Chủ Nhật, 11 tháng 4, 2010

Nghiên cứu Biển Đông cũng là cách giữ chủ quyền

Nghiên cứu Biển Đông cũng là cách giữ chủ quyền

Năm ngoái ngày 21/10, tôi viết một Entry, rồi trích tin của BBC về khả năng có một cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông (http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=807).

Mấy dòng viết hồi đó như vậy, từ dự cảm cá nhân, tôi hiểu trên-dưới trong-ngoài bấy lâu nay có nhiều thế kẹt cho chúng ta. Bối cảnh trong nước và quốc tế, tương quan lực lượng, các ưu tiên phát triển kinh tế trong thời khủng hoảng càng làm khó thêm sự lựa chọn đối ngoại. Lựa chọn thế nào đó phải giúp cho sự ổn thỏa với láng giềng. Nên có thể nói suốt từ 1998 trở đi, liên tiếp là các đàm phán biên giới trên bộ rồi trên biển với 3 quốc gia lân bang. Đây cũng là phương cách thoát ra những thế khó xử
mà các nước chung biên giới nào cũng thường mắc phải.

Với Lào và Campuchia thì không có nhiều vấn đề lắm... Riêng với quốc gia lớn mạnh phương Bắc, ngay trên đất liền cũng còn những sự lấn lướt hoặc so kè từng li từng tí trên bản đồ được vẽ với ta.

Hồi còn đang đi làm, tôi từng được một người bạn làm công tác biên giới tâm sự lại. Anh nói rằng, họ một quốc gia đất đai rộng mênh mông như vậy nhưng động đến một bụi cỏ, một bờ suối là họ tính lên tính xuống đến là khiếp; nên phải nói là rất khổ cho anh em đàm phán, cứ cò kè cò cưa như bà hàng xén, rồi cũng phải đến lúc ngã giá với nhau; tuy nhiên thế nào thì nguyên tắc bao giờ cũng là nguyên tắc, vì thế có những lúc có cảm giác cứ kéo dài như vô tận (kéo dài các cuộc đàm phán biên giới).
Trở sang biên giới trên biển, trên các đảo thì còn rất nhiều vấn đề, rất là nhiều chuyện. Từ phân giới trên vịnh Bắc Bộ, cửa ngõ liền kề của ta cho đến 2 quần đảo Hoàng Sa (HS) và Trường Sa (TS) đều còn những việc thật sự đau đầu.

HS thì TQ đã chiếm từ tay quân đội Sài Gòn năm 1974 trước khi ta giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. TS thì năm 1988, lợi dụng lúc ta thế yếu, quan hệ Việt-Trung còn căng thẳng, họ đưa hạm thuyền đánh chiếm một lúc hàng chục đảo mà ta đã làm chủ từ sau chiến thắng 1975, họ đã làm hơn 60 chiến sĩ hải quân của ta ngã xuống nơi đây, nói gì thì nói đã gây thêm một vết nhơ trong quan hệ láng giềng với ta.

Không những Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp trên Biển Đông mà 3 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng lên tiếng đòi một phần chủ quyền ở TS, cụ thể họ đã có mặt trên thực địa tại một số hòn đảo của TS (là 3 nước Philippines, Malaysia, Brunei và lãnh thổ Đài Loan).

Ấy vậy mà trong quan điểm chính thức, nước láng giềng vẫn chỉ một mực là sử dụng cơ chế đàm phán song phương mới là cách thích hợp. Bao nhiêu nước dính vào, liên hệ liên quan đến quyền lợi chủ quyền thiêng liêng mà họ cứ tuyên bố xanh rờn như vậy. Kể cũng lạ, rất lạ.

Tuy nhiên với những thực tiễn quan hệ cỡ như vậy, tôi vẫn nghĩ đến một lúc nào đó, quan điểm công khai của chính quyền ta sẽ khác. Tức sớm muộn phải đưa chuyện tranh chấp kia cho quốc tế biết đến.

Nói vậy bởi tôi cho rằng hơn ai hết, những người cầm lái đất nước qua nhiều thế hệ biết rõ và cũng coi như ngấm đòn từ người láng giềng sẵn có trăm phương ngàn kế này.
Suốt bao năm qua, các cú thụi ngầm của người bạn hàng xóm về lãnh thổ, biển đảo phải nói là thâm độc và ít nhiều có hiệu quả đối với họ, ít nhất là họ làm được với dư luận trong nước họ (hãy đọc những bài phản ánh chủ nghĩa dân tộc cực đoan Đại Hán trên một số Website, báo mạng của TQ đã được các nhà nghiên cứu VN dịch lại).

Cho nên năm ngoái một mặt Trung Quốc cử học giả đến dự hội thảo quốc tế tại Hà Nội (tức hội nghị về Biển Đông do Học viện ngoại giao VN và Hội Luật gia VN tổ chức vào đầu tháng 11/2009 mà Entry ở trên tôi đã nhắc đến), mặt khác họ liên tiếp triển khai hành động phô trương sức mạnh ở Biển Đông. Không phải là phô trương nữa mà đã trực diện ra đòn với ngư phủ ta, bắt thuyền giam người đi đánh cá ở xung quanh quần đảo HS thuộc chủ quyền của ta, rồi bầy trò đòi tiền chuộc (để ghép lỗi ngư dân ta đánh cá trộm trên biển của họ). Thật là vô lý.

Rồi nhiều sự kiện khác nữa trong suốt thời gian qua (như phát ngôn kỳ lạ của vị đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội hồi đầu năm 2010) càng nói lên một điều Trung Quốc không bao giờ muốn công khai vấn đề Biển Đông trước dư luận thế giới, nhất là đưa ra trước các hội nghị quốc tế.

Cho nên trước các động thái chính trị ngoại giao như vậy của phía Trung Quốc, tôi
không khỏi nghĩ đến một thất bại cho Hội nghị cấp cao Asean 16 lần này tại Hà Nội nếu muốn vấn đề Biển Đông theo hướng quốc tế hóa.

Chính vì vậy hôm Thứ Sáu 9/4, nghe tin kết thúc Hội nghị cấp cao Asean 16 chỉ lướt qua các vấn đề Biển Đông khi thủ tướng nước chủ nhà họp báo được phóng viên hỏi đến, nhiều người hiểu chút về đối ngoại đã không lấy gì làm bất ngờ cả. Ván bàn này như vậy Asean vẫn chỉ “chơi” cầm chừng, nghe ngóng. Ta dù làm chủ tịch cũng phải lựa, ở thế không phải muốn làm gì cũng được đâu. Và như thế vô hình trung các nước trong hiệp hội này để Trung Quốc thắng điểm. Hay ít nhất họ có lợi thế, thực hiện được ý đồ. Là làm nhạt vấn đề. Giải tỏa vấn đề đang nóng trở nên bình thường. Biến vấn đề cần tham bàn quốc tế trở nên những vấn đề song phương từng cặp quốc gia với nhau, theo kiểu đóng cửa bảo nhau. Mà đóng cửa bảo nhau trong tương quan hiện nay giữa một quốc gia lớn mạnh như TQ với từng nước trong Asean có liên quan biển đảo với họ, thử hỏi cái tiếng nói cất lên sẽ như thế nào để tạo được sự bình đẳng thật sự? Cái chiến thuật tỉa nhỏ ra mà đánh, mà trị trong binh pháp người xưa nói ở trường hợp này đang được người TQ tận dụng.

*

Thực sự thấy buồn lo về thế sự. Nhưng may mắn thấy trên báo VietnamNet hồi này cho đăng tải nhiều bài viết về bảo vệ chủ quyền biển đảo, tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi, thấy phấn chấn hẳn lên. Lại được đọc những lời tâm huyết của tuổi trẻ có học vấn tại cuộc gặp bàn tròn do tờ báo điện tử này tổ chức với sự tham gia của nhiều thành viên sáng lập và đóng vai trò chủ chốt của Quỹ nghiên cứu Biển Đông (South East Asian Sea Foundation), tôi thấy mừng thầm trước một đội ngũ trí thức mới ở hải ngoại (xin đọc thêm Entry va bai này: http://tuanvietnam.net/2010-04-09-tranh-tu-duy-con-da-dieu-trong-bao-ve-chu-quyen-bien-dong & http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1189&prev=1211&next=1181).

Sáng kiến của các bạn trẻ này trùng khớp với ý kiến đề xuất từ khá sớm của Ts Nguyễn Quang A, mong muốn có một kiểu Quỹ dân gian về nghiên cứu Biển Đông - mà bản thân tôi đã bộc lộ ngay sự hưởng ứng trên Website trannhuong.com hồi tháng 5/2009.

Chắc chúng ta đều tin tưởng lớp trẻ được đào tạo bài bản ở trong nước rồi ra nước ngoài kể trên, với lòng yêu nước của họ, lại thiện chí sát cánh với anh chị em trong nước thì chắc chắn sẽ khơi dậy lòng nhiệt huyết với non sông đất nước hơn nữa trong lớp người trẻ. Rồi bằng các nghiên cứu khoa học và hành động thiết thực hướng về Biển Đông, một mặt lên tiếng bảo vệ chủ quyền, mặt khác góp phần với trong nước làm thức dậy thế mạnh của nền kinh tế mới hướng ra biển cả, hướng ra đại dương – một chủ đích từng nằm trong chiến lược của chính đất nước chúng ta đề ra lâu nay.

Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...