Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Tin buồn - Một nhà báo viết về thể thao lại ra đi

TIN BUỒN 
Một nhà báo viết về thể thao lại ra đi

Nhà báo Trần Đình Thảo vừa gửi tới bài viết dưới đây về người bạn thân của anh, lại là một đồng nghiệp ở phương Nam, chuyên viết về thể thao là nhà báo Duy Vượng. Ông vừa mất tại thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian bình thản và kiên gan chống chọi với bệnh tật, bệnh tiểu đường vào giai đoạn nặng với nhiều biến chứng...



Khi sinh thời, mấy năm gần đây cứ mỗi lần Duy Vượng từ Sài Gòn trở ra Hà Nội không mấy khi Trần Đình Thảo quên "a-lô" cho mấy anh em nhóm bạn học ngoài Bắc chúng tôi ngồi với nhau cùng ông Vượng nâng ly bia chén rượu hội ngộ. Khuôn mặt đẹp lão của Duy Vượng với chòm râu cố ý để dài cho có thể vuốt được, hệt như những lão nhân thời xưa ta hay gặp ở các vùng thôn quê... Ông nói và kể chuyện đều có duyên riêng, nhất là các câu chuyện về phong thủy. Bây giờ vĩnh viễn chẳng còn bao giờ có những buổi hàn huyên Bắc Nam ấy nữa…

Nguyễn Vĩnh Blog tôi trân trọng đưa bài viết của Trần Đình Thảo lên như một nén nhang thắp từ rất xa nơi anh Duy Vượng ly biệt cõi đời này (xin gọi là Anh cho thân gần bạn bè), nhưng hương thơm của nén nhang bạn bè này lại gần hơn nơi ông sinh ra là tỉnh Nam Định.

NV  

---------

* Sau bài của Trần Đình Thảo, xin mời bạn bè đọc bài của Nguyễn Lưu (vừa đưa trên báo điện tử Đại Đoàn Kết) viết về Nguyễn Duy Vượng. Anh Nguyễn Lưu là một trong những cây bút thể thao nổi tiếng nhất ở nước ta nên những nhận xét của anh Nguyễn Lưu về nghiệp vụ báo chí thể thao đối với Duy Vượng là rất đáng tin cậy.

Thương tiếc nhà báo Duy Vượng

Người đàn ông đừng tuổi với chòm râu chớm bạc và mái tóc thưa đã vơi dần những sợi đen, chăm chú thành tâm thực hiện lễ cầu bình an cho các vận động viên xe đạp trước chuyến đua xe đạp xuyên Việt do HTV tổ chức khiến người ta dễ nghĩ rằng đây là một ông thày cúng miệt vườn. Nhưng không phải vậy, ông là nhà báo Duy Vượng, một cây bút thể thao quen thuộc, cộng tác viên của nhiều tờ báo. Và may mắn thay, cuộc đua xe này cũng như một vài lần trước, sự linh nghiệm khiến cuộc đua an toàn, không mảy may sự cố nghiêm trọng nào xảy ra.

Vốn quê ở Nam Định, nhưng Nguyễn Duy Vượng lớn lên ở Sài Gòn cùng vời người cha là một nghiệp chủ khá giả và giầu lòng yêu nước. Cụ là một trong những người sáng lập Hội Ái hữu Nam Định  và đứng ra tổ chức xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần tại Sài Gòn từ đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Mùa hè năm 1954, cậu Vượng được cụ thân sinh cho về quê Nam Định chơi khi vừa học xong tiểu học. Nào ngờ cậu Duy Vượng bị kẹt lại Hà Nội như một anh miến Nam tập kết "ngược".

Phải mất 20 năm, sau ngày Miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước ông mới gặp lại song thân.  Biết Vượng từ hồi cùng học cấp II Chu Văn An đấy nhưng tôi cũng không biết gì về cái đận anh về Sài Gòn, làm báo Công nhân giải phóng rồi chuyển nghề làm nhiều việc khác.

Dạo kỷ niệm 90 năm trường Chu Văn An mới tái ngộ. Hỏi ra mới biết gần đây ông là người của tạp chí Người đô thị của Hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam và vẫn đều đều có bài thể thao đăng báo.

Hẳn là được thân phụ truyền cho điều kỳ bí của tâm linh và phép nhiệm màu của thuật phong thủy, Duy Vượng thành tâm và chỉn chu nghiên cứu đến độ chín cả về lý thuyết và thực hành phong thuỷ, đủ để trợ giúp bất cứ ai có yêu cầu giải mã hướng nhà, hướng bếp hoặc chọn ngày giờ hoàng đạo cho những việc hệ trọng trong nhà. Việc nghiên cứu và thực hành phong thủy của ông khá thành công và khá uy tín. Bản thân chúng tôi đã hơn một lần chứng kiến người này kẻ nọ tìm để để cám ơn sự trợ giúp thành công của ông. Nhờ đó mà gia đình họ ấm êm, hạnh phúc trở về hoặc công quả viễn mãn.  

Ông quen nhiều biết rộng và chân tình với mọi người. Bị tiểu đường biến chứng, thị lực giảm  rất nhiêù nhưng cuốn sổ tay viết bằng bút dạ của ông vẫn chi chít nhưng số điện thoại, địa chỉ bạn bè, người thân cậy nhờ những công việc liên quan đến phong thuỷ. Tuổi cao hơn, sức yếu hơn và mỗi tuần hai lần phải đi bệnh viên chạy thận nhân tạo bệnh tật đã mài mòn sức khoẻ của con người ham xê dịch này.

Ông quen biết rất rộng, ngoài cánh nhà báo từ già cả đầu râu tóc bạc cho đến các em mới nhập môn. Cứ mê thể thao là có thể dễ dàng làm quen, kết bạn với Vượng Râu. Ông thân thiết với nhiều người trong lực lượng công an, quân đội từ các tướng lĩnh đến chú hạ sĩ , từ ông bộ trưởng đến bác thường trực cơ quan.

Mọi người dễ mến ông bởi con người này mát tính, dễ hoà đồng và sẵn lòng hướng dẫn những điều cần tránh hoặc cẩn trọng khi giao mùa lúc hồng thuỷ trướng giật hoặc tháng tận năm cùng. Bẵng đi từ năm Canh Dần sang năm Tân Mão ông không thể xuất hiện trước bạn bè thân hữu bởi tai biến tiểu đường sức khoẻ suy sụp.

Biết bệnh của mình, ông bảo may ra qua được cái tết năm Mèo… Và nhân bảo như thần bảo, chiều Chủ nhật 20/3/2011, nhằm ngày 16 tháng Hai lịch âm, ngày duy nhất trong thế kỷ này mặt trăng đến gần nhân loại nhất để ông trút hơi thở nặng nhọc cuối cùng đi về cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 68 tuổi. Xin thành tâm chia sẻ và phân ưu với toàn thể gia quyến Nguyễn Duy Vượng, người bạn tốt của chúng tôi và ân nhân của nhiều người.

Cầu mong linh hồn ông siêu thoát để trở về thanh thản trong thế giới người hiền cùng song thân của ông.

Trần Đình Thảo (Hà Nội)

-----------------------

BÀI VIẾT CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN LƯU: 

Mãi mãi ở lại trong lòng mọi người 
Tôi bàng hoàng đọc tin nhắn “Nhà báo Nguyễn Duy Vượng đã từ trần”. Vậy là một trong những nhà báo giàu ấn tượng nhất với giới thể thao đã trở về với tổ tiên. Sau Phùng Bảo Kim, Hữu Ái, Tường Vy, Đỗ Hóa, Chánh Trinh, Phan Sang... thể thao Việt Nam lại chia tay một nhà báo tài năng và tâm huyết như Nguyễn Duy Vượng.  
Nguyễn Duy Vượng thuộc diện tiên phong của giới báo chí thể thao, là người được xem như cầu nối giữa báo chí thời bao cấp với giai đoạn đổi mới ở địa hạt thể dục thể thao.

Hơn 3 thập kỷ trước, Nguyễn Duy Vượng là 1 trong 3 người sáng lập tờ Thể thao TP.Hồ Chí Minh. Những nhà báo thể thao thuộc lứa tuổi 70 ai cũng quý mến Duy Vượng, vì khả năng bao quát sân của ông khi làm nghề. Duy Vượng nói vanh vách thành phần và đường đi nước bước của các CLB bóng đá hồi ấy, lại “xông” vào nhiều môn thể thao khác và nhất là những bình luận, dự đoán táo tạo, kể cả các bài   mang tính “chiến đấu” cao.

Ông lần lượt viết hết Thể thao Việt Nam, Thể thao TP.Hồ Chí Minh, Nhân dân lại đến Long An cuối tuần và Người xây dựng... ở đâu các bài viết của ông cũng được hoan nghênh vì hàm lượng thông tin sâu và vì cái tâm bộc trực, trong sáng. Tuy nhiên, điều mà tôi và nhiều bạn bè yêu mến nể phục nhất ở Duy Vượng không phải từ những trang viết thuyết phục hay những bình luận truyền hình thuở manh nha ở thành phố mang tên Bác, mà là cái tâm trong sáng, là thái độ sống hết mình vì bạn bè của nhà báo Nguyễn Duy Vượng. 

Ông từng lăn lộn khắp vùng, đi xe máy hàng trăm km mỗi ngày để lo bằng được công việc cho bạn, ông sẵn sàng nổi khùng với ai đó làm phương hại tới bạn bè, ông cũng không quên tìm từng miếng ngon mời bạn những khi có thể... và nói cho cùng, trái tim và tấm lòng Nguyễn Duy Vượng dường như luôn   hướng về cộng đồng.

Thế mà oan nghiệt quá, khi số phận đã vội cướp đi một người tốt đến thế! Năm ngoái, tôi còn vào thành phố và đến thăm ông cùng nhà báo Nguyễn Nguyên, lúc này ông đã ốm, phải dời nhà về ngoại ô để có điều kiện dưỡng bệnh, khi ngồi bên giường bệnh, Duy Vượng còn bảo tôi: “mình không sao đâu” và tôi cứ nghĩ là ông còn gắng gỏi trụ được thêm mấy năm nữa, nào ngờ giờ bạn đã mãi mãi đi xa.

Chúng tôi quen thân nhau từ 3 thế hệ, cha tôi và ông bác của Duy Vượng - kỹ sư Nguyễn Duy Thanh là đồng sáng lập tờ báo Khoa học đầu tiên của Việt Nam vào năm 1940, hơn 20 năm sau, tôi và Duy Vượng chơi bóng rổ trên sân Pasteur, Hà Nội cùng lứa Đoàn Mạnh Giao, Hồ Đắc Thuyên, Tôn Thất Bách... và cũng chính ông giới thiệu tôi cộng tác với giới báo chí TP. Hồ Chí Minh ngày mới giải phóng.

Nhà báo Nguyễn Duy Vượng đã về nơi an nghỉ cuối cùng song tôi tin chắc rằng Duy Vượng vẫn còn, trái tim và tấm lòng ông vẫn ở lại!

Nguyễn Lưu

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...