Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ và câu chuyện hòa hợp dân tộc còn dang dở...

Tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ và câu chuyện hòa hợp dân tộc còn dang dở...


Bữa trước blog tôi đưa tin ngay khi ông Nguyễn Cao Kỳ vừa mất tại Mã Lai. Cứ nghĩ một người hoạt động chính trị nổi tiếng của chế độ Việt Nam Cộng hòa trước 1975 như ông, lại có mấy năm cuối đời đi đi về về nhiều lần Việt Nam, có những tuyên bố hướng về hòa hợp dân tộc (theo cách của ông Kỳ), thì khi ông qua đời gia đình và những người thân của ông sẽ chôn cất tại nơi quê cha đất tổ là Việt Nam... Nhưng rồi trái lại, đám tang vẫn tổ chức nơi xứ người nơi ông vừa mất và tro cốt của ông lại vẫn mang về Mỹ với gia đình ông.

Chúng ta cứ quan sát và rồi suy nghĩ về những điều quan sát được - từ việc tổ chức lễ tang ở đất khách quê người như trên đã nói tới, tro cốt cũng chưa thấy nói đưa về Việt Nam, đến tấm hình của ông sử dụng trong tang lễ, rồi đến lá cờ phủ ngoài quan tài của ông Nguyễn Cao Kỳ là cờ VNCH - cùng 2 lá cờ Mỹ và cờ Malaysia...

Nội những việc trên, những chi tiết nhắc tới này cho thấy là con đường đi, nguyện vọng hòa hợp dân tộc vẫn còn nhiều đường đi nước bước nữa cần thúc đẩy (cả ở 2 phía), cũng như báo hiệu sự nghiệp hòa hợp của toàn dân tộc vẫn còn những trắc trở và chông gai chưa gạt bỏ được. Tất cả vẫn như còn nhiều lắm ở phía trước - mà mọi nỗ lực của dân tộc còn phải cất nhiều công sức hướng tới...

Xin mang về đây Trang bài và ảnh về lễ tang ông Nguyễn Cao Kỳ mới đây ở Kuala Lampur, Mã Lai.


NV

-----------

Chùm ảnh tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ, & Nghĩ về ông Nguyễn Cao Kỳ và hòa hợp dân tộc

Nguồn: Beenet.vn

Chùm ảnh tang lễ ông Nguyễn Cao Kỳ

29/07/2011 15:35:20
Hôm nay (29/7), lễ tang ông Nguyễn Cao Kỳ đã diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia.
<>TIN LIÊN QUAN

Người thân và bạn bè của ông từ Mỹ và Việt Nam đã sang Malaysia để dự tang lễ sau khi ông qua đời ở tuổi 81 vào hôm 23/7 do những biến chứng liên quan đến nhiễm trùng phổi đột ngột.

Được biết ông đã ở Kuala Lumpur 2 tuần để thiết lập một quỹ học bổng cho thanh thiếu niên đang học tập ở Mỹ.
Bà Lê Hoàng Kim Nicole (thứ 2 từ phải sang) – vợ của cựu lãnh đạo miền Nam Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ - khóc thương chồng khi nhìn ông lần cuối
Bà Lê Hoàng Kim Nicole (thứ 2 từ phải sang) – vợ ông Nguyễn Cao Kỳ - khóc thương chồng khi nhìn ông lần cuối
Những người tham gia tang lễ viếng ông lần cuối.
Gần 50 thành viên gia đình và bạn bè đã tham dự tang lễ.
Bà Lê Hoàng Kim hôn linh cữu
Các cháu gái của ông Nguyễn Cao Kỳ an ủi bà Kim
Các cháu gái của ông Nguyễn Cao Kỳ an ủi bà Kim
 
Ngô Nguyễn (Tổng hợp)
 
---------------------------------------------------

 

Nghĩ về ông Nguyễn Cao Kỳ và hòa hợp dân tộc

Nguồn: Blog Bs Ngọc

Vắng một người thế giới trở nên hoang vu hơn. Người xưa nói thế. Hôm nọ, nghe tin ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời ở Malaysia làm tôi suy nghĩ vu vơ. Thế là ông đã ra đi, nhưng lại ra đi trên xứ người! Tưởng rằng ông sẽ được chôn cất ở quê nhà, nhưng lại hỏa táng và đem tro về Mỹ. Thế là ông vĩnh viễn xa nhà. Có khi đó cũng là một điều hay vì những kêu gọi hòa hợp hòa giải dân tộc của ông cũng sắp tan thành mây khói.


Kể cũng lạ. Một người mà tôi chẳng hề quen biết nhưng lại thấy quan tâm. Không hiểu sao. Có lẽ vì cái tâm của ông dành cho Việt Nam trong thời kỳ khốn khó. Nhưng có lẽ ông đã lầm. Đời ông là một chuỗi sai lầm. Sai lầm làm đồng minh với Mỹ. Sai lầm làm thủ tướng. Sai lầm trong việc kêu gọi hòa hợp hòa giải với đối thủ của ông ngày xưa. Có một cái ông không sai lầm. Đó chính là lòng yêu nước. Đó chính là sự trong sạch. Ở thế giới bên kia ông sẽ thanh thản, không còn phải đương đầu với những sóng gió của dư luận, những tấn tuồng chính trị làm ông đau khổ, nhưng ông có thể mỉm cười để thấy rằng ông đã làm tất cả có thể cho quê hương, làm đến ngày cuối đời. Ông và con cháu ông có quyền tự hào về điều đó.

Ông Kỳ là người gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Quả thật, có một điều rất rõ ràng là ông là kẻ quang minh chính đại. Sống và làm việc trong cái hệ thống tham nhũng hối lộ thời đó, mà ông hoàn toàn trong sạch. Nói như con của ông là không ăn hối lộ một đồng xu. Ông còn là một người thuộc týp nói là làm. Có người nói là ngang tàng. Ngang tàng của một người làm tướng. Làm tướng là ra trận, chứ không ngồi phòng có máy lạnh. Ông từng tự mình lái máy bay xung kích. Đó là phong cách của người làm tướng.

Tôi chỉ đọc về ông qua những bài báo thời trước và sau 1975. Thời đó tôi đã vào trường thuốc, bận học ngày đêm nên chẳng có thì giờ theo dõi chính sự. Sau này có đọc cuốn Đứa con thừa tự của ông có giới thiệu ở Việt Nam như là một hồi ký. Không có gì hay lắm trong cuốn hồi ký, nhưng có nhiều tư liệu đáng làm đối chiều về sau. Dư luận báo chí thì khen có, chê có. Ngay cả đồng minh của ông là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Robert McNamara cũng chê ông thậm tệ. McNamara nói rằng chính phủ của ông không sống quá 1 tuần, nhưng trong thực tế sống qua 3 năm! Báo chí lề phải vẫn còn vài nghi kị về ông. Đọc những bài viết nói về chuyến ông về thăm quê Sơn Tây thì thấy có gì đó trịch thượng như là đấng trên ban ơn cho ông về thăm quê, tha thứ lỗi lầm … Có phải lỗi lầm của ông là lỗi lầm yêu nước không giống như cách yêu nước của người cộng sản? Đọc lên những dòng chữ trịch thượng đó không biết ông sẽ nghĩ gì. Chắc là không vui. Nhưng với bản chất xem đời là trò chơi, ông cũng chẳng bận tâm. Ông chỉ cần biết mình trong sạch, không tham ô là hay rồi. Tất cả chỉ là một cuộc chơi. Những trò đời, bon chen, ghanh đua, tranh giành quyền chức, dư luận … chỉ là những trò chơi. Từ giã cõi đời là từ giã cuộc chơi.

Không hiểu sao ông đi Malaysia và qua đời bên đó. Chỉ biết ông sang đó thành lập một quỹ học bổng dành cho du học gì đó, rồi bị sưng phổi và chết. Thế là ông dành tấm lòng cho quê hương cho đến những giây phút cuối đời.

Thế là ông cùng hàng ngàn (có lẽ hàng vạn) người Việt Nam khác đã chết trên đất Malaysia sau 1975. Đó cũng là một vết thương dân tộc. Một anh bạn bác sĩ bên Mỹ kể rằng mấy năm trước anh góp tiền cho một nhóm thuyền nhân bên Mỹ về Malaysia xây một tấm bia tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mạng trên xứ người, nhưng bị chính quyền Việt Nam phản đối chính phủ Malaysia nên những tấm bia đó bị đục bỏ. Cũng giống như số phận của tấm bia tưởng niệm Vua Quang Trung ở Nghệ An và những dòng chữ của cụ Hồ Chí Minh.

Ông hô hào hòa hợp hòa giải dân tộc. Mặc cho những “chiến hữu” của ông chỉ trích thậm tệ, ông kiên trì theo đuổi con đường hòa hợp dân tộc. Nói là làm. Ông đi tiên phong, về Việt Nam, gặp lãnh tụ cao cấp và nói ý của mình. Nhưng hình như chính quyền hiện tại vẫn còn nhìn ông một cách e dè. Nghe nói trong đám tang không có ai trong tòa đại sứ Việt Nam ở Malaysia đến dự. Cũng có thể họ quá bận việc. Nhưng cũng có thể họ chưa quên những việc làm của ông Kỳ trong thời hai miền Nam Bắc còn oánh nhau. Nhưng lễ tang có đại diện của Hoàng Gia Malaysia đển dự. Sự vắng mặt của giới ngoại giao Việt Nam nhưng có mặt của Hoàng Gia Malaysia trong lễ tang cũng là một điều làm chúng ta suy nghĩ. Những người cầm quyền theo chủ nghĩa Mác Lê ngày nay chắc chưa quen với câu nghĩa tử là nghĩa tận.

Đục bỏ bia tưởng niệm Vua Quang Trung. Đục bỏ những chứng từ về sự xâm lăng của kẻ thù Trung Quốc. Đục bỏ bia tưởng niệm thuyền nhân ở Malaysia. Không tham dự đám tang một người chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc. Tất cả những hành động đó nói lên điều gì? Theo tôi, những hành động đó nói rằng chính quyền hiện nay rất kiên trì làm hòa với kẻ thù Trung Quốc, nhưng không muốn hòa giải với những người anh em của mình.

*****
Sáng nay, nhận được vài tin tức và hình ảnh trong buổi tang lễ do anh bạn bên California chuyển cho đọc và tôi có hứng viết bài này để chia xẻ.

Hình ảnh đám tang cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ tại Malaysia
KUALA LUMPUR (AP) – Đám tang cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã được tổ chức tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, hôm Thứ Sáu với sự hiện diện của người thân trong gia đình và bạn hữu của ông, bay từ Mỹ và Việt Nam sang tham dự.
Bà Lê HoangKim Nicole, quả phụ cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ, bên quan tài lần cuối.
Cựu thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, 81 tuổi, qua đời tại Kuala Lumpur hôm 23 tháng 7 vì bệnh phổi. Ông từng là tư lệnh không quân, thủ tướng và phó tổng thống VNCH. Năm 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ. Năm 2004, ông bắt đầu về Việt Nam. Hãng thông tấn AP trích lời cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái của ông Kỳ, cho biết tro cốt của ông sẽ được đưa về Mỹ ngày Thứ Hai để bà con thân thuộc và bạn hữu đến viếng.
Di ảnh cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ tại nhà quàn Nirvana Memorial Centre, Kuala Lumpur.
Một người trong gia đình khóc tại đám tang cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Con cháu và người thân phủ cờ VNCH lên quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
Quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ được phủ ba lá cờ Mỹ, Malaysia và VNCH.
Bà quả phụ Nguyễn Cao Kỳ, nhũ danh Lê HoangKim Nicole, khóc tại đám tang.
Gia đình tướng Kỳ trước linh cữu người quá cố.
Nhân viên an ninh hộ tống xe tang chở quan tài cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đi hỏa táng.
(Hình: Saeed Khan/AFP/Getty Images; Lai Seng Sin/AP)
------------------
Chuyển về từ Blog của Nguyễn Hữu Quý

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...