Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Biển Đông: Cách nhìn còn khác nhau về "thiện chí"


Biển Đông: Cách nhìn còn khác nhau về "thiện chí"

Bài phỏng vấn ông Phạm Nguyên Long về cái nhìn và đối sách cho Biển Đông đang nóng trên dư luận mạng. Chung quy ở chữ “thiện chí” mà ông dùng và được nhấn mạnh ở cuối buổi phỏng vấn khi cho đó là cách xử sự khôn ngoan của Việt Nam trước sự gây hấn của TQ hiện nay.

Về cái tít cho entry này của chủ blog tôi (và nếu cần "giải trình" cho rõ cái nghĩa lý của nó) thì sẽ phải là: Có những cách nhìn còn khác nhau trong giới nghiên cứu, giới học giả Việt Nam về thái độ thiện chí của Việt Nam đối với việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Nên nhớ là khái niệm "thiện chí" này cũng thể hiện một cách chính thức trong quan điểm và lập trường của Nhà nước Việt Nam trước vấn đề Biển Đông mà những người có trách nhiệm các cấp ở nước ta vẫn thường phát ngôn trước công chúng..

Đến đây tưởng cũng cần nói thêm, đã là “thiện chí” thì về ngữ nghĩa chỉ là một, và đương nhiên đi hiểu khác thế nào được!? Nhưng đây là “cách nhìn” đối với sự thiện chí ấy thì đúng là “sẽ tùy thuộc” rất nhiều, nếu không nói là quyết định, vào từng chủ thể (là con người với đầy đủ nhận thức chỗ đứng quan điểm lập trường... của nó).

Với ý nghĩa này thì bài phỏng vấn ông Phạm Nguyên Long đăng trên báo Giáo dục Việt Nam và bài viết của tác giả ký tên Hoàng Ninh ngay sau đó “phản pháo” lại những luận điểm cơ bản xung quanh 2 từ “thiện chí” mà ông Long nhấn mạnh vào thái độ của Việt Nam hiện nay trước Trung Quốc. Đây thực là điều rất đáng quan tâm của nhiều người Việt chúng ta đối với tình hình hiện nay của đất nước.

Để rộng đường dư luận, blog tôi đưa lại nguyên văn 2 bài viết nối trên (dù hơi dài) để bạn đọc tham khảo.

Vệ Nhi


* Ảnh minh họa cho 2 bài dưới đây do chủ blog tôi sưu tầm và chọn.

-------

Bài phỏng phỏng vấn ông Phạm Nguyên Long (đăng trên mạng Giáo dục VN, gồm 3 phần)

P. 1

Biển Đông: "Việt Nam cần bình tĩnh, tránh sa vào bẫy của Trung Quốc"

Thứ ba 14/08/2012 06:47





(GDVN) - “Sự xuất hiện các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á dẫn đến thế ràng buộc nên dù có căng thẳng đến đâu nhưng cũng không thể xảy ra chiến tranh tại đây”.



Là người nhiều năm nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á nên ông biết rất rõ những tác động của Trung Quốc tới khu vực này. Hơn thế nữa, ông còn rất am hiểu Trung Quốc. Ông là Phạm Nguyên Long – nguyên là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á – Viện Khoa học xã hội Việt Nam.



Đông Nam Á – một khu vực đa cực đang hình thành


PV: Thưa ông, trước những hành động gây hấn và leo thang căng thẳng vừa qua của Trung Quốc, Việt Nam nên xử sự như thế nào để vừa giữ được chủ quyền đất nước, vừa giữ được hòa khí với Trung Quốc để có thời gian phát triển đất nước?


Ông Phạm Nguyên Long: Việt Nam đang cố gắng thể hiện thiện chí với Trung Quốc. Một điều hết sức quan trọng ở Đông Nam Á là các cường quốc đều xuất hiện tại đây.

Từ năm 2009 đến nay, sự gây hấn của Trung Quốc đã tạo nên một tình hình mới đó là các cường quốc như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Úc… đều hiện diện trong khu vực này có thể từng bước hình thành đa cực. Thế giới trong giai đoạn hiện nay, khi chủ nghĩa thực dân cũ giải thể, chủ nghĩa thực dân mới đã suy tàn, ngay Mỹ cũng không thể trụ lại lâu dài tại Iraq, Afghanistan.

Thời đại này không cho phép các nước lớn “uy hiếp các nước nhỏ” như vậy nhưng Trung Quốc đã làm một việc ngược lại với thời đại. Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rồi dựng lên ở đó một chính quyền, thực chất xung quanh đảo Phú Lâm chỉ có những đảo chìm, khiến thế giới “thấy lạ”.

Chúng ta thể hiện chính nghĩa. Mình đúng, mình chính nghĩa trong khi đó Trung Quốc là kẻ đi gây hấn một cách ngang ngược. Và chính vì thế, ta mới có được sự ủng hộ của những lực lượng tiến bộ và không chỉ các nước bất đồng với Trung Quốc về Biển Đông như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… mà ngay cả những học giả chân chính của Trung Quốc khi nghiên cứu về Biển Đông cũng phê phán những hành động “vô lý” của Trung Quốc.



PV: Ông có thể nói rõ hơn về sự tác động tới cục diện khu vực Biển Đông từ sự xuất hiện của các cường quốc trên thế giới tại đây?


Ông Phạm Nguyên Long: Thời gian vừa qua liên kết giữa Ấn Độ và Nhật là rất chặt chẽ. Tại sao lại có chuyện như vậy? Ở đây, Mỹ đang cố gắng biến khu vực châu Á – Thái Bình Dương thành khu vực đa cực với vai trò là nước cân bằng các đa cực đó để rồi vượt lên trên đa cực ấy. Dư luận các nước cũng đã nói lên điều này.

Chính điều ấy đã khiến Trung Quốc rất lúng túng và thấy rằng một số nước trong khu vực dù có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về kinh tế song ngày càng thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ. Nhất là hiện nay, Mỹ đang củng cố liên kết với các đồng minh của mình như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Philippin…


Sức mạnh của Mỹ được thể hiện không chỉ sự liên kết chặt chẽ với các nước đồng minh mà còn từng bước tập hợp các đối tác ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đó là sức mạnh tập hợp đa số, đa phương và linh hoạt của Mỹ. Trong khi đó Trung Quốc không có đồng minh nào vững chãi tại khu vực này, kể cả Triều Tiên, còn Pakistan thì cũng rất thân với Mỹ… Do đó, Trung Quốc một mặt uy hiếp các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc song lại rất ngại các nước này ngả dần về phía Mỹ.


PV: Nhiều chuyên gia, thậm chí ngay trong chính giới nước ngoài cũng đang "chuẩn bị" cho một kịch bản xung đột quân sự tại khu vực. Ông có lo ngại cho khả năng này xảy ra không thưa ông?

Ông Phạm Nguyên Long: Sự xuất hiện các nước lớn tại khu vực Đông Nam Á dẫn đến thế đan xen lợi ích và bất đồng giữa các nước lớn. Cũng như ASEAN muốn xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập nên dù có căng thẳng đến đâu nhưng cũng khó xảy ra chiến tranh vì Biển Đông có đường lãnh hải quốc tế.

Một khi xảy ra chiến tranh sẽ dẫn đến tác hại to lớn cho nền kinh tế của các nước Châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy tất cả đều “gầm gè” nhau nhưng nước nào nổ súng trước thì sẽ bị lên án mạnh mẽ và sẽ trở thành đối đầu với nhiều nước.





Trung Quốc cũng hiểu điều đó và những hành động vừa qua tại Biển Đông chỉ là giễu võ giương oai. Việt Nam tán thành hòa bình, Trung Quốc có những hành động gây hấn nhưng chúng ta vẫn phải giữ bình tĩnh, phải tránh sa vào cái bẫy của họ. Nếu chúng ta không biết giương cao ngọn cờ hòa bình, hữu nghị, giải quyết bất đồng bằng phương pháp hòa bình trước sự gây hấn của Trung Quốc mà nổ súng trước thì họ sẽ có cớ đem quân đội ra uy hiếp ta ngay.




Trung Quốc liệu có chia rẽ được ASEAN?





PV: Là người đã nhiều năm nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á, ông có thể phân tích một chút tương tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay?


Ông Phạm Nguyên Long: Những động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đang muốn tách ASEAN thành hai khối: những nước có tranh chấp về biển đảo với Trung Quốc và những nước không có tranh chấp. Vì Trung Quốc muốn thực hiện chính sách chia để trị và chỉ muốn “thương lượng song phương” nhờ đó có thể “ép” từng nước phải thuận theo ý đồ của Trung Quốc trong tranh chấp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng chính sách chia để trị của Trung Quốc quá lộ liễu.


Ngược lại, ý đồ chia để trị cũng bất lợi cho Trung Quốc vì Trung Quốc luôn nói rằng ủng hộ ASEAN xây dựng 3 cộng đồng (chính trị - an ninh – kinh tế - văn hóa xã hội). Do đó nhân dân Đông Nam Á không thể tin vào những gì mà Trung Quốc nói. Trong khi đó các cường quốc có liên quan tại khu vực này lại ủng hộ ASEAN thành một khối thống nhất. Chính vì Đông Nam Á một khi không còn niềm tin vào những hoạt động của Trung Quốc thì sức mạnh mềm của Trung Quốc sẽ mất tác dụng.


Các quốc gia Đông Nam Á đã trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Song chính nhờ đó mà ASEAN đã nhận rõ được giá trị sức mạnh đoàn kết. Do đó không một thế lực nào có thể chia cắt được ASEAN. Dù có một “phút” nào đó hay nước nào đó “lơ là” với tinh thần đoàn kết ASEAN thì đó chỉ là nhất thời.

