Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Vẫn câu chuyện Mô hình Cu Ba

Vẫn câu chuyện Mô hình Cu Ba
Bài viết "Mô hình Cu Ba, tạm biệt" post hôm 10/9 http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1419&prev=1421&next=1417 nhận được nhiều ý kiến (comment, email, điện thoại, tin nhắn...) từ bạn đọc của 'hầu chuyện blog" cho rằng nhân dân Cu Ba hào hiệp thủy chung với VN, những người bạn tốt ấy thật xứng đáng được hưởng một cuộc sống đầy đủ tốt đẹp hơn nhiều chứ không phải khó khăn thiếu thốn như mấy chục năm qua. Thôi thì thế nào, đấy là công việc nội bộ, là việc riêng của các bạn Cu Ba, ta đâu có quyền can dự vào. Đúng là chính các bạn, không ai khác, phải là người quyết định lấy vận mệnh, tương lai của mình. Người ta vẫn nói "cách mạng" (là sự thay đổi lớn, với ý tốt đẹp nhất) không bao giờ là thứ xuất khẩu chính vì có ý tứ như vậy.
Bữa nay 10 ngày trôi qua rồi, tôi post lên 2 bài viết khác xung quanh đề tài Cu Ba mà tôi đã nêu trong Entry 10/9. Dù là cách đề cập của người phương Tây (đài Mỹ và đài Pháp), nhưng những gì là tính khách quan và độc lập của truyền thông các nước này có thể nó cũng có ích với ai muốn theo dõi thêm, hiểu sâu các vấn đề về một mô hình Cu Ba đã qua trải nghiệm nhiều thập kỷ. Vì những nhận xét này là của giới báo chí chứ chưa phải sự đánh giá của giới chính trị chính thức nên hãy coi đó là thứ tài liệu tham chiếu tham khảo... Cái nội tình bên trong của đất nước và nhân dân Cu Ba - một "xứ sở đẹp" với một "dân tộc đẹp" ấy - thực sự là như thế nào cũng như những khát vọng lớn lao đưa đất nước Cu Ba tiến lên ra sao thì phải chính do nhân dân Cu Ba, toàn dân tộc "Hòn đảo tự do" đó tự quyết định lấy cho mình. Bao giờ và ở nơi đâu trên hành tinh này cũng là như thế và phải như thế mới đúng quy luật.
Nguyễn Vĩnh
------------------
Xin tham khảo hai bài dưới đây:
VÌ SAO CU BA PHẢI SA THẢI 1 TRIỆU CÔNG CHỨC?
(Phỏng vấn của của đài RFA)
Sau khi lên nắm quyền Chủ tịch Raul Castro quyết định phải cắt giảm số người do bộ máy nhà nước trả lương, và xem việc đó như một trong những biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế trong nước.
Quyết định gây chấn động
Kế hoạch sa thải một triệu người lao động, tức là khoảng một phần năm tổng số công nhân viên chức nhà nước trong toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế vừa được Liên đoàn Lao động Cuba loan báo đã gây một chấn động. Trước mắt nửa triệu nhân viên trong tổng số khoảng 5 triệu người ăn lương nhà nước sẽ buộc phải thôi việc trước tháng 3 năm 2011.Giới phân tích cho rằng đây cuộc cải tổ bộ máy nhà nước lớn nhất ở Cuba kể từ sau cuộc cách mạng 1959.
Quỳnh Như có cuộc phỏng vấn Giáo sư Brian Latell, Chuyên gia nghiên cứu về Cuba của Đại học Miami, Hoa Kỳ về biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tư nhân của nước Cộng sản ở Châu Mỹ này.
Quỳnh Như: Thưa Giáo sư Brian Latell, ông nghĩ sao về quyết định mới đây của chính phủ Cuba – cải cách bộ máy do nhà nước quản lý, cắt giảm trước mắt là 500.000 nhân viên do chính phủ trả lương. Là người nghiên cứu vấn đề Cuba từ nhiều năm qua, ông đánh giá việc này như thế nào?
Brian Latell: “Đây là một bước tiến rất đáng kể của người em trai của ông Fidel Castro khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Cuba, cũng như của nhà nước cộng sản ở Cuba sau hơn nửa thế kỷ thống trị theo đường lối của một nền kinh tế tập trung do nhà nước quản lý. Chính quyền của Chủ tịch Raul Castro sẽ phá bỏ các quy định về lao động đã có từ bao năm nay, và chấm dứt các hợp đồng lao động của nhân viên lần này. Điều gì sẽ xảy ra đối với khoảng nửa triệu công nhân viên chức bị sa thải khỏi các đơn vị do nhà nước quản lý lần này. Ông Raul Castro hy vọng họ sẽ gia nhập vào đội ngũ lao động của các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng nói chung giai đoạn chuyển tiếp này sẽ rất khó khăn đới với họ.”
