Cũng là cách lãng quên
Sách vở và website địa phương này đều ghi, thế mạnh Điện Biên Phủ là du lịch. Cụ thể hơn là du lịch văn hóa lịch sử.
Nghe vậy thấy đúng, khỏi cần tranh luận. Nhìn xuôi chiều thì quá rõ là thế rồi. Khó một cái tên nào mang nhiều sức gợi về lịch sử hiện đại đối với đất nước và dân tộc Việt Nam mình như Điện Biên Phủ. Chưa kể non xanh nước biếc vùng Tây Bắc này vô cùng hấp dẫn. Hơn thế nữa, tên tuổi của Điện Biên đã vượt qua biên giới, là danh xưng quen thuộc và nổi tiếng cả quả đất này đã từ hơn nửa thế kỷ qua.
Nhưng điều nghịch lý là khách đến với Điện Biên không nhiều như mong muốn dù có những sự kiện đình đám cũng như những lần “đánh bóng” tên tuổi do nhà nước đổ tiền tổ chức – dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng (1954-1994), hoặc 50 năm (1954-2004). Khách du lịch nội cũng như khách ngoại đều chưa đông đảo nếu như so chúng với quy mô một vùng Tây Bắc rộng lớn tươi đẹp và ý nghĩa của tên tuổi lớn Điện Biên.
Ngay cả trong những trường hợp người ta đến thăm thì thường chỉ tới đây một lần. Khó tìm ra các vị khách vui vẻ quay trở lại nơi đây đến lần thứ hai!
Nguyên nhân không chỉ có một mà từ nhiều căn nguyên nhiều lý lẽ. Tức do nhiều yếu tố tạo thành. Nhưng cái nguyên nhân gốc gác quyết định chính là cách khai thác của sở tại.
Ý kiến cho đến nay thì đã khá rõ. Vừa tại phía từng người dân bản địa gây nên, nhưng phải nói trách nhiệm to lớn hơn cả - và là điều chủ yếu – chính là của chính quyền các cấp tại địa phương.
Bạn hãy thử vào vai một khách thăm, một người “hành hương” bình thường về chiến trường xưa mà xem. Một buổi sáng đẹp trời từ trung tâm thành phố Điện Biên đi Mường Phăng chẳng hạn. Nơi đây theo lịch sử trận đánh ghi lại, cụ Giáp đã “đóng đô” mấy tháng liền ở một quả đồi vùng này để trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Tâm thế người đi thăm một vùng đất anh linh thần thoại như vậy lẽ ra phải trong trẻo thanh thản… Thì hỡi ôi,… bắt gặp ngay những cảnh những chuyện chẳng thể nào mà vui mà nhẹ lòng đi được.
Bởi ngay từ ngôi nhà chờ mua vé vào thăm khu vực mà năm xưa đóng chỉ huy sở cấp cao nhất của chiến dịch hình như lúc nào cũng túc trực cả vài ba chục nhóm người. Họ nghèo khổ đói kém không thì chưa biết, nhưng cái dạng vẻ bên ngoài thì đa phần ăn vận nhếch nhác, hay là cố ý ra như thế! Lại chỉ là trẻ con và nữ giới ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Chắc con trai, đàn ông khó “đánh” vào lòng thương của người đời hơn nên chẳng ló mặt. Trong số người thì ai nấy tay ô dù tay áo mưa (dù trời mưa hay nắng, vì thời tiết nào đội quân này cũng có cách “tấn công” khách để “cho thuê” bằng được các thứ họ mang vác theo). Có em nhỏ còn cầm theo mấy gói lá lẩu, thuốc rừng không biết tác dụng chữa bệnh thực hư nó thế nào, chỉ biết rằng suốt từ lúc đó, dọc đường vào lán ở của đại tướng cho tới các hầm chỉ huy sở tối cao, đến hội trường hoặc bếp “hoàng cầm” và các lán ăn của cán bộ chiến sĩ hồi chiến dịch…, cái đội quân tình nguyện bất đắc dĩ kia cứ lẽo đẽo bám theo du khách... Chúng gắng mời chào rao giảng đủ kiểu. Lại khéo nhặt nhạnh chắp vá từ một vài nguồn truyền khẩu - với một bài bản copy nhau, giọng điệu đều đều vô cảm từ những kiểu cách đọc thuộc lòng chứ thực ra chúng chẳng hiểu mình nói gì ở cái lứa tuổi đó.
Khách nghe mãi thì cũng chán ngắt nhưng lòng thì thương cảm. Bởi đơn giản đó là lời rao lời đọc của các em bé nom tội nghiệp quá! Và khách nào cũng mất hết niềm thích thú được đến thăm một nơi được coi là thánh địa. Mất những niềm hứng khởi và thi vị từ các câu chuyện đã đi vào huyền thoại về vị tổng chỉ huy chiến dịch lịch sử Võ Nguyên Giáp. Các cháu bé, buồn thay, luôn miệng phụ họa với thuyết minh viên về tướng Giáp suốt dọc đường bám khách mà có lẽ mục đích duy nhất là bán cho kỳ được một gói thuốc rừng bố mẹ giao… Nên khách dù chẳng mua thuốc thì cũng kiếm cớ dúi vào bàn tay chúng ít đồng bạc lẻ vì thấy tội nghiệp quá cho lứa tuổi thơ bị sớm ném vào kế sinh nhai.
Tôi nhớ bữa ấy khi trở về nhà chờ cũng cố lân la hỏi một người địa phương đã luống tuổi thì được biết cảnh này diễn ra từ lâu. Theo bà lão thì chính quyền ở đây có những lần nhắc nhở, nhưng qua loa lấy lệ rồi buông xuôi để mặc... Ngay những khách như loại chúng tôi có kêu ca phàn nàn, rồi mất thì giờ tìm người góp ý thì sau đó cũng vẫn đâu vào đấy. “Chẳng ăn nhằm gì đâu” - bà nói nhại theo giọng Nam Bộ, giống “y chang” các vị khách miền Nam lặn lội tới đây từng phàn nàn với bà lão như thế... (Xem thêm các tấm ảnh ở dưới entry này)
Lại kể sang chuyện về các phòng trưng bày ở Điện Biên Phủ. Phải công nhận đó là những nơi lưu giữ hình ảnh, hiện vật quý giá. Ai cũng biết ở Hà Nội, trong bảo tàng lịch sử bảo tàng cách mạng và nhất là bảo tàng quân đội đều lưu giữ những di vật quý này, nhưng di vật trưng bày ở chính nơi diễn ra trận đánh Điện Biên nó có giá trị riêng, nó như “thiêng liêng” và giá trị hơn nhiều… Nhưng đáng tiếc là cách gìn giữ những thứ của cải vô giá đó ở đây còn đơn sơ và có phần cẩu thả quá! Các phòng trưng bày đều không có máy điều hòa, quạt máy cho thoát hơi người hơi núi cũng thiếu. Dưới tác động của khí ẩm nhiệt đới, của sức nóng mùa hè (như hôm chúng tôi tới trời nóng đến 37 độ C), tất cả cái nóng và ẩm mốc đó phỏng các hiện vật và tranh ảnh chịu đựng được bao thời gian sẽ xuống cấp và nguy cơ hủy hoại?
Rồi ở vực sa bàn, nơi bố trí dăm chục chỗ ngồi xem phim minh họa toàn cảnh trận địa thì chỉ có một màn hình của chiếc tivi 32 inch. Hình ảnh âm thanh đều không đạt với một phòng ốc cho dăm chục khách thăm cùng lúc xem và nghe như vậy. Không hiểu sao, một bảo tàng mà không có một cái máy chiếu có màn hình, loa tăng âm tương đối lớn đủ để phục vụ du khách (dù vào bảo tàng có thu tiền qua vé bán cho khách).
Người bạn cùng đi với tôi nói rất khó hiểu với kinh phí một tỉnh lại để một bảo tàng nổi tiếng như Điện Biên Phủ ở tình trạng “thả lỏng” tự quản bằng nguồn tự thu thế này thì sao mà trụ vững và phát triển phục vụ khách du lịch cả nước đến tham quan? Anh còn bảo, một màn hình vô tuyến cỡ này thì một gia đình bây giờ cũng “sở hữu”; còn một phòng ốc có máy điều hòa thì nay đã quá thông thường với dân thành thị rồi … Thế mà những điều đó vẫn không phải là trang thiết bị cho một bảo tàng nổi tiếng như Điện Biên Phủ là sao?! Tiền bạc xứng chi vào những đâu. Đó phải chăng là những điều rất khó hiểu khi khách tới thăm thú nơi đây.
Trước khi kết thúc bài viết này tưởng nên nhắc đến một điểm tham quan nữa mà sự “khó hiểu” còn nhân lên gấp bội. Đó là khu có hệ thống hầm tổng chỉ huy của tướng De Catries.
Không thể hiểu vì những lý do gì, nay các đường phố xung quanh căn hầm nổi tiếng này đã “lấn lướt” mất toàn bộ cái không gian ngắm nhìn một địa điểm đã đi mãi vào lịch sử quân sự Việt Nam và nước Pháp. Bởi nó như một biểu tượng – một bên là hình ảnh chiến thắng; một bên là hình ảnh bại trận. Tuy nhiên dù thắng dù bại thì nó đã là lịch sử. Nó đáng được tuyệt đối tôn trọng và giữ gìn - nhất là “hiện vật vô giá” đó đang thuộc sở hữu người chiến thắng là Việt Nam chúng ta!
