Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Tiêu tiền cũng phải học

Tiêu tiền cũng phải học


Bài “Đốt tiền” tôi viết được bán nguyệt san “Tuổi trẻ Cười” số Tân niên vừa qua (ra ngày 15/2/2011) đăng lại. Nói đăng lại vì bài ấy tôi chỉ post lên blog cá nhân rồi một số blog, báo mạng khác đưa lại, chứ tôi không gửi bài đó cho “Tuổi trẻ”. Chắc các bạn ở tòa soạn bên đó thấy bài hợp thì lấy trên mạng xuống đăng.


Gần đây bài ấy lại được xuất hiện trên Mạng xã hội “Doanh nhân&Trí thức”, một “tờ báo” internet mới ra đời "nghe nói" là thuộc Tập đoàn báo điện tử VietnamNet (không đúng thì tôi rút ý này).

Vì cũng đươc mọi người quan tâm như thế, tôi thấy cũng nên viết thêm ít dòng dưới đây.

Và cũng nhân việc đó, tôi post lại bài “Đốt tiền” kể trên cùng với một bài viết khác trên VNNet cũng rất liên quan đến việc “tiêu tiền”. Nhưng ở đây là tiêu tiền ở một thái cực khác, nếu không nói là hoàn toàn ngược lại.

Cách tiêu tiền tôi viết là một sự đốt tiền, hoang phí vô tội vạ. Còn cách chi tiêu của một “đại gia”, một tài năng của ngành công nghệ thông tin – Tổng giám đốc tập đoàn FPT – thì lại được “kế hoạch hóa” và có sự chế định hết sức rạch ròi và hợp lý.
Giàu có và đi lên rất nhanh qua việc đổ mồ hôi kiếm tiền lúc vừa lập nghiệp, đến khi tương đối thành danh được trọng dụng, Trương Đình Anh luôn biết tiết kiệm đồng tiền kiếm ra. Người ta không ngớt ca ngợi chàng trai trẻ tuổi bốn chục tuổi đầu đã rất giàu có này có một cách tư duy kinh doanh rất thông minh xen lẫn một sự “mạo hiểm” có tính toán. Đầu óc anh được ví như cấu thành từ toàn những con chip điện tử thông thái vượt bực nên sự kiếm ra tiền nhanh của anh làm cho Trương Đình Anh từ lâu đã rất tự tin.

Tôi nhớ câu nói nổi tiếng khi anh chưa ba chục tuổi đầu, rằng mình sẽ “ứng cử”, hoặc có thể hiểu là ước mơ của anh cũng được, là mình sẽ vào chức thủ tướng khoảng năm bốn chục tuổi. Khẩu khí vậy ở ta không quen cái lỗ nhĩ, khiến không ít lời đàm tiếu. Nhưng với những ai có đầu óc thoáng đạt, tư duy rộng mở, thì một tuyên bố như thế của một thanh niên có tri thức và tự tin, người ta có thể lại coi đó như một câu nói “có cánh”, một sự phá rào đối với nếp nghĩ tĩnh tại và thường là bảo thủ.

Năm nay Trương Đình Anh đã vượt tuổi 40, anh cũng chỉ là một tổng giám đốc tập đoàn công nghệ thông tin và kinh doanh - đầu tư tổng hợp khá mạnh ở nước ta, chứ chức thủ tướng anh nói kia thì còn xa vời vợi... Nhưng điều đó tôi cho cũng chẳng sao cả, nếu Trương Đình Anh cứ làm tốt công việc điều hành quản trị một tập đoàn kinh tế và công nghệ cao và mạnh về tiềm lực tài chính như FPT anh đang đảm đương thì sự đóng góp của anh vẫn đầy ý nghĩa.

Trở lại việc kiếm tiền và tiêu tiền, cái cách mà Trương Đình Anh quan niệm và thực hiện, tôi cho như một điều gì đó - tự khách quan chứ có thể anh không cố ý nhắm tới - như là anh muốn nhắn gửi với giới trẻ, và cả với những ai cũng có thể đang kiếm được “bộn tiền” như anh trong xã hội, là tất cả chúng ta hãy biết tiêu tiền vào việc không những có ích cho bản thân mà sao cho còn có ích cho cả xã hội.

Theo Trương Đình Anh, đây sẽ là một sự chi tiêu đúng cách và tiết kiệm. Phải nghĩ đồng tiền mình kiếm ra dù bằng lao động chân tay hoặc lao động trí óc thì đều quý hóa và đáng trân trọng như nhau. Chúng phải được chi dùng vào những nhu cầu hợp lý cho mình và gia đình, và một khi dư dả đồng tiền thì hãy biết mở hầu bao để giúp ích cho nhân quần xã hội.

Theo bài viết trên báo Thanh Niên, từ mấy năm nay khi đã có nhiều tiền, TGĐ Trương Đình Anh thường nói: “Tôi mong muốn các con mình được học hành đầy đủ và rồi tự tìm cho mình một con đường, để gắn bó lâu dài, trung thành như tôi đã từng trải nghiệm ở tập đoàn FPT”. Anh còn thêm: “Đối với gia đình tôi, 5% những gì chúng tôi có (hiểu đó là tài sản riêng của anh) là hoàn toàn đủ để chúng tôi sống tốt. 5% nữa có thể giúp chúng tôi sống một cách thoải mái hơn. Vậy 90% còn lại, tôi có thể làm gì để cuộc sống của mình có ích hơn, phù hợp với những gì mình tâm huyết?”. Đây thật là một cách nghĩ của một con người giàu có mà rất đáng trân quý. Ta có thể tưởng tượng trước mắt mình một nhà triệu phú (đô la) mà không một chút tự mãn khoe của, và biết lánh xa kiểu sống trọc phú hoặc học đòi làm sang đang có xu hướng tăng lên không những ở đô thị mà ở cả các vùng huyện lỵ, nông thôn ta.

Như thế, người có tiền không đừng quá thắt lưng buộc bụng như những vị nhà giàu keo kiệt bủn xỉn, nhưng có chi tiêu mua sắm cũng chớ bao giờ được hoang phí. Tiêu xài không đúng chỗ không chỉ thiệt hại cho người chi tiêu nó mà còn tạo nên các hiệu ứng xã hội tiêu cực.

Ý nghĩ post bài viết dưới đây (cả từ blog của Trương Đình Anh và bài trên báo Thanh Niên) tập trung quanh chủ đề đại gia Trương Đình Anh tiêu đồng tiền mình kiếm được như thế nào (nếu chữ 'đại gia' không nên dùng ở đây thì tôi xin lỗi TGĐ Trương Đình Anh), tôi tự đánh giá việc làm này của mình như một tuyên ngôn tẩy chay quyết liệt với lối sống “đốt tiền” hoang phí mà bài tôi đã viết trước đây nhắc tới. Sự hưởng ứng rộng rãi của cả báo chí “lề trái” cũng như “lề phải” về chủ đề này là một minh chứng cho sự kiếm tiền và tiêu tiền (tất yếu xảy ra trong nền kinh tế thị trường) đều cần phải học, là phải có sự giáo dục. Chứ không đơn giản nghĩ rằng đây là "ý thích", là "tự do cá nhân" không ai được động chạm đến.

Nguyễn Vĩnh

----------------

Post lại bài “Đốt tiền”:


Đốt tiền

Nguyễn Vĩnh

Vài tuần trước tôi có mấy chuyến đi. Chuyến đầu xe chạy một vệt từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang, thăm ATK rồi quay về nhà theo ngả Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Yên. Chuyến sau đi về mạn Uông Bí, Quảng Ninh rồi ghé Chí Linh, Côn Sơn, Kiếp Bạc trở lại Hà Nội qua Nam Sách, Hải Dương, Hưng Yên.

Ngoài những ghi nhận tích cực cảm kích mà một chuyến “về nguồn” đọng lại mãi thì cảnh đền chùa cúng bái tràn lan hiện nay lại gây một ấn tượng không đẹp mà tôi ghi lại đây để cùng bạn bè chia sẻ.
Đến đâu cũng thấy dân mình đi lại cúng bái chùa chiền đền phủ miếu mạo khiếp quá, đông đúc quá. Đến mức mà ngồi nhà thì khó mà tưởng tượng ra nổi. Đúng cảnh “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Chỉ tội nghiệp là đông mà không đẹp, đông mà không văn minh thanh lịch chút nào. Còn lắm sự lôi thôi nhếch nhác nữa - từ người đến quang cảnh… Vui ít buồn nhiều.

Lẽ thường tấp nập đông đảo dân tình đi chơi thì phải mừng? Bởi một bộ phận dân cư khá giả lên thì mới có được hiện tượng này, làm cho du lịch nội địa khởi sắc, du khách tiêu tiền thì bà con nghèo các vùng danh thắng có được thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên quan sát kỹ thì điều mừng vui chóng vánh vụt qua. Thấy chua chát nữa là nó để lại không ít nỗi niềm bức xúc và lo nghĩ.

Đấy là hiện tượng phổ biến các nơi là cứ có chùa chiền phủ đệ được coi là linh thiêng là lễ bái túa ra, dịch vụ chạy theo phục vụ thượng đế quá ư nhốn nháo, nên mặc sức chặt chém khách. Và bày vẽ, lãng phí không xiết đâu mà kể. Chẳng mấy còn nét văn hóa thanh tao của ông cha ta xưa, của người Việt mình nữa.

Tôi chỉ nói riêng về hiện tượng đốt vàng đốt mã ngày nay mới ghê gớm làm sao.

Ở một ngôi đền khá nguy nga bên con sông Lô đầy chiến công oai hùng năm xưa, mấy anh em cùng đi trong đoàn của tôi hôm ấy thực sự kinh ngạc thấy ngoài sân đền bày cả “quả núi” những đồ vàng mã. Mấy chục con ngựa và voi kích cỡ rất to, màu mè rực rỡ. Chắc chắn hàng xấp "tiền thật" thì mới sắm nổi cả đống "hàng giả" để đốt này. Hỏi ra đây chỉ là đồ mã chỉ của một gia đình đi cúng tạ cho con cháu chết nạn và cũng là để giải hạn luôn cho gia đình họ. Một ngày một tuần một tháng rồi sẽ còn bao nhiêu đám lễ tạ, giải hạn như thế này nữa? Thật là những tiêu xài quá phí phạm.

Chúng tôi còn thấy ở những đám cúng bái cho người đã khuất khác có cả đống áo quần và giương hòm, những lọng cờ kiệu rước thuyền mảng… Thậm chí có đám đặt cả đồ mã là xe máy tay ga đắt tiền, xe hơi mác xịn “mẹc” (Mercedes), hoặc BMW cùng với biệt thự 3 tầng đồ sộ cúng xong là đốt hóa cho con cháu chết trẻ, với ý nghĩ dương sao âm vậy, gửi xuống dưới âm đó để người thân mình dùng...

Buổi trưa ở đền Kiếp Bạc tôi còn nghe một người tuổi trung niên kể với giọng phẫn uất là anh vừa bị bọn đầu nậu lễ bái “lột” mất 4 triệu tiền đồ lễ. Số là nhà doanh nhân này cùng mấy bạn buôn bán làm ăn với nhau đi lễ đền cầu lộc. Đỗ xe chưa kịp định thần thì đám người ào tới, các chú ơi cháu có đầy đủ đồ lễ, cứ việc theo cháu là tới “đủ các cửa”, đi lấy một mình không chu tất được đâu các chú… Ngọt lời, anh chẳng kịp mặc cả thống nhất tiền nong đồ cúng, dịch vụ, thế là mấy người cứ xô đẩy cùng bước theo đám đầu nậu kia, xì xụp hết ban này bệ kia…, rồi kết quả qua mọi cửa, thoát khỏi cổng hậu cung ra đến bên ngoài ngôi đền thiêng Trần Hưng Đạo Đại vương kia, bọn người buôn thần bán thánh hét “bốn triệu rưỡi thôi chú ạ”. Anh bạn nghe tá hỏa, định cãi không trả mức tiền ngất trời như vậy. Nhưng phàn nàn bớt xớ lúc này là vô ích (vì đã mắc lỡm không mặc cả từ đầu), anh cay đắng móc hầu bao trước lũ “ác nhân” mượn tín ngưỡng niềm tin của ông khách hàng trông có máu mặt đi lễ bằng xe hơi đắt tiền này, ông mà hớ hênh thì "chúng tao cứ việc bóp nặn".


Đồ mã và những chiếc xe máy "như thật" thế này đều đốt sạch ra tro, với quan niệm là người cõi âm cũng cần dùng đến...

Đấy là chưa nói tới các hoạt động xin thẻ sắp thẻ, bói toán lấy lộc cầu may công khai ngồi cả dẫy ở khắp các phủ đền ngày nay. Đôi chỗ còn mượn cớ được tụ tập lễ hội để chọi gà ăn tiền ăn hồ, hùn hạp trò cờ bạc mà phần lớn là kiểu cờ gian bạc bịp. Lạ nhất là thanh niên và tuổi choai choai bây giờ đi lễ rất đông.

Rồi đáng kinh khiếp nữa là tình trạng “quá tải” ở các nơi phủ đền, chùa chiền nổi tiếng làm cho môi trường lâm nguy. Nói gọn là cảnh xô bồ chợ búa chen lấn san sát tới nơi thờ cúng, và người ta vứt bỏ rác rưởi lung tung, chưa kể phóng uế bừa bãi bẩn thỉu đến hãi hùng. Chỉ cần khách thập phương chịu khó đi vào tới sân sau, ngó qua ngay bên ngoài bức tường chùa hoặc đền thờ là thấy các đống rác như núi không kịp chôn vùi hoặc tải đi kịp, mặc cho ruồi nhặng bu đầy... Bạn không tin cứ đi viếng chơi thử mà xem.

Ở đây câu chuyện tín ngưỡng niềm tin của người dân ta không bàn. Vì nó nhạy cảm và rất tế nhị. Đây là quyền của mọi công dân tôn thờ kính ngưỡng điều linh thiêng, hướng về hình tượng người anh hùng hoặc vị thánh, bà chúa mà trong tâm người ta đinh ninh sẽ che chở ban phát tài lộc cho họ…

Cái bàn được cũng như rất cần được gióng tiếng chuông báo động là sự tiêu pha tốn kém vô cùng mà người ta trông thấy được cho các việc cúng bái thờ phụng tràn lan ấy. Bởi vì ở đây cái sự tiêu xài chi trả bằng đồng tiền này nó mang ý nghĩa xã hội. Chính là nó động chạm đến chi tiêu tiền của, tức tiêu phí mất những giá trị lao động được tích lũy chung của con người, của xã hội. Tất nhiên rồi nó ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội nói chung mà bất cứ người dân nào đang cùng chung sống cũng có liên đới tới.

Lướt qua một thực trạng buồn như vậy, bất cứ ai còn tỉnh táo với các suy nghĩ có lý bình thường nhất cũng phải đồng tình thốt lên, đốt tiền, thật là phí phạm quá sức. Chư a kể ngoài tiền của còn mất bao thời gian công sức của nhiều con người đi theo cùng với các hình thức cúng bái đã bị biến tướng trên đây.

Lạ nhất là các cơ quan văn hóa thông tin của địa phương, các thiết chế nhà nước về văn hóa - trong đó có các quy định thông tri chỉ thị nếu nghe qua là thấy đều khá chặt chẽ và tồn tại ở khắp các tỉnh thành quận huyện, thậm chí được cụ thể bảng biểu căng dán khắp các nơi đó -, nhưng không hiểu sao trong hành động “điều tiết” hoặc nhất là sự “chế tài” thì hầu như là biệt tăm dạng. Hoặc giả bây giờ tất cả bộ máy cơ chế quản lý đặt ra kia chỉ tồn tại hình thức, hay cũng rơi vào bất lực hoặc đầu hàng trước thực trạng trái tai gai mắt này?

NV
------------------------

Bài viết mới đây trên VietnamNet:


Trương Đình Anh tiêu tiền và dạy con ra sao?

Cập nhật lúc 25/02/2011 02:16:42 PM (GMT+7)

Từ khi tay trắng đến khi có tiền, cách sống của tôi rất ít thay đổi. Khi bạn tự tay kiếm ra từng đồng tiền, bạn sẽ ít khi tiêu chúng một cách hoang phí. Tôi cũng không định dành cho các con mình một sự khởi đầu xa xỉ, ông Trương Đình Anh, 41 tuổi, Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm của Tập đoàn FPT chia sẻ trên blog của mình.

Nếu có trong tay 1 triệu USD, bạn sẽ làm gì?

Trương Đình Anh viết trên blog của mình: Tôi cùng từng suy nghĩ rất nhiều khi tự đặt cho mình câu hỏi này. Lúc chưa có tiền, tôi nghĩ mình sẽ tậu nhà to, sẽ chơi "siêu xe", sẽ ăn tiêu thỏa thích.


Tôi vào đời rất sớm với hai bàn tay trắng. Tôi rời trường đại học nhưng không được nhận bằng vì "trốn học" nhiều quá. Tôi là một trong vài sinh viên hiếm hoi bị giữ bằng.
Tôi rời ngân hàng vào cuối năm 1993 và gia nhập FPT với mức lương 800.000 đồng/tháng tương đương 70 USD thời bấy giờ. Những năm đầu tiên ở FPT, tôi luôn sống trong tình trạng lương không đủ tiêu. Tôi may mắn là nhiều lần được lãnh đạo tăng lương, rồi nghe theo nhiều đề nghị của tôi và tôi tiếp tục phục vụ FPT.

Tôi có được 100 USD đầu tiên vào năm 1984, khi mới 14 tuổi. Tôi có được 100 ngàn USD đầu tiên vào năm 2001 nhưng không phải từ FPT. Tôi có được 1 triệu USD đầu tiên vào năm 2004 cũng không phải từ FPT.

Cuối năm 2001, tôi đến Phú Mỹ Hưng (PMH), Quận 7, TP HCM. Tôi và bà xã tiến hành "đầu tư mạo hiểm" vào PMH, bỏ ngoài tai nhiều lời can ngăn. Là những người tiên phong, chúng tôi đã cầm đầu trong hầu hết các trào lưu đầu tư ở PMH.
Trong 12 năm, tôi đã thăng tiến từ một lập trình viên thành một Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT. Kinh nghiệm của tôi là nắm thật chặt bất cứ cơ hội nào có được và đặt vào đây tất cả tâm huyết.
Tôi đầu tư vào FPT đầy hứng thú như khi đầu tư vào PMH. Tôi quan niệm những giá trị mà mình có được từ FPT là một quá trình tự nhiên khi đã đặt toàn bộ niềm tin và cả cuộc đời mình vào FPT.

Không dành cho các con sự khởi đầu xa xỉ

Từ khi tay trắng đến khi có tiền, cách sống của tôi rất ít thay đổi. Khi bạn tự tay kiếm ra từng đồng tiền, bạn sẽ ít khi tiêu chúng một cách hoang phí. Tôi cũng không định dành cho các con mình một sự khởi đầu “xa xỉ”. Tôi mong muốn các con mình được học hành đầy đủ và rồi tự tìm cho mình một con đường, để gắn bó lâu dài, trung thành như tôi đã từng trải nghiệm ở FPT.

Trương Đình Anh từng có tuyên bố gây sốc là “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Đầu năm 2011, bước vào tuổi 41, Đình Anh đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc tập đoàn FPT.

Đối với gia đình tôi, 5% những gì chúng tôi có là hoàn toàn đủ để chúng tôi sống tốt. 5% nữa có thể giúp chúng tôi sống một cách thoải mái hơn. Vậy 90% còn lại, tôi có thể làm gì để cuộc sống của mình có ích hơn, phù hợp với những gì mình tâm huyết?

Tôi rất hâm mộ nhiều doanh nhân thành đạt đã dùng phần lớn thời gian và tài sản để phục vụ xã hội, chỉ có như vậy 90% tài sản kia mới được sử dụng một cách nhân bản, hiệu quả và có ích - thay vì cứ giữ chặt chúng ở trong két sắt hay trong ngân hàng.

