Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Công khai trước dân



CÔNG KHAI TRƯỚC DÂN





Vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, ông Bí thư Thành ủy, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố này đã có một hoạt động công khai hiếm thấy trước nhân dân địa phương. Đó là buổi nói chuyện với trên bốn ngàn cán bộ các cấp tại địa phương về đủ loại vấn đề đã được truyền hình tại chỗ phát ra bên ngoài cho dân chúng cùng theo dõi. Nghe nói buổi nói chuyện này kéo dài tới 3 giờ đồng hồ, gây một hiệu ứng tốt với quần chúng nhân dân về tính công khai minh bạch về những điều mà quần chúng quan tâm nhất hiện nay…


Xin phép đưa lại đây một bài viết của nhà báo Việt Nam, các bản tin trên website Đài tiếng nói VN và đài Anh BBC về sự kiện trên.


Vệ Nhi g-th



-----



Bài của nhà báo Đào Tuấn:


Sự kiện Nguyễn Bá Thanh



Đăng ngày: 22:05 26-02-2012



Sau vụ án Cống Rộc, trên mạng Internet lưu truyền câu chuyện tiếu lâm thời hiện đại “Nguyên nhân vụ án Cống Rộc”. Một trong những nguyên nhân là vì “Ông Vươn tên là…Vươn”. (Nếu bỏ chữ V để tên Ươn thì cán bộ nào thèm “quan tâm”). Và nguyên nhân chính: Nông dân Đoàn Văn Vươn hơi bị thiếu “đạo làm dân”, đòi hỏi cán bộ phải quan tâm sâu sát với dân trong khi lại không thèm “quan tâm sâu sát” tới cán bộ”. Tiếu lâm, dù thời nào, nghĩ cho cùng, cũng là một cách nói thấm thía thể hiện cách nhìn, lối nghĩ của dân. Và câu chuyện tiếu lâm nghe xong không thể cười của thời hiện đại hôm nay có lẽ đã khái quát chính xác một trong những căn bệnh điển hình: Khoảng cách giữa quan chức và người dân.

Bởi vậy, một Ủy viên TƯ Đảng, Bí Thư Thành ủy như ông Nguyễn Bá Thanh công khai nói về “đạo làm quan”, về những biểu hiện quan liêu, xa dân, dù đứng trên bục đỏ, trong hội trường, với cử tọa là 4.500… quan chức, đã được coi như một “sự kiện”. Nhất là khi buổi nói chuyện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân đang có một khoảng cách mênh mông về niềm tin và tình cảm.

Ông Thanh từng “nói chuyện tay bo” với các ông chồng vũ phu. Cũng từng “đối thoại đối mặt” với cả ngàn…tiểu thương. Nhưng đến giờ, cuộc nói chuyện mà người dân cần nhất, mới diễn ra, dù đó là chuyện “đạo làm quan”, dù việc ông đăng đàn công khai trước đến 4.500 cán bộ, cũng là “chuyện lạ” trong lịch sử nền hành chính.
“Cán bộ trẻ bây giờ có rất nhiều anh quan liêu, xa dân. Mới được bổ nhiệm hôm trước, lập tức hôm sau đã lên giọng quát tháo. Một bộ phận cán bộ lười nghiên cứu, lười đi cơ sở, mắc căn bệnh thành tích, hình thức, kèn cựa địa vị, tự thỏa mãn, ngại va chạm”.
Lãnh đạo TP thì “chưa bao quát hết mọi vấn đề, chưa chịu va chạm, đối thoại. Ít phê bình, ít kỷ luật cán bộ, cái gì cũng đều đều đến cuối năm thì vỗ tay tặng bằng khen”. Một trong những biểu hiện xa dân là bệnh nghiện họp. Hồi trước “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Cán bộ bây giờ thì “Đâu có họp là ta cứ đi”. Xa dân nảy sinh tình trạng quan liêu. Quan liêu đến mức thẩm phán trước khi xử án không thèm xuống hiện trường kiểm tra, nghe ngóng, xem xét cụ thể. Rồi thì câu chuyện hành dân "Cán bộ, công chức đừng để tình trạng có bỏ bì thì mới làm, không cho thì im re". Thậm chí vị Bí thư còn không tiếc lời “Cán bộ mà có được cái gì mới làm thì khác gì con cá heo cho ăn mới nhảy múa. Họ cho mình tức là mình đã bị họ mua”.

Và điểm nhấn cho cuộc nói chuyện cách mạng này là việc Bí thư Thành ủy nói về chuyện chạy chức chạy quyền, về công tác tổ chức cán bộ, câu chuyện “tế nhị, nhạy cảm”nhất, kể cả đối với các chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP. Lưu ý: Đà Nẵng là địa phương có một Phó chủ tịch trẻ nhất nước. Và sau khi cựu Chủ tịch “ra TƯ” đã không ít những lời “quán nước vỉa hè” xung quanh.

Tất cả những điều ông Thanh nói không mới. Thậm chí, chúng là những căn bệnh cố hữu của nền hành chính, có trong bài học vỡ lòng ở những giáo trình hành chính, chính trị. Sự công khai, cũng là vấn đề “cốt lõi” của dân chủ. Nó trở thành sự kiện, là bởi những chuyện công khai đó trước nay vẫn là quá hiếm đối với quần chúng nhân dân, dù về mặt lý thuyết họ có quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề ra phương trâm “Nói phải đi đôi với làm”: Nói phải nói đúng. Không được nói một đằng làm một nẻo. Tránh nói, tránh hứa mà không làm.
“Sự kiện Nguyễn Bá Thanh” với câu chuyện “đạo làm quan”, với việc đề cập đến những căn bệnh tự thân cố hữu, và cả những vấn đề “nhạy cảm”, được truyền hình trực tiếp suốt gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, gây ra sự chú ý đặc biệt trong dư luận, đôi khi đơn giản chỉ là bởi ít nhất ông đã nói, nói công khai với quần chúng nhân dân hầu như toàn bộ nội tình của Thành phố, kể cả những vấn đề nhạy cảm nhất là nhân sự, kể cả những vấn đề tế nhị nhất là xử lý kỷ luật cán bộ.

“Nói phải đi đôi với làm”, nhưng trước hết, làm quan cũng cần phải nói, và nói công khai, để chí ít đảm bảo được quyền được biết của dân cái đã.



------


Bản tin trên trang web Đài Tiếng nói VN


Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”

(VOV) - “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Một sự kiện ở miền Trung được dư luận quan tâm đó là buổi đối thoại của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với 4.500 cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp của thành phố.


Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh


Tại buổi đối thoại, những vấn đề gai góc, tế nhị... lâu nay của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố bên bờ sông Hàn được đặt ra như một trở ngại trên con đường phát triển nhanh, bền vững của thành phố Đà Nẵng, qua đó tạo sức thu hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Đó cũng là những việc cần chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc của cán bộ Đảng viên.

Tại buổi đối thoại, những vấn đề nan giải, các nguy cơ của bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố Đà Nẵng được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đặt ra công khai. Một số kết quả đạt được chưa đủ để tự mãn. Thành phố Đà Nẵng không chấp nhận và cũng không để tình trạng đó kéo dài. Cán bộ ở Đà Nẵng phải phải bứt phá, phải nhìn xa hơn.


TP Đà Nẵng phấn đấu xây dựng lực lượng cán bộ mạnh về chuyên môn, có trách nhiệm với nhân dân


Lấy ví dụ những việc chưa làm được, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: Danh hiệu Thành phố môi trường bền vững ASEAN là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng, nhưng công tác quản lý môi trường vẫn còn buông lỏng, không quyết liệt xử lý những điểm nóng về ô nhiễm của Đà Nẵng như ở Khu hậu cần nghề cá và dịch vụ thủy sản Thọ Quang, rồi khu dân cư Phú Lộc hay tại Nhà máy thép Thái Bình Dương... Tiếp đó là tình trạng lạm thu trong nhà trường, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan...

Nhiều năm nay, việc tổ chức đối thoại trực tiếp được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng duy trì. Nhưng, đầy đây lần tổ chức quy mô nhất. Trong một buổi sáng, hơn 4.500 cán bộ, công chức UBND, Sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố Đà Nẵng “tạm gác” lại việc công để nghe những điều tưởng chừng khó nghe nhất, nhưng cũng thiết thực nhất với tư cách là công bộc của nhân dân.