Nhưng quá đáng tiếc, do áp lực cuộc sống, ngay sát kề căn hầm De Catries đã là một dãy hàng rào xấu xí bằng dây thép gai, chúng giăng mắc đơn sơ vào các cây cột bê tông trần trụi thô kệch quá.
Người bạn đồng hành của tôi cất tiếng hơi nặng lời, này anh hãy nhìn xem cả khu này nó chẳng khác chi là “cái chuồng bò!”. Quả là thế, hầu như không có một sự gia công nào để tôn cao giá trị cho một địa danh đã đi vào lịch sử. Nó đâu thua kém gì những Waterloo , Stalingrad mà lại để tình trạng một “tổng hành dinh” đối phương đến mức không thể nhìn xấu xí và cẩu thả trong bảo tồn đến như thế này chăng.
Đúng ra địa phương phải nhìn xa trông rộng, có quy hoạch không bán đất nền đô thị sát gần như hiện nay (thoạt trông hiện trạng đã rồi thì đúng là chịu bó tay, khó mà xoay xở sửa chữa lại…). Để trên cơ sở đó có thể tạo lập một điểm đến khang trang đàng hoàng, tương xứng với lịch sử. Nghĩa là có đường xá từ xa đi lại, có cây xanh ghế đá đủ cho người thăm xong ít phút nghỉ ngơi và ngẫm nghĩ... Và khi ấy cái căn hầm “lịch sử” kia của viên tướng nước Pháp bại trận - một mặt là chúng ta nêu cao được sự trân trọng giữ gìn của một bên thắng trận; mặt khác nó càng như nhân lên ý nghĩa của chiến thắng vì sự đối xử “đàng hoàng” tôn trọng đúng mức ngay cả kẻ đã bại trận.
Đằng này với hình ảnh “chuồng bò” dây thép gai chăng sát hầm như lâu nay thì thật nó quá phản cảm! Là người Việt Nam chúng ta thăm còn thấy vậy. Giả sử những công dân của nước Pháp tới đây, họ sẽ nghĩ ngợi thế nào về sự tôn trọng lịch sử, về đất nước và dân tộc chúng ta trước một di sản của cả hai phía đều có dấu ấn ở đây.
Chả thế mà sau khi vượt cả ngàn cây số từ Nam Bộ ra đây thăm Điện Biên Phủ, một nhà văn đã viết trên blog của mình rằng, nhóm bạn bè anh thấy thất vọng vô cùng khi đến thăm căn hầm De Catries của Điện Biên Phủ này. Lại có phần xấu hổ nữa khi chính anh là một học sinh miền Nam tập kết, người bước vào tuổi thất thập đã trót khởi xướng và vận động bạn bè Nam Bộ trong chuyến “về nguồn” Điện Biên của mình.
Như đã viết vài hàng ở một entry trước, sau chuyến đi thăm Điện Biên lần này về nhà tôi thấy lòng mình thiếu sự thanh thản và cũng giảm đi sự thú vị của một chuyến lãng du từ lâu mong đợi. Tôi còn viết rằng, ngoài niềm tự hào về chiến thắng không khỏi thấy trong lòng nỗi buồn về một sự gần như đồng nghĩa với “lãng quên” lịch sử, lãng quên “khu mỏ vàng ròng ĐBP”;… Đúng là hình ảnh các cháu bé lẽo đẽo theo những người khách; hình ảnh một nhà bảo tàng thiếu sự chăm sóc cẩn thận; và hình ảnh căn hầm chỉ huy quân đội Pháp bại trận đang để thời gian chất thêm sự tiều tụy theo nhiều nghĩa… tất cả đã như những vết hằn trong tâm can. Và chúng quái ác bám riết lấy tâm trí tôi, đặt ra trong đầu óc mình bao nhiêu là những dấu hỏi khó hiểu...
Chả lẽ chúng ta thiếu thốn, kém cỏi đến mức không biết tổ chức, không biết khai thác phát huy một mỏ vàng lịch sử đang có trong tay như Điện Biên Phủ?
Cái cách mà Điện Biên đã và đang làm - ít nhất là những điều dễ trông thấy nhất như ba câu chuyện của entry này kể lại - chẳng phải là chúng ta đang có cách đối xử với quá khứ huy hoàng như một cách xa dần nó? Và điều đó phải chăng cũng là cách chúng ta đang lãng quên chính lịch sử oai hùng của chúng ta rồi chăng?!
-------
Những bức ảnh dưới đây đợc chọn ra để minh họa cho bài viết, và người viết thấy không cần chú thích gì thêm...
NV chụp và trình bày trang ảnh này
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét