Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Nỗi "thất vọng" Asean-45

Nỗi "thất vọng" Asean-45


Ngay sau khi Hội nghị ngoại trưởng Asean-45 (AMM-45) kết thúc, anh bạn tôi nhà báo đang tại chức liền gọi điện, tiếng trong máy gấp gáp bức xúc lắm, hỏng rồi hỏng rồi anh ạ, chủ nhà họ “phản thùng”... Cái từ nặng nề trút lên đầu ông Hô Nam Hông người đã làm ngoại trưởng Campuchia nhiều thập kỷ nay.

Tôi bình tĩnh nói lại với người đồng nghiệp, thật ra thì cũng đừng nghĩ đến mức vậy. Là sẽ “tội” cho Ngài ngoại trưởng, một nhân vật dù chưa thuộc hàng samdec nhưng cũng cỡ VIP cao cấp, rất cổ cánh đấy của đất nước này. Có vậy ông mới trụ chức liên tục mấy thập kỷ, một việc đâu có dễ!  Nhưng ông Hô dù rất tín nhiệm già dơ trường đời chính trị nhưng trên đất nước Campuchia thì quyền ông cũng nhỏ xíu thôi - nếu so với các khối quyền lực khủng khác.

Chưa hết, các cấp cao hơn ông Hô từ nhiều năm nay đã theo đuổi một chính sách đối ngoại cân bằng nước lớn (lớn hơn CPC), khôn khéo trong những lặng lẽ nhượng bộ, nhất là trước sức "tấn công" bền bỉ và mạnh mẽ của láng giềng phương Bắc ở xa... Chỉ vì tế nhị, kẹt cứng những thứ gọi là nghĩa tình mà họ đã không nói ra công khai được với người bạn láng giềng phương đông VN sát cạnh. Ngay cả họ biết "ta biết cả" chăng nữa thì họ cũng chẳng hé lời.   

Còn phải nói thêm là ở bên kia, cái nước rất lớn đã tung ra lắm chiêu trò, trong đó có tiền bạc quyền lợi. Tất cả đưa đến cho một bên là nước nhỏ và nghèo thì đâu khó gì thực hiện. Và "chinh phục" được nhau cũng là điều hiểu được. Vậy nay là lúc bên nhận phải trả khi bên cho đòi. Thói đời là vậy, ở đời không ai cho không ai cái gì bao giờ. Nhất là ở cấp quan hệ giữa quốc gia với nhau luôn tồn tại nguyên tắc "có đi có lại" (principe de la réciprocité).

Nói thế không có nghĩa là bên Phnom Penh họ bỏ qua hết nghĩa sâu tình nặng đối với người anh em, người bạn rất tốt bên phía đông. Họ nhớ họ ghi nhưng vì thực dụng, họ phải lựa chọn và có quyết định trên/và vì "quyền lợi dân tộc trên hết" của họ. Lại trong bối cảnh cái anh Bắc phương kia bao giờ cũng thế, thâm hiểm và chúa trò xía ngang lôi kéo đánh tỉa chia rẽ nội bộ nước khác. Nên bên ấy họ chừng nào chao đảo ngả nghiêng…

Nói đến đấy anh bạn tôi nguôi nguôi, chà lên một tiếng rõ dài. "Chính trị chính trị! Đểu, đểu thật!", anh còn tiếp, "hiểu, hiểu"...


 Asean và nhất là Việt Nam và Campucha nữa, chớ bị đẩy vào hoàn cảnh này!

(Ảnh chỉ mang tính minh họa, không định một hàm ý xấu nào)

Nhân câu chuyện trao đổi nên từ hôm qua đến giờ chủ blog tôi đã cố tập hợp các bài vở tin tức xung quanh “sự kiện” Nông Pênh. Của đủ các hãng tây - ta. Cũng là nhân đó để biết sâu về một câu chuyện của khối Asean chúng ta, nhất là phiên 45 năm 2102 này ở cấp họp ngoại trưởng khối. 45 lần họp của một tổ chức khu vực nhưng "bài học" của từng phiên thì đừng bao giờ vội vã lướt qua vì xem là đã cũ...    

