Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Câu chuyện về sau của Entry đưa lên trưa nay, ngày 1/11

Câu chuyện về sau của Entry đưa lên trưa nay, ngày 1/11


(Tư liệu nên đọc cho những bạn quan tâm đến nghề làm báo)

Các bản tin liên tục của Đài THVN, ngay cả bản tin quan trọng lúc 19g00 hằng ngày của đài này khi đưa tin nội dung cuộc họp sáng 1/11 (họp toàn thể) đều không nhắc đến hoặc có nhắc đến lại không nói rõ ý quan trọng của người phát biểu khi đại biểu Nguyễn Minh Thuyết yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ Vinashin, nhất là ý kiến của ông là cần có hình thức bỏ phiếu tín nhiệm thủ tướng và các thành viên chính phủ liên quan vụ này.

Trên báo điện tử VietnamNet trong một bài viết có ký tên phóng viên báo này, đưa rõ nội dung phát biểu của ông Thuyết như trên, nhưng một bài viết khác đưa lên buổi chiều nay cũng lược bỏ 2 từ ‘thủ tướng’ trong mấy chữ “bỏ phiếu tín nhiệm…”. Tìm lại bài đăng trước không thấy còn trên các trang của VietnamNet nữa.

Đưa hay không đưa tin (trong đó có nội dung và các chi tiết trong nội dung tin) vừa là quyền cũng vừa là trách nhiệm của một cơ quan báo chí đối với dư luận và với bạn đọc (với khán giả cho hình thức truyền hình).

Nhận thấy câu chuyện thông tin, đúng hơn là nghề viết lách và nghề biên tập, đọc-xem khi duyệt có “lắm chuyện hay”, tôi đưa các tư liệu thu nhận được lên đây để bạn bè cùng biết. Nó rất có ý nghĩa trong bước chuyển biến hiện nay của xã hội và đất nước.

Và cũng để làm rõ nội dung Entry đã đưa lên blog trưa nay của chúng tôi là có cơ sở với cứ liệu đã ghi lại được trên mạng, nay tôi đưa thêm toàn văn bài phát biểu của ông Nguyễn Minh Thuyết đại biểu QH của tỉnh Lạng Sơn * (nội dung ghi từ blog Nguyễn Xuân Diện).

NV

-------------

TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA GS NGUYỄN MINH THUYẾT


PHÁT BIỂU VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI
TẠI QUỐC HỘI SÁNG NGÀY 1 THÁNG 11

Thưa Quý Vị chủ toạ,

Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này, nước ta đã đạt và vượt 16/21 chỉ tiêu mà
Quốc hội đề ra.

Cũng như đông đảo người dân, tôi rất hân hoan trước tin vui này và hết sức trân trọng những kết quả đã đạt được.

Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế mà báo cáo của Chính phủ phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc.

Trong thời gian có hạn, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ. Vâng, thực sự là nó đã sụp đổ, mặc dù chúng ta có thể dùng những từ ngữ nhẹ nhàng hơn theo truyền thống tu từ của mình. Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Đối với đồng bào nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường học, bệnh viện,… - những nhu cầu rất thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào.
Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là : “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”.

Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung
chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.

Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.

Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định "có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước". Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.

Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.

Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.

Thưa Quý Vị chủ toạ,

Thưa Quý Vị đại biểu và khách mời,

Nói những điều trên, tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn. Nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của, bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

Thưa Quý Vị,

Hôm nay, tôi đọc một văn bản đã chuẩn bị sẵn là để ngay sau buổi họp này trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như một kiến nghị chính thức của đại biểu.

Trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi.

Xin cảm ơn.

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
____________

Hà Nội, ngày 1/11/2010

Kính gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tôi là Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khoá XII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, xin gửi đến các vị Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lời chào trân trọng, kính đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét kiến nghị trình bày dưới đây.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2010 này, nước ta đã đạt 16/21 chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra. Cũng như đông đảo người dân, tôi rất hân hoan trước tin vui này và hết sức trân trọng những kết quả đã đạt được.

Tuy nhiên, tôi cũng vô cùng lo lắng trước những khuyết điểm nghiêm trọng trong điều hành nền kinh tế mà báo cáo của Chính phủ phân tích chưa sâu, chưa đủ cụ thể và nghiêm khắc.

Trong khuôn khổ kiến nghị này, tôi chỉ tập trung nói về vụ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) sụp đổ, trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng, món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1000 tỷ đồng / năm phải làm quần quật, không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi. Sai phạm trong chỉ đạo, điều hành thì đã rõ. Nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là: “Ngoài lãnh đạo Vinashin, còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”

Báo cáo của Chính phủ cho biết “Chính phủ có trách nhiệm” và “đã nghiêm túc kiểm điểm”. Nhưng cụ thể như thế nào? Theo tôi hiểu, trong trường hợp này, các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình; không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm.

Vụ việc này nhắc tôi nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những “siêu cơ chế” cho công ty của Lã Thị Kim Oanh, dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và hai vị Thứ trưởng phải ra trước vành móng ngựa.

Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh phóng đại cỡ 1000 lần. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định "có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản nhà nước". Nhưng ai bao che, bao che thế nào, vì nguyên nhân gì, nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm thế nào thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận. Thế mà Quốc hội không làm rõ được điều này thì không hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước dân.

Vì vậy, căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để Quốc hội biểu quyết thành lập Uỷ ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này, trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan.

Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Uỷ ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra.

Thưa các vị Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,

Nói những điều trên, tôi cảm thấy rất đau xót và khó khăn. Nhưng chúng ta có xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, hạn chế được những dự án làm ăn phá của, bốc trời, đưa hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước vào quỹ đạo lành mạnh, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

Trân trọng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương xem xét và cho biểu quyết về kiến nghị của tôi.

Xin cảm ơn.

Đại biểu Quốc hội
Nguyễn Minh Thuyết


*Văn bản do GS Nguyễn Minh Thuyết gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.

Xin thêm ít thông tin về ông Nguyễn Minh Thuyết

* Ông Nguyễn Minh Thuyết sinh năm 1948 tại Thái Nguyên. Quê: Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.

Học các trường phổ thông cấp I Nguyễn Công Trứ, cấp II Thanh Quan, cấp III Nguyễn Trãi (Hà Nội).
Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Hà Nội (ngành Ngữ văn) năm 1969. Bảo vệ luận án TS tại ĐH Quốc gia Leningrad, Liên Xô năm 1981.
Nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Việt Bắc.
Nguyên Bí thư Đảng uỷ - Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Nguyên giảng viên thỉnh giảng ĐH Laval (Canada), ĐH Paris 7 (Pháp).
Huy chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Cộng hoà Pháp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá XI.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khoá XII.

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...