Tôi dự kiến trong tương lai, khi rời khỏi việc điều hành doanh nghiệp sẽ quyên phần lớn tài sản của mình vào một Quỹ và dành toàn bộ thời gian để phát triển và phục vụ cho nhiều lợi ích xã hội.

(Nguồn: Blog Trương Đình Anh)



Năm 1998, Đình Anh lấy vợ. Tám năm kể từ ngày cưới, vợ chồng Đình Anh liên tục “ra lò” tới 4 cậu con trai.


Điều khiến rất nhiều người ngạc nhiên là không hiểu lý do vì sao vợ của Trương Đình Anh, vốn là một phụ nữ có năng lực và năng động (trước khi lấy chồng là Thư ký Giám đốc của Mitsubishi Constrution) lại chấp nhận ở nhà và chỉ... đẻ.


Thế nhưng, cũng rất ít người biết rằng, ngay sau khi hết việc tại công ty, Trương Đình Anh về thẳng nhà với vợ, chơi với con và gần như không giao du với ai sau giờ làm việc.


Bốn cậu con trai của Trương Đình Anh đều được đặt tên là Anh. Con trai lớn được đặt tên giống hệt bố là Trương Đình Anh, con trai thứ hai là Trương Quốc Anh, con trai thứ ba là Trương Vũ Anh, con út là Trương Hiếu Anh.


Giải thích về quyết định sinh con hàng loạt và đều mang tên Anh của 2 vợ chồng, Đình Anh nói: “Lên 10 tuổi bố mẹ tôi mới có thêm em bé, tuổi thơ của tôi khá buồn vì thiếu bạn chơi. Vì thế, tôi và vợ sinh nhiều con để chúng có bạn chơi với nhau. Chúng tôi đặt tên Anh cho con của mình với kỳ vọng chúng sẽ làm được những điều chúng tôi chưa thể hoàn thành”.


(Nguồn: Thanh Niên)


Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Một nhà ngoại giao bàn về lịch sử

Một nhà ngoại giao bàn về lịch sử

Về hưu Bạn tôi - anh Trần Kinh Nghị - là một nhà ngoại giao, cũng từng nhiều năm làm giáo viên tiếng Anh tại trường ngoại giao. Anh Nghị có dịp đi nhiều nước trên thế giới với sứ mạng một cán bộ, một công chức ngoại giao, đương nhiên anh tiếp xúc với nhiều người nước ngoài. Anh Nghị cũng chăm đọc và đọc được nhiều cuốn sách và các tài liệu nước ngoài liên quan đến lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Trung Quốc.




Về hưu mấy năm nay anh Nghị vẫn tiếp tục nghiên cứu quan hệ quốc tế, trao đổi với bạn bè cùng lứa, lại thỉnh thoảng đặt bút viết những bài báo khá là công phu. Bài được đăng rải rác từ báo, tạp chí của ngành ngoại giao hoặc in ấn, post lên các tờ báo viết, báo mạng khác nhau.


Gần đây nhất anh Trần Kinh Nghị có bài viết liên quan đến cách đặt vấn đề lịch sử nước Việt, dân tộc Việt mình mà thời gian mới đây rộ lên mấy đợt tranh luận. Nội dung các tranh biện có thể hiểu nôm na là "sử ta có gì lẫn lộn với sử 'tầu' (TQ) không", "xứ mình xuất phát từ 'tầu' chứ có gì mà tự ái" v.v... và v.v... Quái gở đến như thế nhưng cũng khối kẻ vọng ngoại, cơ hội - thậm chí cả những người được ăn học tử tế ở trong nước, rồi ra nước ngoài "nâng đời", nâng "đẳng cấp khoa học" như người ta khoe, cũng đã liều lĩnh lập ngôn, trả lời phỏng vấn loạn xị, thậm chí lập luận suy đoán vô lối đến mức bậy bạ hoặc lếu láo về các trang sử nước nhà... Thật là đáng xấu hổ.

Tại sao như vậy? Ai chịu trách nhiệm về những sai sót và cũng là "vong bản" ấy. Nguyên nhân từ đâu thì rất nhiều cách giải thích. Và cũng vì kiến văn của bản thân mình còn những điều tôi thấy còn phải học hỏi thêm, với tính cách một người thực sự cầu thị, nên tôi cũng chưa dám bàn kỹ ở đây.

Trở lại bài viết của anh bạn tôi mà phần trên nói tới. Tôi luôn nghĩ "lịch sử bao giờ cũng là lịch sử". Không một sức mạnh hoặc bạo quyền dù khùng điên cỡ nào phá đổ hoặc xuyên tạc được lịch sử chân chính và đích thực của một dân tộc. Không gì có thể nói xấu hoặc bôi nhọ được nước Việt chúng ta. Dù rằng xa xưa, dân tộc Việt Nam chúng ta ngày nay cũng từng có xuất phát điểm từ một tộc Việt trong "Bách Việt", người nói phát tích thừ phía Nam Hồ Động Đình, kẻ bảo ở một khu vực nào đó phía Nam sông Dương Tử... Nói tóm lại là tại một vùng phía nam nào đó của TQ ngày nay, người Lạc Việt ta sinh sống và phát triển, cô kết vun đắp và di dần về phía đồng bằng Bắc Bộ bây giờ dần dần dựng nên xây nên các dạng nhà nước sơ khai riêng biệt và độc lập. Sau đó là hình thành nhà nước phong kiến Việt Nam, dù có thời kỳ dài bị nước ngoài từ phương Bắc xâm lược và đô hộ. Song Việt Nam ta vẫn luôn là của Lạc Việt mình, vẫn là dân Việt với nền văn hiến riêng của mình.

Càng nghĩ ngợi, xưa đã vậy - và nay cũng như từ nay về sau vẫn là như vậy - nước Việt và dân Việt đều là con cháu dòng Lạc Hồng, như truyền thuyết con Rồng cháu Lạc và Việt Nam vẫn mãi mãi là Việt Nam thân yêu của chúng ta, không gì có thể xóa nhòa hoặc trộn lẫn.

Dân tộc Việt Nam, cương thổ Việt Nam muôn đời trước đến nay và mãi về sau bao giờ vẫn một cõi riêng thiêng liêng bất khả xâm phạm.

Công lao ông cha ta đã bao đời giữ yên bờ cõi và bảo tồn văn hóa Việt, thì nay lớp lớp con cháu chúng ta không những có trách nhiệm và lòng quả cảm giữ lấy nguyên vẹn giang sơn gấm vóc của đất nước mà còn phải bảo tồn phát huy hơn nữa mặt tích cực tốt đẹp của văn hóa, của những tinh hoa dân tộc Việt chúng ta.

Bất chấp mọi hiểm nguy và nhiều thách thức ghê gớm. Bất chấp các kế sách độc địa và bạo tàn đến thế nào và từ đâu tới nếu chúng cả gan tấn công lấn át lịch sử và nền văn hóa dân tộc của chúng ta, mọi người Việt Nam đều sẽ đứng lên bằng mọi giá để bảo vệ non sông.

Công việc này suy cho cùng trong thời bình (luôn mong có yên bình cho đất nước) phải là trách nhiệm của những nhà làm sử và viết sử. Cũng phải có đóng góp thật sự năng động và tích cực của ngành giáo dục đào tạo con người. "Người Việt ta phải thuộc sử ta, người Việt ta phải hiểu sử ta", không thể khác.

Vì vậy tôi rất hoan nghênh bài viết (đây là bài thứ 2 của anh Trần Kinh Nghị về đề tài này). Cũng do được anh Nghị tin cậy gửi để công bố trên blog cá nhân của mình, tôi mạo muội có ít dòng trên và post lên nguyên văn bài viết công phu của anh Trần Kinh Nghị để bạn bè tham khảo.

Nguyễn Vĩnh

------------------


Nguyên văn bài viết của anh Trần Kinh Nghị:


Thử tìm bài học từ lịch sử


Trần Kinh Nghị


“Kiến thức về lịch sử và cội nguồn dân tộc không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết về quá khứ; nó là tài sản vô giá là mà từ đó mỗi dân tộc cần tự rút ra những bài học thiết thực cho mình để tiếp tục hành trình vào tương lai”.


Có lẽ chính vì lẽ đó mà bài báo ngắn ngũi với tiêu đề “Lịch sử cần Sự thật” đăng trên TuầnVietnam cuối năm 2010 http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-27-lich-su-can-su-that đã thu hút sự quan tâm sâu rộng từ cộng đồng với nhiều ý kiến đóng góp rất đáng lưu tâm. Qua thảo luận cho thấy đúng là có một tình trạng hiểu biết sơ sài và không đồng nhất về lịch sử và cội nguồn dân tộc đồng thời với thái tự ti dân tộc hoặc hoài nghi về sự thật lịch sử cũng như các giá trị nhân văn của dân tộc mình ; và điều này diễn ra trong mọi tầng lớp, kể cá trí thức và người trẻ tuổi ở Việt Nam ngày nay. Cảm nhận này thôi thúc người viết muốn nói thêm đôi điều sau đây.

Lịch sử cần lắm vai trò của Cơ quan chức năng

Trước hết, có lẽ nên bắt đầu bằng việc trích dẫn ra đây những ý kiến phản hồi trái ngược từ phía bạn đọc xung quanh một số vấn đề đặt ra trong bài viết “Lịch sử cần sự thật”; chúng tuy không nhiều nhưng rất “ấn tượng”.


Một số bloggger không đồng tình với cách đặt vấn đề dân tộc Việt Nam có cội ngưồn lâu đời và có mối liên quan mật thiết với cộng đồng Bách Việt,. Lý do có thể: một phần vì họ chưa được biết nhiều về khái niệm Bách Việt (mặc dù trên thế giới đã có hẵn môn “Bách Việt học” với nhiều công trình nghiên cứu đã được xuất bản ), một phần vì trong thâm tâm họ luôn mặc cảm rằng dân tộc Việt Nam chỉ là một dân tộc nhỏ và lạc hậu so với dân tộc Hán ở bất cứ thời kỳ nào. Một số người thậm chí còn tỏ thái độ mĩa mai thiếu nghiêm túc khi nói về các truyền thuyết như Lac Long Quân - Âu cơ và các vua Hùng…, thậm chí nghi ngờ hoặc bác bỏ cả luận điểm “hơn 4.000 năm lịch sử” của dân tộc. Đồng thời ngược lại cũng có những ý kiến khác lại quá đề cao dân tộc mình một cách mù quáng bất chấp sự thật lịch sử hoặc sẵn sàng bác bỏ những gì đã được xác lập trong sử sách cũ.

Vâng, quả đã có những quan điểm ngược chiều “thái quá” như thế trong quá trình tranh luận xung quanh chủ đề lịch sử và cội nguồn dân tộc. Chúng tuy không nhiều nhưng có lẽ cũng đủ để khiến ta giật mình. Riêng người viết bài này thực sự không cảm thấy ngạc nhiên hoặc khó chịu, trái lại còn cảm ơn họ đã nói lên thực trạng tình hình. Dù sao họ cũng còn ý thức quan tâm đến lịch sử và qua đó góp phần vào những cuộc thảo luận sôi nổi và thực chất hơn.

Tìm hiểu kỹ thêm, ta sẽ nhận ra rằng những bình luận như trên thường phát ra từ những người thiếu hiểu biết cơ bản về lịch sử và cội nguồn dân tộc. Những ý kiến như vậy thường lập tức bị các blogger khác phê phán, bác bỏ, đôi khi trong những cuộc thảo luận dằng co kéo dài. Nhưng nhiều trường hợp cả người bác bỏ cũng không thể đưa ra đủ lý lẽ thuyết phục vì bản thân họ cũng thiếu những kiến thức cần thiết.

Điều đáng chú ý là, những ý kiến trái ngược như trên nêu trên tuy không xuất hiện nhiều trên mạng, nhưng đã phản ánh tình hình tương tự trong xã hội ta ngày nay, nhất là trong một bộ phận thanh thiếu niên ngại học lịch sử nhưng thích xem phim ảnh và sách chuyện giả sử (chắc tác giả muốn nói "dã sử" - Chú thích của blog này) của Trung Quốc đang rất sẵn trên thị trường. Biểu hiện ở chỗ các em thường chỉ bàn luận về hình thức như trang phục, tướng mạo của các nhân vật tron phim ảnh để kết luận rằng người Hán “hơn” người Việt!. Đến nỗi có em nhầm lẫn cả tên tướng giặc với tướng ta, hoặc chỉ quen nói, viết bằng những ngôn từ ngô nghê của phim ảnh. Ngay cả những người có học cũng không hoàn toàn hiểu và thấm nhuần những điều nêu lển trong sách giáo khoa hiện hành.

Bên cạnh loại ý kiến ngược như nói trên, đại đa số bạn đọc đã rất hoanh nghênh và tán thành với cách đặt vấn đề của bài báo như bản thân tiêu đề đã nói lên “lịch sử cần sự thật”. Được biết, đến nay có khoảng trên dưới 100 trang web của các trường, viện, nhà xuất bản, các cơ quan, các nhóm và cá nhân đã trích đăng lại bài viết để làm tài liệu tham khảo. Cũng đã hình thành một số diễn đàn tranh luận rất sôi nổi xung quanh chủ đề lịch sử và cội nguồn dân tộc. Qua qúa trình thảo luận đã xuất hiện thêm nhiều cách lập luận khác nhau với những thông tin và sử liệu có giá trị thực tiễn do các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cung cấp. Xin đơn cử ra đây vài trường hợp.

Đó là ý kiến của ông Giám đốc TT NC Lý học Đông Phương khẳng định quan niệm Việt sử 5.000 năm văn hiến bắt đầu từ quốc hiệu Văn Lang của các Vua Hùng tức năm 2879 trước CN với địa giới phía Bắc bao gồm cả Hồ Động Đình. Ông đồng thời cũng bác bỏ quan điểm hoài nghị cho rằng thời Hùng Vương chỉ có thể bắt đầu vào thế kỷ thứ VII trước CN như "một liên minh gồm 15 bộ lạc, cùng lắm là một nhà nước sơ khai" với địa bàn cư trú vỏn vẹn ở đồng bằng sông Hồng (!).

Đó là thông tin của một bác sĩ Việt kiều cho hay ông đã đích thân đến tận các địa danh trong truyền thuyết như Hồ Động Đình, Núi Thái Sơn (Ngũ Lĩnh), Sông Tương, cánh đồng Tương, Đền thờ Vua Bà (tức là Bà Trưng), v.v…thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc để tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Sau đó ông kết hợp với những kiến thức y học và khảo cổ vốn là nghề nghiệp của bản thân để đi đến kết luận: Những gì nói trong truyền thuyết là có thực; biên giới nước Việt Nam cổ bao gồm cả vùng Hồ Động Đình là sự thật.

Qua thảo luận nhiều bạn đọc cũng có dịp đọc lại các công trình nghiên cứu với những luận cứ táo bạo của Thiền sư Nguyễn Mạnh Thát cùng ý kiến phản hồi của Nhà nghiên cứu Lịch sử kỳ cựu Phan Huy Lê, cũng như nhiều công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác, từ đó khuyến khích ý thức tìm tòi nghiên cứu nhằm làm rõ những “góc khuất” trong lịch sử và cội nguồn dân tộc . Một lần nữa hàng loat sách sử đã được các bạn đọc tìm tòi tra cứu. Đó là một dấu hiệu đáng mừng.

Nhân đây người viết xin một lần nữa nhắn nhủ các bạn đọc, đặc biệt các bạn trẻ, hãy bớt chút thời gian tìm đọc mọi thông tin liên quan đến lịch sử Việt Nam mà ngày nay rất sẵn có trên hệ thống internet, kể cả những thông tin mới khám phá của các nhà chuyên môn Việt Nam và nước ngoài. Hãy tự mình đọc hiểu và trao đổi cùng mọi người. Đó là cách tốt nhất để tự học tập và trau dồi kiến thức nhằm hiểu đúng hơn về lịch sử nước nhà. Đó cũng là một cách thiết thực để thể hiện lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam ngày nay.

Cũng xin thưa, bản thân người viết cũng chỉ là một một “người đọc sử”, và qua đọc mà nhận rằng vẫn còn rất nhiều “điểm khuất” chưa được giải mã trong toàn bộ biên niên sử của dân tộc. Chỉ tiếc rằng vẫn đang có một xu hướng tự hài lòng với những gì đã có trong sử sách cũ; thậm chí có những người làm công tác truyên truyền du lịch và cả một số nhà sử học chuyên nghiệp chỉ thích “tô son trát phấn” cho những huyền thoại mà không mấy quan tâm đến sự thật. Hậu quả là sự mai một của những sử liệu thật và thay vào đó bằng những “sử liệu ảo”. Xin đơn cử một ví dụ: Nhiều người Việt Nam ngày nay dần tin rằng Vua Hùng xuất phát từ Phú Thọ (vì ở đó có Đền Hùng) và quên mất gốc tích Hồ Động Đình bên Trung Quốc. Điều tương tự cũng đang diễn ra với câu chuyện Thánh Gióng, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Đà*, v v… Cứ đà này thì không thể nào tránh được sự nhầm lẫn chết người rằng nước Việt cỗ chỉ gồm châu thổ Sông Hồng và cùng lắm là từ thế kỷ thứ 7 TCN!

Tóm lại, dù là ý kiến ngược hay xuôi, tất cả cho thấy tình trạng “dân ta không biết sử ta” là có thật. Có một số nguyên nhân, cả từ hai phía người dân và nhà chức trách, nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do sách giáo khoa và tài liệu lịch sử của ta chứa đựng quá nhiều khái niệm mơ hồ nhưng thiếu sử liệu và bằng chứng thuyết phục, do đó đã trở nên nhàm chán đối với đại đa số người học và người đọc của ngày hôm nay. Nói cách khác là có sự bất cập trong công tác nghiên cứu, giáo dục và truyền thông liên quan đến môn lịch sử và cội nguồn dân tộc.

Thực ra đã có nhiều ý kiến bày tỏ mối lo lắng trước thực trạng bất cập của nền sử học nước nhà; và đang có nhiều nhà nghiên cứu tư nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ đã và thầm lặng tiến hành các công trình nghiên cứu nhằm góp phần bổ sung, bổ khuyết cho kho tàng sử liệu dân tộc mà họ quý trọng. gìn giữ. Nhưng đáng tiếc là những kết quả nghiên cứu của họ chưa thể phát huy hết tác dụng do thiếu vai trò chủ đạo và sự ủng hộ thực chất của các cơ quan nhà nước chuyên trách. Thiết nghĩ, để giải quyết rốt ráo vấn đề này, không ai khác mà chính là các cơ quan chức năng các cấp phải tích cực chủ động “vào cuộc”.


Liên quan đến công tác này, được biết Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại buổi gặp mặt đầu năm Tân Mão với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có ý kiến chỉ đạo rất kịp thời: “Tiếp tục những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu những di sản, lịch sử còn ẩn chứa trong tâm hồn, nguồn cội của dân tộc Việt Nam để quảng bá, giới thiệu cho các thế hệ tiếp theo, nếu việc này bị xem nhẹ là sẽ tạo ra nguy cơ đối với sự tồn vong của dân tộc”. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: “Đã là lịch sử thì phải đúng sự thật, trung thực và chính xác. Đối với những vấn đề trước đây công bố chưa chính xác thì khi đã có đủ tư liệu, cần có bước đi thích hợp để đính chính lại lịch sử” **

Qua quá trình trao đổi thấy toát lên một quan niệm chung là: Đối với những người làm công tác nghiên cứu lịch sử, mọi sử liệu, kể cả truyền thuyết, ca giao tục ngữ, cho đến di tích khảo cổ, khoa học sinh học và gien di truyền, v.v… đều có giá trị nghiên cứu như nhau, và không thể bị coi thường, coi nhẹ. Vấn đề là cách thức kết hợp chúng với nhau như thế nào và vận dụng phương pháp luận nào để đi tới những kết quả khách quan và chính xác nhất. Thật là sai lầm nếu ai đó chỉ vì một vài phát minh mới mà đã vội từ bỏ những sử liệu hoặc luận điểm đã có từ trước. Ngược lại cũng không ổn nếu chỉ mãi hài lòng với truyền thuyết và những gì đã được ghi chép lại trong sử sách cũ (bới chúng dù sao cũng là do con người sao chép lại nên không thể không có sai sót do vô tình hay cố ý trong quá trình biến thiên hàng ngàn năm của lịch sử). Kiến thức về lịch sử và cội nguồn dân tộc không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết về quá khứ; nó là tài sản vô giá mà từ đó mỗi dân tộc cần tự rút ra những bài học thiết thực cho mình tiếp tục hành trình vào tương lai.

Bài học nào từ lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam?

Nếu mỗi quốc gia dân tộc cũng có “số mệnh”, thì phải chăng số mệnh của dân tộc Việt Nam là phải chiến đấu chống ngoại xâm? Cái mệnh này gắn chặt đến nỗi mỗi con người Việt Nam sinh ra đều biết mình “có hơn 4.000 năm lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước” và thuộc lòng các niên đại bị ngoại xâm ở các thời Tần, Hán, Đường, Nguyên-Mông, Pháp, Nhật, Tàu Tưởng, Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong số các kẻ thù xâm lược, có một kẻ mà dù muốn hay không, người Việt Nam vẫn phải chấp nhận chung sống cận kề đời đời kiếp kiếp, đó là nước Trung Quốc vĩ đại với dân số đông nhất thế giới vẫn tự phong là “vương triều” giữa thiên hạ. Lịch sử cho thấy, trong quá trình mở mang bờ cõi, nước láng giềng Phương Bắc này đã rất thành công về hướng Nam nơi vốn đã là thánh địa của hàng trăm tộc người Bách Việt, trong đó có nước Văn Lang xưa và trở thành Việt Nam ngày nay. Nhân loại chứng kiến rất nhiều trường hợp xâm lược và thôn tính lẫn nhau, nhưng trường hợp Hán tộc thôn tính các Việt tộc có lẽ là một trường hợp độc đáo cả về quy mô, cung cách và tính triệt để của nó. Trong quá trình kéo dài hàng ngàn năm từ trước đến sau CN, các bộ tộc hoặc vương quốc Bách Việt đã lần lượt bị Hán tộc thôn tính và đồng hóa, chỉ còn lại Việt Nam . Tuy không bị đồng hóa nhưng Việt Nam đã bị dồn đẩy về phía Nam và bị các triều đại phong kiến Phương Bắc thay nhau đô hộ trong thời gian rất dài (được sử sách ghi là “hơn 1.000 năm”). Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng hận thù sâu sắc giữa hai quốc gia dân tộc mà trong đó người Trung Quốc thường nhìn người Việt Nam bằng con mắt miệt thị trong khi người Việt Nam luôn cảm thấy lo lắng, bất an trước sự khôn ngoan, lắm mưu sâu, kế hiểm của đối phương. Quá trình đó cho ta ít nhất là 3 kinh nghiệm dưới đây:

Một là, mỗi khi Vương triều Phương Bắc thống nhất và mạnh lên thì họ đem quân sang chinh phạt Việt Nam. Cuộc xâm lược quy mô lớn đầu tiên diễn ra năm 218-208 TCN giữa thời kỳ hoàng kim của Nhà Tần. Hầu hết các cuộc xâm lược sau này cũng đều diễn ra vào những thời cực thịnh của các vương triều Phương Bắc. Đôi khi trong những cơn giận dữ, họ cũng mang quân “đánh hàng xóm”, như trường hợp chiến tranh biên giới năm 1979 mà nhà Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố “để dạy cho Việt Nam một bài học”. Trong mấy chục năm gần đây, hễ có cơ hội là họ “đánh lớn, đánh nhỏ” nhằm lấn chiếm biên giới và biển đảo của Việt Nam .

Lịch sử cho thấy dẫu thắng thua thì bờ cõi nước Việt Nam cũng bị dồn đẩy về phía Nam . Và cho đến ngày hôm nay chưa có cơ sở gì để khẳng định rằng điều này sẽ không lặp lại.

Hai là, kẻ thù thường triệt để “khai thác”những thời điểm có bất hòa, bất ổn trong nội bộ Việt Nam để khởi binh xâm lược. Nhưng hễ khi nào bị xâm lược, người Việt Nam đều gác lại những bất hòa bất ổn trong nội bộ để tập trung chống kẻ thù chung.

Thiết nghĩ, là dân nước Việt không ai có quyền phủ nhận truyền thống anh hùng chống ngoại xâm. Nhưng cũng nên nhận ra rằng phải kháng chiến là một sự lựa chọn bất đắc dĩ không nên có, bởi lẽ các chu kỳ chiến tranh lặp đi lặp lại quá nhiều ắt để lại những thiệt thòi truyền kiếp đối với cả dân tộc.

Vậy nên có một lựa chọn tốt hơn là phải chủ động thực hiện “phòng ngừa từ xa” bằng cách không tạo ra cơ hội hấp dẫn đối với giặc ngoại xâm. Đó là tập trung xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch vững mạnh, bài trừ tệ nạn quan liêu, tham nhũng, bè phái, tranh chức, tranh quyền và mọi thói hư tật xấu trong hệ thống công quyền, trên cơ sở đó sẽ luôn giữ vững khối đoàn kết toàn dân và phát triển đất nước giàu mạnh. Đó là phương sách thích hợp và cần thiết đối với một nước ở vị thế như nước ta

Ba là, dù thắng, bại các nhà nước Việt Nam chưa bao giờ thực sự tách khỏi “vòng cương tỏa” của cường quốc láng giềng Phương Bắc.

Lịch sử cho thấy không chỉ lúc thua mà cả lúc thắng các triều đại Việt Nam vẫn thực hiện nghĩa vụ triều cống đối với nước láng giềng Phương Bắc, coi đó như một cử chỉ cầu hòa và chấp nhận chung sống lâu dài với họ. Có thể nói điều này đã trở thành một “quốc sách” của dân tộc Việt Nam . Tuy nhiên có điều trớ trêu là, phía đối phương chưa hề tỏ ra biết trân trọng quốc sách hòa hảo, phục thiện đó của dân tộc ta, trái lại còn coi đó là cử chỉ yếu hèn, nhu nhược***.


Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh khu vực và quốc tế ngày nay, người Việt Nam cần suy ngẫm lại về cái triết lý bạn/ thù và đồng minh, để từ đó có sự điều chỉnh hợp lý nhằm thay đổi cục diện bất lợi cho mình, trong đó cũng nên tính đến cả câu ngụ ngôn xuất xứ từ Trung Quốc: “Người không thay đổi thì ta phải thay đổi”.

Đồng thời hãy suy ngẫm về ba điều thực tiễn: a) Dân tộc Việt Nam được và mất gì nếu cứ quẩn quanh trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc?; b) Tại sao người Việt học tập và làm việc trong môi trường Âu - Mỹ thì năng lực bao giờ cũng được phát huy tốt hơn ? c) Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có thể tồn tại độc lập và phát triển vượt bậc; tại sao Việt Nam chưa làm được điều đó?

Đây cũng chính là vấn đề mà các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và các thế hệ đi trước đã đặt ra nhưng chưa giả quyết rốt ráo được. Phải chăng là do não trạng người Việt lúc nào cũng ám ảnh nỗi mặc cảm của ngàn năm Bắc thuộc, cho "mình từ họ mà ra" và lúc nào cũng chờ đời xem họ làm gì mà không dám chủ động vượt lên trước họ?

Dù sao giờ đây người Việt lại một lần nữa có quyền hy vọng dân tộc sẽ bứt phá để làm được điều mà bao thế hệ chưa làm được. /.

T.K.N.

---------------

Tài liệu tham khảo:

- Bách khoa toàn thư mở-Wikipedia với nhiều kiên kết dẫn đến các nguồn khác nhau

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

- Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim

- Bộ sách giáo khoa môn sử học phổ thông của Nhà XB Giáo Dục Việt Nam.

- Các website và blog có đăng bài viết “Lịch sử cần sự thật”trên Google

Ghi chú:

*(Trích đoạn trả lời của Hưng Đạo Vương : "Ngày xưa Triệu Vũ Đế (tức Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, Hồ Nam (thuộc lãnh thổ Trung Quốc ngày nay), còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời.”…. (Xem thêm tại Wikipedia phần nói về Trần Hưng Đạo)

**Xem thêm tại Website Dòng họ Đỗ Viêt Nam, bản tin ngày 9/2/2011

*** tham khảo các bài viết của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, của cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh, phát biểu của cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, phát biểu của Giáo sư Vương Hành Lĩnh. Tham khảo Chuyện cổ Việt Nam ; một số bài viết của các tác giả nước ngoài;câu chuyện sử liệu nói Tôn Trung Sơn là người Bách Việt.





Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Lớp Văn 8 và người giữ chức tổng bí thư

Lớp Văn 8 và người học trò giữ chức tổng bí thư

(Ghi chép nhân cuộc gặp đầu xuân của một lớp Văn khoa đặc biệt)
Thành lệ nhiều năm rồi, cứ vào một ngày Chủ nhật của Xuân Mới sau Tết Âm lịch, lớp Văn khóa 8 của chúng tôi lại họp mặt. Ngày họp thường sắp xếp từ khoảng mồng 8 mồng 10 cho đến trước rằm tháng Giêng, vừa để bạn bè ăn tết xong vãn việc nhà, vừa chiều ai đó đi xa Hà Nội nghỉ tết cũng đã trở về nhà. Dĩ nhiên với người ở các tỉnh quanh Hà Nội thì phải đi xa một chút, trừ anh em trong thành phố Hồ Chí Minh thì không mấy khi có người ra họp được.

