Không đọc cũng thiệt (1)
Từ nay, blog tôi cố gắng liếc nhìn và đọc đâu đó, trên báo trên mạng, thấy có bài nào hay - hoặc nói khiêm tốn của một người đánh giá - là "bài đọc được", là tôi xin cóp về trang nhà này Hầu chuyện các bạn.
Xin đặt cái tên vui vui, dù có thể không đúng lắm về ý nghĩa (biết đâu "đọc" cái bài ông NV này chọn lại chán ốm, nhạt hoét thì "thiệt" cái nỗi gì nào?!). Rơi vào ai đó, tôi xin lỗi, người trong Nam gọi là "cảm phiền", bỏ qua cho chủ blog.
Về "cái tít" cho loạt bài sẽ dần xuất hiện này cũng là do gợi ý từ buổi gặp bạn bè vui trưa hôm qua. Bạn Tô Hoàng từ Sài Gòn vừa ra Hà Nội có mặt đưa ra một gợi ý cho Trang trannhuong.com một mục mới. Tên tạm đặt là "Không nghe thì thiệt" (hoặc "cũng thiệt", "là thiệt"...). Nội dung là để mọi cây viết - nhất là nhà văn nhà báo biết nhiều chuyện đó đây, về bạn bè cùng nghề... hãy kể những câu chuyện mình biết, mình chứng kiến. Vô khối chuyện hay mà nếu để lâu, rơi rụng mất.
Bác Nhương nghe thích nhưng chưa nói gì. Bởi nếu bày ra là bác thêm bận, mà nay bác cũng đã quá túi bụi rồi...
Thế thì Hầu chuyện Blog xin mượn ý tưởng của nhà văn Tô Hoàng để lập mục này trên blog của tôi. Nhưng nội dung và cách làm của tôi hơi khác, là "đọc" hộ bạn bè, giúp bạn tránh một công tìm kiếm.
Tôi đặt là Không đọc cũng thiệt (1). Có số 1 là để các bài sau đánh số lên dần, nhằm phân biệt bài trước bài sau.
Và ngay đây, sáng sớm nay (2/3/2011) lướt mạng đọc được một bài viết vừa có lý lẽ vừa có những nhận định và phân tích sâu sắc về tình hình thế giới, lĩnh vực mà tôi có nhiều năm quan tâm. Bài đưa trên trang Basam.
NV
-------------------------------------
Lời kêu gọi nơi Bức Màn Thép
Charles Kenny (đăng trên Foreign Policy) Ngày 28-2-2011
TT Mỹ Reagan và Gorbachev
Mikhail Gorbachev góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ông cũng đã làm được nhiều việc hơn bất kỳ ai khác để chấm dứt phần còn lại của nó.
Ngày mồng 2 tháng 3, Mikhail Gorbachev bước sang tuổi 80, và tới mùa thu này thì nước Liên Xô mà ông từng làm chủ tịch sẽ kỷ niệm 20 năm ngày sụp đổ. Trong 20 năm ấy, Gorbachev đã ra một album, quay phim quảng cáo bánh pizza, thành lập một loạt đảng chính trị (đều thất bại). Và với độ dài thời gian – hai thập niên – đủ để nghiền ngẫm lại quá khứ, mới thấy di sản mà những thành tựu của Gorbachev để lại, dù gây sửng sốt nhưng cũng có thể hơi đáng ngờ: những nền dân chủ ổn định, thịnh vượng ở phần lớn các nước Đông Âu, nhưng cùng với đó là sự khôi hài ngày càng điên khùng của Vladimir Putin và sự sắp hạng – thật đáng buồn – những nền kinh tế sụp đổ, những nhà độc tài xấu xa, trên khắp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Và căng thẳng toàn cầu, từ Trung Đông tới quần đảo Trường Sa, hầu như chưa bao giờ chấm dứt.
Nhưng Gorbachev đã để lại một di sản rất rõ rệt: Nhờ những việc làm của ông, thế giới ngày nay là một nơi ít bạo lực hơn ngày xưa. Chủ yếu đó là do Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và sự sụp đổ của Liên Xô làm tăng đáng kể sự thịnh vượng của các nền dân chủ đa nguyên trên toàn thế giới. Ấy là những vector lịch sử làm giảm mạnh số lượng các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Con người ta giết nhau suốt từ buổi bình minh của nhân loại – chúng ta có lẽ đã ăn thịt rất nhiều tổ tiên người Neanderthal của mình, đến nỗi khiến họ bị tuyệt chủng. Sự ra đời của chiến tranh tổng lực trong khoảng thời gian 100 năm qua đẩy xu hướng bạo lực này tới đỉnh điểm đẫm máu: Nhà sử học Niall Ferguson ước tính, thế kỷ 20, chiến tranh đã làm chết một số lượng người nhiều gấp 800 lần hồi thế kỷ 17. Nhưng gần đây, cơn ham thích bạo lực của chúng ta đã giảm sâu sắc. Không chỉ tỷ lệ giết người giảm mạnh, mà cả tỷ lệ tử vong trong chiến tranh cũng giảm.