Quang cảnh buổi đối thoại


Sau 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước (2008, 2009 và 2010), vị trí thứ 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 của thành phố Đà Nẵng là biểu hiện của việc thiếu tâm huyết và nhiệt tình của một bộ phận cán bộ của thành phố.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, đó cũng là dịp để lãnh đạo chính quyền nhìn nhận lại thái độ, trách nhiệm đối với doanh nghiệp và thấy những việc chưa làm được để có hướng cải thiện, phấn đấu cho mục tiêu thời gian tới.

Nói về triển khai Nghị quyết T.Ư 4 tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Nguy hiểm nhất là cán bộ tự thấy mình quan trọng, rời xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, bệnh thành tích, tự thỏa mãn, ngại va chạm. Lúc đó, dễ nảy sinh việc lạm dụng quyền lực”.
Cảnh báo về biểu hiện quan liêu, xa dân trong nhiều cán bộ chính quyền. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Hơn 4.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham dự buổi đối thoại


Khát vọng của cán bộ trẻ ở Đà Nẵng được ươm mầm từ nhiều năm trước khi ông chỉ đạo thành lập và là Chủ tịch danh dự CLB Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng. Từ cách làm này, một bộ phận cán bộ trẻ, trí thức ở phương xa đã về cống hiên cho thành phố động lực của miền Trung.

Chấn chỉnh kịp thời bệnh quan liêu, thiếu trách nhiệm, xa rời nhân dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong từng vị trí công tác cụ thể, để Đà Nẵng có đội ngũ cán bộ thực sự có năng lực chuyên môn, trách nhiệm với nhân dân./.



Hải Sơn/VOV Miền Trung

Nguồn: http://vov.vn/Home/Bi-thu-Thanh-uy-Nguyen-Ba-Thanh-Da-Nang-khong-co-chuyen-chay-chot/20122/201298.vov


------------

Bản tin trên BBC



Một trong những chính khách nổi bật nhất tại Việt Nam lại vừa gây chú ý khi có buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ, được đài địa phương truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, hôm 24/02, đã đề cập một loạt vấn đề của thành phố trong suốt ba tiếng đồng hồ.

Đây được xem là cuộc đăng đàn diễn thuyết quy mô lớn nhất từ trước tới nay của ông Thanh tại Đà Nẵng.

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh tường thuật trên blog: “Lần đầu tiên tui nghe một bí thư Tỉnh ủy công khai vì sao ông này làm chủ tịch mà không phải ông kia, vì sao ông này làm phó chủ tịch mà không phải ông kia, vì sao ông này làm giám đốc sở mà không phải ông kia…”
“Cuộc nói chuyện của ông thú vị ở chỗ ông nói về các vấn đề được gọi là “nhạy cảm” bằng một ngữ điệu thản nhiên với ngôn ngữ dân dã, điều đặc biệt là ông vận dụng những câu chuyện vui chêm vào đầy ngụ ý nhưng nghe rất thoải mái.”

Người là trưởng văn phòng báo Thanh Niên ở Đà Nẵng nhận xét ông Thanh đã “công khai toàn bộ ‘nội tình’ của thành phố, trên tất cả các lĩnh vực, kể cả công tác cán bộ vốn được coi là vấn đề nhạy cảm xưa nay.”

Tại một sự kiện được truyền hình trực tiếp, ông Thanh làm một điều dường như chưa có tiền lệ ở Việt Nam khi nhận xét về từng cá nhân lãnh đạo ủy ban thành phố.

Nhắc về ông Văn Hữu Chiến, đương kim Chủ tịch UBND thành phố, ông Thanh nói: “Nếu về tài và đức, anh Chiến chưa hẳn đã hơn anh Võ Duy Khương (Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng). Nhưng vì đại cục chung, chúng tôi phải chọn anh Chiến.”

Ông cũng chê trách thẳng ban lãnh đạo hiện nay của Đà Nẵng: “Hồi tôi còn làm Chủ tịch UBND TP, mỗi tháng họp báo một lần, có vấn đề gì thắc mắc, chưa rõ nêu hết ra đó trao đổi với nhau.”