Quỳnh Như: Theo ông vì sao Cuba quyết định thực hiện việc cải cách bộ máy nhân viên trong biên chế lúc này mà không phải trước đây, hay lúc nào khác?
Brian Latell: “Phải nói là nền kinh tế Cuba hiện nay đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn do nhiều nguyên nhân kết hợp. Tất nhiên lý do quan trọng nhất là do cơ chế quản lý kinh tế tập trung cao độ của hệ thống quản lý kinh tế xã hội chủ nghiã không còn phù hợp với Cuba nữa. Quản lý lao động theo hướng đó chỉ đưa đến năng suất lao động thấp, tinh thần, thái độ làm việc của người lao động cũng sa sút vì họ không được trả lương tương xứng với thành quả lao động. Thêm nữa trận bão ập vào Cuba cách đây hai năm đã tàn phá đất nước này dữ dội. Nền nông nghiệp Cuba , đặc biệt là ngành trồng mía hầu như hoàn toàn suy sụp. Cuba không còn là một trong những nước đứng đầu về ngành sản xuất đường trên thế giới như hàng trăm năm trước.
Ngoài ra, cũng còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, chẳng hạn như chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba, nhưng đó không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Do nhiều nguyên nhân đã khiến cho nền kinh tế Cuba bị co cụm lại và chịu nhiều tổn thất. Đất nước Cuba hiện nay do ông Raul Castro điều khiển, và khi ông này lên nắm quyền đã nhìn ra được những vấn đề đó. Đồng thời ông Raul Castro cũng hiểu được nguyên nhân làm cho nền kinh tế Cuba lâm vào tình trạng trì trệ này, chủ yếu là do cách quản lý trong nước. Ông này không đổ lỗi cho những khó khăn về kinh tế trong nước là do chính sách cấm vận của Mỹ. Ông Raul Castro quy lỗi nguyên nhân gây ra là do cơ chế quản lý và những ý thức lỗi thời không còn phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. Chính vì vậy Chủ tịch Raul Castro muốn tìm cách thay đổi.”
Thời điểm thích hợp?
Quỳnh Như: Như vậy theo ông thì bây giờ là thời điểm để thực hiện việc cải cách này. Ông có nghĩ rằng giới phân tích đã nhìn thấy trước được những dấu hiệu sẽ có cải tổ ở Cuba . Và tại sao sự thay đổi lại diễn ra trong lĩnh vực lao động trước tiên mà không phải là ở lĩnh vực khác?
Brian Latell: “Vâng, bây giờ là thời điểm để thực hiện những cải tổ vì cách tốt nhất là nhìn nhận những tồn tại và giải quyết các vấn đề đó hiện nay hơn là trì hoãn lại. Vì nền kinh tế không phát triển được và bị trì trệ. Nông nghiệp và hầu hết các ngành kinh tế đều không có khả năng đứng vững. Cho nên tôi nghĩ rằng ông Raul Castro có khả năng giải quyết những vấn đề trong nước, và ông cũng nhận thức được rằng cần phải thay đổi một cái gì đó. Tôi cũng nghĩ rằng hầu như cả Ban lãnh đạo của nhà nước Cuba cũng tán thành thực việc hiện những cải cách, những thay đổi trong cách quản lý từ trước tới nay, và những trường hợp ngoại lệ rất cá biệt. Họ tán thành việc áp dụng mô hình cải tổ kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam . Họ cũng nhận thức rằng thời gian không còn nhiều lắm và hầu hết là những người cao tuổi nên không có nhiều thời gian để chờ trông thấy sự thay đổi sẽ đến mà họ phải quyết định thực hiện sự đổi thay.”
Quỳnh Như: Theo đánh giá của ông thì đâu là mục tiêu của quyết định sa thải một số lượng khoảng 1/5 đội ngũ lao động như vậy, vì chính phủ muốn động viên và phát triển thành phần kinh tế tư nhân hay vì họ không còn khả năng trả lương cho một số lượng nhân viên đông đảo như vậy?
Brian Latell: “Đúng vậy một phần là họ không còn khả năng kham nổi việc sử dụng ngân sách eo hẹp của nhà nước để trả lương cho một đội ngũ lao động đông đúc như vậy. Trong các bài diễn văn đọc vào những dịp khác nhau, Chủ tịch Raul Castro đã phát biểu rằng, không thể để tình trạng này tiếp tục kéo dài. Cuba là nước duy nhất trên thế giới hiện nay còn phải trả lương cho những người không làm việc gì cả. Cách đây vài tháng, trong một bài diễn văn quan trọng đọc hồi tháng Tư ông Raul Castro đã tiên liệu trước việc cải tổ lao động này. Ông nói rằng có hàng triệu người đang có tên trong danh sách chính phủ phải trả lương hàng tháng cần phải tìm việc làm mới ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Và bây giờ chúng ta thấy ông Raul đã thực hiện bước đầu là cho nửa triệu lao động nhà nước nghỉ việc. Trong tương lai thì số nửa triệu người lao động còn lại cũng sẽ phải tìm kiếm những công việc khác ở các doanh nghiệp không phải của nhà nước.”
Tác động đời sống xã hội?
Quỳnh Như: Với một số lượng lớn người bị sa thải thất nghiệp như vậy liệu có đưa đến những tác động nghiêm trọng đến đời sống xã hội, cũng như gây ảnh hưởng cho sự phát triển kinh tế của Cuba hiện nay hay không?
Brian Latell: “Vâng, khó mà nói trước được mọi chuyện. Tôi không muốn tiên đoán là sẽ có những vấn đề bất ổn về mặt xã hội như sẽ có các cuộc náo loạn hay biểu tình chống chính phủ, nhưng điều đó cũng có thể xảy ra. Vì chính phủ quyết định sa thải một số lượng lớn lao động, những người đã quen với việc làm những công việc nhàn hạ mà cũng được trả lương, và bây giờ họ được bảo là phải đi tìm một công việc khác. Điều đó quả thật không phải dễ dàng gì. Rồi đến một vấn đề khác là cũng khó tìm được thành phần kinh tế nào ở Cuba tiếp nhận các số lao động này. Khó mà tìm được có doanh nghiệp tư nhân nào ở Cuba chịu nhận những người thất nghiệp này.
Chính phủ Cuba đề nghị những người này tham gia các tổ chức cung ứng dịch vụ, mà hầu hết những đơn vị này không thuê nhiều nhân công. Nên nói chung tình hình sẽ rất khó khăn đối với số lao động thất nghiệp này và cho cả gia đình họ nữa. Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội của Cuba cũng không linh hoạt và mạnh mẽ cho lắm, vì vậy những người bị sa thải sẽ rất khó thích nghi và họ sẽ rất khó khăn trong thời gian đầu và kéo dài theo cả vài năm sau đó. Hơn nữa hàng chục năm trước đây Cuba đã cấm mọi hình thức kinh tế tư nhân, nên trong giai đoạn này các doanh nghiệp tư nhân ở Cuba cũng chưa đủ khả năng tạo công ăn việc làm cho số lao động bị sa thải này.
Tôi muốn nói thêm đôi chút, để giải thích với quý vị ở Việt Nam . Vấn đề ở đây là ông Fidel Castro phản đối tất cả mọi thay đổi đáng kể trong việc tự do hóa nền kinh tế. Ông này cũng phản đối cả mô hình kinh tế của Trung Quốc và Việt Nam . Ông Fidel Castro không muốn thấy đất nước Cuba có những nhà triệu phú do kinh doanh mà trở thành giàu có. Ông này cũng không muốn thấy có những doanh nghiệp tư nhân lớn ở Cuba . Và Fidel Castro vẫn còn có ảnh hưởng chính trị rất lớn trong giới lãnh đạo ở Cuba . Cho nên có sự căng thẳng trong bộ máy lãnh đạo đất nước, sự căng thẳng giữa hai anh em nhà Castro. Vì người em Raul Castro thì lại muốn áp dụng mô hình đổi mới kinh tế theo kiểu Trung Quốc và Việt Nam , còn ông Fidel Castro thì ngược lại. Đó cũng là lý do khiến công cuộc cải cách ở Cuba không thể thực hiện được sớm hơn.”
Quỳnh Như: Những quyết định quan trọng thường có hai mặt – tích cực và tiêu cực trong trường hợp chính phủ Cuba đưa ra quyết định sa thải hàng loạt nhân viên như thế này, theo sự cân nhắc của ông thì mặt nào nhiều hơn?