Kỳ họp "thất bại/thất vọng" này thấy ấn tượng nhất là câu nói của bộ trưởng VN Phạm Bình Minh mà báo chí dẫn: “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để có một tuyên bố chung, vì thế rất là thất vọng.” (qua dịch thuật của “BBC tiếng Việt” vì ông Minh nói câu trên bằng tiếng Anh).

Trong ngoại giao ngôn từ cân nhắc lắm. Khi nói đến những từ tiếc, lấy làm tiếc, thất vọng, rất là thất vọng là đủ nói lên các cung bậc của sự thất bại trong thương lượng, thảo luận, trao đổi ngoại giao. Chứ thông thường người ta cố làm nhẹ đi, vuốt cho trơn các khúc mắc sau một giai đoạn thương thảo dù có bất đồng. Nghĩa là gắng hết sức “giữ cầu”, rồi có cơ họp lại gặp lại. Ngoại giao luôn thế, là thứ "nghệ thuật" xử trí lòng kiên trì và bền bỉ. Sự tránh làm mất mặt đối thủ, đối tác luôn được coi ưu tiên hàng đầu của các nhà ngoại giao tài giỏi… Ở đây mức độ mà vị bộ trưởng Việt Nam nói ra – nếu đúng như BBC dẫn – thì đã ở một mức độ cao, mức buộc phải nói ra dù "cực chẳng đã". Không khó để phán đoán là có “đổ vỡ” một niềm tin cậy nào đó trong một số nước Asean với nhau trong kỳ họp này.

Để khách quan và có cái nhìn toàn diện hơn, xin đưa lại đây nhận định của một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế độc lập và dày dạn kinh nghiệm, Giáo sư Carl Thayer đã nói: «Cam Bốt đóng vai trò như là chư hầu của Trung Quốc. Điều này làm cho các cuộc đàm phán khó khăn hơn. Tôi khó có thể tưởng tượng ra được là các bộ trưởng đạt được một công thức nào đó làm hài lòng tất cả các bên».

Còn đây là một nhận định khác của giới quan sát phương Tây: Có thể đánh giá kết quả Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần này tại Phnom Penh theo cách nhìn «cốc nước nửa đầy nửa vơi».

Dưới đây chủ blog tôi xin đưa về các trang báo mạng nói về Hội nghị ngoại trưởng Asean - 45 đáng nhớ tại Nông Pênh, một sự “đáng nhớ buồn” chứ không phấn chấn phấn khởi gì. (Xem 3 bài đặt phía dưới Entry này) .

Qua các bài này, nó không chỉ còn là “báo hiệu” mà đã “chứng tỏ” một sự rạn nứt xem chiều khó sửa chữa trong nội khối nếu như cái nước khổng lồ phướng Bắc liên tục khoét sâu vào những đặc điểm từng quốc gia. Và họ biết cách đánh tỉa, vẫn cái chiêu bài "cái gậy và củ cà-rốt" mà thực dân đế quốc từng làm với từng nước. Cái kiểu đàm phán thương lượng (nếu có bất đồng) chỉ theo cách song phương chứ không đa phương, thì trước sau Asean còn là lúng túng chống đỡ, đối phó chết mệt với cái nước rất lớn kia...

Vậy nên câu nói của Phu-xich dù trôi qua rất lâu trong trường hợp này nhắc lại không thừa. Chỉ cần thay bằng “Asean, hãy cảnh giác!”, giờ đây nói ra có thể đã muộn, nhưng nói vẫn hơn không nói. 

Vệ Nhi g-th

-----


ASEAN bất đồng về Biển Đông
- Lần đầu tiên trong 45 năm, hội nghị cấp bộ trưởng của ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung; Tàu chiến Trung Quốc mắc cạn trên Biển Đông... là các tin nóng đáng chú ý trong ngày.

Theo hãng tin AP, hôm 13/7, các nhà ngoại giao khối ASEAN đã không đạt được tiếng nói chung về việc giải quyết thế nào vấn đề tranh chấp lãnh thổ đang gay gắt với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong 45 năm qua, mộ hội nghị cấp bộ trưởng khu vực không ra được tuyên bố chung.

