Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Chuyện thật, bạn tin không?

Chuyện thật, bạn tin không?


Tôi mới nhận được từ bạn bè một bài viết về chuyện một nhạc công kéo vĩ cầm ngay cạnh lối đi lại ở một nhà ga tàu điện ngầm bên Mỹ.

Câu chuyện bình dị, được kể bằng một giọng văn cũng rất bình dị. Người viết hầu như chẳng cố ý nhấn nhá vào điều gì, chẳng muốn thuyết phục giáo huấn một ai cả. Chỉ viết như một nhu cầu kể một câu chuyện có thật mà mình trông thấy, quan sát diễn biến và liên hệ đôi chút với cảnh đời thế sự. Thế thôi, nhưng với chút lồng khéo vào một nhận xét ở cuối chuyện đã làm cho chúng ta là người đọc nó giật mình, thậm chí thấy bàng hoàng cả người.

Hóa ra con người ta có thể bỏ phí rất nhiều thứ quý giá quanh mình! Nhân danh sự sống, theo đuổi sự sống ấy và đương nhiên cậy vào ‘công việc nó lôi cuốn tôi đi’, chúng ta cứ vậy, “hồn nhiên” lướt qua mọi sự. Như tung hê tất cả, bất luận cả những giá trị tinh thần đúng là vàng mười cũng mặc, chỉ quy vào một lý do lãng xẹt là “bận rộn”. Cái bận rộn khốn kiếp này hình như xã hội càng tiến về phía ta gọi là hiện đại hóa thì nó càng sinh sôi nẩy nở. Nó choán trùm mọi khía cạnh của đời sống. Người lớn đã đành, con trẻ của chúng ta cũng có cơ nguy như vậy.

Câu chuyện bạn tôi gửi dưới đây là chuyện xứ người, rất xa chúng ta và cũng đã diễn ra tới ba năm rồi. Nhưng các bạn thử đọc xem, cái anh chàng Joshua Bell xa lắc bên trời tây kia vẫn không khỏi ám ảnh tâm trí chúng ta. Tài năng chơi vĩ cầm ở bậc số 1 thế giới, cây đàn thửa riêng cho mình với giá cỡ 2 triệu đô la, nhưng phần lớn công chúng đều phớt lờ bước qua khi anh ấy biểu diễn tại bến xe. Cơ sự nào mà nên vậy?

Chuyện này bất giác tôi nhớ tới một anh bạn được lứa chúng tôi mệnh danh là “người chơi đàn Nguyễn” mà chính một bài thơ anh viết như vậy. Anh là người có tài, có thể là kỳ tài một thời. Thời đó coi như đã quá xa xôi - những năm 1970 khi Hà Nội cũng như cả miền Bắc ầm ì bom đạn... Cỡ thi bá như thế mà đâu mấy ai lúc đó biết tới anh. Thơ anh làm ra, đọc lên chúng tôi lặng đi vì những ý tưởng sắc sảo. Chúng hầu hết được viết ra trên những trang sổ tay ố vàng, vương vãi đâu mất cả bởi thời ấy có nhà xuất bản nào nhận in sách cho anh đâu. Gần đây gặp nhau, khi cùng bạn bè đều trên dưới thất tuần cả rồi, anh nuối tiếc vô cùng về chuyện thất lạc đó.

Đúng không, văn chương nghệ thuật trong lịch sử phát triển nó có thể đụng đầu với những bi kịch như vậy. Hình như những giá trị của nó ngoài sự sàng lọc, còn rất gắn với thời thế, với hoàn cảnh mà con người thưởng thức nó. Nó có thể được nâng lên, bốc cao trong những sủng ái vô lối, hay trái lại, rơi vào phận hẩm hiu chôn vùi, bị người đời lướt qua như quăng vứt thứ đồ đạc cũ càng không đáng giá.


     Joshua Bell trong một buổi biểu diễn chính thức

Về nguyên nhân xã hội, khi mà có sự lẫn lộn phải trái tốt xấu, hoặc giả do con người ta quá lo toan trước chuyện tử-sinh, rồi đến lúc nào đó lại là sự bấn bíu miếng cơm manh áo, những sinh nhai và sinh kế, và nguy hại nhất là một sự ích kỷ đáng ghét một khi người ta chỉ nghĩ đến mình, nghĩ hết cho gia đình mình... thì văn hóa văn nghệ khi đó có như trời như biển nó cũng chung số phận bị ghẻ lạnh hẩm hiu.

Bài viết tôi xin phép rinh về cái blog của mình xin giữ nguyên cái tên không thể đơn giản hơn: “Câu chuyện thật”. Không thấy đề tên tác giả, tên người dịch cũng chẳng thể biết là ai, nên tôi đành để nguyên vậy, coi như là “tác phẩm khuyết danh”.

Đánh giá câu chuyện ra sao, hay hoặc dở, xúc động hoặc chẳng thể xúc động được, bạn đọc xong rung cảm hay không… đương nhiên các điều đó còn tùy từng tạng người nữa. Chỉ biết chắc rằng, trong một xã hội được coi là hiện đại, tất cả như cứ ào ào cuốn đi lôi đi như tại các đô thị lớn trên khắp cái hành tinh như lúc này thì chắc chắn nhiều vẻ đẹp của văn hóa, văn chương nghệ thuật, nói rộng ra của bất cứ sản phẩm gì được coi như là quý giá, đẹp đẽ mà con người chúng ta sáng tạo (chả lẽ) rồi cũng chung số phận như “buổi biểu diễn của anh nhạc công” vô vọng trong câu chuyện có thật như thế này thì đúng là “không còn gì buồn hơn”.