Số các cuộc chiến tranh xuyên biên giới đã giảm được một thời gian – theo một bài báo gần đây trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, chỉ có bốn cuộc chiến bùng nổ vào giai đoạn 1980-1989, và từ năm 1990 tới năm 1997 thì chỉ còn một. Cho tới gần đây, nội chiến đã phát triển để thế chỗ. Từ năm 1990 tới năm 1997, cuộc chiến tranh duy nhất có tính quốc tế đó bị mờ nhạt đi vì 24 cuộc nội chiến. Nhưng hiện nay, ngay cả nội chiến cũng giảm. Số lượng các cuộc chiến (dưới mọi hình thức) đang diễn ra trên toàn cầu tăng từ con số 5 năm 1961 lên 24 năm 1984, tới năm 2008 đã giảm lại về 5.
Tỷ lệ chết trung bình trong chiến tranh cũng giảm đáng kể, theo hai nhà nghiên cứu Bethany Lacina và Nils Gleditsch, Trung tâm Nghiên cứu Nội chiến. Con số chết trận trung bình hàng năm trong mỗi xung đột quốc tế giảm từ 21.000 người vào thập niên 50 thế kỷ trước xuống còn không đầy 3.000 trường hợp trong thiên niên kỷ mới này – theo Báo cáo An ninh Con người của Đại học Simon Fraser, Canada. Đó là một cách tính không công bằng, vì rất nhiều ca tử vong liên quan đến chiến tranh đã không xảy ra trên chiến trường (tỷ lệ bao nhiêu thì còn gây tranh cãi, nhưng một số người cho là tới 90%). Dù sao, tổng số người chết vì chiến tranh cũng đã giảm, nhất là vì rủi ro mắc các dịch bệnh thời chiến đã giảm. Theo Báo cáo An ninh Con người, “xung đột vũ trang ngày nay hiếm khi làm chết nhiều người đủ để đảo ngược một khuynh hướng dài hạn là tỷ lệ tử vong giảm xuống trong thời bình”.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều chết chóc, hủy diệt ở đây đó – nội chiến lúc này lúc khác ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sau 5 năm xung đột đã trở thành cuộc chiến làm chết nhiều người nhất trong thiên niên kỷ mới: đâu đó từ 1,8 triệu đến 5,4 triệu người. Và mặc dù con số chiến tranh đang giảm nhanh chóng, nhưng số lượng các cuộc giao tranh vũ trang có quy mô quá nhỏ để có thể được coi là “chiến tranh” – những giao tranh làm chết từ 25 đến 1000 người mỗi năm –giảm chậm hơn và hiện tại dừng ở mức 35. Con số này tương đối cao hơn hồi thập niên 1960, thậm chí còn cao hơn năm 2003 gần đây. Tất cả những điều ấy nói lên rằng chúng ta phải thận trọng với bất kỳ tuyên bố nào cho rằng “chiến tranh đã kết thúc”.
Tuy thế, đặt lời cảnh báo ấy sang một bên, thì khuynh hướng giảm chiến tranh trên toàn cầu trong vòng 30 năm qua là có thật – và cần một sự giải thích. Lý giải đầu tiên là các nước bây giờ hiếm khi đánh nhau vì những nguyên nhân ngày xưa. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cuộc chiến tranh duy nhất mang tính quốc tế, về vấn đề lãnh thổ, là giữa Ethiopia và Eritrea, mặc dù số lượng các nhà nước độc lập đã tăng cực mạnh. Đó là ý kiến của giáo sư khoa học chính trị Đại học Ohio State, ông John Mueller, trong một bài báo gần đây. Chiến tranh giữa thuộc địa với thực dân – chiếm đa số các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 19 – đã vắng bóng hoàn toàn. Chủ nghĩa đế quốc đang suy tàn vào dĩ vãng, dù đang có một cuộc phiêu lưu tân đế quốc chủ nghĩa, gây chú ý. Có lẽ đây là một phần của nhận thức ngày càng phát triển rằng sức mạnh của nhà nước không còn được quyết định bởi diện tích đất đai được chiếm hữu nữa, mà bởi khả năng vận hành nền kinh tế.
Trên thực tế, kinh tế học có thể giải thích một khía cạnh khác trong cái xu hướng tổng thể tiến tới hòa bình đó. Năm 1999, Thomas Friedman viết một ý nổi tiếng trong cuốn Chiếc Lexus và cây ô-liu, là chưa bao giờ xảy ra chiến tranh giữa hai nước cùng có cửa hàng McDonald’s. Những người phản đối ông cho rằng liên minh NATO, vốn đầy cửa hàng McDonald’s, đã sẵn sàng ném bom Serbia, nơi cũng có cửa hàng McDonald’s; ngoài ra, Nga và Gruzia, cả hai nước đều đã có cửa hàng McDonald’s (dạng franchise – mua lại thương hiệu) trước khi họ xung đột với nhau về vấn đề Nam Ossetia. Tuy nhiên, ít nhất thì quan điểm sâu xa hơn của Friedman vẫn đúng trên diện rộng: Sức mạnh ngày càng tăng của những mối liên kết kinh tế toàn cầu khiến chiến tranh trở thành một điều ít hấp dẫn. Tương tự, giáo sư kinh tế Đại học Rutgers, Carlos Sieglie, và các đồng nghiệp lập luận rằng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các quốc gia dẫn đến việc chiến tranh ít khả năng bùng nổ hơn – và cho đến nay đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển.
Dù vậy, liên kết thương mại và đầu tư quốc tế không thể giúp giải thích sự gia tăng vào cuối thế kỷ 20 hoặc sự giảm bớt nội chiến gần đây ở các nước. Có lẽ lý do khả dĩ là một hệ luận dẫn đến tính tương tác ngày càng gia tăng của nền kinh tế toàn cầu: Cuộc tranh cãi ý thức hệ mang tính toàn cầu – về các hình thức chính phủ tồn tại tiếp sau sự sụp đổ của Bức Màn Thép – đã chấm dứt. Liên Xô tan rã và sự kết thúc những căng thẳng giữa các siêu cường đã mang lại lợi ích toàn cầu cực lớn trên giác độ quyền con người, quyền chính trị. Mặc dù Mỹ hầu như không tránh né việc ủng hộ những nhà độc tài chừng nào các nhà độc tài đó dường như còn cần thiết đối với Mỹ về mặt địa chính trị – điều mà Mỹ đã làm suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh – nhưng số nước được dư luận rộng rãi xem là dân chủ đã tăng gấp đôi kể từ đầu thập niên 1980. Và người ta cho rằng các nền dân chủ hiếm khi có chiến tranh với các nền dân chủ khác, hoặc ít nhất là chưa có chiến tranh suốt từ Thế chiến I đến nay. So với các chế độ chuyên quyền, chế độ dân chủ cũng ít có khả năng tham gia những vụ diệt chủng.
Chiến tranh kéo quá dài và đãm máu ở Công-gô khiến hai phía đối địch đều phải lấy cả "lính trẻ em" bổ sung đủ quân số cho các trận chiến.
Mỹ và Nga không còn giao chiến nữa (ngoại trừ vụ cãi cọ xoay quanh vấn đề Cap-ca-zơ). Không chỉ thế, họ còn thường xuyên đề ra các thỏa thuận gìn giữ hòa bình cùng Liên Hợp Quốc. Trong 10 năm kể từ năm 1998, các chiến dịch gìn giữ hòa bình đã tăng gấp ba lần về số lượng, và số các chính sách cấm vận đa phương được thực thi từ năm 1991 tới năm 2008 cũng tăng gấp 13 lần.
Vì vậy, trở lại với ông Gorbachev, mặc dù những khuynh hướng dài hạn về giảm số người tử vong trong chiến tranh diễn ra từ trước khi ông lãnh đạo Liên Xô, nhưng thời kỳ cải tổ và công khai cũng đã đánh dấu một sự tăng tốc mạnh mẽ những khuynh hướng này. Còn hơn cả Ronald McDonald hay Pascal Lamy, ông là người mà chúng ta phải cảm ơn vì (đã tạo ra) bầu không khí lịch thiệp hiện nay trên thế giới.
Người dịch: Thủy Trúc
Từ nay, blog tôi cố gắng liếc nhìn và đọc đâu đó, trên báo trên mạng, thấy có bài nào hay - hoặc nói khiêm tốn của một người đánh giá - là "bài đọc được", là tôi xin cóp về trang nhà này Hầu chuyện các bạn.
Xin đặt cái tên vui vui, dù có thể không đúng lắm về ý nghĩa (biết đâu "đọc" cái bài ông NV này chọn lại chán ốm, nhạt hoét thì "thiệt" cái nỗi gì nào?!). Rơi vào ai đó, tôi xin lỗi, người trong Nam gọi là "cảm phiền", bỏ qua cho chủ blog.
Về "cái tít" cho loạt bài sẽ dần xuất hiện này cũng là do gợi ý từ buổi gặp bạn bè vui trưa hôm qua. Bạn Tô Hoàng từ Sài Gòn vừa ra Hà Nội có mặt đưa ra một gợi ý cho Trang trannhuong.com một mục mới. Tên tạm đặt là "Không nghe thì thiệt" (hoặc "cũng thiệt", "là thiệt"...). Nội dung là để mọi cây viết - nhất là nhà văn nhà báo biết nhiều chuyện đó đây, về bạn bè cùng nghề... hãy kể những câu chuyện mình biết, mình chứng kiến. Vô khối chuyện hay mà nếu để lâu, rơi rụng mất.
Bác Nhương nghe thích nhưng chưa nói gì. Bởi nếu bày ra là bác thêm bận, mà nay bác cũng đã quá túi bụi rồi...
Thế thì Hầu chuyện Blog xin mượn ý tưởng của nhà văn Tô Hoàng để lập mục này trên blog của tôi. Nhưng nội dung và cách làm của tôi hơi khác, là "đọc" hộ bạn bè, giúp bạn tránh một công tìm kiếm.
Tôi đặt là Không đọc cũng thiệt (1). Có số 1 là để các bài sau đánh số lên dần, nhằm phân biệt bài trước bài sau.
Và ngay đây, sáng sớm nay (2/3/2011) lướt mạng đọc được một bài viết vừa có lý lẽ vừa có những nhận định và phân tích sâu sắc về tình hình thế giới, lĩnh vực mà tôi có nhiều năm quan tâm. Bài đưa trên trang Basam.
NV
-------------------------------------
Lời kêu gọi nơi Bức Màn Thép
Charles Kenny (đăng trên Foreign Policy) Ngày 28-2-2011
TT Mỹ Reagan và Gorbachev
Mikhail Gorbachev góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ông cũng đã làm được nhiều việc hơn bất kỳ ai khác để chấm dứt phần còn lại của nó.
Ngày mồng 2 tháng 3, Mikhail Gorbachev bước sang tuổi 80, và tới mùa thu này thì nước Liên Xô mà ông từng làm chủ tịch sẽ kỷ niệm 20 năm ngày sụp đổ. Trong 20 năm ấy, Gorbachev đã ra một album, quay phim quảng cáo bánh pizza, thành lập một loạt đảng chính trị (đều thất bại). Và với độ dài thời gian – hai thập niên – đủ để nghiền ngẫm lại quá khứ, mới thấy di sản mà những thành tựu của Gorbachev để lại, dù gây sửng sốt nhưng cũng có thể hơi đáng ngờ: những nền dân chủ ổn định, thịnh vượng ở phần lớn các nước Đông Âu, nhưng cùng với đó là sự khôi hài ngày càng điên khùng của Vladimir Putin và sự sắp hạng – thật đáng buồn – những nền kinh tế sụp đổ, những nhà độc tài xấu xa, trên khắp các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Và căng thẳng toàn cầu, từ Trung Đông tới quần đảo Trường Sa, hầu như chưa bao giờ chấm dứt.
Nhưng Gorbachev đã để lại một di sản rất rõ rệt: Nhờ những việc làm của ông, thế giới ngày nay là một nơi ít bạo lực hơn ngày xưa. Chủ yếu đó là do Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, và sự sụp đổ của Liên Xô làm tăng đáng kể sự thịnh vượng của các nền dân chủ đa nguyên trên toàn thế giới. Ấy là những vector lịch sử làm giảm mạnh số lượng các cuộc chiến tranh trên thế giới.
