Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Xuất hành lấy may tới Myanmar




“Xuất hành” đầu xuân tới Myanmar

Đầu xuân xuất hành lấy may tới Myanmar.

Năm qua 2011 nếu nói về một sự thay đổi chính trị ngoạn mục nhất phải kể tới trường hợp Myanmar. Đó là sự đổi thay, biến chuyển đất nước này theo hướng dân chủ hóa đời sống xã hội.

Suốt liền mấy tháng cuối năm ngoái báo chí toàn thế giới tập trung đưa tin về quốc gia Đông Nam Á này. Tại đây chính phủ dân sự đã liên tiếp cho tiến hành nhiều cải cách chính trị. Một luồng gió mới cho sự hy vọng vào tiến trình dân chủ hóa tại quốc gia vốn đóng cửa đã lâu với thế giới bên ngoài đã nhen nhóm...

Có lẽ trong thời gian dài mấy thập niên vừa qua, đất nước này có được đôi chút cởi mở với bên ngoài là chỉ được thực hiện với nhóm nước trong hiệp hội khu vực là Asean. Còn Mỹ và phương Tây thì hầu như cấm vận hoàn toàn với Myanmar, hệt như trường hợp họ áp dụng lâu nay với Cu Ba và Bắc Triều Tiên.

Thế mà nay đã xảy ra những việc “tày đình” như nhiều lần thả tù nhân chính trị, điều không thể nào tưởng tượng nổi khi còn chế độ quân phiệt độc tài. Giới cầm quyền đã cho nối lại đối thoại với lãnh đạo phong trào dân chủ Aung San Suu Kyi, người phụ nữ nổi tiếng với giải hòa bình Nobel nhưng liên tục bị chính quyền quân sự trước đây bắt giam hoặc quản thúc tại gia. Myanmar cũng cho mời các nhà đối lập khác đang lưu vong hồi hương để đóng góp cho đời sống chính trị trong nước…

Tất cả những điều đó đã tạo được sức thuyết phục đối với thế giới phương Tây cũng như các nhà quan sát chính trị bi quan nhất về một xu hướng mới, một khả năng cải cách đổi mới tại Myanmar trong thời gian sắp tới.

Đầu năm chúng ta cùng “xuất hành” sang đất nước Phật giáo nổi tiếng này như một “lá phiếu” ủng hộ tiến trình dân chủ hóa đất nước mà chính quyền dân sự của tổng thống đương nhiệm - ông Thein Sein - đang tiến hành.  

Vệ Nhi  

--------

Mời đọc "tham khảo" bài phỏng vấn đăng trên trang tin của đài quốc tế RFI Pháp:

Miến Điện mở ra trang sử hy vọng về dân chủ





Từ mười tuần lễ nay, chính phủ dân sự Miến Điện tiến hành một loạt cải cách chính trị tạo ra một luồng gió và hy vọng từng bước dân chủ hóa tại quốc gia Đông Nam Á này. Việc thả tù nhân chính trị, nối lại đối thoại với lãnh đạo phong trào dân chủ Aung San Suu Kyi, mời gọi các nhà đối lập lưu vong hồi hương cuối cùng đã tạo được sức thuyết phục đối với những nhà quan sát bi quan nhất về khả năng đổi mới tại Miến Điện.


Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok, sau hơn 10 ngày quan sát nhất là tại Rangoon và thủ đô hành chính Naypyidaw, phân tích thêm trong phần phỏng vấn sau đây:
RFI: Nhân chuyến công du của ngoại trưởng Pháp Alain Juppé tại Miến Điện , đồng nghiệp đã có dịp xuôi ngược từ Rangoon đến Naypyidaw , quan sát tận mắt, tiếp xúc với nhiều thành phần dân chúng xứ «ngàn ngôi chùa» này. Anh có cảm giác như thế nào?
Arnaud Dubus: Tại Rangoon, so với tình hình cách nay ba năm, chúng tôi nhận thấy ngay là đang có nhiều biến đổi. Một vài chi tiết thôi cũng đã phản ảnh được sự thay đổi này: thành phố sạch sẽ hơn, người dân vui vẻ thoải mái hơn, tươi cười nhiều hơn. Trong không khí có điều gì chứng tỏ niềm tin hy vọng trong dân chúng.
Bên cạnh đó còn có những dấu hiệu hiển nhiên. Có thêm nhiều tờ báo mới góp mặt, tăng gấp đôi so với tình trạng ba bốn năm về trước, và tràn ngập hình ảnh của giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, cũng như chân dung các nhà dân chủ có tiếng tăm khác như nghệ sĩ sân khấu Zargana hay cựu lãnh đạo phong trào sinh viên Min Ko Naing, những chuyện mà cho tới gần đây không ai có thể tưởng tượng.
Một sự kiện ngoạn mục khác là khách sạn tại Rangoon đầy ắp du khách và doanh nhân đến nỗi khó tìm ra một phòng trống. Xe hơi lưu thông nhiều hơn và bắt đầu xảy ra hiện tượng kẹt xe hàng ngày.
Tuy nhiên có một vấn đề làm dân chúng than phiền là vật giá quá cao, đồng lương không tăng. Đơn vị tiền tệ quốc gia kyat rất mạnh so với đôla Mỹ.
Hai mẹ con một công nhân ủng hộ viên Liên đoàn Quốc gia Vì dân chủ.
Ảnh chụp ngày 15/01/2012. REUTERS/Stringer
RFI: Đồng nghiệp nhận định như thế nào về những cải cách của Tổng thống Thein Sein?

Arnaud Dubus: Một trong những câu hỏi mà chúng tôi thường nghe là “tại sao?”. Tại sao chính phủ Miến Điện cảm thấy có nhu cầu tiến hành cải cách chính trị trong khi mà chế độ này dường như sắp tiếp tục con đường của tập đoàn quân phiệt vạch ra sau cuộc bầu cử chẳng có gì là tự do và công bằng? Chắc chắn là phải có sự phối hợp của nhiều yếu tố và nguyên nhân phức tạp.

Một yếu tố quan trọng là chính phủ Miến Điện có mối ưu tư là làm sao phải cải thiện quan hệ với các nước Tây phương. Điều làm họ lo sợ nhất là bàn tay Trung Quốc thao túng kinh tế các tỉnh phía bắc.

Bên cạnh yếu tố chính trị này còn có một nguyên nhân nữa bắt nguồn từ nhân cách của Tổng thống Thein Sein. Ông tướng này được cựu lãnh đạo tập đoàn tướng lãnh Thein Swe đặt vào chức vụ tổng thống.

Ông Thein Sein là một cựu tướng lãnh ít có tiếng tăm và nhiều người cho rằng ông là người được tướng Than Swe ủy nhiệm cầm quyền. Nhưng bây giờ người ta có thể nói rằng Thein Sein đã suy nghĩ rất nhiều về các vấn đề khó khăn mà đất nước của ông đã vấp phải trong nhiều năm dài trước tuyển cử tháng 11/2010, nhất là trong giai đoạn ông làm thủ tướng.

Ông đã thấy rõ những gì ông cần phải làm, nhưng ông không có thực quyền để thi hành. Cho đến khi lên làm tổng thống và cảm thấy vị thế đủ vững chắc, thì Thein Sein nắm lấy cơ hội để thực hiện mong ước của mình.

Còn một yếu tố nữa đó là phong trào đối lập. Khi được trả tự do vào năm 2010, bà Aung San Suu Kyi (ảnh trái) rất chống chế độ này. Ngay khi được Tổng thống Thein Sein mời hội kiến, bà đã tỏ ra do dự rất nhiều trước lời mời gặp nhau tại thủ đô hành chánh Naypyidaw vào tháng 8 năm 2011 vừa qua. Bà cho rằng nhân vật này thuộc phe cứng rắn trong quân đội.

Cuối cùng bà nhận lời và nẩy sinh một sự cảm thông giữa hai người. Mối quan hệ này đã góp phần làm giảm căng thẳng giữa hai phe và giúp cho chính sách cải cách chính trị trở thành hiện thực.

RFI: Theo kế hoạch gọi là “dân chủ hóa” mà tập đoàn quân sự đưa ra cách nay ba năm sau cuộc nổi dậy của phong trào cách mạng “áo cà sa”, thì hiện nay Miến Điện đang ở giai đoạn nào?

Arnaud Dubus: Đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Bước đầu tiên trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị đã hoàn tất mặc dù hãy còn một số trường hợp tranh cãi, do có sự bất đồng về định nghĩa tù nhân chính trị.

Bước thứ hai là bầu cử bổ sung ngày 01/04/2012 chọn 48 đại biểu hai viện Quốc hội. Thử thách của cuộc bầu cử này là có trong sạch, có gian lận hay không?

Bà Aung San Suu Kyi rất có thể sẽ đắc cử vào Quốc hội. Sự hiện diện của đối lập tranh đấu tại quốc hội sẽ thúc đẩy các sáng kiến hợp lòng dân trong khi chờ đợi nhiệm kỳ mới vào năm 2015. Nếu mọi việc tốt đẹp thì cuộc bầu cử 2015 sẽ “đăng quang” tiến trình dân chủ hóa tại Miến Điện.

Lý do là không thể loại trừ nguy cơ tình thế đảo ngược. Chính sách cải cách chính trị không làm hài lòng những tướng lãnh thuộc xu hướng cứng rắn cũng như những người thân Bắc Kinh.
Dường như đã có một âm mưu đảo chính bị lộ hồi đầu tháng Giêng. Guồng máy chỉ huy quân đội lập tức được cải cách cách sâu rộng vào giữa tháng Giêng. Con đường dân chủ do vậy còn dài và có nhiều chướng ngại.
Đã thế, người ta còn biết rằng trọng trách này đặt trên vai của Tổng thống Thein Sein, một người có sức khỏe kém, mang trên người một máy trợ tim.

RFI: Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu giảm nhẹ cấm vận, cho phép giới lãnh đạo Miến Điện và gia đình quyền du lịch tự do trong khi chờ đợi những bước tiến bộ mới . Nếu tiến trình dân chủ hóa được củng cố thì tác động của nó sẽ như thế nào đối với Đông Nam Á?

Arnaud Dubus: Trong một thời gian rất dài, Miến Điện là một nhược điểm của hiệp hội ASEAN.
 Với những bước tự do hóa chính trị hiện nay, Miến Điện sẽ được Tây phương hỗ trợ trong giai đoạn chuyển tiếp. Tây phương sẽ trợ giúp trực tiếp bằng tài chính, bằng viện trợ nhân đạo cũng như qua trung gian của hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, nhất là ASEAN có vai trò đối trọng với Trung Quốc.
Sự kiện vào năm 2014, Miến Điện lên làm chủ tịch ASEAN càng làm cho Tây phương quan tâm đến quyền lợi của họ Đông Nam Á nhiều hơn.

Một khi các biện pháp trừng phạt được cởi bỏ, doanh nhân Âu Mỹ sẽ đổ vốn đầu tư vào Miến Điện, tạo thêm nhiều vận hội mới cho doanh nghiệp ASEAN dù cho mức độ cạnh tranh cũng sẽ gay gắt hơn trước.
Tác động chính trị cũng không phải là ít. Cải cách chính trị tại Miến Điện sẽ làm công luận quan tâm hơn và theo dõi xem những chế độ toàn trị cuối cùng trong ASEAN sẽ biến chuyển ra sao như là tại Việt Nam và Lào, với cơ chế chính trị độc đảng và không chấp nhận đối lập chính trị.



Tú Anh




Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...