Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Phản ứng như "đỉa phải vôi"

Phản ứng như "đỉa phải vôi" nói lên điều gì?  

Một văn bản luật pháp đàng hoàng của một quốc gia như Luật Biển mà Quốc hội Việt Nam mới thông qua lẽ ra quốc gia lân bang có quan hệ người ta phải nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng rồi mới tìm cách phản ứng - ngay cả với sự phản kháng mạnh mẽ quyết liệt chăng nữa - thì mới là điều hiểu được và hợp lý lẽ.

Đằng này Trung Quốc phản ứng dữ dội và tức thời, phản ứng tới một mức khó tin như nhiều bài bình luận của truyền thông quốc tế nói chung và một trong số đó được dẫn dưới đây, thì tự nó nói lên quá nhiều điều!

Lại nữa, trong bối cảnh mà các quốc gia khác giáp giới Việt Nam đều có các tranh chấp và quyền lợi kinh tế như vùng chồng lấn biển xem ra vẫn như yên ắng chưa phát biểu gì ngay - ít nhất là trên phương diện công luận - thì các phản ứng của Trung Quốc là một điều chúng ta cần theo dõi sát sao để tìm ra đối sách thích hợp với những phản ứng kiểu quá đáng quá thể như vậy.



Xem đó đủ hiểu các đòi hỏi vô lý về chủ quyền ngang ngược như "đường lưỡi bò" choán hết Biển Đông của Trung Quốc là một mưu đồ thực sự và lâu dài. Nó là thái độ nhất quán không khoan nhượng đối với các quốc gia trong vùng chứ không phải những lời lẽ giải quyết thương lượng song phương và hòa bình cùng có lợi với láng giềng như họ thường lớn tiếng tuyên truyền và thuyết phục trước dư luận quốc tế...

Từ đó càng suy ra được việc Trung Quốc vừa qua có những phản ứng quyết liệt trước việc Mỹ tuyên bố và hành động "quay trở lại" vùng Châu Á - Thái Bình Dương" là một điều rất dễ hiểu. 

Những điều ấy phải chăng càng khiến mọi người phải hết sức cảnh giác và có đối sách căn cơ lâu dài để đối phó lại mưu toan độc chiếm vùng Biển Đông này của Trung Quốc.

*

Trở lại Luật Biển Việt Nam mới thông qua ngày 21/6 tại phiên họp bế mạc của Quốc hội Việt Nam. 

Đúng là những năm vừa qua trong các chỗ riêng tư của trí thức và giới quan tâm nhiều tới công việc đối ngoại của đất nước vẫn "sang tai" nhau về câu chuyện chủ quyền thực sự đối với biển đảo Việt Nam và những ngóng trông chính đáng về một văn bản pháp lý ở cấp cao nhất về chủ quyền đối với các vùng biển bao quanh hơn 3 ngàn cây số bờ biển của Việt Nam.

Nhiều ý kiến tỏ ra sốt ruột, thậm chí lo lắng về thái độ chính thức và công khai chưa tương xứng với thực tế diễn ra ở Biển Đông đang có tranh chấp quyết liệt với các nước - nhất là với Trung Quốc - của các giới chức Việt Nam. Hình như có sự nhún nhường và lép vế về mặt quan hệ nhà nước trước các đòi hỏi ngang ngược vô lý về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc lâu nay?.

Trước những e ngại như vậy người ta chỉ còn cách tự giải thích là từ thế nước nhỏ yếu của chúng ta trước Trung Quốc to lớn và hung hăng lại nhiều mưu mẹo mà chúng ta phải nhún nhường kém cạnh để yên thân chung sống cũng như tập trung xây dựng đất nước trong yên hàn.

Chính vì thế những vụ việc Bắc Kinh gây hấn suốt từ tháng 5/2011 cho đến nay ở khu vực Biển Đông đã dấy lên trong dư luận sự phản đối lẫn sự phẫn uất chính đáng. Dư luận chung là muốn lãnh đạo cấp cao Việt Nam phải tỏ thái độ rõ rệt về vấn đề chủ quyền. Trên các diễn đàn mạng ý kiến tập trung vào các vấn đề biển đảo, phản ứng và lên án gay gắt quyết liệt về tuyên bố chủ quyền theo "đường lưỡi bò" do Trung Quốc chủ trương đương nhiên là điều hợp lô-gic của đạo lý thông thường của các công dân trước sự việc chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. 

Tuy nhiên trong quan hệ quốc tế có nhiều cách biểu lộ thái độ không hài lòng của một quốc gia có chủ quyền đối với đường lối chính sách của một nước ngoài nào đó có quan hệ với mình. Sự phản ứng thái quá, như kiểu đỉa phải vôi, đổ vấy vá các khuyết nhược sai lầm cho đối tác có quan hệ quốc gia bình đẳng với mình như việc Quốc hội TQ và các giới chức chính trị và nghiên cứu của Trung Quốc nhất loạt phản ứng tức thì vừa qua với việc Quốc hội VN thông qua Luật Biển là một biểu hiện có sự đạo diễn quá lộ liễu cũng như cái cách thức được coi là lạ kỳ không giống ai. Đương nhiên những điều ấy nó đi ngược những nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia và cũng là sự chà đạp lên công pháp quốc tế.

Điều đó cũng đồng nghĩa với một sự can thiệp vô lối vào công việc nội bộ của một nhà nước có chủ quyền, một quốc gia hoàn toàn độc lập như Việt Nam. Thật là một điều rất khó hiểu trong quan hệ quốc tế thời nay, dù điều khó hiểu này đã được đoán định trước từ chính phía Việt Nam.

Chính vì lẽ đó thì sự phản ứng thái quá của Trung Quốc với Luật Biển Việt Nam rất đúng với câu thành ngữ quen thuộc nơi đầu bài viết này đã đề cập đến. 

Vệ Nhi

* Để thấy rõ hơn những điều đã đề cập trên đây xin mời bạn bè blogger chúng ta đọc thêm 2 bài viết dưới đây, một của hãng thông tấn phương Tây, một của nhà nghiên cứu về Biển Đông; và một bản tin từ đài "Tiếng nói nước Nga".
------




Quốc hội TQ phản đối Luật Biển VN

 

BBC - Quốc hội Trung Quốc kêu gọi các nghị sĩ Việt Nam "sửa ngay lập tức" Luật Biển sẽ có hiệu lực vào năm sau.

Ủy ban đối ngoại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã gửi thư cho Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam.

Theo Tân Hoa Xã, lá thư kêu gọi Việt Nam "tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, ngay lập tức sửa sai và nỗ lực bảo vệ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước".

Lá thư nói Luật Biển của Việt Nam "vi phạm nguyên tắc đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được cũng như vi phạm các nguyên tắc của Tuyên bố ứng xử tại Nam Hải".

Lá thư nhắc lại Trung Quốc có chủ quyền "không thể tranh cãi" với Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều 1 của Luật Biển Việt Nam đã quy định về quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đang chiếm giữ một phần cũng như quần đảo Hoàng Sa vốn hoàn toàn nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc từ năm 1974 sau trận hải chiến mà Việt Nam Cộng hòa thua cuộc.

Với 7 chương, 55 điều, Luật Biển Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển trong ngày 21/6, Trung Quốc lần đầu xác nhận thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa.

Trụ sở của chính quyền theo cấp mới này đặt trên đảo Phú Lâm mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng, nằm trong quần đảo Hoàng Sa nhưng vẫn thuộc sự quản lý của thành phồ́ Tam Á, trên đảo Hải Nam.

Lời qua tiếng lại


* Luật Biển Việt Nam đã gây ra phản ứng hết sức mạnh mẽ từ Trung Quốc

Nhật báo China Daily đã dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc nhận xét rằng Luật Biển vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước.