Con người ta giết nhau suốt từ buổi bình minh của nhân loại – chúng ta có lẽ đã ăn thịt rất nhiều tổ tiên người Neanderthal của mình, đến nỗi khiến họ bị tuyệt chủng. Sự ra đời của chiến tranh tổng lực trong khoảng thời gian 100 năm qua đẩy xu hướng bạo lực này tới đỉnh điểm đẫm máu: Nhà sử học Niall Ferguson ước tính, thế kỷ 20, chiến tranh đã làm chết một số lượng người nhiều gấp 800 lần hồi thế kỷ 17. Nhưng gần đây, cơn ham thích bạo lực của chúng ta đã giảm sâu sắc. Không chỉ tỷ lệ giết người giảm mạnh, mà cả tỷ lệ tử vong trong chiến tranh cũng giảm.
Số các cuộc chiến tranh xuyên biên giới đã giảm được một thời gian – theo một bài báo gần đây trên tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, chỉ có bốn cuộc chiến bùng nổ vào giai đoạn 1980-1989, và từ năm 1990 tới năm 1997 thì chỉ còn một. Cho tới gần đây, nội chiến đã phát triển để thế chỗ. Từ năm 1990 tới năm 1997, cuộc chiến tranh duy nhất có tính quốc tế đó bị mờ nhạt đi vì 24 cuộc nội chiến. Nhưng hiện nay, ngay cả nội chiến cũng giảm. Số lượng các cuộc chiến (dưới mọi hình thức) đang diễn ra trên toàn cầu tăng từ con số 5 năm 1961 lên 24 năm 1984, tới năm 2008 đã giảm lại về 5.
Tỷ lệ chết trung bình trong chiến tranh cũng giảm đáng kể, theo hai nhà nghiên cứu Bethany Lacina và Nils Gleditsch, Trung tâm Nghiên cứu Nội chiến. Con số chết trận trung bình hàng năm trong mỗi xung đột quốc tế giảm từ 21.000 người vào thập niên 50 thế kỷ trước xuống còn không đầy 3.000 trường hợp trong thiên niên kỷ mới này – theo Báo cáo An ninh Con người của Đại học Simon Fraser, Canada. Đó là một cách tính không công bằng, vì rất nhiều ca tử vong liên quan đến chiến tranh đã không xảy ra trên chiến trường (tỷ lệ bao nhiêu thì còn gây tranh cãi, nhưng một số người cho là tới 90%). Dù sao, tổng số người chết vì chiến tranh cũng đã giảm, nhất là vì rủi ro mắc các dịch bệnh thời chiến đã giảm. Theo Báo cáo An ninh Con người, “xung đột vũ trang ngày nay hiếm khi làm chết nhiều người đủ để đảo ngược một khuynh hướng dài hạn là tỷ lệ tử vong giảm xuống trong thời bình”.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều chết chóc, hủy diệt ở đây đó – nội chiến lúc này lúc khác ở Cộng hòa Dân chủ Congo, sau 5 năm xung đột đã trở thành cuộc chiến làm chết nhiều người nhất trong thiên niên kỷ mới: đâu đó từ 1,8 triệu đến 5,4 triệu người. Và mặc dù con số chiến tranh đang giảm nhanh chóng, nhưng số lượng các cuộc giao tranh vũ trang có quy mô quá nhỏ để có thể được coi là “chiến tranh” – những giao tranh làm chết từ 25 đến 1000 người mỗi năm –giảm chậm hơn và hiện tại dừng ở mức 35. Con số này tương đối cao hơn hồi thập niên 1960, thậm chí còn cao hơn năm 2003 gần đây. Tất cả những điều ấy nói lên rằng chúng ta phải thận trọng với bất kỳ tuyên bố nào cho rằng “chiến tranh đã kết thúc”.
Tuy thế, đặt lời cảnh báo ấy sang một bên, thì khuynh hướng giảm chiến tranh trên toàn cầu trong vòng 30 năm qua là có thật – và cần một sự giải thích. Lý giải đầu tiên là các nước bây giờ hiếm khi đánh nhau vì những nguyên nhân ngày xưa. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, cuộc chiến tranh duy nhất mang tính quốc tế, về vấn đề lãnh thổ, là giữa Ethiopia và Eritrea, mặc dù số lượng các nhà nước độc lập đã tăng cực mạnh. Đó là ý kiến của giáo sư khoa học chính trị Đại học Ohio State, ông John Mueller, trong một bài báo gần đây. Chiến tranh giữa thuộc địa với thực dân – chiếm đa số các cuộc chiến tranh trong thế kỷ 19 – đã vắng bóng hoàn toàn. Chủ nghĩa đế quốc đang suy tàn vào dĩ vãng, dù đang có một cuộc phiêu lưu tân đế quốc chủ nghĩa, gây chú ý. Có lẽ đây là một phần của nhận thức ngày càng phát triển rằng sức mạnh của nhà nước không còn được quyết định bởi diện tích đất đai được chiếm hữu nữa, mà bởi khả năng vận hành nền kinh tế.
