Nhân một chuyện tọa đàm
Vừa qua một chuyên san trong Nam mời mấy anh em chúng tôi tham gia một cuộc tọa đàm. Chuyện trò trao đổi xung quanh tình hình của năm 2010 mà thời điểm kết thúc sát cận kề.
Cách tọa đàm cũng mới, chẳng mất mấy thì giờ vì không phải đi đến tòa soạn, cũng chẳng phải chung ngồi (tọa) vào một phòng khách nào đó mới trao đổi (đàm) được với nhau mà cứ thoải mái “trên mạng” là giải quyết được tất cả mọi thứ về nội dung các bài viết của nhau. Hoan hô văn minh mạng, văn minh Internet.
Sau khi nhận được "đặt hàng" và các gợi ý của tòa soạn, những người được mời tham gia suy nghĩ vài buổi trong đó có thời gian chuẩn bị tài liệu tư liệu xung quanh các vấn đề tự mình thấy thích thú rồi viết ra. Nộp cho một trưởng nhóm và từ đấy gửi cho toàn soạn chỉnh lý biên tập lại để in lên báo. Đôi khi có việc gì cần hoặc vấn đề gì cảm thấy muốn góp thêm về nội dung thì điện thoại cho nhau cùng trao đổi và bổ sung kịp thời.
Cách làm tiện thế nên mọi người tham gia thoải mái lắm. Mọi việc nay đang khâu hoàn tất. Chắc báo thì cuối tháng mới ấn hành nên mượn con blog nhà chuyển lên từng đoạn ngắn mà mình mới viết. Khối lượng chữ viết cũng khá dài, bởi có tới 11 vấn đề do tòa soạn đặt ra. Vậy là khá toàn diện khi nhìn lại một năm qua xảy ra trên đất nước.
Từ hôm nay Hầu chuyện Blog post dần dần từng vấn đề do mình tham gia đóng góp với tọa đàm này. Về trật tự sắp xếp cũng có một số chỉnh sửa thay đổi so với cách bố cục của tòa soạn. Đối với các phần người khác viết, nếu có điều kiện và sau khi được sự đồng ý của các tác giả đó thì có thể đưa lên sau.
HauchuyenBlog
1- Nhìn lại năm 2010
Năm 2010 dồn tụ và đánh dấu của nhiều thời điểm: Năm đầu tiên của thập kỷ thứ hai thế kỷ mới; năm Thăng Long-Hà Nội 1000 tuổi, năm kết thúc thực hiện các chương trình mục tiêu 10 năm phát triển kinh tế-xã hội (2001-2010) để rồi bước vào 10 năm kế tiếp; cũng vào năm ngay trước thềm Đại hội Đảng XI… Với các thời điểm và bối cảnh như vậy đương nhiên năm 2010 đã được báo chí truyền thông và dư luận hết sức quan tâm.
Không có điều kiện mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác trong một bài viết, tôi chỉ muốn phác thảo dưới đây bức tranh kinh tế-xã hội của năm.
Nhìn lại năm 2010 kinh tế vẫn tiếp tục đà tăng trưởng. Thống kê quốc gia cho biết, trong tổng số 21 chỉ tiêu đề ra cho kế hoạch năm 2010 đã có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. GDP cả năm khả năng tăng 6,7% - là cao hơn kế hoạch đề ra (6,5%) và cũng vượt hơn năm 2009 (5,32%).
Tuy nhiên nhìn toàn cục nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm. Thành tựu là có tăng trưởng liên tục nhưng đã báo hiệu những giới hạn của nó. Do Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu các nguyên nhiên liệu khoáng sản thô, còn sản phẩm phần lớn sử dụng nhiều lao động trong khi lợi thế chi phí nhân công thấp như vậy không thể kéo dài. Hệ quả từ việc khai thác tài nguyên và sản xuất chạy theo số lượng đã làm môi trường bị hủy hoại nặng nề. Tất nhiên những điều kể trên tác động vào cả hệ thống kinh tế và làm yếu đi năng lực cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trước thị trường thế giới thời hội nhập.
Những tháng cuối năm đồng tiền quốc gia đã mất giá so với vàng và các ngoại tệ mạnh. Điều này sẽ làm giảm sức thu hút đối với đầu tư nước ngoài cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân do giá cả tăng cao.
Còn phải kể đến những yếu kém và hạn chế của các kết cấu hạ tầng như một căn bệnh cố hữu khó khắc phục; rồi tình trạng thiếu điện lặp đi lặp lại hằng năm mà vẫn chưa có giải pháp thoát ra; khan hiếm các nguồn nhân lực có chất lượng cao… tất cả những nhược điểm này sẽ tác động không thuận cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho những năm tới.
(Còn nữa)
Nguyễn Vĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét