Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Tin lo - tin vui

Tin lo - tin vui

Báo chí nuớc ngoài liên tiếp đưa những tin đến “sốt ruột” và đau đầu: Máy bay chiến đấu hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc hiện tại là J11 đã được đưa tới đảo Phú Lâm. Tham vọng vươn ra Biển Đông của Trung Quốc đâu còn là trên lý thuyết mà họ còn cố lộ ra như một sự hiển nhiên. Có thể nơi họ quá tự tin ở sức mạnh hải quân của mình tại khu vực để tự ý coi Biển Đông như một cái ao sau của Trung Quốc.

Vẫn giới truyền thông thế giới đã có lời bình luận rằng, thời gian qua Trung Quốc đã gia tăng áp lực đối với các nước đang cùng tranh chấp ở Biển Đông. Và trong thời gian tới Trung Quốc còn tiếp tục với các bước đi theo hướng này.

Trung Quốc cho rằng họ mới chỉ bố trí một lực lượng không quân còn nhỏ trên đảo Hải Nam, trong đó chỉ bao gồm những biên đội máy bay chiến đấu J8 là chưa tỏ rõ quyết tâm “giữ vững chủ quyền” trên biển khơi nên họ sẽ còn tăng cường thêm các máy bay chiến đấu, loại hiện đại nhất, như J11 và JH7A. Chúng sẽ được bố trí trên đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm. Với bán kính tác chiến của J11 tới 1.500km, JH7A tới 1.650 km, Trung Quốc hoàn toàn có thể bao phủ tầm hoạt động trên hầu khắp Biển Đông - mà Bắc Kinh gọi là Biển Nam Trung Hoa.

Mới đây có tin Trung Quốc đã điều động số máy bay SU27 đã có sẵn tại tỉnh Quảng Đông ra hai đảo trên, sau đó tăng cường cho tỉnh này các máy bay J11 - theo họ, để cân bằng với lực lượng quân sự Việt Nam áp sát những hòn đảo trên với nhiều máy bay hiện đại thế hệ thứ ba là SU27/Su30 và Mig 29 mua của Nga.
Mặt khác Trung Quốc còn lập luận rằng trong thời gian vừa qua Việt Nam đã mua hàng loạt các máy bay chiến đấu SU30MKII và tàu ngầm Kilo cũng của Nga hiện đại tối tân hơn nữa, và lấy cớ đó tăng rất nhanh tiềm lực quân sự cho vùng biển đang tranh chấp này.

Thêm nữa Trung Quốc còn điều một số máy bay cảnh báo sớm loại KJ2000 hiện đại cho đảo Hải Nam (hiện nay đa số các máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc mới chỉ bố trí bên bờ eo biển Đài Loan nhằm đối phó với hòn đảo này). Tuy nhiên theo giới chức quân sự nước này, sau đây Trung Quốc sẽ chuyển hướng chiến lược, bố trí KJ2000 ra khu vực Biển Đông nhằm đối phó với tình hình nóng nếu chiến sự xảy ra.

Việc bố trí máy bay cảnh báo sớm có tác dụng và hiệu quả vô cùng to lớn do hiện tại lực lượng không quân của Việt Nam và của hai nước khác là Malaysia và Indonesia vẫn chưa có các hệ thống đối kháng tương ứng nên Trung Quốc sẽ dễ dàng chiếm được ưu thế trên không.

Còn theo các nguồn tin quân sự nước ngoài, thời gian tới Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành bay diễn tập để làm quen với địa hình mới, đồng thời Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cũng sẽ hoàn thiện các hệ thống ra-đa phòng không để nâng cao khả năng tác chiến và ứng phó với sự tấn công nếu có từ các máy bay SU27/Su30 của Việt Nam và nhiều loại không lực cường kích tiêm kích tối tân khác của Malaysia và Indonesia.
Đọc những dòng tin và nhận định này, không ai là con dân Việt mà thờ ơ cho được! Rất lo lắng là đằng khác... Nên khi biết tin hôm qua, ngày 16/3, tại công binh xưởng đóng tàu ở Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga đã cho hạ thuỷ chiếc “Khinh hạm thứ 2” cho lực lượng hải quân Việt Nam tất nhiên chúng ta thấy lòng mình dịu lại, như một niềm an ủi.

...Nếu ta cùng nhớ lại, hồi cuối năm ngoái thủ tướng nước ta trên đường đi dự một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Bắc Âu, ông đã thăm chính thức nước Nga để ký kết một hợp đồng về việc mua vũ khí của nước này. Trong số đó có các khinh hạm hệ Gepard 3.9 cho hải quân của nước ta. Chiếc khinh hạm đầu tiên đã được hạ thuỷ vào tháng 12/2009. Vậy nay là chiếc thứ hai.

Vẫn nguồn tin này cho biết chiếc khinh hạm đầu tiên sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào tháng 10 và chiếc thứ 2 sẽ được bàn giao vào cuối năm nay, phát ngôn viên của công binh xưởng nói trên này đã tuyên bố như vậy. Hai khinh hạm này sẽ trải qua các cuộc chạy thử trên biển tại biển Baltic trước khi giao cho quân đội chúng ta.

Khinh hạm lớp Gepard 3.9 thuộc Dự án 1166.1 được thiết kế để tấn công và tiêu diệt các chiến hạm, tàu ngầm và các mục tiêu trên không. Nghe nói mỗi tàu có trọng tải 2.000 tấn, với chiều dài 102 mét, tốc độ tối đa 23 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn gồm 103 người và phạm vi hoạt động tới 5.000 hải lí. Khinh hạm được trang bị một hệ thống tên lửa đối hạm Uran-E chống tàu chiến và các trang bị tác chiến mạnh mẽ khác như các ống phóng thuỷ lôi, sân đậu trực thăng hải quân Ka-28 hoặc Helix.

Như thế cùng với 6 chiếc tàu ngầm hệ Kilo và máy bay ném bom - chiến đấu hải quân Su-30MK2 được đặt mua dịp đó, hợp đồng khinh hạm lớp Gepard này được xem như là một phần trong nỗ lực hiện đại hoá hải quân của chúng ta.

*

Lâu nay nhiều tin tức gây thêm lo âu đến với chúng ta. Ai cũng biết điều hệ trọng nhất của mọi dân tộc- quốc gia luôn là chủ quyền với sự toàn vẹn lãnh thổ. Không giữ được độc lập và toàn vẹn lãnh thổ thì mọi công việc quốc gia đại sự khác xem như chẳng mấy ý nghĩa nữa.

Với một đất nước trải dài và bao bọc phần nửa biên giới thông với biển khơi như chúng ta, sự mạnh mẽ của lực lượng quân sự để giành giữ độc lập chủ quyền càng là trọng trách lớn lao và vô cùng thiêng liêng.

Thế nên hiển nhiên cái dòng tin ngắn - nhưng vừa đủ các chi tiết cần biết vừa dẫn - đã làm chúng ta tạm ấm lòng chốc lát. Như sự an ủi sau bao thắc thỏm lo âu... Còn với bao người con dũng cảm đang ngày đêm vất vả phong sương nơi biển khơi thì tin này là niềm vui và nhất là tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ. Những ngày tháng hiện tại, càng cần tới những điều đó làm sao!

Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...