Chính vì thế nên trong thời gian vừa qua, khi các nước không ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông thì ngoại trưởng Indonesia đã đi tới các nước Campuchia, Philippin và Việt Nam để thống nhất 6 nguyên tắc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.



(Còn nữa)



P. 2

Dã tâm "thiên tử, thiên triều" và mâu thuẫn nội bộ lớn của Trung Quốc

Thứ tư 15/08/2012 07:03

  • (GDVN) – “Giới lãnh đạo Trung Quốc từ xưa đến nay đều có tư tưởng bành trướng. Ngay cả khi họ yếu nhất như Tưởng Giới Thạch khi chạy ra Đài Loan thì vẫn còn khát vọng muốn thực hiện “đường lưỡi bò”.

Không những là người rất am hiểu về ASEAN, ông Phạm Nguyên Long – nguyên nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á – Viện Khoa học xã hội Việt Nam còn là người rất am hiểu về Trung Quốc. Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục giới thiệu những ý kiến của vị chuyên gia đã ngoài 80 tuổi này nhằm tìm lời giải đáp cho những hành động gây hấn vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông.





Mâu thuẫn nội bộ của Trung Quốc xuất phát từ đâu?







Những mâu thuẫn nội bộ thể hiện rất rõ về các mô hình phát triển kinh tế mặc dù mô hình Ô Khảm hay mô hình Trùng Khánh đều giương cao ngọn cờ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Vậy phải chăng sự thống nhất chỉ là tạm thời mà sự bất đồng mới là cơ bản? ”.



Theo ông Phạm Nguyên Long, “mâu thuẫn thứ hai là ngay bên trong quân đội Trung Quốc, giữa Lục quân và Hải quân. Hải quân thì muốn phát triển lực lượng ven biển và phát triển hải quân bành trướng đại dương trong đó có Biển Đông. Còn Lục quân thì muốn phát triển ở khu vực lục địa Trung Quốc với vùng biên giới gồm 22.100 km tiếp giáp với 14 nước. Ngoài ra còn phải tính đến Tân Cương, Tây Tạng vốn có rất nhiều vấn đề gây bất ổn về chính trị, an ninh.

Hiện nay, lực lượng hải quân ủng hộ sự mở rộng hải quân ra khu vực biển còn các lực lượng quân đội khác thì không muốn. Đó chính là lý do tại sao có các học giả Trung Quốc phê phán đường lưỡi bò còn một số học giả mang quân hàm cấp tướng của Trung Quốc lại thể hiện tính hiếu chiến trên Biển Đông.



Ngoài ra còn có thể có một số mâu thuẫn khác nữa là chính quyền với quân đội, giữa phái “thanh niên” với phái “thái tử”. Nhưng khi bành trướng ra biển thì bên trong khu vực nội địa sẽ bị ảnh hưởng mạnh về kinh tế vì phải hy sinh kinh tế để chạy đua vũ trang thực thi ý đồ bành trướng đại dương. Nên các tỉnh ở sâu trong nội địa không thể chấp nhận được sự hy sinh này. Bởi thế mà có thể có sự bất đồng giữa chính quyền Trung ương với các địa phương”.


Những sự mất mát to lớn của Trung Quốc


Ông Phạm Nguyên Long phân tích: “Khi nội bộ lục đục thì nhà cầm quyền Bắc Kinh lại muốn đẩy những mâu thuẫn, những lục đục ấy ra ngoài, cụ thể ở đây là ra những vùng biển xung quanh với các nước khác. Họ uy hiếp các nước bên ngoài để ổn định tình thế cho đến trước khi diễn ra đại hội 18 của Đảng Cộng sản của Trung Quốc. Những hành động vừa qua của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là những hành động cấp tập phi lý nên bị nhân loại tiến bộ lên án, các nước láng giềng nghi ngờ, e ngại, lánh xa Trung Quốc. Do đó những hành động này khó có thể tiếp tục mãi được.


Trung Quốc thực hiện sức mạnh mềm bằng phát triển kinh tế, văn hóa trong suốt 20 năm vừa qua từ sau vụ Thiên An Môn - với một triết lý biên giới mềm, sức mạnh mềm. Từ đó đã có ảnh hưởng nhất định đến việc xây dựng quan hệ hữu nghị với nhiều nước trên thế giới, nhất là với các nước Đông Nam Á.

Với những hành động gây hấn tại Biển Đông và những vùng biển xung quanh khiến cho sức mạnh mềm đã bị giới hạn và thậm chí mất tác dụng. Khi Trung Quốc gây hấn một cách ngang ngược trên Biển Đông thì nhiều nước trên thế giới bắt đầu dè chừng nhất là các nước mà trước đây Trung Quốc đã tỏ ra rất hào phóng với họ ví dụ như châu Phi. Đó là một mất mát rất lớn của Trung Quốc”.

“Chúng ta nói chúng ta thể hiện thiện chí với Trung Quốc và mong muốn hòa bình. Vậy việc thực hiện hòa bình trong ứng xử với Trung Quốc cần phải được thể hiện như thế nào? Trước hết hãy nghĩ đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy trí nhân để thay cường bạo”.

Chỉ có đại nghĩa và trí nhân mới giải quyết một cách đúng đắn nhất vấn đề trong tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc. Và nhân dân Trung Quốc cũng thấu hiểu thiện chí của chúng ta, nhân dân tiến bộ trên thế giới cũng cảm thông được tinh thần “thấu tình đạt lý” của chúng ta. Vì vậy, chúng ta vẫn giữ 16 chữ vàng, 4 tốt mà chính Trung Quốc đề ra để kiên quyết duy trì phương sách thương lượng hòa bình giải quyết mọi bất đồng, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực.



"Trước cách ứng xử đầy thiện chí của chúng ta với Trung Quốc, chính phủ Mỹ cũng đã phải công nhận cách ứng xử của Việt Nam hết sức đáng trân trọng. Thậm chí, cách ứng xử của Việt Nam còn có tính chất dắt dẫn cả khu vực. Mình càng tỏ ra thiện chí bao nhiêu thì mình càng được các nước trên thế giới ủng hộ bấy nhiêu. Chúng ta đang thể hiện lương tri của thời đại: hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển. Và đó cũng là sức mạnh của thời đại”, ông Long nói.




Tư tưởng bành trướng của Trung Quốc là hết sức lạc hậu


Nói về tư tưởng bành trướng đại dương của nhà cầm quyền Bắc Kinh, ông Long cho biết: “Hành động đơn lẻ của Trung Quốc không phải là đơn lẻ về tư tưởng mà là đơn lẻ về số lượng nước tham gia, đơn lẻ về bộ phận người Trung Quốc hiếu chiến. Những hành động gây hấn của Trung Quốc không có đồng minh tham gia. Tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn có phải thực là của toàn bộ nhân dân Trung Quốc hay không? Câu trả lời ở đây là không phải.


Có nhiều học giả cho rằng, những hành động vừa qua của Trung Quốc thể hiện sức mạnh bành trướng đại dương, bá quyền nước lớn nhưng nó chỉ thể hiện trong một tập đoàn lãnh đạo nào đó ở Trung Quốc. Và phải lưu ý rằng ngay cả khi họ yếu nhất như thế lực của Tưởng Giới Thạch khi chạy ra Đài Loan thì vẫn còn khát vọng muốn thực hiện “đường lưỡi bò”.


Tư tưởng bành trướng của một số người cầm quyền Trung Quốc luôn nuôi dưỡng tư tưởng “thiên tử, thiên triều và thiên hạ”, họ khát vọng là lãnh tụ thế giới. Còn nhân dân Trung Quốc thì không như vậy.



Nhưng đó lại là một tư tưởng hết sức lạc hậu với thời đại: bành trướng theo kiểu chiếm đất, dùng tiền mua chuộc người cầm đầu để lũng đoạn chính trị. Mà có mua chuộc cũng không thể thành công được. Từ thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đã nói lên điều đó. Ngày nay, vấn đề độc lập dân tộc, tự do của một dân tộc là lương tri của thời đại. Những nhà nước quân phiệt cực quyền đã bị sụp đổ thì tư tưởng bành trướng đại dương sao mà chẳng sụp đổ. Điều đó cho thấy một bộ phận giới cầm quyền Trung Quốc đang đi ngược với xu hướng của thời đại và không thể không thất bại khi họ sẽ thất bại ngay trên mảnh đất Trung Quốc.


Với tư tưởng bành trướng đại dương, một số người cầm quyền tại Trung Quốc vẫn phải nói đến hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển để phù hợp với xu thế của thời đại. Nhưng những hành động cụ thể lại đi ngược thời đại như vậy, họ càng tự mâu thuẫn khiến các nước mất lòng tin. Và chính điều đó cho thấy thế lực cầm quyền cực đoan của Trung Quốc ngày càng trở nên lúng túng”.



Theo ông Phạm Nguyên Long dù sau Đại hội 18, tư tưởng bành trướng đại dương của một số người trong giới cầm quyền Trung Quốc vẫn chưa thay đổi hoàn toàn. Vì thế sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc như họ vẫn nói không phải là trở thành một cường quốc phát triển mạnh về quân sự, kinh tế, văn hóa mà phải trở thành lãnh tụ thế giới. Khát vọng của họ là thế cho nên nếu có thay đổi thì chỉ có mềm dịu đi một chút. Và dù trong trường hợp nào: cứng rắn hay mềm dẻo thì chúng ta cũng phải hết sức tỉnh táo, cảnh giác cao độ với những hành vi của Trung Quốc…


(Còn nữa)



----

P.3



"Dù Trung Quốc có gây hấn, hiếu chiến, Việt Nam vẫn phải tỏ thiện chí"

Thứ năm 16/08/2012 07:03



  • (GDVN) - “Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực. Trong khi đó các nước Đông Nam Á không tán thành cách hành xử của Trung Quốc nhưng cũng rất ngại tình trạng Mỹ độc quyền tại khu vực này”.

Tiếp tục cuộc trao đổi đầy lý thú, ông Phạm Nguyên Long - nguyên là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đưa ra nhiều kiến giải về sự dịch chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ tại Đông Nam, Á, thế cờ Trung - Mỹ tại khu vực.





 Trung Quốc đang bị Mỹ cô lập


PV: Thưa ông, tình hình hiện nay tại khu vực Biển Đông sau những gây hấn của Trung Quốc và tuyên bố “quay trở lại” của Mỹ có những sự thay đổi cơ bản như thế nào so với trước đây?


Ông Phạm Nguyên Long: Với tình thế như hiện nay, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng đã có sự hiện diện các nước lớn như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ. Tất cả các nước này đều có bất đồng, mâu thuẫn và lợi ích đan xen nhau. Vì thế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không thể chỉ còn có một “cường quốc” duy nhất độc chiếm mà sẽ đi tới một sự cân bằng về lực lượng.


PV: Trong tình hình đó, cách ứng xử khôn ngoan của Việt Nam là gì, thưa ông?


Ông Phạm Nguyên Long: Dù Trung Quốc bị thế giới lên án, thậm chí như học giả Lý Lệnh Hoa (Trung tâm thông tin hải dương Trung Quốc) đã viết: “Trung Quốc có nguy cơ trở thành kẻ thù chung của thế giới”, tỏ ra hiếu chiến và có những hành động gây hấn gây ra căng thẳng leo thang trên Biển Đông thì chúng ta vẫn thể hiện thiện chí với Trung Quốc vì chúng ta muốn hòa bình, hợp tác để cùng phát triển. Chúng ta không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam luôn là bạn bè thân tình.



Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực. Trong khi đó các nước Đông Nam Á không tán thành cách hành xử của Trung Quốc nhưng cũng rất ngại tình trạng Mỹ độc quyền tại khu vực này. Điều này xuất phát từ tình thế hiện nay, Đông Nam Á đang có rất nhiều lợi thế do vị trí địa chính trị của mình mà các nước lớn đều muốn hợp tác về nhiều mặt, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa và cả an ninh.

Đây là thời cơ rất thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức cho Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung trên đường phát triển của mình. Vì các quốc gia Đông Nam Á phải có đối sách tổng thể với các nước lớn, cũng như thông minh, tỉnh táo để đoàn kết khu vực nhằm “giữ gìn” cho được sự cân bằng lợi ích của các nước lớn tại đây.


Sự chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ thực chất là gì?



PV: Xin ông có thể nói rõ hơn về “sự quay lại và ở lại” của Mỹ tại khu vực Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung?


Ông Phạm Nguyên Long: Trong vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ có nói: “Chúng tôi sẽ quay lại và ở lại”. Thực tế, không phải là Mỹ quay trở lại như Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton nói. Mỹ có vùng lãnh thổ trải dài từ Alaska cho đến Hawai và Guam tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các đối tác chiến lược, đồng minh của Mỹ vẫn còn đó thì sao lại bảo là Mỹ đã đi khỏi khu vực và bây giờ quay trở lại.

Mỹ quay trở lại khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng chẳng qua là một cách nói rất khôn ngoan đầy ẩn ý của ngoại trưởng Mỹ - một người rất am hiểu về lịch sử.


Từ sau chiến tranh lạnh, một loạt các tổ chức liên minh quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã giải thể. Giờ đây với Tổng thống Obama, ông thực hiện phương châm đa số, đa phương và linh hoạt.

Mỹ không phải “bao cấp” cho các nước ở khu vực như trong thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây. Do đó các nước ở khu vực phải tự “trang bị” cho mình để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải của mình. Mỹ chỉ giữ vai trò hỗ trợ và tìm phương sách “cân bằng” lực lượng tại Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.


PV: Mỹ đã tỏ ra khôn ngoan như thế nào trong tình thế Trung Quốc bị các nước trên thế giới e ngại và dè chừng?


Ông Phạm Nguyên Long: Như trên đã nói, Mỹ không chịu trách nhiệm “bao cấp” như trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Các nước một khi thấy rõ sự “uy hiếp” của Trung Quốc, họ phải chạy đua vũ trang để phòng vệ.


Và vì vậy, trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc phải chạy đua vũ trang với cả chục nước trong khu vực và trên thế giới. Mỹ không chủ động gây căng thẳng, không hề muốn gây căng thẳng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

Mỹ chỉ lên án sự gây hấn của Trung Quốc và tới một lúc nào đó sự gây hấn này ngày càng diễn ra với nhiều nước ở khu vực thì cũng là lúc Trung Quốc bị căng ra trên nhiều mặt trận. Đây cũng chính là lúc Trung Quốc bị xa lánh và mặt khác Trung Quốc có thể hy sinh phát triển kinh tế cho chạy đua vũ trang và gây hấn với nhiều nước không? Và điều đó là vô cùng bất lợi cho Trung Quốc. Đó là một chiến lược rất khôn ngoan của Mỹ: mất ít tiền mà vẫn đạt hiệu quả, vẫn có uy.





PV: Thưa ông, hướng đi nào tới cho khu vực Biển Đông và những tranh chấp về chủ quyền tại khu vực này khi Mỹ tuyên bố “quay trở lại”?





Ông Phạm Nguyên Long: Trong thời gian tới, tình hình tại Biển Đông vẫn sẽ ở trong tình trạng lúc dịu, lúc căng thẳng. Và có nghĩa là chúng ta cũng chưa thể đòi lại quần đảo Hoàng Sa và một số đảo tại Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm đóng ngay được trong tình hình hiện nay.

Ngay cả khi COC có hiệu lực thì chỉ ngăn chặn được những hành động ngang ngược của Trung Quốc mà không thể giải quyết vấn đề chủ quyền tại 2 quần đảo này. Mỹ đã tuyên bố sẽ không tham gia vào vấn đề chủ quyền và tranh chấp lãnh hải. Mỹ dung dưỡng những tranh chấp này để duy trì ảnh hưởng tại đây. Mỹ chỉ lên án về vấn đề tự do hàng hải và tính pháp lý không đúng tại khu vực Biển Đông.


Giải quyết vấn đề bản đồ giả từ Trung Quốc như thế nào?



PV: Những ngày vừa qua, sau khi Việt Nam công bố về những tấm bản đồ Trung Quốc không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và dù đang có xu hướng bị Mỹ phong tỏa nhưng Trung Quốc vẫn cho sản xuất bản đồ giả, sai sự thật. Rồi những bản đồ này được tuồn vào Việt Nam. Điều đó nói lên rằng Trung Quốc vẫn nhất quyết độc chiếm Biển Đông dù uy tín quốc gia đang bị hạ thấp. Việt Nam nên xử lý như thế nào?


Ông Phạm Nguyên Long: Chúng ta tuyên bố là không những phải tuyên truyền cho nhân dân Việt Nam biết những bản đồ về sự thật lãnh thổ Trung Quốc trong lịch sử mà còn phải cho nhân dân Trung Quốc biết điều này. Để đáp lại hành động này của Việt Nam, Trung Quốc cũng đưa ra những bản đồ sai sự thật và tuồn sang Việt Nam trước cả khi Việt Nam cho người dân Trung Quốc biết.

Đó là những thủ đoạn đầy tính mưu lược của Trung Quốc. Nhưng điều đó chẳng là cái gì cả. Tuy nhiên, chúng ta có điểm chưa “tinh” vì chúng ta nhẽ ra phải phổ biến tới nhân dân ta bản đồ của Trung Quốc (năm 1904) không có Hoàng Sa và Trường Sa từ đó có rất nhiều cách hành xử để cho nhân dân Trung Quốc biết.


Vì vậy trước hết chúng ta phải cho in ra nhiều bản để phổ biến trong nhân dân trước hết là tới các bản làng biên giới. Khi làm như vậy, tất nhiên những chiếc bản đồ đó sẽ đến với người Trung Quốc. Hiện nay có rất nhiều Hoa kiều đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Hoặc là ta in bản đồ Trung Quốc (năm 1904) vào những ấn phẩm được lưu hành trong các buổi hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm cho các học giả thế giới và học giả Trung Quốc biết được tấm bản đồ này… Tóm lại, chúng ta có rất nhiều cách để tuyên truyền những bản đồ đó đến với người dân Trung Quốc…


Xin chân thành cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!




Thực hiện: Hồng Chính Quang

-----



Bàn về thuyết “Phải thiện chí” của ông Phạm Nguyên Long


Hoàng Ninh


Những ngày qua tên tuổi của ông Phạm Nguyên Long, nguyên là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á – Viện Khoa học xã hội Việt Nam, bỗng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Sự quan tâm ấy không phải đến từ những cuốn sách về Đông Nam Á ông cho xuất bản trước đó mà từ một cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Giáo dục ViệtNam. Cuộc phỏng vấn này đã được báo Giáo dục Việt Nam đăng liên tiếp trong ba ngày (14-16/8/2012) với những hàng tít rất đáng chú ý:

- Ngày 14: Biển Đông: “Việt Nam cần bình tĩnh, tránh sa vào bẫy của Trung Quốc”

- Ngày 15: Dã tâm “thiên tử, thiên triều” và mâu thuẫn nội bộ lớn của Trung Quốc

- Ngày 16: Dù Trung Quốc có gây hấn, hiếu chiến, Việt Nam vẫn phải tỏ thiện chí”






Mọi sự chú ý được đổ dồn vào phần cuối bài phỏng vấn với tiêu đề: “Dù Trung Quốc có gây hấn, hiếu chiến, ViệtNamvẫn phải tỏ thiện chí”. Chữ “phải” ở đây thể hiện một sự đương nhiên, hèn yếu và cam chịu, chính là cảnh bị ngoại xâm phương bắc nô dịch mà bất cứ một người ViệtNamnào cũng không thể chấp nhận nó. Nhưng chữ “phải” này, rất may, không do ông Phạm Nguyên Long nói ra mà do báo Giáo dục Việt Nam đã “hồn nhiên” điền thêm vào, có lẽ là để “câu khách” chăng?

Vấn đề là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn đã có nhiều sự mâu thuẫn trong chính nội tại của nó. Chúng ta cùng xem lại câu trả lời chứa đựng dòng tít trên: “Dù Trung Quốc bị thế giới lên án, thậm chí như học giả Lý Lệnh Hoa (Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc) đã viết: “Trung Quốc có nguy cơ trở thành kẻ thù chung của thế giới”, tỏ ra hiếu chiến và có những hành động gây hấn gây ra căng thẳng leo thang trên Biển Đông thì chúng ta vẫn thể hiện thiện chí với Trung Quốc vì chúng ta muốn hòa bình, hợp tác để cùng phát triển. Chúng ta không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam luôn là bạn bè thân tình.” và câu trả lời trước đó: “Chúng ta thể hiện chính nghĩa. Mình đúng, mình chính nghĩa trong khi đó Trung Quốc là kẻ đi gây hấn một cách ngang ngược. Và chính vì thế, ta mới có được sự ủng hộ của những lực lượng tiến bộ và không chỉ các nước bất đồng với Trung Quốc về Biển Đông như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… mà ngay cả những học giả chân chính của Trung Quốc khi nghiên cứu về Biển Đông cũng phê phán những hành động “vô lý” của Trung Quốc”. Cho rằng Trung Quốc là kẻ đi gây hấn ngang ngược, là kẻ phi nghĩa, vô lý, nhưng ông Long khẳng định chúng ta (ViệtNam) vẫn thể hiện thiện chí với Trung Quốc vì chúng ta muốn hòa bình. Từ điều này có thể diễn giải ra rằng: Trung Quốc xâm lược ViệtNam và ViệtNam vẫn thể hiện thiện chí với hành động đó của Trung Quốc! Điều đó thật chẳng khác nào quỳ gối đưa tay dâng nước cho giặc.




Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay luôn yêu chuộng hòa bình, luôn biết đứng lên đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đứng lên chống lại ngoại bang xâm lược chính là đứng lên bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam đã được cả thế giới tiến bộ ngợi ca là một tấm gương anh hùng cho điều đó, nhưng không biết ông Phạm Nguyên Long đang lo lắng cho Tổ quốc Việt Nam hay lo lắng cho điều gì mà kêu gọi chúng ta tỏ thiện chí, nhún nhường trước hành động xâm lược của quân thù? Thì ông đã nói không thể nào rõ ràng hơn: ông lo lắng Trung Quốc bị cô lập: “Chúng ta không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam luôn là bạn bè thân tình”. Với ông, nhân dân Trung Quốc và nhân dân ViệtNam không chỉ là “bạn” mà còn là “bạn thân” nữa. Phải chăng ông Long không biết rằng “người bạn thân phương Bắc” kia không chỉ đang ngang nhiên xâm lược, chiếm đóng biển đảo của ta, cướp bóc, bắt bớ trái phép ngư dân ta mà còn tìm mọi cách phá hoại kinh tế của ta, làm suy thoái giống nòi của ta, đồng hóa dân tộc ta với dân tộc Hán, chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu biến đất nước ta thành châu, huyện của chúng, giờ đây chúng còn thâm độc hơn, nham hiểm hơn khi xưa gấp bội.