Việc không đưa ra được tuyên bố chung sau hội nghị ngoại trưởng ASEAN (AMM-45) cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa 10 thành viên của khối trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nhiều dầu mỏ giữa 4 thành viên của khối với Trung Quốc, Đài Loan, AP bình luận.

Theo lời Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, Philippines, Việt Nam muốn đưa ra tuyên bố chung trong đó có nội dung liên quan tới những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh chủ quyền bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong tại hội nghị hôm 13/7/2012
(Ảnh: Getty)

Tuy nhiên đề xuất trên đã bị phía nước chủ nhà Campuchia phản đối. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra một thông cáo phản đối Campuchia vì đã "liên tục phản đối bất cứ trao đổi nào về bãi cạn tranh chấp Scarborough" và cho biết không thể đưa ra một tuyên bố chung.

Philippines cũng phản đối tuyên bố của Chủ tịch AMM-45 cho rằng “lần đầu tiên ASEAN không ra được tuyên bố chung vì xung đột song phương giữa một số thành viên ASEAN với một nước láng giềng”. Manila khẳng định giữ vững quan điểm tranh chấp ở Biển Đông là xung đột đa phương.

Về phía Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Hor Namhong nói rằng, chính phủ của ông không ủng hộ bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp này. Theo ông, hội nghị các ngoại trưởng của khối ASEAN "không phải là một phiên tòa, hay là nơi để đưa ra một phán quyết về tranh chấp".

"Tôi đã đề nghị rằng chúng tôi sẽ đưa ra một bản tuyên bố chung mà không bao gồm nội dung về tranh chấp trên Biển Đông... nhưng một số nước thành viên vẫn khăng khăng đòi đưa vào vấn đề liên quan tới bãi cạn Scarborough", Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong trả lời với giới báo chí.

Cũng liên quan tới Biển Đông, tờ China Daily cho biết, khoảng 30 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, hôm 12/7 đã xuất phát từ cảng Tam Á đến ngư trường Trường Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên các tàu cá Trung Quốc ra quân rầm rộ theo một đội hình được tổ chức chặt chẽ.

Nguồn:http://vietnamnet.vn/vn/quoc-te/80553/the-gioi-24h--asean-bat-dong-ve-bien-dong.html

------

Bài trên BBC


Việt Nam "thất vọng vì không có tuyên bố chung"

14/07/2012


Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ sự thất vọng sau khi ASEAN không thể đưa ra tuyên bố chung vì mâu thuẫn quanh vấn đề Biển Đông.



Nói với các phóng viên bằng tiếng Anh, ông Phạm Bình Minh cho hay: “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để có một tuyên bố chung, vì thế rất là thất vọng”.

Đây là lần đầu tiên trong 45 năm của ASEAN mà một hội nghị Bộ trưởng không có thông cáo chung.

Ảnh: Bộ trưởng ngoại giao VN Phạm Bình Minh mà bài viết  BBC đưa lên như muốn minh họa "nỗi thất vọng" của ông 


Phê phán chủ nhà

Philippines công khai phê phán nước chủ nhà Campuchia về bế tắc ngoại giao chưa từng có.

Thông cáo của Philippines nói “nhiều nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN ủng hộ lập trường của Philippines rằng vấn đề Bãi cạn Scarborough đã được thảo luận ở cuộc họp Bộ trưởng thì cần được phản ánh trong Tuyên bố chung”.

“Nhưng Chủ nhà liên tục phản đối mọi đề cập đến Bãi cạn Scarborough trong Tuyên bố chung”, Bộ Ngoại giao Philippines nói.

Phản bác lại, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong nói không có chuyện nước ông bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.

“Tôi yêu cầu chúng tôi đưa ra tuyên bố chung mà không nhắc đến tranh chấp Biển Nam Trung Hoa”.

“Nhưng một số nước thành viên liên tục đòi đưa vấn đề Bãi cạn Scarborough”.

“Tôi nói với các vị tương nhiệm rằng cuộc gặp của Ngoại trưởng ASEAN không phải là tòa án, hay một nơi phán quyết về tranh chấp”, ông tuyên bố.

