Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Hé lộ từ những quốc gia đóng kín

HÉ LỘ TỪ NHỮNG QUỐC GIA ĐÓNG KÍN

 
Có 3 nước mà từ rất lâu tôi đã để ý, đúng hơn là rất để ý tới. Đó là Bắc Triều Tiên, Cuba và Miến Điện.  






Vì thế bất cứ cơ hội nào đến được là tôi hỏi chuyện bạn bè, rồi bàn luận với nhau và tìm đọc bài vở trên báo, tạp chí về các nước này.


Có thể gọi 3 quốc gia này thuộc loại “kín cổng cao tường” nhất thế giới, nhất là 2 nước Bắc Triều Tiên và Miến Điện. Thực tế đó khiến ai muốn tìm hiểu càng thấy tò mò hơn, cố nhìn ra các chỗ khuất lấp mà một người bình thường muốn biết muốn hiểu về đất nước và con người ở những nước đó.

Với cá nhân tôi cũng có chút may mắn là hồi còn công tác đã có dịp đi tới cả ba nước này. Tiếc là các chuyến đi đều ngắn ngày nên cũng khó mà thực hiện những ước muốn tìm hiểu của mình. Tuy nhiên nhờ mắt thấy tai nghe một số sự việc diễn ra tại thực địa nên có thể dễ hình dung ra được bức tranh chung sinh động và cụ thể hơn về Cuba cũng như Triều Tiên và Miến Điện mỗi khi có dịp đọc hoặc trao đổi với ai đó từ những đất nước này trở về.   


Cuba dù cũng thuộc vùng đất đóng kín nhưng nhờ chính sách thu hút du lịch và đầu tư thể thao, văn hóa nên thế giới còn biết về họ đôi chút, chứ 2 nước kia thì một thời gian dài cứ xa lắc xa lơ với mọi công dân thế giới… 

Xin giới thiệu một bài viết trên báo Tấm gương của Đức về Cuba những ngày này. Và trên blog này sẽ đăng dần những bài khác viết về 3 quốc gia đóng kín với thế giới nhưng đã dần hé lộ ra với thế giới đời thường chúng ta. Tin rằng những câu chuyện này cũng dành được mối quan tâm của bạn bè bạn đọc giống như người sưu tầm, giới thiệu  này.

Vệ Nhi g-th


------

Thời lập nghiệp ở La Habana

Tác giả: Jens Glüsing

Chủ tịch Raúl Castro đang tiến hành những cải cách đoạn tuyệt với các lý tưởng của Cách mạng – Chủ nghĩa Tư bản lặng lẽ bước vào. Nhà thờ Công giáo muốn tăng tốc lần mở cửa của đất nước này, Giáo hoàng Benedict sẽ đến thăm vào tuần sau.

Chiếc Audi của Juan Pérez là một chiếc hai chỗ ngồi màu xanh với một cái băng ghế giả da. Hành khách phải chịu thiếu túi khí và dây an toàn. Chỉ bốn cái vòng ở cần điều khiển là khiến cho người ta nhớ đến biểu tượng của thương hiệu ô tô đấy.

Đường phố trong Havanna

“Ông có thích chiếc Audi của tôi không?”, Pérez hỏi và đạp mạnh xuống cái bàn đạp của chiếc xích lô ông ấy. Ông ấy mơ có một chiếc A4 với máy điều hòa nhiệt độ và vành bánh xe nhôm.

Từ một năm nay, Pérez làm việc cho chính mình, chính phủ đã cho phép ông trở thành doanh nhân nhỏ. Ông có thu nhập tính ra là 300 euro, chỉ là bây giờ ông ấy phải “trả thuế, đó là vấn đề duy nhất”. Nơi đỗ của ông nằm ở đầu của Calle Neptuno trong La Habana. Xe xích lô, xe gắn máy, những chiếc taxi cũ kỹ từ thời tiền Cách mạng và Lada nhà nước bấm còi giành nhau từng xăngtimét nhựa đường, hơi xăng ở trong không khí.