Trong một bài báo được đăng trên trang mạng của báo này hôm thứ Sáu ngày 22/6, China Daily cho rằng Luật Biển Việt Nam đã ‘nhận vơ’ quyền tài phán đối với các hòn đảo thuộc sỡ hữu của Trung Quốc.

“Hành động của Việt Nam đã biến mối quan hệ Trung-Việt thành con tin và làm quan hệ (giữa hai nước) rất khó khăn,” China dẫn lời ông Nguyễn Tông Trạch, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, cho biết.

Ông Nguyễn phân tích rằng Luật Biển này không có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền mà Việt Nam tuyên bố với Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).

Luật Biển này không có cơ sở pháp lý bởi vì nó vi phạm luật pháp quốc tế, bà Cung Ảnh Xuân, chuyên gia về luật pháp quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với China Daily.

Trong khi đó, từ Hà Nội, người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói Luật Biển Việt Nam thông qua là "hoạt động lập pháp bình thường nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới".

Thông cáo trên trang mạng Bộ Ngoại giao Việt Nam viết: "Đáng tiếc là Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam."

"Nghiêm trọng hơn là Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa' với phạm vi quản lý bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bác bỏ sự chỉ trích vô lý của phía Trung Quốc; đồng thời phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc thành lập cái gọi là 'thành phố Tam Sa'".

Ông Nghị nói tiếp: "Việc Luật Biển Việt Nam đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự tiếp nối một số quy định trong các luật đã có trước đây của Việt Nam. Đây không phải là vấn đề gì mới và không ảnh hưởng đến quá trình tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông."

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo phương châm '16 chữ' và tinh thần '4 tốt' vì lợi ích của nhân dân hai nước," ông tuyên bố.


Nhận xét ban đầu về Luật Biển Việt Nam


Cập nhật: 10:22 GMT - thứ hai, 25 tháng 6, 2012 Lính hải quân Việt Nam tuần tra ở Trường Sa

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Biển. Với tình hình tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, đây là đạo luật mà nhiều người Việt Nam mong đợi. Trên cơ sở đạo luật này còn có thể thay đổi trước khi được ban hành, đây là một số nhận xét ban đầu về văn bản Luật Biển.

Luật Biển 2012 có vẻ toàn diện và và kỹ lưỡng hơn các văn bản và tuyên bố trước đây của Việt Nam về chủ quyền và chế độ pháp lý các vùng biển. Có lẽ ba yếu tố đã dẫn đến điều đó.

Thứ nhất, sau khi Công ước Luật Biển của LHQ ra đời cách đây 30 năm thì trật tự đại dương trên thế giới ngày càng trở thành rõ ràng hơn. Vì Quốc Hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước năm 1996, Việt Nam cũng phải có luật pháp thích hợp cho việc hoàn thành những nghĩa vụ của mình đối với Công ước và để bảo đảm sự tôn trọng đối với Công ước.

Thứ nhì, Việt Nam ngày càng hội nhập hơn với thế giới, cho nên phải áp dụng luật quốc tế nhiều hơn, và chắc chắn là khả năng của Việt Nam trong lãnh vực luật quốc tế ngày càng được phát triển hơn.


Thứ ba, trong bốn năm qua, các động thái của Trung Quốc, bắt đầu từ việc gây áp lực với BP, đã làm cho tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông trở thành một trong những vấn đề an ninh hàng đầu cho Việt Nam – vì thế Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào việc soạn thảo Luật Biển để làm sáng tỏ thêm quan điểm của mình.

Điểm đặc biệt

Điểm đặc biệt nhất là Điều 1 ghi cụ thể quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam và Điều 2 ghi nếu quy định của Luật Biển khác với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Hai điều lệ đầu tiên đó phản ảnh chiến lược của Việt Nam về biển đảo: về đảo thì giữ vững quan điểm đảo là của Việt Nam, về biển thì tuân thủ Công ước Luật Biển của LHQ, một điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều đáng chú ý là đạo luật có uy quyền nhất về chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam đã tự đặt mình dưới các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, mà liên quan nhiều nhất trong văn cảnh này là Công ước Luật Biển của LHQ. Điều đó nói rất nhiều về Việt Nam có nhận định thế nào về Công ước Luật Biển của LHQ. Chúng ta có thể so sánh với luật của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế trong đó họ thòng thêm một câu để bảo lưu cái họ gọi là quyền lịch sử, mở ngỏ cửa cho việc Trung Quốc không tuân thủ Công ước Luật Biển của LHQ.

So sánh với luật biển cũ và với Công ước về Luật Biển của LHQ
"Việc Điều 1 ghi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, tuy không phải là một điều mới, nhưng là điều người Việt nào cũng mong muốn trong tình hình căng thẳng về biển đảo, và có lẽ phần lớn sẽ tán thành việc nó được làm sáng tỏ một cách cụ thể ngay trong điều lệ đầu tiên."

Việc Điều 1 ghi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, tuy không phải là một điều mới, nhưng là điều người Việt nào cũng mong muốn trong tình hình căng thẳng về biển đảo, và có lẽ phần lớn sẽ tán thành việc nó được làm sáng tỏ một cách cụ thể ngay trong điều lệ đầu tiên.
Luật Biển này khắc phục một số điểm trong luật và tuyên bố cũ không phù hợp với Công ước Luật Biển, thí dụ như về quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải 12 hải lý và quyền tự do hàng hải trong vùng tiếp giáp lãnh hải, nhưng không khắc phục hoàn toàn. Thí dụ như Luật Biển quy định tàu thuyền quân sự nước ngoài phải thông báo với Việt Nam trước khi sử dụng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, trong khi Công ước Luật Biển LHQ không đòi hỏi phải thông báo.

Luật Biển không công nhận quyền đi qua không gây hại cho tàu thuyền quân sự của nước ngoài trong nội thủy Việt Nam, một quyền có trong Công ước Luật Biển LHQ, nhưng cũng có ghi nhận trừ trường hợp Công ước Luật Biển LHQ có quy định khác và tàu thuyền quân sự nước ngoài phải hoạt động phù hợp với lời mời của hoặc thỏa thuận với Việt Nam.

Điều đáng chú ý mà có thể có ảnh hưởng đến Hoàng Sa, Trường Sa, là Luật Biển nói cụ thể rằng các đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Đó là một điều khoản của Công ước Luật Biển và có nghĩa là Việt Nam sẽ không đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho một số đơn vị địa lý ở Hoàng Sa, Trường Sa. Ngược lại, Việt Nam vẫn có thể cho rằng những đảo “thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng” là có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.




Luật Biển ghi Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam


Luật biển này tiếp tục dùng hệ thống đường cơ sở thẳng Việt Nam tuyên bố năm 1982, mặc dù hệ thống đó là không phù hợp với Công ước Luật Biển LHQ và đã bị nhiều nước phản đối. Cần nói thêm là Việt Nam không phải là nước duy nhất có đường cơ sở thẳng không phù hợp với Công ước Luật Biển và bị nhiều nước phản đối. Vấn đề là Điều 2 (nếu quy định của Luật Biển khác với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó) sẽ có nghĩa gì cho việc đường cơ sở thẳng của Việt Nam không phù hợp với Công ước Luật Biển.

Phản ảnh Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, Luật Biển không còn cho rằng kinh độ 108 là ranh giới biển Việt Nam -Trung Quốc trong Vịnh.

Dù Việt Nam không phải là một quốc gia quần đảo, Luật Biển cũng sử dụng định nghĩa “quần đảo” trong phần về các quốc gia quần đảo của Công ước Luật Biển trong việc đòi chủ quyền đối với quần đảo để đòi “bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau”.

