Tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ
Thưa ông, được biết ông đã lưu giữ tư liệu quan trọng này
hơn 30 năm qua, nhưng sao cho đến nay mới quyết định trao tặng nó cho Bảo tàng
Lịch sử Việt Nam?
TS Mai Hồng: Cách đây nhiều chục năm, khi
còn công tác tại Viện Hán Nôm, tôi đã mua lại tấm bản đồ này từ một người chuyên
thu mua sách cổ. Tấm bản đồ này trải ra rộng như một manh chiếu, được gấp vào
như một quyển sách gồm 35 tờ A4, bìa cứng, đằng sau có dán vải bồi rất công phu
và in màu bằng công nghệ của phương Tây. Biết đây là tư liệu quý nên ngay lập
tức tôi đã cất giữ nó. Dẫu vậy, cũng có những lúc tôi quên mất là mình đang có
nó. Chỉ đến khi những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông diễn ra gay gắt thì
tôi đã quyết định mang đến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, với mong muốn
chúng ta có thêm nguồn sử liệu khẳng định việc Trung Quốc đòi Hoàng Sa và Trường
Sa là vô căn cứ. Tôi nhận thấy tấm bản đồ này có thể trở thành một trong những
tư liệu quý giá bậc nhất cho Việt Nam trong quá trình đàm phán với các nước về
chủ quyền trên Biển Đông.
Thưa ông, tấm bản đồ mà ông vừa hiến tặng Bảo tàng Lịch
sử Việt Nam đã được các chuyên gia sử học đánh giá là một bằng chứng rất quan
trọng, góp phần chấm dứt những những tranh chấp về chủ quyền trên Biển
Đông?
TS Mai Hồng: Phải khẳng định đây là tấm bản
đồ không chỉ có giá trị về mặt khoa học lịch sử mà còn có giá trị pháp lý quan
trọng. Nó là một công trình nghiêm túc, công phu, đồ sộ, trải qua một chiều dài
lịch sử ngót nghét 2 thế kỷ do vua Khang Hy chỉ đạo biên soạn xây dựng.
Nó được khởi thảo từ năm 1708, năm Mậu Tý Khang Hi 47 (1708).
Vua Khang Hi tuyển 3 giáo sĩ phương Tây giỏi nhất là Lợi Mã Đậu (Matteo Bicci),
Thang Nhược Vọng (Joannes Adam Schall Von Bell.), Nam Hoài Nhân (Ferdinandus
Verbiest) để làm một tấm Vạn lý thành đồ. Đến năm 1710, tấm bản đồ này hoàn
thành. Vào năm 1711, vua lại sai các giáo sĩ đi tới khắp 13 tỉnh để đo đạc thực
địa, đất đai. Từ đấy, trong gần 200 năm, các nhân sĩ Trung Hoa và phương Tây sưu
tập khảo cứu các dư đồ Trung Quốc, gia cố bồi tập thêm từ các nguyên cảo của các
giáo sĩ đã soạn thảo trước đây. Đến năm 1904, Sái Thượng Chất, Giám đốc một Đài
Thiên văn ở Dư Sơn Sái Thượng lại được giao đọc duyệt tất những nguyên cảo bản
đồ của các giáo sỹ trước đây. Và cũng trong năm 1904 NXB Thượng Hải chính thức
xuất bản tấm bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh với lời
giới thiệu của chủ biên Sái Thượng Chất.
Tiến sĩ Mai Hồng trả lời truyền thông báo chí - Ảnh: Quốc Anh
Vậy xin ông nói rõ hơn về nội dung của những văn tự Hán
cổ được ghi trên tấm bản đồ đó mà ông đã dịch được?.
TS Mai Hồng: Tôi đã dịch toàn bộ những nội
dung chữ Hán cổ trên đó. Có thể thấy ngay bản thân chữ "toàn đồ” (chứ không phải
là "bản đồ”) đã khẳng định tất cả những gì được vẽ trong Hoàng Triều trực tỉnh
địa dư toàn đồ là chủ quyền của Trung Quốc, rằng đất đai của Trung Quốc chỉ dừng
lại ở đảo Hải Nam, không có Hoàng Sa, Trường Sa. Sái Thượng Chất đã viết trong
lời dẫn có đoạn rằng: "…Duy về cương vực của các thôn ấp quận huyện ở các tỉnh
đã có thay đổi đôi chút, cho nên xem chỗ nào thiếu thì bổ sung, chỗ nào nhầm lẫn
thì đính chính sửa sang, làm bớt sai suyễn và làm sáng sủa hơn lên để khi nhìn
vào đó thấy rõ ràng như nhìn vào lòng bàn tay, tại các cửa biển ở các miền diên
hải đều phỏng họa các đường thủy tầu thuyền ra khơi vào cảng. Tự hỏi nếu mắc một
lỗi thì sẽ lấy gì đề bù đắp đầy đủ cho cách nhìn của vạn con mắt? Nhưng nếu có
tri thức tất sẽ nói được lời nói gồm chung thiện ý với mọi người.” Toàn văn lời
giới thiệu bằng chữ Hán cổ khẳng định mục đích của người Trung Quốc khi khi họ
làm tấm bản đồ này không phải để tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác,
không có biểu hiện chiếm hữu các đảo mà chỉ là việc đại quát về địa dư.
Cùng với những lời giới thiệu ấy, trên tấm bản đồ này có hiển
thị một phần lãnh thổ phía Bắc của Việt Nam với cái tên Việt Nam Đông Kinh cùng
với vịnh Bắc Bộ dưới cái tên vịnh Đông Kinh. Như vậy, người Trung Quốc khẳng
định vịnh Bắc Bộ là của Việt Nam.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta vẫn còn rất
nhiều những tấm bản đồ khẳng định Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa chưa
được công bố rộng rãi. Vậy làm thế nào để phát huy được giá trị của Hoàng triều
trực tỉnh địa dư toàn đồ sau khi nó được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử, và
những tư liệu quý tương tự đang còn đang tồn tại ở đâu đó?
TS Mai Hồng: Tôi thấy thế này, chúng ta đang
đặt ra vấn đề sự cần thiết và tính thời đại của việc ban hành Luật Biển, vì thế
không chỉ trưng bày Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ tại Bảo tàng Lịch sử
Việt Nam mà Việt Nam cần phải công bố một cách rộng rãi, quy mô hơn nữa tấm bản
đồ này cho đông đảo người dân trong nước và thế giới biết đến.
Tôi cũng đang trăn trở thế này, mấy ngày qua, báo chí đưa tin
nhiều về tấm bản đồ này, đó cũng là một điều rất tốt, nhưng giá như cả Đài
Truyền hình Việt Nam cũng vào cuộc, thậm chí là phải vào cuộc sớm nhất để phát
lên sóng hình thì cơ hội để thế giới biết đến tấm bản đồ này sẽ nhiều hơn.
Như đã khẳng định, Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là
một công trình nghiêm túc, đầy đủ tính pháp lý, nên về lâu dài chúng ta cần phải
đưa vào SGK Lịch sử giảng dạy để những thế hệ sau này hiểu rõ hơn về chủ quyền
của Việt Nam và của các quốc gia khác trên Biển Đông.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hương Lê (thực hiện)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét