kết luận. Chỉ biết rằng như vậy sẽ có khả năng lịch sử bị biến dạng, bị hiểu sai - nếu chúng ta, đặc biệt giới chuyên môn về lịch sử quân sự cũng như dân sự - tất cả là ở phía chúng ta không mau mắn tham gia vào công việc này.
Dưới đây xin trích thuật một số đoạn của bài viết rất có giá trị tư liệu và khoa học kể trên của tác giả Trương Tiểu Minh.
Chúng ta dễ nhận thấy ở đây sự phong phú của các nguồn tư liệu mà tác giả sưu tầm được cũng như cách nhìn nhận và lập luận của tác giả về cuộc chiến tranh là tương đối khách quan. Chắc sẽ có nhiều bài học và kinh nghiệm rút tỉa được từ đây tùy theo góc độ của người đọc chúng ta.

Nguyễn Vĩnh

-----------
Trích một số đoạn của bài nghiên cứu:

* Trong cuộc họp Quân ủy Trung ương Quân Giải phóng Trung Quốc vào trước đầu năm Dương lịch, Đặng Tiểu Bình đã chính thức đề xuất một cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam. Tất cả những người tham gia cuộc họp bao gồm cả chủ tịch ĐCS Trung Quốc Hoa Quốc Phong, theo như báo chí đã đưa tin, cũng ủng hộ đề xuất này. Tại cuộc họp này Đặng đã chỉ định Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) làm chỉ huy chiến dịch ở đông Quảng Tây và Dương Đức Chí (Yang Dezhi), tư lệnh quân khu Vũ Hán, chỉ huy ở miền tây Vân Nam, không dùng Vương Tất Thành (Wang Bicheng), tư lệnh quân khu Côn Minh.

* Ngày 11 tháng Hai 1979, hai ngày sau khi Đặng trở về Bắc Kinh từ chuyến đi Mỹ và Nhật, cuộc họp Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc mở rộng đã được triệu tập. Đặng trình bày rõ ràng lý do căn bản để đánh Việt Nam, và sau đó mệnh lệnh phát động cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17 tháng Hai năm 1979 đã được gửi tới các tư lệnh quân khu Quảng Tây và Vân Nam. Đây là ngày họp mà các thành phần không phải chủ chốt được tham dự lâu trong đó một số lý lẽ được đưa đẩy rằng thời điểm tấn công có thể liên quan mật thiết đến yếu tố thời tiết: vào mùa mưa, thường từ tháng Tư trở đi, nó có thể bất lợi cho việc tiến hành các chiến dịch quân sự, hoặc nếu tấn công sớm quá thì quân đội Liên Xô có thể dễ dàng vượt qua những con sông dọc biên giới Trung-Xô khi đó đang còn đóng băng (nếu Liên Xô động binh giúp Việt Nam bằng cách đó thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho Trung Quốc).

* Khoảng giữa tháng Giêng 1979 hơn một phần tư quân đội thường trực của QGPND đã được đưa đến biên giới Trung-Việt, tổng cộng khoảng hơn 320.000. Theo kinh nghiệm chiến đấu của mình và dựa trên các bài bản chiến thuật của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc trong quá khứ, Hứa Thế Hữu đã trả lời những yêu cầu chiến tranh của ban lãnh đạo Trung ương bằng một chiến thuật gọi là niudao shaji (ngưu đao sát kê - dùng dao mổ trâu để cắt tiết con gà).

* Bắc Kinh cũng tính đến khả năng tham chiến của không quân. Không quân của QGPND sẽ cam kết dùng 18 trung đoàn và 6 phi đội tăng phái để chuẩn bị hỗ trợ cho các chiến dịch mặt đất. Để tránh leo thang xung đột, Quân ủy Trung ương ra lệnh không lực chỉ trợ chiến bên trong lãnh thổ Trung Quốc, trong khi đó lại ra lệnh các đơn vị không quân sẵn sàng yểm hộ cho các chiến dịch dưới đất “nếu cần”, mặc dầu không đưa ra định nghĩa chính thức tình hình thế nào và bao giờ được coi là “cần”. Mệnh lệnh đã quy định rằng bất cứ chiến dịch nào bên ngoài không phận Trung Quốc đều phải được phép của Quân ủy Trung ương. Dựa trên những nguyên tắc này, một chiến lược yêu cầu các đơn vị không quân sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng trời và yểm trợ cho mặt đất. Khi chiến dịch dưới đất bắt đầu, cùng lúc không quân được lệnh xuất kích với tần suất cao trên không phận biên giới nhằm ngăn chặn không quân Việt Nam tham chiến. Nhân viên kiểm soát và điều hành hàng không cũng như các nhóm chỉ huy tác chiến đã được cử đến sở chỉ huy tiền phương của hai quân khu ở Quảng Châu và Côn Minh, các chỉ huy của các đơn vị không quân và một vài đơn vị phục vụ mặt đất cũng sẽ tham gia vào nhiệm vụ tấn công chính.

