Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Ông Nguyễn Cao Kỳ vừa qua đời

Ông Nguyễn Cao Kỳ vừa qua đời




Chưa thấy tin dưới đây trên các mạng, blog quen thuộc ở Việt Nam (vốn đưa các tin thời sự rất nhanh), tự nhiên nổi máu nghề nghiệp, xin post sớm tin này để bạn đọc cùng biết. Vì không có điều kiện kiểm chứng nên tính đúng đắn xác thực chuyện này ra sao, mong bạn đọc thông cảm bỏ quá nếu có điểm gì đó chưa thật sự chính xác...


Sau ông Ngô Đình Diệm, rồi Nguyễn Văn Thiệu đều đã mất (ở nước ngoài), ông Nguyễn Kỳ là khuôn mặt chính trị cuối cùng nổi tiếng nhất ở "phía mặt trận bên kia" đã qua đời. Nhân vật chính khách phía Quốc gia này là đề tài của rất nhiều tranh luận, thậm chí "cãi cọ" nhau rất khiếp ở dư luận hải ngoại, tuy nhiên mấy năm gần đây ông Nguyễn Cao Kỳ cũng gây một số ấn tượng trong giới chính trị và giới trí thức ở VN, đặc biệt có thời ồn ào trong giới truyền thông trong nước với các chuyến đi về VN hoặc khi ông Kỳ tuyên bố, trả lời báo chí... Ngay những dòng tin mà blog tôi post lên ở đây cũng có một số ý và nhận định còn phải bàn bạc tranh luận, tuy nhiên phải đợi một dịp khác.

 


NV

------

Ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời


Nguyễn Cao Kỳ (1930- 1981). Ảnh Wikipedia

Nguồn tin từ công ty Thúy Nga Paris, nơi cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng làm việc trong một thời gian dài cho biết, cựu Phó tổng thống VNCH, tướng Nguyễn Cao Kỳ đã qua đời tại Malaysia vào khoảng 1 giờ sáng thứ Bảy ngày 23 tháng 7, giờ Việt Nam.

Nguyễn Cao Kỳ Duyên, con gái ông Nguyễn Cao Kỳ, đang trên đường sang Malaysia mang thi hài thân phụ về Việt Nam an táng.

Hãng thông tấn AP đưa tin, ông Kỳ qua đời tại một bệnh viện ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khi đang điều trị chứng khó thở tại đó. Nguồn tin không cho biết thêm tại sao ông lại nằm tại bệnh viện này mà không phải bệnh viện nào đó tại Hoa Kỳ.

Ông Kỳ vẫn khỏe mạnh, cho tới 2 tuần gần đây, sức khỏe của ông suy giảm nhanh chóng. Một người thân trong gia đình ông nói với hãng thông tấn AP như vậy.

Ông Nguyễn Cao Kỳ sinh năm 1930 tại làng Mai Trai, thị xã Sơn Tây, từng là học sinh trường Bưởi (sau này là trường phổ thông trung học Chu Văn An).


Sự nghiệp

Ông Nguyễn Cao Kỳ tham gia Quân đội Quốc gia Việt Nam năm 1952 và được đưa vào huấn luyện tại Trường sỹ quan trừ bị khoá I ở Nam Định. Sau đó ông được chọn đi đào tạo tại trường không quân tại Maroc.

Sau Hiệp định Genève, ông ở lại tham gia Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trở thành một trong những phi công và sĩ quan chỉ huy đầu tiên của Không lực Việt Nam Cộng Hoà.

Khi đảo chính 1963 nổ ra, ông đứng về lực lượng đảo chính, nắm quyền chỉ huy không quân, tạo áp lực buộc lực lượng trung thành với tổng thống Ngô Đình Diệm phải đầu hàng.

Sau cuộc đảo chính, Nguyễn Cao Kỳ thăng chức nhanh chóng. Ông trở thành Tư lệnh không quân, mang hàm Thiếu tướng và là Ủy viên của Hội đồng Quân nhân Cách mạng. Ông từng nắm giữ chức vụ thủ tướng chính quyền VNCH năm 1965.

Năm 1967, ông đắc cử Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa nhiệm kỳ 1967-1971.

Ông có 3 người vợ và 6 người con trong đó con gái út Nguyễn Cao Kỳ Duyên là người được biết đến nhiều nhất như một gương mặt của công chúng qua những hoạt động văn hóa, xã hội trong nhiều năm qua. 5 người con đầu ông có với một bà vợ Pháp và tên tuổi của họ ít khi được nhắc tới.


Gây tranh cãi

Ông luôn là nhân vật gây tranh cãi, đặc biệt với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Tranh cãi từ những tuyên
bố trong quá khứ cho tới những chuyến về Việt Nam gần đây của ông.

Từng hô hào “tử thủ cho Sài Gòn tới giọt máu cuối cùng” nhưng ông đã thu xếp để gia đình di tản trước khi miền Nam thất thủ và bản thân tự lái một chiếc trực thăng đào tẩu ra hàng không mẫu hạm Midway ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Từ năm 2004 ông trở về Việt Nam khá thường xuyên và chính quyền Hà Nội coi ông như một biểu tượng của hòa giải dân tộc và việc thực thi thành công nghị quyết 36 về công tác Việt kiều. Có thời kỳ ông gần như sống hẳn tại Việt Nam, chỉ thỉnh thoảng quay lại Mỹ và ít khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt.

Chuyển trở về lần đầu tiên vào năm 2004, ông thú nhận với báo chí rằng, đó là lần thứ 2 trong đời ông đã khóc, lần đầu khi rời khỏi Việt Nam trên chiếc trực thăng tự lái. Ngay sau chuyến về này, trong một phát biểu trên BBC ông khẳng định “chẳng bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cộng sản”.


Ông Kỳ nói ông khóc khi về VN năm 2004. Ảnh AFP/Getty Images/2004


Cũng có nguồn tin nói rằng, ông đã môi giới nhiều vụ làm ăn, đầu tư cho các công ty Mỹ vào Việt Nam trong đó có đầu tư tại đảo Tuần Châu, Hạ Long.

Những phát biểu của ông trong giai đoạn cuối đời gây nhiều tranh cãi, nhất là khi ông đụng chạm tới vấn đề dân chủ, đa đảng, độc đảng và nói Việt Nam “chỉ nên có lưỡng đảng”, hoặc những bình luận mà ông nhắm vào cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như những người tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam.

Ông đã xuất bản một cuốn hồi ký bằng tiếng Anh mang tên “Con Cầu Tự” và dự định dịch ra tiếng Việt để ra mắt tại Việt Nam.

Trong một chia sẻ với chúng tôi, hồi năm ngoái, ông cho biết ý định viết tiếp hồi ký về giai đoạn sau này của cuộc đời. Chưa rõ ông có kịp thực hiện ý định đó hay không.

Theo ĐCV online

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...