Giới chỉ trích cáo buộc Campuchia ngả về phía Trung Quốc, nước đã dành nhiều viện trợ cho Phnom Penh.

Nhưng Ngoại trưởng Hor Namhong khẳng định: “Chúng tôi không theo nước nào trong xung đột song phương”.

                      Ngoại trưởng nước chủ nhà gặp ngoại trưởng Trung Quốc

Trong khi đó, Philippines bác bỏ lập luận rằng tranh chấp mang tính song phương.

Bộ Ngoại giao nước này nói tranh chấp ở Biển Đông, mà họ gọi là Biển Tây Philippines, “không phải là xung đột song phương với một láng giềng phương Bắc mà là đa phương, và vì thế cần được giải quyết theo cách đa phương”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa bày tỏ ý kiến chính thức về chủ nhà Campuchia và có lẽ sẽ không bao giờ làm động tác này.

Tuy vậy, bản tin của Thông tấn xã Việt Nam đánh đi từ Phnom Penh nói: “Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong từ chối nêu tên nước đã có ý kiến không đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, trong khi tin tức hành lang cho biết Philippines và Việt Nam đã đề cập mạnh mẽ vấn đề này tại hội nghị”.

"Đây là lúc ASEAN cần được xem là hành động như một khối. Tôi thấy khó hiểu, và rất thất vọng". Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phát biểu như vậy.

“Phía Campuchia cũng rò rỉ tin tức cho một số hãng thông tấn rằng Philippines và Việt Nam đã ‘ép’ Campuchia trong việc ra Tuyên bố chung đề cập đến tranh chấp trên Biển Đông”, bản tin của Việt Nam viết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa từ chối bình luận có phải Campuchia đang hỗ trợ Trung Quốc hay không.

Nhưng ông bày tỏ thất vọng: “Mỗi khi có vấn đề, đó là lúc chúng ta cần tăng cường nỗ lực, chứ không phải là bế tắc”.

“Đây là lúc ASEAN cần được xem là hành động như một khối. Tôi thấy khó hiểu, và rất thất vọng”, ông nói.

Còn Tổng Thư ký ASEAN, Surin Pitsuwan, cố gắng giảm nhẹ căng thẳng, gọi đây chỉ là “trục trặc nhỏ”.

“Chúng tôi tưởng có thể có lập trường thống nhất về mọi thứ. Đó là mong chờ, đó là hy vọng thôi”, ông phát biểu, và nói thêm rằng sẽ vẫn có nỗ lực tiếp tục tìm đồng thuận.

Phát biểu vào tối thứ Năm ở Phnom Penh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mô tả bà đã có một ngày làm việc “căng thẳng” nhưng nhìn nó như một điều tích cực.

Bà nói ít nhất các nước ASEAN nay công khai bày tỏ bất đồng, sau nhiều năm mà theo các phân tích gia là đã tránh né các vấn đề tranh cãi.

“Đó là dấu hiệu trưởng thành của ASEAN khi họ tranh luận một số vấn đề rất hóc búa. Họ không tránh né”, bà nói.

Nguồn: bbc.co.uk --->>>
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/07/120713_asean_reax.shtml

------


Bài trên RFA


ASEAN bế tắc, vì đâu?

Việt-Long, RFA

2012-07-13

Vốn liếng các bên đặt vào biển Đông ngày càng tăng cao khi Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược trở lại châu Á, nhờ đó Philippines và Việt Nam chọn lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Thế nhưng...

"Đơn giản thôi: Trung Quốc đã mua đứt!"



Ý đồ chiếm hết "đường lưỡi bò" thì sao có được những tuyên bố chung Asean-45 và COC nữa...


Hội nghị ngoại trưởng khối ASEAN lần thứ 45 đã kết thúc trong không khí chia rẽ gay gắt khi chạm đến vai trò của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược Nam Trung hoa, mà Bắc Kinh đã xác định.

Các ngoại trưởng đã không thể đồng thuận về bản tuyên bố chung. Và lần đầu tiên từ 45 năm nay, hội nghị đã không đạt được một văn bản kết thúc.



Sự chia rẽ trong 10 quốc gia thành viên ASEAN xảy tới sau một loạt sự kiện đụng chạm trên biển Đông liên quan đến tàu bè của Trung Quốc trong vùng biển giàu tiềm năng nhiên liệu, gây nguy cơ chiến tranh.

Philippines tuyên bố lầy làm tiếc về sự thất bại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á khi xử lý vấn đề xung khắc ngày càng tệ hại đó.

Manila chỉ trích Phnom Penh, một đồng minh thân cận của Trung Quốc, về cách hành xử đối với vấn đề biển Đông với cương vị của Cambodia là nước chủ tịch thường niên của khối ASEAN, trong suốt hội nghị ngoại trưởng tuần qua.

Biển Đông đã trở nên khu vực nóng bỏng nhất tại châu Á, với nguy cơ bùng nổ chiến tranh, chỉ vì Bắc Kinh giành chủ quyền bằng đường Lưỡi Bò khoanh chiếm gần trọn biển Đông.

Vốn liếng các bên bỏ vào nơi này đã tăng cao khi Hoa Kỳ chuyển trục chiến lược trở lại châu Á, nhờ đó mà đồng minh Philippines và cựu thù Việt Nam của Mỹ chọn lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.



Sự chia rẽ của khối ASEAN lần này là một điềm gở cho một khối liên kết muốn hình thành một cộng đồng kinh tế khu vực vào năm 2015, tương tự Liên Minh châu Âu. Khối kinh tế ASEAN trong tương lai sẽ hạ giảm các hàng rào thuế quan, lao động và thị trường tài chính, để cạnh tranh với Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao không muốn nêu tên tiết lộ với báo New York Times về lý do không hình thành được tuyên bố chung:

”Rất đơn giản, chỉ là Trung Quốc đã mua đứt chiếc ghế, vậy thôi”.

Nhà ngoại giao chỉ một bài báo của Tân Hoa Xã hôm thứ năm loan tin Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết-Trì cám ơn Thủ tướng Cambodia Hun Xen đã ủng hộ những quyền lợi thiết yếu của Bắc Kinh.

Nhà ngoại giao ẩn danh cũng cho biết Việt Nam và Philippines đã tỏ ra sẵn sàng thoả hiệp với ý kiến của Cambodia về bản tuyên bố chung. Rồi hai ngoại trưởng Singapore và Indonesia nói thêm vào để thuyết phục bộ trưởng Hor Namhong, nhưng ông này từ chối, nói rằng vấn đề nguyên tắc là Hiệp hội không thể chọn bên nào trong các cuộc tranh chấp song phương. Ông ta gom lại giấy tờ và đùng đùng bước ra khỏi phòng họp!

Đến ngoại trưởng Trung Quốc nếu có ở đó cũng sẽ hành xử hệt như vậy và cũng chỉ làm đến như vậy là cùng!

Vai trò của Washington được minh định

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ, rõ ràng nhắm vào Trung Quốc, khi bà nói cuộc xung khắc ở biển Đông cần được giải quyết không áp chế, không bức hiếp, không đe doạ và không sử dụng võ lực.

Ảnh hưởng của Trung Quốc, do ngoại trưởng họ Dương đại diện, đã thể hiện rõ ở sau hậu trường của những tính toán về biển Đông, trên nhiều khía cạnh, đã chia rẽ những nước chịu ơn Bắc Kinh với những nước đối đầu với Bắc Kinh.

Cambodia là nước nhận viện trợ lớn lao của Trung Quốc, kể cả viện trợ quân sự mới mấy tháng nay.

Indonesia là quốc gia không giành chủ quyền ở biển Đông, đã cố gắng tạo một văn bản hoà hợp để được đồng thuận vào phút chót, nhưng cũng không thành công.

Ngoại trưởng Marty Natalegawa ca ngợi ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tỏ ra quan tâm mà vẫn dành cơ hội cho các bên nỗ lực đạt thoả thuận.

Vào lúc mà một bên là Hoa Kỳ với thế lực áp đảo về hải quân xưa nay, bên kia là Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, cả hai cùng tìm cách tăng cường lực lượng hải quân, cuộc tranh chấp trở nên đáng sợ hơn.

Trung Quốc nhắc đi nhắc lại với giới ngoại giao Hoa Kỳ rằng biển Đông giàu tiềm năng nhiên liệu không dính dáng gì tới nước Mỹ.

Nhưng chính quyền Obama cũng nhiều lần nói rất rõ rằng quyền tự do lưu thông hàng hải đang lâm nguy ở nơi thuỷ lộ giao thương quan trọng nhất trên thế giới.

Thêm vào đó, Ngoại trưởng Hillary Clinton xác định với báo chí, không thể nào rõ hơn, rằng “Hoa Kỳ là một cường quốc thường trú của Thái Bình Dương”. Ngụ ý của bà Ngoại trưởng với Trung Quốc cùng các nước Đông Nam Á là nước Mỹ không những vẫn duy trì sự hiện diện mà còn gia tăng hiện diện ở nơi này.

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố:”Chúng ta từng thấy những trường hợp đáng lo ngại của sự áp chế về kinh tế, sự sử dụng sức mạnh quân sự có vấn đề, và tàu bè của Nhà nước liên can vào những tranh chấp giữa các ngư dân” Sự áp chế về kinh tế ngụ ý nói đến việc Bắc Kinh quyết định ngưng nhập khẩu chuối và hạn chế du khách đến Philippines, gây cho xứ này thiệt hại tài chính đáng kể.

Bắc Kinh thắng một nước cờ

Trung Quốc đã minh định rằng chỉ giải quyết tranh chấp ở biển Đông với từng quốc gia liên quan, không qua một diễn đàn khu vực. Lập trường đó đã đóng khung cho nội dung tổng quát của bản quy tắc ứng xử trên biển Đông mà Bắc Kinh đồng ý bản thảo với các quốc gia ASEAN trong tương lai.

Và Bắc Kinh có vẻ đã thành công đối với Philippines và Việt Nam để chia ASEAN thành từng cây đũa, khi khối ASEAN không kết hợp được thành một thực thể pháp nhân để đối đầu với Trung Quốc, theo đúng ý Bắc Kinh xếp đặt từ lâu, trước cả lúc viện trợ ồ ạt cho Phnom Penh.

Giới ngoại giao châu Á hôm thứ năm cho biết những yếu tố chính của bản dự thảo bản quy tắc ứng xử mà Hoa Kỳ đã thúc giục khối ASEAN chấp nhận, đã được đồng ý trong buổi họp trong tuần. Những nhà ngoại giao này không chịu tiết lộ nội dung chi tiết của dụ thảo văn bản.

Chuyến đi một vòng Đông Nam Á của ngoại trưởng Clinton tuần qua là để chứng tỏ việc chuyển trục chiến lược của Washington sang châu Á còn nhắm tới những mục tiêu xa hơn lãnh vực quân sự.

Chuyến công du này bị báo chí Hoa lục chỉ trích. Nhân dân Nhật báo hôm thứ năm cho rằng Hiệp ước Mậu dịch Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, TPP, mà Hoa Kỳ đang hình thành với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương và gạt Trung Quốc ra ngoài, là một nỗ lực làm suy yếu sự hội nhập của châu Á.

Báo “Tin tức kinh doanh Trung Quốc”, China Business News, nhắc đến “những kẻ thổi phồng đề tài biển Nam Trung Hoa”, ám chỉ Hoa Kỳ.

Hội nghị ở Phnom Penh được tổ chức tại một toà nhà hội nghị có những cây cột trắng ngoạn mục, do Trung Quốc kiến tạo cho vòng hội nghị này.

Ở nơi này, khi được hỏi về việc Hoa Kỳ trợ giúp Cambodia, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhắc đến sự khác biệt giữa hai đường lối viện trợ của Hoa Kỳ và của Trung Quốc. Bà nói:

”Chúng ta không nhắm đến những toà nhà lớn” và bà cho biết viện trợ của Hoa Kỳ nhằm nuôi sống những người cần được nuôi sống, bảo đảm sự sống còn của phụ nữ phải sinh nở, và gắng cải thiện cuộc sống của mọi người, nhất là cuộc sống của các thiếu nhi.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/south-china-sea-meeting-ends-in-stalemate-07132012163031.html

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...