Trên thực tế, kinh tế học có thể giải thích một khía cạnh khác trong cái xu hướng tổng thể tiến tới hòa bình đó. Năm 1999, Thomas Friedman viết một ý nổi tiếng trong cuốn Chiếc Lexus và cây ô-liu, là chưa bao giờ xảy ra chiến tranh giữa hai nước cùng có cửa hàng McDonald’s. Những người phản đối ông cho rằng liên minh NATO, vốn đầy cửa hàng McDonald’s, đã sẵn sàng ném bom Serbia, nơi cũng có cửa hàng McDonald’s; ngoài ra, Nga và Gruzia, cả hai nước đều đã có cửa hàng McDonald’s (dạng franchise – mua lại thương hiệu) trước khi họ xung đột với nhau về vấn đề Nam Ossetia. Tuy nhiên, ít nhất thì quan điểm sâu xa hơn của Friedman vẫn đúng trên diện rộng: Sức mạnh ngày càng tăng của những mối liên kết kinh tế toàn cầu khiến chiến tranh trở thành một điều ít hấp dẫn. Tương tự, giáo sư kinh tế Đại học Rutgers, Carlos Sieglie, và các đồng nghiệp lập luận rằng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa các quốc gia dẫn đến việc chiến tranh ít khả năng bùng nổ hơn – và cho đến nay đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển.
Dù vậy, liên kết thương mại và đầu tư quốc tế không thể giúp giải thích sự gia tăng vào cuối thế kỷ 20 hoặc sự giảm bớt nội chiến gần đây ở các nước. Có lẽ lý do khả dĩ là một hệ luận dẫn đến tính tương tác ngày càng gia tăng của nền kinh tế toàn cầu: Cuộc tranh cãi ý thức hệ mang tính toàn cầu – về các hình thức chính phủ tồn tại tiếp sau sự sụp đổ của Bức Màn Thép – đã chấm dứt. Liên Xô tan rã và sự kết thúc những căng thẳng giữa các siêu cường đã mang lại lợi ích toàn cầu cực lớn trên giác độ quyền con người, quyền chính trị. Mặc dù Mỹ hầu như không tránh né việc ủng hộ những nhà độc tài chừng nào các nhà độc tài đó dường như còn cần thiết đối với Mỹ về mặt địa chính trị – điều mà Mỹ đã làm suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh – nhưng số nước được dư luận rộng rãi xem là dân chủ đã tăng gấp đôi kể từ đầu thập niên 1980. Và người ta cho rằng các nền dân chủ hiếm khi có chiến tranh với các nền dân chủ khác, hoặc ít nhất là chưa có chiến tranh suốt từ Thế chiến I đến nay. So với các chế độ chuyên quyền, chế độ dân chủ cũng ít có khả năng tham gia những vụ diệt chủng.
Chiến tranh kéo quá dài và đãm máu ở Công-gô khiến hai phía đối địch đều phải lấy cả "lính trẻ em" bổ sung đủ quân số cho các trận chiến.
Mỹ và Nga không còn giao chiến nữa (ngoại trừ vụ cãi cọ xoay quanh vấn đề Cap-ca-zơ). Không chỉ thế, họ còn thường xuyên đề ra các thỏa thuận gìn giữ hòa bình cùng Liên Hợp Quốc. Trong 10 năm kể từ năm 1998, các chiến dịch gìn giữ hòa bình đã tăng gấp ba lần về số lượng, và số các chính sách cấm vận đa phương được thực thi từ năm 1991 tới năm 2008 cũng tăng gấp 13 lần.
Vì vậy, trở lại với ông Gorbachev, mặc dù những khuynh hướng dài hạn về giảm số người tử vong trong chiến tranh diễn ra từ trước khi ông lãnh đạo Liên Xô, nhưng thời kỳ cải tổ và công khai cũng đã đánh dấu một sự tăng tốc mạnh mẽ những khuynh hướng này. Còn hơn cả Ronald McDonald hay Pascal Lamy, ông là người mà chúng ta phải cảm ơn vì (đã tạo ra) bầu không khí lịch thiệp hiện nay trên thế giới.
Người dịch: Thủy Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét