Cứ mỗi kỳ đề bạt cất nhắc ai đó lên ghế cao cấp, thường lại lọt ra công luận một loại tin tức lãng xẹt. Là vị này vị kia được phong cấp phong hàm gì đó là xài văn bằng giả mạo.
Nếu là các ông tiến sĩ "giấy", nghĩa là không phải tiến sĩ thực chất thì cũng đi một nhẽ. Thôi thì trình độ học lực, nghiên cứu yếu kém, thi cử bảo vệ vẫn nhận được bằng cấp nhưng thực ra không tương xứng với trình độ của bằng cấp được trao đó.
Nhưng đằng này lại tệ hại hơn nữa, là học hành chẳng có, mà trình độ cũng không đạt, lại không thi cử tuyển chọn gì nhưng do quan hệ, láu cá xoay xở tài, thường đi với cách chịu chi quả đậm, các tiễn sĩ "chui" này vẫn sở hữu những tấm bằng như ai - nhưng là những bằng giả mạo hoàn toàn. Đơn giản bằng cấp cho loại người này là mục tiêu hợp lý hóa tiêu chuẩn cho cái ghế nhắm tới mà tổ chức yêu cầu phải có. Điều này mới thật đáng sợ.
Mới đây có chuyện ông Vũ Viết Ngoạn, một quan chức vừa mãn nhiệm ở một cơ quan Quốc hội thì được Thủ tướng bổ nhiệm vào chức danh Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Dư luận trên mạng được dip bung ra hàng loạt tin tức, bình luận, chê trách ông Ngoạn thiếu sự trung thực trong lời khai về bản thân mình, về học vấn và trình độ thực chất của mình khi bước vào ngạch quan trường. Và vì thế các vị trí trước nay ông ngồi có thể là một sự sắp xếp và đặt nhầm chỗ đối với ông!?
Việc đúng sai về tấm bằng của ông Vũ Viết Ngoạn sẽ được làm sáng tỏ sau - vì việc trên nếu cần làm thì khó gì, điều tra đâu có phức tạp - nhưng cái chính ở đây là vấn đề của công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân sự ở Việt Nam mình còn nhiều kẽ hở quá.
Việc xem xét cất nhắc một con người, nếu theo một trình tự "lành mạnh", nghĩa là quy trình đề bạt là "sạch", thì làm gì có những chuyện trên? Và cứ đến khi vào một ghế quan to nào đó ở địa phương hoặc cấp TW thì lại nẩy sinh, lại lòi tói ra một chuyện chẳng thể nín cười được, những chuyện "không tin được" như kiểu chuyện ông Vũ Viết Ngoạn nói đến ở dưới đây sẽ đến bao giờ mới chấm dứt?.
NGUYỄN VĨNH
-----------------
Dưới đây có thể tham khảo bản tin của BBC về việc này:
Cáo buộc quan chức giả mạo bằng cấp
Cập nhật: 08:39 GMT - thứ sáu, 29 tháng 7, 2011
Ông Vũ Viết Ngoạn
Ông Vũ Viết Ngoạn, tân chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bị tố giác giả mạo khi tiểu sử có học vị tiến sỹ tài chính tại một trường đại học của Hoa Kỳ.
Tiểu sử của ông Ngoạn, được đăng trên một số báo điện tử trong nước nói ông sinh năm 1958 và có học vị là Tiến sỹ Tài chính Đại học La Salle (Hoa Kỳ).
Ngay sau khi có tin về việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết địnhsố 1218/QĐ-TTg về việc điều động, bổ nhiệm ông vào chức vụ mới từ 22/07, đã xuất hiện tố giác rằng bằng cấp tiến sỹ của ông là 'giả mạo'.
Các trang mạng cá nhân của giới quan tâm tới lĩnh vực kinh tế - tài chính rộn lên thông tin nói rằng trường Đại học La Salle (Philadelphia) không có chương trình Tiến sỹ Tài chính.
Theo báo Người Việt ở Mỹ, chỉ có một đại học Công Giáo ở thành phố Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania, tên là La Salle University, địa chỉ 1900 W. Olney Ave., Philadelphia, PA. 19141.
"Trường này có một chương trình tiến sỹ về tâm lý (APA Accredited Psychology Doctor Program in Clinical Psychology), và tiến sỹ điều dưỡng (Doctor of Nursing Pratice)."
Báo Người Việt viết: "Ðại Học La Salle không có chương trình tiến sỹ kinh tế hay tài chính".
Nhiều kinh nghiệm
Cũng theo báo này, có một Đại học mang tên La Salle khác tại tiểu bang Louisiana, nhưng đã bị đóng cửa năm 2002 vì nhiều sai phạm, trong đó có việc bán bằng cấp giả.Ông Vũ Viết Ngoạn hiện đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam.
Chức vụ chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trước ông là do ông Lê Đức Thúy nắm giữ. Ông Thúy mới nhận quyết định nghỉ hưu, trong khi cũng có cáo buộc liên quan vụ một công ty Australia hối lộ quan chức Việt Nam.
Ông Vũ Viết Ngoạn được cho là có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Ông từng làm việc nhiều năm tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam giữ chức Tổng Giám đốc ngân hàng này từ năm 2000 - 2007.
Năm ngoái, hai quan chức cấp tỉnh ở Việt Nam cũng bị dân tố giác có bằng tiến sỹ ở một trường có tên Western Pacific University mà theo họ, thực chất chỉ là giả mạo.
Nguồn: BBC tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét