Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Bài này... bạn đọc chưa? (2)

Bài này... bạn đọc chưa? (2)


Hôm qua đưa bài đầu tiên “Không đọc cũng thiệt (1)”, bạn bè người đọc phản hồi ngay. Có bạn viết thư dài, gợi ý này khác. Có nhiều tin nhắn hoặc điện thoại cũng đại thể bảo tôi nên duy trì cách làm này.

Rất cảm ơn những lời động viên đó.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc chọn cái gì để đọc nhiều khi cũng gây chuyện lúng túng rắc rối ở con người ta. Vả lại không phải ai cũng có nhiều thì giờ ngồi trước máy tính mà lần mò tìm kiếm cái gì đọc được, cái không nên đọc và không đáng đọc… Thì có ai đó lựa chọn thay mình - ngay cả sự lựa chọn đó chưa đúng sở thích – thì vẫn có thể gợi ý cho người ta một vấn đề gì đó mà xã hội quan tâm. Thế là có ích.

Một bạn ở tận Cần Thơ gửi thư, tôi không biết tên thật, vì chỉ ghi nickname là ‘tomo86’ - chẳng hiểu nick đó có ý là ‘tò mò’, ‘tơ mơ’ (tơ-lơ-mơ) hay ‘to mỏ’. Cái kiểu thời @, nhất là ở tuổi teen, thường tinh nghịch đùa tếu khi đặt ẩn danh. Nhưng anh này lại tâm sự trong thư email hết sức nghiêm túc. Rằng “bác làm vậy là cách “đọc hộ” chúng cháu, lứa tuổi phải kiếm sống mưu sinh tối tăm mặt mũi suốt ngày, sớm nhất thì 10 giờ tối mới online, mà đâu dám ngồi lâu vì mai sớm lại lên đường cứu nước cứu nhà rồi”. Làm được điều gì có ích cho lứa tuổi như bạn ‘tomo86’ chẳng phải là rất vui hay không.

Tuy nhiên về tên mục có cái gì đó không ổn, dù đây là một kỷ niệm bạn bè mà tôi muốn đặt thế cầu vui. Bởi với tên mục đã đưa ra, có thể có người bảo nói vậy là kiêu, không đọc anh thì chúng tôi thiệt, chúng tôi hại là sao? Nói thế là chủ quan, là tự tin quá đấy! Chắc các nguồn tin được cung cấp sẽ hay hoặc hấp dẫn người đọc hay không? Những lý lẽ đó khiến tôi muốn thay đổi lại tên mục. Từ hôm nay xin đổi thành “Bài này... bạn đọc chưa?”.

Mời bạn đọc một chùm thơ vui về giá cả tăng hiện nay. Ý các câu thơ có thể quá lên, trào lộng đùa tếu, nhưng ngẫm kỹ là những điều có thực trong cuộc sống lúc này. Chùm bài này tôi cóp được từ Hiếu Minh blog.

NV

-----------

Thơ ca thời bão giá

Chuyển xuống đi xe đạp điện vậy.

Giá xăng lên 19.300 đồng/lít. Lương không lên kịp trong khi mọi mặt hàng khác lên vù vù. Dân điên đầu, chẳng biết làm gì nên sáng tác thơ, hò vè, kể cả lầm bầm…cái gì đó.

Xin giới thiệu vài bài thơ chuyên đề “Bão giá” do bạn đọc gửi đến Blog Cua Times.

Nếu thấy ở đâu có bài hay, các bác copy về đây cho tất cả cùng hưởng.

----------

                                                                                                                              Trót mua xe ô tô lúc xăng tăng giá!

Tác giả: Tân Hà nội

Thời bão giá

Tôi lại đạp xe đèo em đến lớp,

Tiếng chim liu lô khi Hà Nội xuân về.

Xích lô leng keng đi về khi cưới hỏi,

Chạng vạng chiều, vợ chạy bộ mua rau.

Và cảnh sát, anh không cần núp nữa,

Có còn ai tranh cướp vượt đèn đâu.

Mũ bảo hiểm bỗng nhiên vứt xó,

Cho tóc tung bay trả lại tuổi học trò.

Chó lại chạy tung tăng trên phố

Chẳng còn lo xe máy cán thành què.

Chị tôi gò lưng đạp xe điện ra ga,

Cu hàng xóm trượt patanh đi mua rượu.

Ôi cuộc sống thời bão xăng, bão điện

Phố bỗng trầm, người bỗng thấy nao nao.

Hà Nội, 24/2/2011

-------

Tác giả: Namsouth

Đau đầu

Đau đầu vì điện.

Điên đầu vì đô.

Ngây ngô vì vàng.

Ngỡ ngàng vì đất.

Ngất vì tỷ giá.

Ngã vì lãi suất.

Uất ức vì lương.

Đường cùng vì thuế.

Ô uế vì lạm phát.

Nát vì giá xăng!!!

--------

Bài ca “Xăng tăng giá”

Anh đội viên thức dậy

Thấy trời khuya lắm rồi

Mà sao Bác vẫn ngồi

Thì ra Bác chưa ngủ …

Anh đội viên nói nhỏ:

“Xăng tăng giá Bác ơi”

Bác bảo: “Bác biết rồi,

Mười chín nghìn một lít”

Anh đội viên sụt xịt:

“Xe cháu xe tay ga”

“Xe bác Toyota

Chú khổ sao bằng Bác”

Hai bác cháu phờ phạc

Vì lạm phát dâng cao,

Và họ cùng ước ao,

Lạm phát không còn nữa.

Nguồn: Hiếu Minh Blog

----------------
(Bài thơ thứ ba là 'nhái' thơ Minh Huệ, vận ý tứ vào nay, vào các quan thời nay, chứ hồi Bác làm gì có xe Nhật Toyota mà đi). - Phần chua tôi thêm này không có trong Blog Hiếu Minh.



Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...