* Việc các đơn vị bộ đội của QGPND chỉ được huấn luyện một cách sơ sài và không đầy đủ cho một cuộc chiến tranh hiện đại nhằm vào quân đội Việt Nam, những người đã có 25 năm kinh nghiệm chiến đấu trước khi có cuộc chiến tranh này dường như không được giới lãnh đạo Trung Quốc quan tâm.

* Mặc dầu nhu cầu huấn luyện là cấp bách, nhưng QGPND vẫn tiếp tục với truyền thống quân sự của mình là sử dụng học thuyết chính trị để nâng cao tinh thần và để cải thiện hiệu năng chiến đấu. Cỗ máy tuyên truyền đã được thiết lập để thuyết phục binh lính rằng quyết định của ban lãnh đạo Trung ương là cần thiết và đúng đắn. Việt Nam đã thay đổi một cách xấu xa trở thành “Cuba ở phương đông”, tên “côn đồ ở châu Á” và “chó săn của Liên Xô”, đang cố theo đuổi tham vọng bành trướng. Chủ thuyết chính trị của Mác, mặc dầu được cả hai nước suy tụng cũng không ngăn cản được việc Trung Quốc phát động một cuộc “chiến tranh tự vệ” chống lại quốc gia làng giềng nhỏ bé một khi quyền lợi dân tộc tối cao bị đe dọa. Các bài giảng, các cuộc họp quy tội Việt Nam với các bằng chứng, hiện vật, cũng như tranh ảnh được trưng bày nhằm gia tăng chủ nghĩa yêu nước và lòng căm thù kẻ địch. Ít nhất người ta cũng đã đưa ra một cách giải thích nghe có vẻ có lý cho những người lính bình thường, ít học về lý do tại sao lại cần phát động cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam, một đất nước từ lâu đã là anh em, đồng chí.

* Mặc dầu QGPND đã chọc thủng phòng tuyến ngay từ đầu nhưng địa hình, đặc biệt là thiếu đường sá, cộng với sự kháng cự quyết liệt của quân chính quy, các đơn vị biên phòng, bộ đội địa phương Việt Nam nên quân Trung Quốc đã bị rơi vào thế bị động. Chính tình trạng này đã bộc lộ những điểm yếu và thiếu khả năng của quân Trung Quốc trong chỉ huy tác chiến, liên lạc và hậu cần bắt nguồn từ truyền thống binh pháp của QGPND. Trong một vài trường hợp, các chỉ huy mặt trận Trung Quốc đã thúc giục sự yểm trợ của không quân khi các giao tranh dưới mặt đất gặp sự kháng cự quyết liệt của quân đội Việt Nam. Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc đã không cho phép, thay vào đó là mệnh lệnh cho hải dựa vào sự hỗ trợ hỏa lực của pháo binh. QGPND cùng với những tướng lĩnh của nó được sinh trong một thể chế truyền thống, chỉ quen với tiền pháo hậu xung và biển người. Khẩu hiệu “Tinh thần của lưỡi lê” (The spirit of the bayonet) lại tiếp tục được đề cao. Kết quả cho thấy cuộc chiến tranh Việt-Trung năm 1979 là một cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn bạo.

