Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Tôi có một giấc mơ


HÓA RA KHÔNG PHẢI LÀ GIẤC MƠ CỦA MÌNH AI


Mở đầu bài viết như một chuyện bâng quơ, rất bâng quơ bắt gặp trên đời. Nhưng càng vào sâu bài viết càng thấy tác giả đặt ra một vấn đề nghiêm trang, đòi hỏi người đọc nó phải cùng "trăn trở", "suy tư" với người viết...

Căn cốt hóa ra là chỗ đứng, là thái độ, là hành động và trách nhiệm của người trí thức trước thời cuộc, trước lịch sử muốn cho xứng đáng, xứng danh thì phải như thế nào?...


"Tôi có một giấc mơ" - tác giả đặt đầu đề như vậy. Không phải chỉ mình tác giả mơ. Bởi đây không phải là giấc mơ của mình ai!

Đáng nể một sức nghĩ, một cách đặt vấn đề.

Thấy hợp với "tạng" của chủ blog, xin phép tác giả được post lại bài này dưới đây để nhiều bạn bè tôi cùng đọc và chia sẻ.


VỆ NHI


----------

TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ
(Blog Thùy Linh)
 
Mình và khá nhiều người đã từng gặp những mẩu đối thoại như thế này:
-Không nên nói (hay viết) về việc này.
-Vì sao?
-Vì rất phức tạp.
-Phức tạp cái gì?
-Vì nó rất nhạy cảm.
-Nhạy cảm ở cái gì?
-Vì…nó rất phức tạp.
-Nói cụ thể được không?
-Tóm lại là không nên.
-Sao không nên?
-Vì nó rất nhạy cảm…



