Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Chuyện "Một nửa"


CHUYỆN "MỘT NỬA"

Vừa thấy ở trang Lều văn Thăng Sắc có entry mới. Cái tít gợi sự tò mò muốn đọc: "Bài ca Một nửa". Không hiểu là Một Nửa gì đây?...


Đọc rồi thì biết, cũng là những câu chuyện cuộc đời này thôi. Nội dung muốn bật lên, nêu lên một cách sống, một cách đối nhân xử thế. Mà ở đây là một quan niệm sống, có gì đó cũng là đặc thù riêng biệt, hoặc là một kinh nghiệm riêng của người ta theo đuổi và đúc kết - cụ thể là tác giả người Trung Quốc xưa này đã dẫn ra...


Những điều như vậy nó có thể sát hợp hoặc chưa/không sát, khớp với các quan niệm sống khác của mọi người. Không sao cả, mỗi cá thể sống đều có những quan niệm sống ở đời riêng rẽ, khó ai mà giống ai lặp lại ai. Nhưng phải nói rất nhiều điều trong đoạn văn ngắn tác giả xưa này nhắc đến đều gợi cho chúng ta về một cách sống, cũng là một cách ứng xử hay giao thiệp giữa con người với nhau diễn ra hằng ngày. Nó đều có cái lý, cái thực tế của nó. 


Hầu hết những điều nêu ra vẫn thấy đây đó trong cuộc sống, trong sự tồn tại của kiếp người cũng như những gặp gỡ giao đãi va chạm luôn luôn xảy ra giữa con người-con người với  nhau. Thì muốn hay không muốn, ta cũng phải phản ứng giao tiếp trở lại, khó mà ai lảng tránh được...


Theo Thăng Sắc thì Chu tiên sinh, tức Cụ Chu Công Phùng (người gửi bài này) "đã sưu tầm và giới thiệu "Bài ca Một nửa" này cùng với lời bình hay, rất hay". Nhà văn viết thêm: "Gọi là Cụ là để gọi cho vui, là gọi theo kiểu của mấy lão về hưu đang vui với nhau..., ...., (chứ) thực ra phải gọi Chu tiên sinh là Ngài vì ông hiện đang là Sứ thần Việt Nam tại đất nước Myanmar". Và Thăng Sắc kết lại: "Rất mong Tiên sinh, Cụ, Ngài kể cho bạn bè những chuyện thường ngày, tất nhiên là không dây gì đến báo cáo điện mật cả, ở đất nước đang có những thay đổi rất lạ lùng này".


Xin phép hai anh, đều là những người bạn và đồng nghiệp, tôi đưa lại bài viết về trang nhà để bạn bè các bên, các nơi khác ta cùng thưởng lãm, chia sẻ.


Vệ Nhi g-th

--------

Bài ca “MỘT NỬA”

Lý Mật Am (học giả đời Thanh – Trung Quốc)

     
Dịch ý như sau:

Ta đã thấu hiểu nửa kiếp phù sinh, một “nửa” đó vô biên đầy ý nghĩa,

Hưởng nửa kiếp đời vui nhàn nhã, giữa biển trời rộng rãi bao la.

Chốn quê nhà nửa tỉnh nửa quê, vườn tược thì nửa đồi nửa ngập,

Nửa sách đèn, nửa cày cấy, nửa tiểu thương; nửa bình dân, nửa mang danh kẻ sĩ.


Đồ dùng nửa đẹp nửa xấu,, nhà cửa nửa sang nửa dở,

Áo quần nửa mốt nửa thô,, đồ ăn nửa quê nửa tỉnh

Kẻ giúp việc nửa vụng nửa khéo, thê tử nửa dại nửa hiền,

Tấm lòng ta nửa Phật nửa Tiên, tên tuổi cũng nửa chìm nửa nổi.

Một nửa hiến dâng trời đất,, nửa còn lại đem tặng kiếp người,

Nửa lo toan tích cóp để đời sau, nửa nghĩ đến đời người ngắn ngủi.

Uống rượu tới lúc nửa say, ngắm hoa khi hoa nở một nửa.

Thuyền giương nửa buồm thuyền khỏi lật, ngựa thả nửa cương chạy vững vàng..

Chưa đầy một nửa chưa thoả mãn, quá một nửa rồi hoá chán chê,

Trăm năm trong đời nửa vui nửa khổ, hưởng một nửa vui là đủ rồi.”



Bài ca "Một nửa”do một học giả đời Thanh tên là Lý Mật Am sáng tác, được lưu truyền suốt mấy trăm năm nay. Rất nhiều người bình luận về bài ca này. Có người phê phán nội dung bài ca tránh né sự đời, mang tính trung dung. Có người ca ngợi bài ca thể hiện một triết lý sống khoáng đạt…

Không thể phủ nhận rằng bài ca này rất đáng để suy ngẫm, rất thú vị và cũng chỉ cho chúng ta một cách hay để sống. Kiểu ăn cơm gần no, uống rượu đến khi ngà say chính là tư tưởng của “chủ nghĩa gần đủ”, nó nhắc nhở chúng ta cần giữ lại cho cuộc sống của mình một dư địa. Giữ lại dư địa mới có đường lui cho mình khi lâm sự. Giống như khoảng cách an toàn giữa hai xe - một khoảng cách đủ dùng làm khoảng đệm, để điều chỉnh lại mình bất cứ lúc nào, tiến lui đều được.