* Bắc Kinh ngày càng trở nên lo lắng về tiến triển của cuộc chiến nên hối thúc tư lệnh chiến trường ở Quảng Tây khởi sự càng nhanh càng tốt trận đánh quyết định vào Lạng Sơn, một cửa ngõ làm lá chắn cho Hà Nội từ phía bắc. Dường như không hài lòng với những gì đã xảy ra tại Cao Bằng, họ Hứa đã tổ chức lại kế hoạch tác chiến và kêu gọi binh lính tăng thêm sức chiến đấu trong trận đánh Lạng Sơn. Sáu sư đoàn quân Trung Quốc tham gia vào trận đánh quyết định này, bắt đầu vào ngày 27 tháng hai, được mở màn bằng một trận pháo kích dữ dội. Sau các trận chiến ác liệt, quân Trung Quốc lần đầu tiên kiểm soát chắc chắn được các điểm cao xung quanh và sau đó đánh chiếm phần phía bắc của thành phố vào ngày 02 Tháng Ba, ngày mà theo lịch trình sẽ ngưng các hoạt động quân sự. Do bộ máy tuyên truyền của Hà Nội không thừa nhận thất bại của họ ở Lạng Sơn, Hứa đã quyết định tiếp tục đánh, thúc quân của ông ta vượt sông Kỳ Cùng, là ranh giới phân chia thành phố Lạng Sơn thành các huyện phía Bắc và phía Nam, để đánh chiếm toàn bộ thành phố, và sau đó phát triển xa về phía nam để đe dọa Hà Nội. Mặc dù quyết định của Hứa đã được Bắc Kinh thông qua, nhưng nó đã bị hủy bỏ vào ngày 05 tháng 3, ngay sau khi quân đội Trung Quốc chiếm phần phía nam của Lạng Sơn, với lý do được tuyên bố là họ đã đạt được các mục tiêu chiến tranh ban đầu.

* Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 là một hoạt động quân sự lớn nhất mà QGPND đã đề xướng kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Dựa trên chiến lược của Mao là “trong mỗi trận đánh, tập trung một lực lượng tuyệt đối vượt trội so với kẻ thù”, Bắc Kinh đã triển khai chín quân đoàn chính quy cùng với các đơn vị đặc biệt và địa phương, tạo nên một đội quân hơn 300.000, tiến hành cuộc chiến tranh trừng phạt Việt Nam trong một tháng. Các đơn vị không quân chiến đấu đã xuất kích 8.500 phi vụ tuần tra vùng trời, trong khi đó các đơn vị vận tải và trực thăng đã xuất kích 228 lần làm nhiệm vụ không vận; Hải quân cử một lực lượng đặc nhiệm (bao gồm hai tàu khu trục tên lửa và ba hải đội tàu trang bị tên lửa và ngư lôi tấn công nhanh) ra đảo Hoàng Sa (Xisha) nhằm đối phó với sự can thiệp của hải quân Liên Xô nếu có. Ngoài ra, Các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam còn huy động hàng chục ngàn dân quân và dân công để hỗ trợ các chiến dịch quân sự. Trong thời gian chiến tranh, quân Trung Quốc đã chiếm ba thị xã của Việt Nam và hơn một chục thành phố nhỏ và thị trấn dọc biên giới, họ tuyên bố đã giết và làm bị thương 57.000 bộ đội Việt Nam, đánh thiệt hại nặng bốn sư đoàn quân chính quy và mười trung đoàn trực thuộc khác, cùng với việc chiếm một lượng lớn vũ khí. Bắc Kinh khẳng định rằng cuộc chiến chống Việt Nam 1979 đã kết thúc với thắng lợi thuộc về Trung Quốc.

* Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu ngày nay đều thừa nhận rằng quân Việt Nam “đã trên tay” quân Trung Quốc trên chiến trường vì khả năng tác chiến yếu kém của QGPND và thương vong quá nặng như đã được báo cáo chính thức. Hà Nội cho rằng chỉ có dân quân và các lực lượng địa phương đã tham gia vào cuộc xung đột, và không áp dụng một chiến thuật phòng thủ nào nhưng đã tấn công liên tục chống lại quân xâm lược Trung Quốc. Họ chỉ chịu mất Lạng Sơn và một số thành phố khác sau khi đã gây thương vong và thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc. Đài Hà Nội vào thời gian đó đã thông báo rằng Việt Nam đã tiêu diệt và làm bị thương 42.000 quân Trung Quốc...

….

Nguon: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_TruongTieuMinh.htm

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...