Sau mỗi câu trả lời là một khoảng trống không lời giải. Là hố sâu không nhìn tới đáy. Là sự không thể đối thoại. Là nguyên nhân không thể hiểu bản chất sự kiện được đề cập. Và không có cơ hội giãi bày để đạt sự đồng thuận hay hiểu nhau hơn. Vì sao? Vì nó “rất phức tạp”, vì nó “nhạy cảm”…Vòng vo và luẩn quẩn. Bao năm chúng ta sống trong sự ‘tít mù nó lại vòng quanh” như thế.
Để chống lại nỗi đau đớn, người ta tốt nhất nên không có khả năng nhạy cảm. Người nông dân ít có khả năng nhạy cảm với thời cuộc, thậm chí cả nỗi đau nho nhỏ thường ngày của họ, trừ khi tai họa ập đến cướp đi mảnh đất họ đang sống và nồi cơm của họ bị tước đoạt. Còn quyền lợi chưa thiết thực ngay thì họ ít để ý, ít nhạy cảm để mà quan tâm, đòi hỏi, và đòi dành lấy. Hàng ngày họ cắm mặt trên đồng ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tối về lùa vội mấy bát cơm là lên giường chìm vào giấc ngủ ngon lành sau một ngày lao động kiệt sức. Vợ chồng cãi nhau, thậm chí táng vỡ mặt nhau ít phút trước, lát sau có thể ôm nhau ngáy vang lừng. Bực mình nhà hàng xóm bố láo, bố toét, vợ thì sắn váy quai cồng đứng giữa đường làng chửi cả tổng trên, tổng dưới cùng nghe, chồng thì cầm dao rượt đuổi gã nào đó trót chớt nhả với vợ anh ta, nhưng ngày hôm sau lại chén chú chén anh cùng nhau ở quán rượu đầu làng, tám nhảm đủ chuyện trên giời dưới biển. Làng nào cũng có những bà chua ngoa, chửi thành bài, thành bản và đưa vào kho tàng văn hóa dân gian cực hay. Mình thích sưu tầm những bài chửi này để thỉnh thoảng làm vài câu cho đỡ nhạt miệng. Làng nào cũng có vài anh Chí Phèo quậy tưng làng trên, xóm dưới khiến dân làng vừa hãi, vừa khoái chí. Làng nào cũng có mấy ả Thị Màu lúng liếng khiến đàn ông rạo rực “phải đi khom”, các bà vợ thì lườm nguýt ỉ ôi chê bai ghen tị…Tóm lại cách xả stress của người nông dân khiến khả năng nhạy cảm chả mấy khi cần nên dần dần bị triệt tiêu. Cho đến ngày nào đó…
Kẻ hay tự mang dây buộc mình, hay chuốc lấy nỗi đau khổ cho bản thân nhất chính là đám trí thức. Sự nhạy cảm khiến họ đau trước nỗi đau thiên hạ, buồn trước nỗi buồn thiên hạ, thấy trước tai họa của bản thân cũng như đất nước trước thiên hạ…Họ tự dằn vặt, đào bới cả trong quá khứ lẫn hiện tại, thậm chí phấp phỏng cho tương lai. Lục tung các sự kiện, tìm mạch nguồn bí mật của các sự kiện lịch sử chứ không dừng lại những gì ghi trong sách vở, như những gì được (bắt) nghe. Mạch nguồn này chính là cảm hứng để họ hiểu về lịch sử và giải mã lịch sử, cho dù nhiều sự kiện đã bị bóp méo hay chép lại sai lệch. Những khoảng trống của những câu trả lời như đầu bài viết không thể khuất phục hay khiến họ bằng lòng mà chỉ càng kích thích họ suy nghĩ, đào bới, dằn vặt…để bằng mọi giá có câu trả lời…Và khi họ tư duy theo mạch ngầm của dòng chảy thời cuộc là họ đã nhập vào nguồn mạch bí mật của lịch sử. Dù không được nói, được viết sự thật thì nguồn mạch bí mật đó vẫn lưu giữ lại cho hậu thế cái nhìn chân thực về lịch sử, chứ không phải là những hời hợt trên bề mặt. Hời hợt thì dù “lộng giả thành chân” cũng chỉ được thời gian ngắn sẽ lụi tàn. Mình chả bao giờ nhớ được các sự kiện lịch sử, các triều đại một cách cụ thể, tỉ mỉ, nhưng cảm xúc về sự kiện, về thời đại, về nhân vật lịch sử nào đó thì mãi mãi lưu lại trong tình yêu, kí ức. Ví như rất nể sự đa mưu, trí túc của Trần Thủ Độ. Rất yêu kính, trân trọng tinh thần nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Gần đây các nhà sử học đặt nhà Nguyễn ở vị trí cao hơn ngoài câu mình (và nhiều thế hệ học trò) đã từng nằm lòng để đi thi là “Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà” do công lao du nhập kỹ thuật tây phương và mở mang bờ cõi…Nhiều sự kiện lịch sử cổ đại, nhất là cận đại sẽ phải viết lại để thay đổi cái nhìn chân thực và nuôi cảm hứng với lịch sử dân tộc, thay vì áp đáo theo chính trị. Cái nguồn mạch bí mật của lịch sử phải được khơi lại thì mới mong “dân ta phải thuộc sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”…Còn hiện nay để đối phó với các cuộc thi môn lịch sử thì đám học trò bảo nhau: “dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra google”. Phải là cảm hứng thì mới nuôi được ngọn lửa tình yêu. Chỉ có tình yêu mới khiến người ta nhớ, trân trọng, lưu giữ vào kí ức…Mà để có cảm hứng thì phải bắt đầu từ sự chân thực, minh bạch, tôn trọng chân lý, khoa học…Cái đám trí thức dù phải chịu nhiều đau khổ, tai họa, thiệt thòi thì cứ nhất định muốn giữ lấy khả năng nhạy cảm, chứ quyết không chịu tư duy “ba xoa hai đập”. Đôi lúc quá mệt mỏi có thể họ nga mặt lên trời than rằng, chỉ muốn được như anh nông dân, ngày vui vẻ cày xong thửa ruộng, tối về lòng nhẹ khỏe ôm vợ (chồng) ngáy vang đến sáng. Hihi…Nhưng giờ chính người nông dân cũng bắt đầu tự chuốc lấy khả năng đau khổ cho mình bởi sự nhạy cảm: họ đã nghe được tiếng thầm thì khốn khổ của mảnh đất tổ tiên sinh sống bao đời đang trong cơn vật vã. Cảm hứng bi kịch là dòng sữa nuôi nguồn mạch bí mật để lịch sử hiển hiện như đã là, đang là…, chứ không thể như ai đó bắt buộc “phải là như thế này”. Con sông bị nắn dòng chảy sẽ tích góp tai họa khủng khiếp phá hủy thiên nhiên. Con sông lịch sử bị bóp méo, thay dòng sẽ phá hủy tâm thức Việt. Thảm họa đó đã diễn ra, đang hiển lộ trong đời sống hàng ngày và sẽ trút nỗi oán giận trong tương lai không xa…Có thể học sinh nhiều nước cũng ít người yêu thích môn lịch s, nhưng tâm thức họ không bị tổn thương, tàn tật, có chăng chỉ là sự thiếu hụt về kiến thức. Đây là s khác biệt duy nhất và nguy hiểm. Không thể như Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu khi biết điểm thi môn lịch s thấp thảm hại: "vấn đề của thời đại, là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học-công nghệ.., và cũng đừng coi đó là thảm họa”. Giải cứu môn lịch sử chính là giải cứu tâm hồn Việt. Muốn vậy thì không thể chính trị hóa lịch sử như chính trị hóa mọi mặt đời sống. Hãy để cuộc sống và dòng chảy lịch sử như NÓ ĐANG LÀ…
Mình thử “I Dreamed A Dream” như bài hát của Susan Boyle ở nước Anh làm rưng rưng hàng tỷ con người. Năm 20xx, sẽ có đề thi môn sử ở trường nào đó, vào kỳ thi nào đó, càng sớm càng tốt: “Anh (hay chị) hãy viết về nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa lịch sử của các cuộc biểu tình chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc năm 2011?”. Bạn có tin sẽ có nhiều điểm 10 không? Mình tin lắm lắm…Chỉ là một đề nho nhỏ trong vô vàn đề thi rất cần chạm đến sự thật.
Và sẽ có cuộc đối thoại trong tương lai:
-Bạn nên viết sự thật về cái đó.
-Vì sao?
-Vì đó là lịch sử.
-Nhưng nó rất phức tạp.
-Vậy mới cần phải viết ra để mọi người hiểu.
-Nhưng có vài vấn đề nhạy cảm…
-Thì hãy viết bằng trái tim nhạy cảm và lý trí tỉnh táo, chân thực.
I Dreamed A Dream”…

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...