Những cuộc tề tựu vui vẻ là chính này những năm gần đây càng trở nên một nhu cầu không ai muốn lỡ vắng. Đơn giản vì lứa chúng tôi đều đã về tuổi xế chiều. Hầu như 100% đã hưu nghỉ. Không ít bạn đồng môn thậm chí còn rời bỏ việc công sở vài ba chục năm trước, hoặc ít hơn cũng cả một thập niên vì những lý do riêng. Chính xác còn có vài trường hợp đặc biệt hơn cả, là người tử tế và tài giỏi hẳn hoi, đang trong biên chế ở một tỉnh miền núi, nhưng lại xin bỏ việc về quê biển làm anh nông dân cày ruộng, chăn vịt thực thụ mà hoàn toàn chẳng phải bất mãn chán đời gì. Bằng cớ là người bạn mà tất cả lớp chúng tôi rất quý trọng đó anh đã có vài tập thơ xuất bản, hơi thơ anh độc đáo và đầy nỗi niềm dấu ấn riêng. Đáng mừng thay chàng ẩn sĩ tài hoa miền duyên hải.

Nhìn chung cả lớp tôi đều đã “về vườn đuổi gà” (ai mà có vườn để nuôi gà ở thành phố?). Riêng đến năm nay chỉ còn hai người "trăm phần trăm" tại vị: một ít tuổi nhất lớp (anh tốt nghiệp mới vào tuổi 21, lại là phó giáo sư-tiến sĩ được giữ lại qua tuổi 65 có thể mới được nghỉ); và một người khác đặc biệt hơn cả, đã là ủy viên bộ chính trị lâu nay, và mới đây đại hội 11 bầu làm tổng bí thư của đảng - anh Nguyễn Phú Trọng.

Sự việc trên có người biết chúng tôi học cùng lớp với nhau ngày xưa, giục giã rồi gợi ý tôi hãy viết ngay một điều gì đó về anh Trọng trên blog hoặc là gửi cho báo đăng. Tôi chọn cách từ chối. Hoàn toàn không phải lý do như kiểu ngại ngần hoặc sợ mang tiếng “thấy người sang…” gì gì đâu. Bởi nếu đặt bút viết tôi nghĩ chắc mình cũng sẽ gắng tìm được một cách trình bày diễn đạt sao đó để người ta không chê trách được mình. Khó nhưng cố là làm được. Là sẽ không viết kiểu cậy quen biết người có quyền lực để khoe mẽ, hoặc đơn sơ dễ dãi là “khen phò mã tốt áo”. Nhưng làm thế vào lúc này thì chẳng ra sao cả, thậm chí tôi hiểu đó không chừng là điều "cấm kỵ” với ai có chút tự trọng, không chừng phải hổ thẹn với các bậc sĩ phu quân tử lớp đàn anh một khi họ lướt đọc.

Tôi không viết về tân tổng bí thư đảng cũng bởi còn một lẽ nữa. Bởi như tất cả mọi người vào một chức mới quan trọng sẽ có vô khối các bài viết trên truyền thông báo chí xứ ta. Đại loại là ca tụng sự giản dị khiêm tốn, rồi là học rộng tài cao, là bản lĩnh kiên trì nguyên tắc, thương dân thương nước v.v... mọi sự tốt cứ như quy tụ đủ trong những con người mới nắm quyền lực mới. Lẽ đời thường thế, cũng chẳng chê trách chê bai làm gì. Nếu ăn cơm chúa thì múa tối ngày, nó vậy cả.

Ở đây do mình chẳng có dòng nào trên blog về anh Trọng đợt vừa qua, nên rất muốn nhân buổi gặp lớp Văn 8 ngày 13/2 này, tôi chỉ nhắn gửi tới anh Trọng một điều: Là hơn lúc nào hết, hơn tất cả các việc khác cần phải làm ngay của một vị tổng bí thư mới là anh hãy biết lắng nghe hơn nữa, lắng nghe một cách thật sự thật lòng dư luận và công luận.

Nói đơn giản đó là nghe cho biết thật sâu sắc lòng dân ý dân đang khát khao nhất những điều gì hiện nay? Cơm áo miếng ăn chỗ ở học hành... cho dù chưa vừa ý nhưng cũng phần nào đã đến với dân và rồi có thể sẽ đến tiếp với dân. Nhưng "thực phẩm" cho tinh thần thì còn đơn sơ nghèo nàn lắm. Dân no bụng mà ít dân chủ, thậm chí không có dân chủ theo nghĩa đích thực, thì sự no bụng là không ý nghĩa. Tôi và chắc nhiều người tử tế khác dám chắc nếu đại trưng cầu dân ý thì dân sẽ nói là dân chủ của chúng ta còn hình thức, chưa thực chất.

Dân ta tốt lắm, không ai có thể nói khác được cái điều hiển nhiên như chân lý đó. Dân lớn lao và vĩ đại nên vì thế người lãnh đạo khôn khéo tài giỏi là phải biết kính Dân, đặt Dân lên trên hết. Kính Dân tức cũng là kính Đất nước, đặt lợi quyền của Nước lên trên tất cả mọi thứ. Đó là cách làm yên xã tắc chính đáng và đúng đắn nhất. Yên xã tắc được thì rồi làm gì cũng thành công.

Đáng ghi nhận ở anh Trọng một nhiệm kỳ đứng đầu Quốc hội vừa qua, anh Trọng đã sống và làm công việc theo được chiều hướng này, nhất là những phiên họp QH cuối nhiệm kỳ. Phát huy điều tốt đó lên hơn nữa thì Dân sẽ yêu quý người lãnh đạo.

Với những gì bản thân tôi biết được về anh Nguyễn Phú Trong - từ ngày biết anh là sinh viên cùng lớp, đúng vào đầu thu 1963 ở dưới cơ sở trường cạnh chùa Láng, lại có với anh nhiều học kỳ cùng một tổ học tập, có lúc cùng chung sống một mái nhà người nông dân nơi sơ tán, và cho đến sau này khi anh Trọng trải qua các chức vụ cao cấp - dù ít gặp được nhau - nhưng những gì tôi tiếp xúc hoặc quan sát qua tin tức và truyền thông, tôi vẫn giữ ấn tượng hầu như bất biến trong tôi về một tính cách nhu mì, khiêm cung và thật nho nhã hơi có vẻ kiểu xưa. Xưa quý chứ không phải xưa cổ lỗ. Chỉ mong anh Trọng đừng vì quá nhu mì mà dĩ hòa vi quý, thậm chí là nhu nhược khi đã cầm quyền lớn, cái thế "đứng trên vạn người" mà sứ mệnh đất nước nay đặt trên vai anh. Nặng nề và nhọc nhằn lắm chứ không phải chỉ có vinh quang vinh dự đâu.

Buổi họp hôm nay, thày Hà Minh Đức có ý nói với sự tiếp thu sâu sắc những gì học được ở 4 năm đại học khoa ngữ văn hoàn toàn nội trú, cái lớp học trò như lứa chúng tôi - trong đó có anh Trọng - đều như có sự thượng tôn tình con người, thấm sâu tính nhân văn được cộng hưởng từ tác động của các giá trị văn học nghệ thuật đông-tây. Thầy Đức cũng bảo chính tất cả thuộc tính nhân văn, con người đó đã bồi đắp dần dà sâu lắng mấy thập kỷ nay cho cả thế hệ lớp chúng tôi, và riêng với người học trò Trọng, tạo nên phẩm hạnh con người đáng quý nhất và tiêu biểu nhất.

Đó là lời thày. Chúng tôi suy nghĩ và chia sẻ. Đương nhiên trong xã hội còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về anh Nguyễn Phú Trọng. Nó càng rộ lên tháng nay khi anh đã thành người quyền lực số 1 của đảng, cũng được hiểu như số 1 của đất nước. Khác nhau trong nhận định là lẽ tự nhiên. Từ nay trở đi, sự khác biệt trong những nhìn nhận đánh giá về con người và về thế sự phải thấy là sự rất bình thường. Đừng quy kết ai vội về các ý kiến không giống nhau. Đồng phục ý kiến thì xã hội sẽ tẻ lạnh, chán ngắt.

Còn khi nhìn sang những thách đố của công việc, của trọng trách ngút ngàn chờ đợi phía trước của đất nước và nhân dân đối với người tổng bí thư là anh Nguyễn Phú Trọng đang nắm giữ, vì là không khí gặp lớp vui chúng tôi ít nói với nhau về các điều hệ trọng đó. Nhưng một số nhắn gửi xuất phát từ lời nói thẳng thắn và lòng trung thực của thày Hà Minh Đức và của các bạn đồng môn, tôi tin là Nguyễn Phú Trọng không bỏ sót ý tứ nào. Bởi anh có tiếng là có óc tổng hợp và trời phú một trí nhớ hơn người. Các ý tứ đó, vì là chỗ thân tình trao đổi, đâu còn tranh thủ vụ lợi gì nữa với đám về hưu chúng tôi, nên dù “nghịch nhĩ” thì anh Trọng chắc cũng biết cách lắng nghe. Hy vọng như vậy.

Quay lại buổi gặp một chút trước khi kết thúc bài viết này. Năm nay Văn 8 của chúng tôi tổ chức họp mặt ở hội trường Đài tiếng nói VN 58 Quán Sứ. Có hơn 50 người dự, “lão ông lão bà” cả rồi. Đại diện các thầy cô là GS Hà Minh Đức, thày chủ nhiệm lớp chúng tôi. Trong không khí xuân, thấy nhau tay bắt mặt mừng. Người kể chuyện nhà, cảnh vợ chồng già hoặc bận bịu cháu con bìu díu. Người trút tâm sự những ốm đau bệnh tật, những là bệnh viện nhà thương và thuốc men. Rồi là những chia ly mất mát người thân mà càng tuổi già thì càng không tránh khỏi... Nhưng cao hơn cả, đứng trên tất cả là những tình cảm tốt đẹp luôn dành cho nhau. Ai ai cũng muốn gợi lại cho bạn mình những kỷ niệm không thể nào quên những năm tháng sống và học hành trong trường đại học - nhất là 2 năm học liền nơi làng quê đồng rừng sơ tán tận Đại Từ, Thái Nguyên (1965-1967). Cũng như tất cả chúng tôi, Nguyễn Phú Trọng cũng bồi hồi thương nhớ cảm kích về những kỷ niệm xưa. Anh tuyệt nhiên không nhắc một từ chức tước anh đang giữ, chỉ một mực nói rằng anh đến đây - như bao lần họp lớp các mùa xuân trước - là chỉ với tư cách một bạn học với các bạn học, một học trò của các thày giáo cô giáo khoa Văn ĐHTH của cuối thập niên 1960. Nói thế tôi tin là anh thật lòng.

