Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

Nhân một chuyện tọa đàm 2

Nhân một chuyện tọa đàm 2



Bài 2 - Biển Đông và các vấn đề xung quanh Biển Đông



Có lẽ việc làm tốt nhất về đối ngoại năm 2010 là Việt Nam đã đưa được vấn đề Biển Đông ra trao đổi tại cuộc gặp thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm mà chúng ta làm chủ tịch.

Việt Nam với vai trò chủ tịch ASEAN khá ấn tượng

Do cơ chế ASEAN có một số diễn đàn đối thoại, có thể hiểu đó là một tổ chức mở, nên ASEAN tại Việt Nam năm nay “ghi thêm điểm”, được dư luận quốc tế quan tâm và đánh giá rất khích lệ. Đó là việc tại các diễn đàn cấp cao bên cạnh ASEAN như ARF (an ninh khu vực), ASEAN + 1, ASEAN + 3 (cơ chế giữa Hiệp hội với một nước hoặc nhóm nước ở Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), các cơ chế này đã bằng cách này hay cách khác nêu các vấn đề hòa bình an ninh, tự do hàng hải trên Biển Đông là mối quan tâm rất lớn của các quốc gia khu vực. Đồng thời nó cũng lên tiếng đòi hỏi các nước, nhất là các nước lớn không những trong khu vực mà cả các nước khác trên thế giới, cần phải hành động “có trách nhiệm tương xứng” (với vấn đề Biển Đông).




Đặc biệt của năm thượng đỉnh ASEAN tại Việt nam có hai sự kiện nhiều ý nghĩa diễn ra trước đó, cuộc gặp cấp cao Mỹ - ASEAN tại Washington ngày 25/9/2010 và diễn đàn bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM +) họp tại Hà Nội ngày 11/10/2010 với sự tham gia của 10 bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên ASEAN và 8 bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia và New Zealand.

Tại cuộc gặp cấp cao giữa tổng thống Mỹ và các vị lãnh đạo cấp cao 10 quốc gia ASEAN vừa kể trên phía Mỹ đã coi tổ chức này là đối tác chiến lược và khẳng định nguyên tắc hòa bình trên Biển Đông. Nó đánh dấu một bước tiến mới quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN. Còn với ADMM+ lần đầu tiên tổ chức tại nước chủ nhà Việt Nam đã được coi là cơ chế hợp tác và tham vấn về quốc phòng và an ninh cao nhất cấp bộ trưởng về các vấn đề an ninh khu vực giữa các nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác.

Với sự thành công của một chuỗi các hội nghị cấp cao nhất và cấp bộ trưởng của AEEAN và các quốc gia đối tác diễn ra dồn dập trong năm nay 2010 như vậy đã làm cho chính bản thân cộng đồng ASEAN tự tin hơn, vị thế của ASEAN cũng được nâng thêm một bước mới quan trọng. Đương nhiên là nước chủ nhà, chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã có đóng góp đáng kể cho các thành tựu chung này.

Biển Đông vẫn những điều đáng lo lắng

Dù đã mở ra một diễn đàn ủng hộ những nỗ lực bàn thảo về Biển Đông một cách công khai như một vấn đề quốc tế chứ không nên chỉ “dấm dúi” song phương từng cặp nước với nhau như có nước đề nghị, nhưng xem ra tình hình khu vực nhạy cảm này vẫn còn tồn tại nhiều cách nhìn và bất đồng chưa dễ gỡ bỏ. Sự phức tạp của tình hình Biển Đông, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo trong khu vực này còn chất chứa những ẩn số khó lường.

Biển Đông đang có tranh chấp, đó là một thực tế không thể lẩn tránh. Phải nói tranh chấp ở đây chủ yếu xaỷ ra giữa Việt Nam và Trung Quốc dù thực tế thì Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích tới 4 quốc gia và lãnh thổ khác trong vùng.

Tranh chấp ở đây chắc không chỉ dừng lại ở đánh bắt hải sản mà lấp ló đằng sau nó là nhiều lợi ích sống còn về chủ quyền, về khai thác các tài nguyên biển và những yêu cầu về tự do hàng hải lâu dài…

Tuy nhiên câu chuyện bắt giữ hoặc đâm chìm tàu thuyền đánh cá và ngư dân của chúng ta vẫn nổi lên như một vấn đề “nóng” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi nghĩ ở đây nên chăng gọi tên thẳng là tàu thuyền và ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ chứ không nên gọi là “nước láng giềng” hoặc nhất là “nước lạ” như báo chí truyền thông ta vẫn lặp lại câu chữ như thế từ nguồn các tuyên bố chính thức. Cách tuyên bố thông tin mập mờ như vậy có thể còn làm cho ngư dân không những thêm lo lắng mà còn thấy tủi thân vì thân phận sinh mạng của mình hình như là không có gì chắc chắn và chính thức được nhà nước ta đứng ra bảo vệ.

Từ lâu nay Việt Nam vẫn kiên trì một lập trường nguyên tắc, một mặt khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với đầy đủ cơ sở pháp lý, mặt khác vẫn luôn tuyên bố rất rõ ràng là mọi vấn đề tranh chấp về Biển Đông đều phải được giải quyết qua con đường thương lượng hòa bình và trong khi chờ đợi điều đó, các bên liên quan không được làm gì gây phức tạp thêm tình hình.

Nếu nhìn từ góc độ đó, rõ ràng những hành động mà Trung Quốc tiến hành bắt giữ tàu thuyền ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển quen thuộc lâu nay của mình (ngay cả vùng biển nào đó được coi là có tranh chấp), đó chính là hành động đơn phương gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình chứ không phải tại chúng ta như phía Trung Quốc vẫn lớn tiếng tuyên bố.

Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...