Khi người hoạ sĩ vẽ một bức tranh, anh ta nhất định phải để lại một khoảng trắng trên tranh, đó mới thực là bức tranh đẹp; in sách cũng cần chừa phần lề, không thể in đầy kích thước của một trang giấy; quần áo sau khi may xong cũng phải giữ lại một mảnh vải cùng màu để phòng khi cũ rách còn có cái để vá; những gia đình khá giả khi làm cơm thường làm nhiều hơn vài bát, đó là để chuẩn bị cho những vị khách bất ngờ đến thăm. Đạo làm người, chính là không nên nói quá cặn kẽ, công việc không nên quá dứt khoát, tiền không thể kiếm đến đồng bạc cuối cùng, đánh giặc không nên đánh tới viên đạn cuối cùng...

Lời nói thật cố nhiên là quan trọng, nhưng nếu nói thật quá thì rất dễ làm tổn thương đến lòng tự trọng của người khác. Ai cũng có tâm lý muốn được người khác tin cậy và tán thưởng. Lời nói thẳng lặp lại quá nhiều sẽ rất dễ khiến đối phương cảm thấy bị coi thường, từ đó sinh ra tâm lý phản cảm, họ phải nghe với tâm trạng rất ngao ngán, lâu dần tâm lý họ bắt đầu “giằng co” và chuyển dần sang đối đầu với bạn, những người kém cá tính hơn thì “bất hợp tác phi bạo lực”, chống đối một cách tiêu cực. Đó gọi là “thái quá như bất đạt”, ví dụ như lời nói quá tuyệt đối cũng dễ mắc sai lầm, càng hạ thấp uy tín của mình trong mắt người khác, càng phá hỏng mối quan hệ hợp tác hữu nghị.

Nói rõ ràng, nói vừa đủ, biết dừng đúng lúc là được rồi. Ngầm hiểu ý nhau và đạt được đến mức có thể cảnh tỉnh đối phương, khiến cho sự thông minh, hiểu biết của đối phương có cơ hội phát huy, đồng thời, điều quan trọng nhất là, đối phương cảm nhận được rằng mình được tôn trọng, từ đó có được đủ sự tự tin. Thêm vào đó, người thường ai cũng có khả năng suy luận, nên nếu người nói có thể dẫn dắt một cách thích hợp, thì chẳng phải càng tốt hơn sao.

Những lời phê bình dành cho bạn bè cũng không nên quá rõ ràng mà chỉ nên nói vừa phải, không thái quá. Trong trường hợp không có lợi cho việc người bạn đó tiếp nhận lời nói thật, mà bạn lại nói ra, thì chẳng khác nào bạn cố ý làm mất mặt họ. Khi đó, cách tốt nhất là nói bóng gió, tế nhị hoặc nói một nửa vời. Miễn làm sao để đối phương hiểu ra là được, không nhất thiết phải nói rõ ràng rành mạch, để cho những người khác cũng đều hiểu theo.

Khi chúng ta muốn biết rõ nguồn cơn của sự việc thì càng phải điều chỉnh chính xác “nhiệt độ” của lời nói, đạt được hiệu quả “ném đá dò đường”. Trong “Quỷ cốc tử - phản ứng chi sách” có nói đến phương pháp tỉ mỉ để “dẫn dắt” người khác thông qua lời nói “dĩ vô hình cầu hữu hình, kỳ điêu ngữ hợp sự, đắc nhân sự dã. Nhược trương trí mạng nhi thủ thú dã, đa chương kỳ hội nhi ty chi. Đạo hợp kỳ sự, bỉ tự xuất chi, thử điêu nhân chi mạng dã.” Câu này có nghĩa là chỉ nói một phần thôi, dùng ngôn từ hàm súc, ẩn dụ để không phải nói hết ra, như thế chính là gợi lời cho người khác, càng dễ dàng dẫn dắt đối phương nói ra điều ta cần biết.

Khi giải quyết một việc, nên dành trước ra cho mình một khoảng trống để “sửa đổi”. Khi lên kế hoạch, nên chú ý sao cho kế hoạch sát với thực tế, không nên quá lý tưởng hoá.

Giữa các cây để lại một khoảng đất trống thì cây mới có thể mọc cao hơn, hãy dành cho bạn bè một khoảng không, vì “đất không chịu trời thì trời chịu đất”, bạn bè phạm sai lầm thì cũng nên tha thứ, nương tay để giữ lại cái tình người. Kể cả khi người đó mắc lỗi nghiêm trọng thì cũng không nên hành xử quá tuyệt tình; chia cho người khác một bát canh, cho họ một không gian và thời gian, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự đền đáp của họ. Điều này giống như quy định trong luật kiến trúc về độ che lấp của công trình, bạn chỉ được phép xây 40%, 60% phần không gian còn lại dành cho vườn hoa, không khí và ánh mặt trời, như thế mới nâng cao được chất lượng cuộc sống.

Con người trong xã hội hiện đại luôn phải giữ được trạng thái của người theo “chủ nghĩa một nửa”. Thắp sáng cho người khác, tiết kiệm năng lượng cho mình, lưu giữ cho cuộc sống của bản thân một đoạn kết luôn rộng mở, tạo cho người khác một không gian để phát huy khả năng, để mưu cầu một kết quả bất ngờ. Nếu đã có không gian tiến lui thoải mái, đã tạo được cho mình một vị trí không thể đánh bại, thì từ đó nhất định sẽ tìm được trạng thái cân bằng giữa mức hợp lý và hoàn mỹ.

CCP sưu tầm và bình

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...