Tôi sẽ không kể chi dài dòng nữa. Thay vào đó, tôi chọn cách tìm góc ngắm để ghi lại ít tấm hình mà tôi sẽ cố lưu giữ như những kỷ niệm khó quên sau 45 năm chúng tôi ra trường.


Còn viết về lớp Văn 8 này không có gì minh họa tốt hơn là xin post lên trọn vẹn một bài viết của chính anh Nguyễn Phú Trọng. (Đây là bài viết tôi chụp từ một cuốn sách nhiều tác giả, sách in dày tới hơn 864 trang; các thầy giáo dạy lớp chúng tôi và hầu hết các thành viên lớp tôi đều đóng góp bài vở cho cuốn sách này; cuốn “Dưới mái trường này” được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in cách đây đã gần 8 năm).

Nguyễn Vĩnh
------------------


Dưới đây giới thiệu:

1- Một số hình ảnh tôi ghi lại buổi gặp mặt ngày 13/2/2011;





2- Bài viết đã nói tới của Cựu sinh viên Văn 8 Nguyễn Phú Trọng (vui lòng đọc từ ảnh chụp);

3- Nếu muốn đọc thêm, mời bạn xem bài viết trên báo “Đất Việt” (tôi thành thật nói ý kiến của mình là không/chưa đồng tình lắm với một số nội dung bài viết này. Nhưng mở đường dư luận đa chiều, tôi vẫn xin phép tác giả cóp vào đây).

-----------------------------

Trang ảnh của Nguyễn Vĩnh chụp (39 ảnh):

Ảnh trên: Quang cảnh buổi họp (Đài Tiếng nói Việt Nam dành trọn hội trường của cả tầng thứ 22 tại 8 Quán Sứ, Hà Nội cho lớp Văn 8 chúng tôi. Xin cảm tạ ban lãnh đạo Đài).

Ảnh dưới: Trưởng Ban Liên lạc lớp, Phó GS, TS Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi gặp mặt.




Thày chủ nhiệm, GS Hà Minh Đức được lớp chúng tôi trân trọng mời thày lên phát biểu đầu tiên trong buổi gặp mặt.


Các ảnh dưới: Vài ba khuôn hình của đồng môn mà tôi "chộp" được bất chợt từ mấy điểm khá xa... nên trông các bạn khá "tự nhiên".

Bạn Đỗ Nguyện Lượng, chiếm Giải văn khi học lớp 10 ở Hà Nội. 
Ảnh dưới: Bạn Trung Đông, nắm giữ nhiều năm ban văn hóa văn nghệ tờ báo đầy thế lực - báo Nhân Dân. 

Bạn Nguyễn Kim Trạch là một người làm ở Nhà Đài kỳ cựu, cũng là một cây truyện ngắn một thời.  


Anh Nguyễn Phú Trọng chúc tết thày, chúc tết bạn bè.

"Ông trùm" ngành ảnh một thời đang săn hình (Bạn học Chu Chí Thành, nguyên là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam). 



Lưu ý nhỏ, ngoài cùng bìa phải là Vũ Huyến - "phó nháy nổi tiếng làng nhiếp ảnh", đương nhiên cũng là "ô-sin" phục vụ ảnh cho lớp xuất sắc nhất (anh Vũ Huyến nguyên là Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng nhiệm kỳ 5 năm với bạn CCThành nói ở ảnh phía trên)

Ảnh dưới: Bìa trái là chị Dương Bích Hồng đi từ Tp Hồ Chí Minh ra họp lớp, còn bìa phải là Phó GS, TS Nguyễn Văn Thịnh - người có nhiều giáo trình và công trình nghiên cứu về thư tịch cổ, chế độ khoa cử, một số tác phẩm Hán Nôm cổ.  
 

Hàng ngồi, từ trái sang: Các bạn Đinh Phương Anh (thày Hà Minh Đức ngồi hàng ghế trên), Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Quang LộcNguyễn Phú Trọng. 

Tác giả (NV) ra oai "dọa" các phóng viên ảnh nghiệp dư tác nghiệp! Chỉ được đóng VIP một chốc thôi mà, có hại đến ai đâu!
- Đứng phía bìa trái là bạn Nguyễn Thị Nam, nhà lý luận phê bình điện ảnh có đẳng cấp; bìa phải là bạn Nguyễn Trương Đàn, nguyên lãnh đạo các Đài PT-TH Huế rồi Đà Nẵng, nay định cư tận Đà Nẵng ra họp) 





Một lưu ý nhỏ, bìa trái là Trần Đình Thảo vừa làm thông tấn giỏi vừa là thày dạy thông tấn cừ với "khoa nói" thuộc loại siêu hạng của lớp; bìa phải là Nguyễn Huy Thông, vừa là nhà báo, phê bình văn học, vừa là một quan chức có thâm niên lâu năm bên Văn phòng Quốc hội, tự nhiên "lợi thế" là gần với CT QH NPTrọng.

Ba vị lãnh đạo lớp Văn 8 chúng tôi (lớp trưởng, lớp phó, phó bí thư chi bộ) chụp chung với anh Nguyễn Phú Trọng.


Vừa chụp ảnh chung vừa có bạn gửi gắm một điều gì đó góp ý cho  người không chỉ là bạn học, còn còn là một người đang đóng giữ một trọng trách cao nhất của đảng, của đất nước (người đang nói với anh Nguyễn Phú Trọng là chị Nguyễn Thị Nam); bìa phải là anh Trần Ngọc Thảo - anh Thảo từng là Hiệu trưởng Trường Văn hóa-Nghệ thuật một thành phố lớn thứ hai miền Bắc, thành phố Hải Phòng; anh Thảo từ đất Cảng lên họp mặt (người đứng giữa là Nguyễn Vĩnh).


Blogger Dương Đức Quảng (thứ hai từ trái sang), người đã viết bài trên blog Đầu Gối về tân tổng bí thư sớm nhất sau khi chính thức được thông báo anh Trọng trúng cử buổi sáng ngày 19/1/2011.


Ảnh dưới: Với lớp trưởng Văn 8, Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa.




Bìa phải là Trần Đức Chính, người giữ mục "Nói hay Đừng" là nổi tiếng nhất, đóng tròn vai Lý Sinh Sự liên tục trên báo Lao Động. Có lẽ TĐChính là người viết được số lượng tác phẩm báo chí khổng lồ nhất lớp Văn 8 chúng tôi. 


Khuôn mặt hiền khô này đặc biệt lắm - bạn Trần Quang Khải, nhiều năm nay chống chọi với bệnh tật, anh dần khỏe lên và góp mặt hôm nay với anh em. Anh Khải nguyên là phó tổng giám đốc Đài TNVN, nơi chúng tôi họp mặt.



Thày Hà Minh Đức nhiều năm nay thường nói, ít lớp ít khóa thày dạy học ở trường đại học tổng hợp mà lưu giữ trọn vẹn được tình bạn bè thủy chung chân tình dành cho nhau như học sinh lớp Văn Khóa 8 (1963-1967) của chúng tôi. Bìa phải là chị Nghiêm Thị Minh Mẫn, đã là nghệ sĩ từ trước 1963 khi chưa nhập trường, mấy năm nay trong Ban liên lạc lớp Văn 8, đảm đương công việc 'cơm nhà, vác tù và..." hết sức tích cực. 



Ảnh trên: Bạn bè vây quanh bạn bè - Bìa bên phải là Đại tá lương cấp tướng Trần Văn Vịnh (Ngôn Vĩnh), đã hồi hưu. Anh nhiều năm giữ chức Tổng biên tập báo CAND.






Các bạn nữ được ưu tiên mọi nhẽ. Ông phó nháy Vũ Huyến dành riêng tất cả 10 bạn nữ lớp tôi có mặt hôm đó được chụp chung với thày Đức và anh Trọng. Mọi thành phần khác coi như "đi ra rìa". Xin điểm danh - từ trái sang: Đinh Phương Anh, Vương Anh Hoàng, Nguyễn Thị Hòa, Vũ Thị Kim Hải, Nguyễn Thị Thái Thanh, Phạm Thị Cận, anh Nguyễn Phú Trọng, Dương Bích Hồng, thày Hà Minh Đức, Nghiêm Thị Minh Mẫn, Ngô Thị Tường Vân, Nguyễn Thị Nam.


Phó GS, Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm 'bác' Ngô Đức Thọ bên người bạn học Nguyễn Phú Trọng thì bác thuộc lứa tuổi đàn anh của anh Trọng cũng như hầu hết bạn bè lớp Văn 8 chúng tôi.




Khuôn hình này chớp được phút giây đáng nhớ: Là đúng lúc anh Trọng "trả bài" thày Hà Minh Đức (khi thày phát biểu trước anh có đặt ra vấn đề "giáo dục đào tạo đã và đang xuống cấp quá", và thày nhắn nhủ với anh Trọng điều mà các thày cô trên khắp đất nước đang trông chờ, kỳ vọng vào các nhà lãnh đạo mới).

Mừng là anh Trọng rất chia sẻ và tán thành cách đặt vấn đề thẳng thắn của người thày giáo lão thành - thày đã có 54 năm trên bục giảng. Thấm lời thày cũ mà anh Trọng cùng ban lãnh đạo mới làm được điều gì có dấu ấn trong giáo dục đào tạo sắp tới thì hồng phúc cho đất nước này.


* Các ảnh chọn post lên này có thể không "bao quát" hết được những khuôn hình có thể đẹp hơn và đáng nhớ hơn... do tôi không thể chớp được hết cả các khuôn mặt đồng môn thân yêu của tôi. Kẻ cầm máy này xin nhận khiếm khuyết đó, chờ một dịp gặp mặt sau này nếu ơn trời lại hân hạnh có mặt để chụp hầu các bạn. 