Tóm lại, Luật Biển đi sâu sát với Công ước Luật Biển hơn các luật và tuyên bố cũ, nhưng chưa tuân thủ hoàn toàn. Ngoài ra, Luật Biển còn một số điểm chưa hoàn toàn rõ ràng, và chưa biết có sẽ có thay đổi gì trước khi được ban hành hay không.

Trong nhận xét sơ khởi thì các điều lệ khác cho việc quản lý các vùng biển Việt Nam có vẻ như hợp lý và dựa nhiều trên Công Ước Luật Biển. Trong đó cũng có một số điều lệ khoản phản ảnh nhu cầu đặc thù của Việt Nam.
"Luật Biển vừa được thông qua là một bước tiến pháp lý lớn và có chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc bảo vệ và quản lý biển, cũng như cho việc tiếp xúcvới thế giới trên biển. Tuy nhiên điều quan trọng là Luật đó sẽ được áp dụng thế nào trên thực tế."

Một thí dụ là, trong khi nghĩa vụ tất nhiên của mọi nhà nước là bảo vệ các hoạt động hợp pháp của công dân, Luật Biển quy định cụ thể việc bảo vệ hoạt động thủy sản của ngư dân, và đầu tư bảo đảm hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển. Luật biển cũng quy định chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo.

Luật Biển quy định giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công Ước Luật Biển, luật pháp và thực tiễn quốc tế. Như vậy là bao gồm nhiều biện pháp hơn “kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị” trong thỏa thuận Việt-Trung về “các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển” năm ngoái. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên luật Việt Nam quy định cụ thể giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.

Chờ thời điểm thích hợp hơn

Các chuyên gia của Việt Nam biết rõ một số điểm trong các luật và tuyên cố cũ không tuân thủ Công ước Luật Biển của LHQ. Họ đã sửa một số trong những điểm đó, nhưng với một số điểm còn lại thì có lẽ họ đang chờ thời điểm khác thích hợp hơn. Việc Điều 2 có nghĩa với những trường hợp Luật Biển quy định khác với Công Ước Luật Biển của LHQ thì áp dụng Công Ước Luật Biển, là một cách khôn khéo để Việt Nam “chờ thời điểm khác thích hợp hơn”.

Với nhận xét sơ khởi thì văn bản Luật Biển vừa được thông qua là một bước tiến pháp lý lớn và có chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc bảo vệ và quản lý biển, cũng như cho việc tiếp xúc với thế giới trên biển. Tuy nhiên điều quan trọng là Luật đó sẽ được áp dụng thế nào trên thực tế.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu về Biển Đông, dựa trên văn bản luật mà tác giả có được, trong khi luật này chưa được chính thức công bố toàn văn.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/06/120625_sealaw_comment.shtml

-----


THAM KHẢO THÊM BẢN TIN DƯỚI ĐÂY CỦA WEBSIET "TIẾNG NÓI NƯỚC NGA"

Bộ Ngoại giao Việt Nam: Trung Quốc phản ứng vô lý chống luật biển của Việt Nam



22.06.2012, 18:03
Bộ Ngoại giao Việt Nam: Trung Quốc phản ứng vô lý chống luật biển của Việt Nam
In bài Gửi mail cho bạn Bổ sung vào blog

Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ các phản ứng của Trung Quốc đối với Luật biển mà các nhà lập pháp Việt Nam mới thông qua và gọi những phản ứng đó là vô lý. Thứ Năm tuần này, ngay trong lần đọc đầu tiên, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật biển, tuyên bố chủ quyền của Hà Nội đối với các quần đảo tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông). Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mời Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đến và gọi việc thông qua Luật biển là động thái "bất hợp pháp và không hợp lệ". Ở đây đang nói về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà Trung Quốc tranh chấp với một số nước trong khu vực. Trung Quốc coi chủ quyền của mình đối với các quần đảo này là chuyện đương nhiên và không thể chối cãi.

Nguồn:  http://vietnamese.ruvr.ru/2012_06_22/78988437/


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...