“Neptuno” bắt đầu ở đại lộ Prado trong trái tim của thủ đô, nó dẫn cho tới trường đại học trong Vedado, khu phố của giới trung lưu trước kia. Cửa hàng nhỏ, xưởng thợ thủ công, nhà hàng và quán cà phê dọc theo hai bên đường.

Nhưng Neptuno không phải là một con đường bình thường, nó là một phòng thí nghiệm cho các cuộc thử nghiệm mà Chủ tịch Raúl Castro đã ra chỉ thị cho mười một triệu người dân Cuba. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, vùng này phải chứng tỏ liệu dự án nhiều tham vọng của ông ấy có thành công hay không: Raúl muốn kết hợp nền kinh tế nhà nước với những cải cách mang tính kinh tế thị trường để biến đổi Cuba trở thành một Việt Nam của vùng Caribê.

Ông Rául vẫn loại bỏ khả năng mở cửa về chính trị: việc cho phép các nhóm đối lập hoạt động giống như một sự “hợp pháp hóa các đảng phái của Chủ nghĩa Đế quốc”, ông ấy cảnh báo trên hội nghị của Đảng Cộng sản vào cuối tháng 1.

Người Cuba cho tới nay vẫn hoài công hy vọng được tự do đi lại, chính phủ không động chạm đến các bộ luật về di trú. Các cựu chiến binh cách mạng của thời đầu vẫn còn có quyền lực, tuổi trung bình trong Bộ Chính trị là trên 70. Và những người chống chính phủ vẫn còn bị đàn áp như trước đây.

Nhưng trên lĩnh vực kinh tế có những điều bất thình lình lại có thể, những cái trước đây là không thể. Vì phải cắt giảm chi phí nên nhà nước vừa mới sa thải 500.000 nhân viên. Họ bây giờ được phép mở cửa hàng và cơ xưởng thủ công, buôn bán căn hộ, ô tô và rau cải tự trồng hay tự chạy xe xích lô như Pérez. Con số các nhà máy tí hon đã tăng gấp đôi lên tròn 350.000 trong vòng một năm. Tuy vậy, vẫn còn chưa thể nói về doanh nghiệp cỡ trung hay tập đoàn trong tay tư nhân.





Người bán bánh dạo. Ảnh: Der Spiegel

Ít nhất là: khi Giáo hoàng Benedict đến thăm hòn đảo ba ngày trong tuần tới, ông ấy sẽ trải qua một “Cuba khác”, tờ “Nuevo Herald” ở Miami nhận định, tờ báo hầu như không hề che giấu thiện cảm dành cho Cuba. Raúl Castro đã cho phép “mở rộng các hoạt động kinh tế tư nhân rộng lớn nhất dưới thời của chính quyền Cộng sản”.

Chuyến đến thăm của Đức Giáo hoàng không chỉ là để chăm sóc linh hồn cho tròn năm triệu người Cuba Công giáo, nó cũng có chiều chính trị. Sau chuyến viếng thăm đầu tiên của Giáo hoàng trước đây 14 năm, nhà thờ Công giáo Cuba có những quan hệ tốt hơn thấy rõ với chính phủ. Vị khách thời đó, Johannes Paul II, và lãnh tụ cách mạng Fidel Castro đã thông hiểu nhau ngay lập tức.

Năm 2006, sau khi mang bệnh Fidel đã rút lui ra khỏi tất cả các chức vụ chính trị. Người em Raúl, người bây giờ điều khiển chính phủ, không để cho sợi dây liên lạc với Vatican bị cắt đứt. Nhà thờ đã làm môi giới cho vụ thả tự do các từ chính trị, cả hai bên, bất đồng chính kiến cũng như chính phủ, đều đánh giá cao nhà thờ như một đối tác đối thoại.