Riêng việc viết 'Chú thích ảnh' trên đây cũng là từ những ý, những cách lẩy chữ chọn câu hoàn toàn "ngẫu hứng" và đầy cảm xúc mà viết ra. Cũng là viết ra để vui để nhớ đến nhau, vui đùa với nhau nữa như ngày còn cắp sách cặp đi học chữ nghĩa của các thầy. Nếu như thiếu sót không nhắc đến bạn nào, 'bác nào' (vì có anh có chị lớp ta thực sự cao tuổi hơn tác giả bài viết và người chụp ảnh này), thì rất mong được bạn ban cho hai chữ Đại Xá (Nguyễn Vĩnh).     


---------------------------


Bài viết dưới đây của anh Nguyễn Phú Trọng (tôi chụp lại từ cuốn sách của lớp Văn 8 chúng ta cho xuất bản năm 2003, khi ấy anh Trọng đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Uy viên Bộ Chính trị):




Lớp tôi - Có gì đặc biệt

Tác giả: NGUYỄN PHÚ TRỌNG




-----------------------------

Tham khảo (tùy ý thích):

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể bạn học

"Ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, hàng ngày, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui", ông Nguyễn Ngọc Thiện kể lại.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học khóa 8 (1963 - 1967), khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp, nay là ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của đất nước và nay là người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng qua lời bạn cùng học, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nếp sinh hoạt rất bình dị, gần gũi.

Một con người bình dị, khiêm nhường

Nhớ về những năm tháng sinh viên, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập báo Diễn đàn văn nghệ, từng là bạn đồng môn với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tưởng: “Không chỉ các bạn trong lớp yêu quý mà đi đến đâu anh Trọng cũng chiếm được cảm tình của mọi người vì anh ấy hiền lành, thân thiện, hòa đồng. Tôi còn nhớ rõ, năm thứ tư đại học, chúng tôi có đợt đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp, tôi và anh Trọng cùng một số người được phân về đội thanh niên xung phong N57 ở Lạng Sơn. Ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, hàng ngày, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui nên các anh chị em thanh niên xung phong, ai cũng mến”.

Không chỉ cởi mở, gần gũi trong thời sinh viên mà khi đã giữ nhiều cương vị quan trọng của đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều giữ được những đức tính đáng quý ấy.

Sau một thời gian ra trường, các thành viên trong lớp đã lập gia đình rồi lên chức ông, chức bà, kẻ mất, người còn, mỗi người một hoàn cảnh, số phận nhưng lớp Văn khóa 8 vẫn thường tổ chức họp lớp đầu xuân. Ông Thiện cho biết, nếu không bận bịu công việc, Tổng bí thư Trọng đều tham dự, lần nào bận họp, đến muộn, ông cũng gọi điện báo trước để mọi người không phải chờ đợi.

“Khi đã trở thành Chủ tịch Quốc hội, lớp tôi vẫn cảm nhận được sự thân thiện, khiêm nhường ở anh Trọng. Mỗi lần đến họp lớp, anh đều cho ô tô đỗ ở đầu con phố rồi đi bộ đến nơi họp mặt, dù nhiều khi quãng đường không phải là ngắn. Chính vì thế mà đã mấy chục năm trôi qua nhưng giữa anh và chúng tôi chưa bao giờ có khoảng cách”, ông Thiện cho hay.

Lần giở những tư liệu lưu giữ kỷ niệm của lớp Văn khóa 8, ông Thiện cho chúng tôi xem một bức ảnh được ông bọc cẩn thận trong một chiếc phong bì. Ông cho biết, bức ảnh chụp vào dịp cả lớp họp mặt đầu xuân Canh Dần 2010.

Trong bức ảnh Tổng bí thư Trọng giản dị với chiếc áo sơ mi xanh, áo khoác màu xám nhạt. “Lúc chụp ảnh, chúng tôi tha thiết mời anh Trọng lên ngồi ở hàng ghế trên vì khi đó anh ấy đã là người đứng đầu của cơ quan có tiếng nói cao nhất nước, nhưng anh Trọng nhất quyết phải đứng ở hàng sau cùng bạn bè và nói để hàng ghế đó cho những người cao tuổi hơn, là cán sự của lớp ngồi”, ông Thiện nói.

Học sinh phổ thông duy nhất tốt nghiệp thủ khoa

Không chỉ được quý mến tính tình, đức độ mà bạn bè còn rất nể phục cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng ở tài học tập.

Khoa Văn khóa 8 rất đông, gần 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau: người là học sinh THPT qua kỳ thi tuyển vào trường, người đỗ vào ngành Cao đẳng Thư viện rồi được gửi vào lớp học chương trình văn học và cả lưu học sinh Ngữ văn, Nghệ thuật ở Đông Âu về nước, vì thế tuy cùng một lớp nhưng tuổi chênh nhau cả con giáp. Ông Trọng khi đó thuộc thế hệ học sinh phổ thông nhưng được giữ trọng trách là Bí thư chi đoàn lớp.

Lớp của ông rất “đặc biệt”, đặc biệt như chính những gì ông đã viết trong cuốn sách về lớp có tựa đề “Từ mái trường này” xuất bản năm 2003 do hai người bạn của ông là Nguyễn Ngọc Thiện và Vũ Duy Thông chủ biên. Mở đầu bài viết của mình Tổng bí thư đã khẳng định: “Tôi có thể nói ngay rằng lớp tôi là một lớp đặc biệt”.

Đặc biệt bởi lớp ông tập hợp rất nhiều nhân tài, ra trường, gần như ai cũng thành danh trong nhiều lĩnh vực. Và đặc biệt bởi trong một khóa học mà lớp ông đã thuyên chuyển chỗ ở, chỗ học đến vài lần. Trong đó, lần phải sơ tán lên Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên đầu hè 1965 là những ngày tháng đã lắng sâu thành kỷ niệm trong mỗi sinh viên khoa văn năm ấy.

Nếu như sinh viên bây giờ được học tập trong những mái trường kiên cố, thiết bị hiện đại thì các sinh viên khi đó phải leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán làm nơi học tập, đồ ăn chỉ có cơm độn ngô, khoai, sắn. Nhưng những năm tháng học tập đầy gian truân với muỗi, vắt, gai cào, vực thẳm ấy cũng không làm nản ý chí, nghị lực của chàng sinh viên khoa văn Nguyễn Phú Trọng: “Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào”.

Nguyễn Phú Trọng đã làm như chính những gì ông đã nói. Cuối khóa học, ông là sinh viên thuộc thế hệ học sinh phổ thông duy nhất đạt tốt nghiệp thủ khoa, luận văn của ông khi đó được các thầy đánh giá loại xuất sắc. Hai người còn lại đạt thủ khoa cùng với ông là Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa, nguyên là giảng viên khoa Báo chí, ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn và ông Nguyễn Thái Ninh, nguyên là Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương đều là lưu học sinh từ Đông Âu trở về.

Có tố chất lãnh đạo từ khi còn là sinh viên

Có nhiều thành tích trong học tập và công tác Đoàn nên ngay từ khi còn học Đại học, cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng sớm được đề nghị bồi dưỡng để đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa, bạn đồng môn, lớp trưởng của lớp Văn khóa 8 và cũng là người trực tiếp đi thẩm tra lý lịch để kết nạp ông Nguyễn Phú Trọng vào Đảng, cho biết: “Anh Trọng từ khi còn theo học đã bộc lộ những tố chất của một người có khả năng làm lãnh đạo. Không chỉ học giỏi mà Trọng còn rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác tập thể. Bình thường anh Trọng rất điềm đạm và kiệm lời, nhưng mỗi khi đưa ra ý kiến về vấn đề gì đó lại cực kỳ sắc sảo”.

Ông Khoa cho biết, khi lớp đi sơ tán ở Thái Nguyên, Bí thư chi Đoàn Nguyễn Phú Trọng rất biết cách gắn kết các thành viên trong lớp, thương yêu, đoàn kết để cùng đương đầu với những khó khăn, vất vả. “Lớp tôi có nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nên làm được điều này là rất khó. Vừa học, chúng tôi vừa giúp đỡ đồng bào công việc đồng áng, sản xuất. Cuối tháng, mỗi sinh viên đều phải đóng góp củi cho nhà bếp… mà nhiệm vụ nào anh Trọng cũng hoàn thành rất tốt”.

“Chi ủy khi đó đang có chủ trương phát triển Đảng ở thế hệ trẻ, thấy những tính cách, tố chất ấy ở anh Trọng, chúng tôi mừng lắm nên đã quyết định sẽ theo dõi và bồi dưỡng đồng chí Trọng để đưa đồng chí đứng vào hàng ngũ của Đảng”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cũng chính là Chi ủy viên được giao nhiệm vụ đi điều tra lý lịch để kết nạp Nguyễn Phú Trọng vào Đảng. Ông Khoa nhớ lại: “Gia đình anh Trọng thuần nông và mến khách lắm. Cái đêm về thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi đi đò qua sông rồi đến nhà anh Trọng. Khi đó mới 4 giờ sáng mà ông Nguyễn Phú Nội, cụ thân sinh của anh Trọng chưa rõ chúng tôi về làm gì, chỉ biết là bạn học của con đã dậy tất bật lấy rơm nấu nước cho chúng tôi uống”.

Và cuối khóa học, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã vinh dự là một trong hai đoàn viên của lớp chính thức được kết nạp Đảng khi tuổi mới đôi mươi.

“Từ xưa, con người của anh Trọng như thế nào thì đến giờ vẫn thế”, ông Khoa nói.
“Chính cái thôn quê Lại Đà, những năm tháng ở Thái Nguyên với sự đùm bọc của nhân dân Tràng Dương và cái nôi trường Đại học Tổng hợp đã đào tạo nên thế hệ chúng tôi, trong đó có Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay. Một con người tài năng, khảng khái, thẳng thắn, dân chủ trong nghị trường nhưng cũng bình dị, đầy nghĩa tình trong cuộc sống”, ông Khoa tâm sự.

Theo "Đất Việt"












  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...