Brian Latell: “Đây là một quyết định mang tính tích cực mà chính phủ Cuba phải thực hiện ở thời điểm này. Tôi nghĩ rằng nếu có khả năng được lựa chọn, có thể họ sẽ quyết định tiến hành việc cắt giảm biên chế này một cách từ từ. Làm từ từ có nghĩa là thay vì cho nghỉ việc một lúc 500.000 ngàn nhân viên, thì chỉ nên cắt giảm khoảng 50.000 người để cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp nhận số người này rồi sang năm hãy thực hiện tiếp kế hoạch cắt giảm thêm 50.000 lao động nữa. Nói chung là thực hiện việc sa thải từ từ trong vòng vài năm và cũng để cho các thành phần kinh tế tư nhân được vững mạnh thêm. Nhưng tôi nghĩ rằng chính phủ Cuba không có được sự lựa chọn đó vì nền kinh tế trong nước đang lâm vào khó khăn trầm trọng. Cho nên ông Raul Castro và các cố vấn kinh tế của ông nhận thức ra rằng cần phải làm một điều gì đó ngay bây giờ, phải làm thật mạnh mẽ và quyết liệt, cho dù phải chịu đau đớn và rất vất vả.”
Quỳnh Như: Nếu tính theo thang điểm từ 1-5 là mức tốt nhất, Giáo sư sẽ cho điểm thế nào về quyết định này của chính phủ của ông Raul Castro?
Brian Latell: “Tôi không biết phải cho điểm như thế nào từ 1 đến 5. Tôi nghĩ rằng ông Raul Castro thực tâm rất muốn tiến hành cải cách kinh tế. Ông này bị thôi thúc bởi mô hình kinh tế đổi mới ở Châu Á. Ông này muốn có những doanh nghiệp tư nhân lớn ở Cuba . Ông này nhận thức được rằng mô hình kinh tế mà Cuba theo đuổi từ trước tới nay không còn phù hợp nữa. Ông Raul Castro năm nay đã 79 tuổi, còn người anh Fidel Castro 84 tuổi, và hầu hết đội ngũ lãnh đạo cao cấp của Cuba hiện nay đều là những người cao tuổi. Tất cả họ đều biết rằng thời gian không còn nhiều để chờ đợi họ làm được một điều gì tốt đẹp cho đất nước. Và nếu họ không thực hiện đổi mới một cách rốt ráo thì trong tương lai cả hệ thống kinh tế sẽ nhanh chóng sụp đổ, và lúc đó thì mọi thứ có thể sẽ thay đổi hoàn toàn.
Tôi nghĩ đưa ra một quyết định hóc búa như thế này quả là một sự dũng cảm, bởi vì ông Raul Castro chủ trương thực hiện những cải cách kinh tế, và ông này cũng biết rằng Fidel Castro không hài lòng chút nào với những sáng kiến đổi mới này. Vì vậy cải cách là điều quả thực không phải dễ đối với người dân Cuba .”
Quỳnh Như: Xin cảm ơn Giáo sư Brian Latell đã dành cho Đài chúng tôi cuộc trò chuyện vô cùng hữu ích này.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010-09-17
-----------------------------------
Fidel muốn học kinh nghiệm VN
BBC, 10/9
Cựu lãnh đạo cao niên Fidel Castro gửi tặng TBT Nông Đức Mạnh sách về cách mạng Cuba trong bối cảnh Cuba muốn học kinh nghiệm của Việt Nam.
Đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong chuyến sang thăm Cuba, ông Fidel Castro, năm nay đã 84 tuổi và chính thức không còn nắm chức vụ nhà nước, tặng vị khách một cuốn sách mới in về 'thắng lợi của cách mạng Cuba'.
Ông cũng ký và gửi ông Trọng một cuốn làm quà cho ông Nông Đức Mạnh, hiện là Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, theo như tin của truyền thông hai nước.
Nhắc lại tuyên bố về tình đoàn kết cộng sản nổi tiếng từ th̀ơi Chiến tranh Lạnh rằng 'Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng đổ máu' ông Fidel một lần nữa tỏ ra quan tâm đến tình hình nước đồng minh Đông Nam Á.
Ngoài cuộc gặp với ông Fidel Castro, đoàn Quốc hội Việt Nam còn được các ông Raul Castro và Ricardo Alarcon đón và làm việc.
Theo các bản tin của chính quyền hai bên, các lãnh đạo Cuba cũng nói với đoàn Việt Nam vừa kết thúc chuyến thăm hôm 8/9 rằng Cuba muốn học "kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam."
Báo Cuba, tờ Granma, nói Việt Nam tiếp tục giúp Cuba hạt giống và công nghệ sản xuất lúa gạo.
Tuy nhiên, truyền thông quốc tế trong thời gian qua cho rằng ông Raul Castro - 79 tuổi, người trực tiếp nắm quyền lực tối cao ở đảo quốc Cuba - đang muốn cải cách hệ thống cộng sản kiểu cũ của Cuba theo kiểu Việt Nam và Trung Quốc, dù còn rất thận trọng.
Đường lối mở cửa kinh tế nhưng vẫn giữ chặt kiểm soát chính trị và thông tin của các nước cộng sản châu Á được ban lãnh đạo Cuba quan tâm trong thời gian qua.
Chính báo Trung Quốc, tờ China Daily từ hồi tháng 9/2009, đã có bài cho rằng mô hình cải tổ của Trung Quốc "có thể được áp dụng một phần" tại Cuba.
Càng gần đây, anh em nhà ông Castro càng tỏ dấu hiệu rõ ràng hơn trong mong muốn cải tổ, thu hút sự chú ý của Hoa Kỳ và Phương Tây.
Không còn hiệu quả
Trả lời một nhà báo Hoa Kỳ đến thăm Cuba vừa qua, chính ông Fidel, người từng bị những người chỉ trích gọi là 'khủng long' của Chiến tranh Lạnh còn sót lại thời Toàn cầu hóa, nói "mô hình Cuba không còn hiệu quả".
Theo Bloomberg 10/9, nói với nhà báo Mỹ Jeffrey Goldberg, ông Fidel cho rằng kinh tế Cuba không có gì để xuất khẩu nữa và mô hình hiện thời không giúp được gì cho chính phủ.
Không tin vào tai mình, nhà báo Goldberg của tạp chí Atlantic đã phải hỏi lại chuyên gia châu Mỹ La tinh cùng có mặt trong bữa cơm trưa với Fidel.
Bà này dịch lại câu nói của vị lãnh tụ và giải thích: "Ông không bác bỏ ý tưởng về cuộc Cách mạng Cuba" nhưng có thể hiểu rằng Fidel Castro "thừa nhận rằng ở Cuba nhà nước đã quá to, nhất là trong kinh tế".
Các báo Hoa Kỳ bình luận đây là "dấu hiệu mạnh nhất cho đến nay" từ ông Fidel rằng đảo quốc cộng sản cần đầu tư nước ngoài và cần cho phép doanh nghiệp tư nhân hoạt động.
Báo Anh, tờ Telegraph 10/9 thì có bài nói: "Cảm ơn Fidel nhưng đáng tiếc là ngài muộn mất 50 năm".
Việc trở lại đón tiếp báo chí và xuất hiện trước công chúng của ông Fidel từ tháng 7 năm nay, sau một thời gian bị bệnh nặng tới mức tưởng như không qua khỏi, khiến dư luận chú ý đến các phát biểu của ông.
Ông Tomas Bilbao, giám đốc cơ quan Cuba Study Group đóng tại Mỹ nói rằng các phát biểu của ông Fidel cho thấy ông cho phép người em trai được tiến hành cải cách thị trường.
Dù không trực tiếp cầm quyền, ông Fidel vẫn có tác động lớn đến hướng đi của Cuba.
Hôm 1/8 vừa qua, trong bài diễn văn trước Quốc hội Cuba, Chủ tịch Raul Castro nói công dân "cần biết tự lo công việc cho mình" chứ không nên trông đợi nhiều vào chính phủ.
Chính quyền đang chịu sức ép phải sa thải nhân công dù lương trung bình mỗi tháng, ngoài khoản tem phiếu cho nhu yếu phẩm, chỉ được 20 USD một tháng.
Sau khi đã cho phép người dân được tự trồng cấy và cho thuê nhà kiếm thêm, nay Cuba mở rộng luật đất đai, cho phép công ty nước ngoài thuê đất từ 50 lên 99 năm.
Trên hòn đảo hiện có 11,4 triệu dân, người Cuba nay cũng có quyền có điện thoại di động và mở tiệm uốn óc hay lái taxi mà không cần phải là công nhân viên nhà nước.
Ngoài khu vực tư nhỏ bé, sống nhiều vào nguồn tiền kiều hối từ Mỹ gửi về và nhờ kinh tế hộ gia đình, Cuba vẫn là nền kinh tế do quốc doanh chiếm 90%.
Nguồn BBC

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...