Đường lối cải cách của Raúl cũng được nhà thờ ủng hộ: “Quá trình đó là không thể đảo ngược lại được”, Hồng Y Jaime Ortega của Habana khẳng định và yêu cầu chính phủ hãy tăng tốc mở cửa.
Cuba vẫn còn phải chịu đựng sự quản lý kinh tế tồi tệ của chính mình và sự cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ. Nhưng đất nước này đã từ lâu không còn phụ thuộc vào láng giềng to lớn ở phương Bắc nữa. Dầu hạ giá đến từ Venezuela, Brazil giúp 480 triệu euro để xây cảng Mariel ở gần Habana, ở đấy, một vùng kinh tế đặc biệt sẽ thành hình theo gương mẫu Trung Quốc.
Có lẽ là chính phủ Xã hội Chủ nghĩa chẳng bao lâu nữa cũng sẽ khai thác được một nguồn thu nhập mới nhờ vào sự giúp đỡ của nước ngoài: Cuba tìm dầu vùng bờ biển của mình. Chuyên gia Mỹ đã lo ngại về việc đó cho tới mức một nhóm người Mỹ đã kiểm tra hết sức cẩn thận tính an toàn của một giàn khoan dầu Trung Quốc mà Cuba sử dụng – do cấm vận kinh tế mà người Mỹ không được phép cung cấp thiết bị của mình cho người Cuba.

Cho tới nay, hưởng lợi từ lần bùng nổ của Cuba trước hết là người Âu, người Mỹ La tinh, người Canada và người Trung Quốc: “Người Cuba trả tiền đúng hẹn, bằng tiền mặt và ngoại tệ”, một doanh nhân người Đức nói, người sống ở Habana từ nhiều năm nay.



Đường Neptuno trong thủ đô của Cuba: phòng thí nghiệm cho các thử nghiệm về kinh tế. Ảnh: Spiegel

“Ganancia”, từ của tiếng Tây Ban Nha cho lợi nhuận, bây giờ không phải là từ để chửi rủa nữa, trong Habana đang có cơn sốt lập nghiệp. Nhà hàng tư nhân khai trương ở khắp nơi trong thành phố, chủ nhân của chúng mua thịt và rau cải trên chợ nông dân vào sáng sớm.

Tài xế xích lô Pérez chuyên chở phụ nữ nội trợ, doanh nhân, khách du lịch và nhân viên nhà nước. Chỉ cần 5 euro là ông đạp xe qua tất cả 24 khu nhà của Neptuno. Ông không nhận peso cubano, tiền tệ chính thức của Cuba: “Ai muốn kinh doanh ở Cuba thì phải có thu nhập bằng CUC.”

CUC là tiền tệ có thể quy đổi được của hòn đảo. Trước kia, nó là tiền cứng dành riêng cho khách du lịch, việc thả lỏng nó là bước đầu tiên đi theo hướng kinh tế thị trường. Ai có CUC thì có thể mua được tất cả: dầu gội đầu từ Brazil, thịt bò để nướng từ Argentina hay Coca-Cola từ Mexico.

Nhiều người Cuba có ngoại tệ: họ hàng gửi cho họ dollar từ Miami hay euro từ Tây Ban Nha, tiền mà rồi họ đổi sang CUC trong các cửa hàng đổi tiền. Cả tham nhũng, được Raúl Castro tuyên bố là kẻ thù quốc gia số một, cũng còn là một nguồn thu nhập thêm. Nhiều hàng hóa được chào bán cạnh Neptuno xuất phát từ chợ đen.

Không có khủng hoảng cung cấp cho những người sở hữu CUC. Trong Công viên Lenin ở ngoại ô Habana, gia đình và hội đoàn gặp nhau vào cuối tuần để tổ chức nướng thịt. Thịt heo và thịt gà được nướng xèo xèo trên lửa, có bia Bucanero.

Nhưng cuộc bùng nổ có một mặt trái đụng chạm đến một điều cấm kỵ của Cách mạng: hố ngăn cách giữa những người sở hữu ngoại tệ và những người có thu nhập bằng peso ngày càng lớn hơn. Doanh nhân nhỏ như tài xế xích lô Pérez thu nhập gấp nhiều lần lương của một nhân viên nhà nước, người lĩnh tiền peso.

Doanh nghiệp nước ngoài, ở Cuba phải cộng tác với doanh nghiệp nhà nước, thiếu nhân lực chuyên môn: họ phải chuyển tiền lương nhân viên của họ bằng ngoại tệ cho chính phủ, nhưng chính phủ chỉ trả peso lại cho các nhân viên. Nhiều kỹ sư xin thôi việc, vì họ có thu nhập nhiều hơn khi chào bán DVD sao chép lậu hay làm nghề sửa ô tô.