Nghĩ thế càng lo lắng trước một nếp sống quá gấp gáp và thực dụng đang ngư trị. Ác hại thay nó lại ở thế thượng phong, đang áp đảo trong các đô thị đông đúc, ngột ngạt “những người là người” như chúng ta đều thấy hiện nay.

Nguyễn Vĩnh

----------------

Dưới đây là nguyên văn câu chuyện:

Câu chuyện thật

Tại một ga xe điện ngầm thủ đô Washington vào buổi sáng tháng Giêng lạnh lẽo năm 2007, một người đàn ông đàn liên tục 6 tấu khúc của Bach trên cây đàn vĩ cầm trong 45 phút. Ước chừng hơn 2.000 người qua lại cái nhà ga xe điện ngầm kể trên trong khoảng thời gian đó và hầu hết những người ấy đều trên đường đi làm.


Sau ba phút, một người đàn ông trung niên nhận ra là có người đang chơi nhạc. Ông ta chậm bước và ngừng chân trong vài giây rồi lại hối hả theo thời khắc biểu đã định sẵn.

Bốn phút sau, người đàn vĩ cầm nhận được đồng tiền đầu tiên: một phụ nữ vừa đi vừa liệng tiền vô cái nón mà không hề ngừng lại.

Phút thứ sáu: một thanh niên trẻ dựa vào tường và lắng nghe tiếng đàn, sau đó liếc nhìn đồng hồ đeo nơi tay và bước đi.

Phút thứ mười: một bé trai khoảng 3 tuổi đứng lại nhưng bị mẹ lôi đi vội vã. Cậu bé trì lại và nhìn người chơi đàn lần nữa. Dù bị mẹ kéo đi, cậu bé vẫn luôn ngoái đầu nhìn. Nhiều đứa bé khác cũng quay đầu nhìn như thế và không cha mẹ nào lại không nhanh chóng kéo con mình đi cả.

Bốn mươi lăm phút đàn không ngừng, chỉ có 6 người thật sự dừng hẳn lại và lắng nghe trong một lúc. Khoảng 20 người cho tiền mà vẫn tiếp tục bước đi. Người chơi đàn nhận được tất cà là 32 đô la.

Sau một giờ, người đàn ông chấm dứt, thôi đàn và không gian trở nên im vắng. Không ai để ý. Không ai vỗ tay khen và cũng chẳng có ai lưu tâm. Nhưng không một ai biết điều này, người chơi đàn vĩ cầm đó là Joshua Bell, một cầm thủ lẫy lừng trên thế giới. Với cây đàn vĩ cầm trị giá trên 3 triệu rưỡi đô la, Joshua Bell đã đàn lên những tấu khúc tuyệt vời mà không ai có thể viết hay hơn đưọc nữa. Hai ngày trước đây, Joshua Bell đã trình diễn ở Boston, nơi mà giá trung bình là 100 đô la một vé và nhạc viện bán sạch không còn dư một vé nào.

Đây là một câu chuyện có thật: Việc Joshua Bell lặng lẽ chơi đàn tại trạm xe điện ngầm được báo Washington Post sắp xếp để xem cảm xúc con người trong xã hội như thế nào, họ nhận thức và lựa chọn ra sao…

Joshua Bell với bạn bè.
Câu hỏi được đặt ra là tại nơi chốn thông thường trong giờ giấc không thuận lợi cho lắm, liệu chúng ta có nhìn ra được tài năng với bối cảnh không ngờ, và liệu chúng ta có nhận thức được cái đẹp và ngưng lại để thưởng thức nó hay không?

Có thể kết luận về chuyện này như sau: Nếu chúng ta không có thì giờ ngừng lại một chút để lắng nghe người nghệ sĩ lừng danh trên thế giới đàn những tấu khúc mà không ai có thể viết hay hơn được nữa trên một cây đàn có những âm thanh tuyệt vời nhất thì chúng ta sẽ còn mất mát và bỏ qua bao nhiêu thứ tốt đẹp khác nữa trên cõi đời này…

(Khuyết danh)

------------------

Đọc thêm tin ngắn sau:

Joshua Bell với cây vĩ cầm gần 2 triệu đôla

Thứ sáu, 24/09/2010 06:32

(ĐSCT) Hiện nay nhạc sĩ Joshua Bell của Mỹ được coi là tay vĩ cầm số một thế giới. Đĩa nhạc vừa ra mắt của anh Joshua Bell tại nhà cùng các bạn (Joshua Bell at home with friends) đang được bán chạy nhất thế giới.

Đặc biệt Joshua Bell sở hữu cây vĩ cầm Gibson Stradivarius được nhà làm đàn trứ danh Stradivarius người Ý (1644 - 1737) làm vào năm 1713, và đây là một trong vài cây đàn quí hiếm trên thế giới, giá gần 2 triệu đôla Mỹ mỗi cây. Ngoài Joshua Bell thì nữ nhạc sĩ vĩ cầm Đức Anne-Sophie Mutter, số một châu Âu, cũng có một cây Stradivarius nhưng giá rẻ hơn của Joshua Bell.
T.CHI (T/c Digest, 5-2010)



Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...