“Còn bây giờ nhiều lúc mấy tháng không họp báo, không cung cấp thông tin,” ông Thanh nói.

Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Bá Thanh kêu gọi “mỗi chức danh quy hoạch từ hai đến ba người” kể cả cho chức Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

“Ít nhất là phải hai, và không làm lấy được. Công khai hóa quy hoạch cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân biết.”

“Mấy ông thi đua với nhau, tới hồi ông nào tốt nhất, mình chọn, thế thôi, phải có cạnh tranh,” ông Thanh tuyên bố.

Dấu ấn

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và có cơ sở hạ tầng hàng đầu của Việt Nam.

Thành tựu của nơi này những năm qua gắn chặt với cái tên Nguyễn Bá Thanh, người từng là Chủ tịch UBND và sau đó nắm chức Bí thư Thành ủy.

Những người ủng hộ nói rằng ông là nhà lãnh đạo năng động, quyết đoán, đã giúp Đà Nẵng thành một trong số ít thành phố đẹp và phát triển nhất nước.

Blogger Trương Duy Nhất, người quen biết ông Thanh, ca ngợi: “Tôi đố trong 63 tỉnh thành có nơi nào mà Bí thư lên thuyết giảng cả buổi, hơn 4.000 con người từ Phó Bí thư, Chủ tịch đến quan chức đủ loại của thành phố ngồi nghe như… nuốt từng lời?”

Ông Nhất cũng thừa nhận ở vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng còn có “sự độc tài”.

Có những tin đồn không tốt về ông, và vụ xử Thiếu tướng công an Trần Văn Thanh, nguyên Giám đốc Công An Đà Nẵng, đã từng dấy lên cáo buộc về nguồn gốc “mờ ám” trong quá trình duy trì quyền lực của ông Thanh.

Tuy vậy, dư luận trong nước cho rằng so với nhiều chính khách “không nói cũng không làm”, thì ông Nguyễn Bá Thanh là dạng lãnh đạo biết tạo ấn tượng cả qua lời nói và việc làm.

Một cán bộ nghỉ hưu ở TP. HCM nói với BBC: “Nhiều quan chức bây giờ phát biểu một đằng, làm một nẻo, mình không biết tin vào đâu.”

“Nếu những gì ông Thanh nói là thật lòng, thì đó là quan điểm tiến bộ.”


Nhưng người này nghi ngờ liệu ông Thanh có làm được những gì mình tuyên bố, ví dụ việc chọn chức danh lãnh đạo thành phố.

“Trước đây, ông Thanh từng đề nghị nên bầu trực tiếp chủ tịch UBND thành phố. Nhưng hiện tại, bí thư xã còn không cho bầu trực tiếp, huống hồ thành phố.”

Cá nhân và cơ chế

Vai trò cá nhân của vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lại cũng rọi ánh sáng vào một hệ thống chính trị “không ai dám chịu trách nhiệm”.

Không ít người dân và cán bộ đảng kỳ vọng từ thành công ở Đà Nẵng, ông sẽ có chân trong chính phủ trung ương, thậm chí Bộ Chính trị, để tạo dấu ấn trên cả nước.

Theo blogger Trương Duy Nhất, ông Thanh “cần sự thay chuyển để bản thân mình khác đi và cũng là cách để tìm được những hứng khởi khác, ở tầm cấp khác”.

Dịp Đại hội Đảng XI năm ngoái, đã có tin đồn ông sẽ trở thành Phó Thủ tướng, nhưng rốt cuộc đó chỉ là lời đồn.

Và không phải không có người nghi ngờ ông Thanh có còn tạo ấn tượng nếu ông được thăng chức ra Hà Nội.

Một đảng viên nói với BBC: “Các bộ ngành dây mơ rễ má. Ra Trung ương, chưa chắc ông làm được việc.”

“Cơ chế ở Việt Nam là cấp ủy đảng lãnh đạo, bàn bạc, dựa dẫm nhau. Ai cũng sợ trách nhiệm, nên người đứng đầu không dám quyết,” người này nói.

@bbc







Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...