Cửa hàng ngoại tệ đang buôn bán phát đạt dọc theo Neptuno. Trong cửa hàng thịt Oro Rojo (“Vàng đỏ”), nhà hàng tư nhân và khách sạn mua thịt thăn và sườn heo ở đây. Cách đấy vài bước, một cửa hàng Adidas vừa khai trương, giày thể thao hàng hiệu là các biểu tượng đẳng cấp.

Trên những sạp bán hàng tí hon, những người nguyên là nhân viên nhà nước chào bán thiết bị sạc điện thoại di động, áo ngực và vật liệu xây dựng. Ở trong siêu thị mua sắm Berens, nơi mà giới thượng lưu đã mua sắm quần áo trước cuộc Cách mạng Cuba, bây giờ là những tư nhân bán hàng trang sức và đồng hồ.

Đường lên dốc, đại học nằm ở bên trái, bên phải đi về khách sạn Habana Libre, trước kia là Hilton. Cảnh sát tuần tra trên vỉa hè, đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi bước vào studio luyện tập thân thể “Neptuno”. Chủ nhân Manuel Galzabuni của nó, một người đàn ông đeo vòng ở mũi, tai và môi, đã chế tạo những dụng cụ luyện tập từ sắt phế thải, xích xe đạp và ống nước. Hàng ngày ông có 200 khách.





Trung tâm luyện tập thân thể. Ảnh: Spiegel

Một vài bước tiếp theo đó, phụ nữ Cuba đang tập Salsa cho người Pháp trong một trường dạy khiêu vũ, bên cạnh đó, Jorge Chávez vừa khai trương một cửa hàng thảo dược. Trước đây ông là thợ sơn của một nhà máy quốc doanh, bây giờ ông trồng thảo dược chống viêm cuống phổi, liệt dương và đau tuyến tiền liệt. Lợi nhuận là “bí mật doanh nghiệp, nhưng đáng để làm”. Hàng tháng ông trả thuế 120 peso, đó là năm CUC, bốn euro.

Ở đại lộ Prado, nơi Neptuno bắt đầu, đã có khoảng một trăm người tụ tập lại dưới bóng mát của những cây đa cao su, nhiều người mang biển giấy trước ngực. Họ quảng cáo nhà hay căn hộ của họ: từ tháng 11, người ta cũng cho phép bán bất động sản.

Tư hữu đất đai chưa từng bao giờ bị cấm ở Cuba, chỉ là cho tới nay người ta chỉ được phép trao đổi, không được phép bán. Tuy vậy vẫn có nhiều tình trạng sở hữu chưa được rõ, đặc biệt là bất động sản của những gia đình đã rời bỏ đất nước.





Nơi trao đổi nhà ở. Ảnh: Spiegel

Một trong những người môi giới mở chiếc máy tính xách tay ra, ông ấy cho xem ảnh của nhiều ngôi nhà khác nhau, giấy quảng cáo treo trên cây. 65.000 CUC, nghĩa là tròn 50.000 euro, là giá của một căn nhà rộng 414 mét vuông ở rìa thành phố, kể cả một ha vườn.

Khách muốn mua là người nước ngoài được chào mời đặc biệt. “I have a beachhouse with four rooms”, một người đàn ông trẻ viết trên một tấm bảng. Trong khi đấy, người nước ngoài không có nơi ở thường xuyên trên đảo thì không được phép mua bất động sản.

Đấy không phải là vấn đề, nhà môi giới quả quyết: “Có cách thức và giải pháp. Mua đi, đây là một cơ hội đấy. Vài năm nữa thì anh không thể trả tiền cho căn nhà này được đâu, rồi thì một người Mỹ sẽ phỏng tay trên anh đấy.”

Nhưng Cuba chưa mở cửa rộng cho đến thế./.

J. G.
Phan Ba dịch từ Der Spiegel 12/2012


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...