Ông Long đã giải thích cho quan điểm “nhân dân hai nước là bạn thân tình” bằng việc cho rằng tư tưởng bá quyền không phải của toàn nhân dân Trung Quốc, mà chỉ của chính quyền họ: “Những hành động gây hấn của Trung Quốc không có đồng minh tham gia. Tư tưởng bành trướng bá quyền nước lớn có phải thực là của toàn bộ nhân dân Trung Quốc hay không? Câu trả lời ở đây là không phải”. Điều này đúng được một chỗ, là chắc chắn không phải 100% người Trung Quốc đồng thuận với việc làm của chính quyền nước họ, mà cái đúng này thì ở đâu cũng vậy. Chúng ta đều biết rằng hệ thống chính trị ở Trung Quốc được thắt chặt tới mức nào, truyền thông ở nước họ bị kiểm soát và tạo thành hệ thống nói dối khủng khiếp tới mức nào. Từ khi sinh ra, một người Trung Quốc đã được nhồi nhét đủ thứ màu mè về đất nước Trung Hoa “bá quyền, vô địch”, là trung tâm của thế giới, đứng trên toàn thế giới. Từ các cơ quan truyền thông tới sách giáo khoa, đâu đâu cũng nói rằng Việt Nam hung hăng, xâm lược họ, chiếm đóng biển đảo của họ, rằng Việt Nam tàn ác, dã man,…, thì thử hỏi trong đầu óc đa phần người Trung Quốc nghĩ gì. Những lời lẽ hung hăng đối với Việt Nam trên các diễn đàn ở Trung Quốc gần đây, sự thóa mạ những người dám nói lên sự thật vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông,… tất cả đã cho thấy dân chúng Trung Quốc nghĩ gì. Ấy vậy mà ông Phạm Nguyên Long vẫn ảo tưởng về “một tình bạn tốt đẹp” giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông nên sửa lại câu nói của mình thành: “Tôi không muốn Trung Quốc bị cô lập vì nhân dân Trung Quốc và tôi luôn là bạn bè thân tình”. Khi đó chẳng ai dám trách cái quyền cá nhân của ông, có trách, chỉ trách ông là người ViệtNam.

Tiếp tục giải thích cho việc ông không muốn Trung Quốc bị cô lập, ông Long nói: “Nếu Trung Quốc bị cô lập thì Mỹ sẽ độc quyền tại khu vực. Trong khi đó các nước Đông Nam Á không tán thành cách hành xử của Trung Quốc nhưng cũng rất ngại tình trạng Mỹ độc quyền tại khu vực này. Điều này xuất phát từ tình thế hiện nay, Đông Nam Á đang có rất nhiều lợi thế do vị trí địa chính trị của mình mà các nước lớn đều muốn hợp tác về nhiều mặt, bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa và cả an ninh”. Hóa ra ông Long không muốn Trung Quốc bị cô lập vì ông lo cho ViệtNam và cả Đông Nam Á nằm trong vùng độc quyền của Mỹ, qua đó đánh mất lợi thế được nhiều nước lớn mong muốn hợp tác với khu vực. Ở đây ông Long đã lẫn lộn giữa tầm ảnh hưởng và chiếm đóng, một quốc gia chịu sự ảnh hưởng của nước khác là chuyện bình thường trong thế giới hiện đại nhưng một quốc gia chịu sự chiếm đóng của quốc gia khác thì không còn đầy đủ ý nghĩa là một quốc gia nữa, đó là một quốc gia mất tự chủ, bị nô lệ. Trung Quốc đang tiến hành xâm lược Biển Đông bằng nhiều biện pháp khác nhau, biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ. Chúng ta đau đớn khi nhìn trụ sở chính quyền huyện Hoàng Sa phải đặt ở quận Hải Châu – TP Đà Nẵng. Chúng ta đau đớn khi nghĩ lại cảnh tượng hàng trăm chiến sĩ Hải quân hi sinh khi chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng ta đau đớn khi nhìn những ngư dân bị Trung Quốc ngang nhiên cướp bóc ngay trong lãnh hải nước ta, phá hoại tàu thuyền, ngư cụ, khiến cho bao gia đình chịu cảnh tang thương, tán gia bại sản, lâm vào nợ nần chồng chất. Vậy mà, với tư cách một chuyên gia về khoa học xã hội, căn cứ vào tất cả những gì ông Long nói, phải chăng ông cho rằng “thà bị Trung Quốc chiếm đóng còn hơn sống trong cảnh lo sợ một ngày nào đó bị Mỹ độc quyền ảnh hưởng”.

Trong toàn bộ nội dung trả lời cuộc phỏng vấn, ông Phạm Nguyên Long đã cố gắng thể hiện mình là một chuyện gia tầm cỡ với hiểu biết sâu rộng và những phân tích sắc sảo để đi tới khẳng định chắc nịch tương lai ở Biển Đông. Nhưng bao trùm những phân tích của ông là một sự ảo tưởng về hòa bình. Có lẽ ông đã quên chiến lược chiến tranh chớp nhoáng trên biển của Trung Quốc, dùng sức mạnh quân sự vượt trội để nhanh chóng đánh chiếm một số hòn đảo và sau đó coi như “chuyện đã rồi”. Ông cũng không biết rằng một thế lực hung bạo, hiếu chiến và phi nghĩa chỉ muốn những kẻ yếu thế sợ sệt co rúm lại để nó dễ dàng nuốt chửng, nó chỉ sợ những tiếng nói từ phía chính nghĩa lên án nó, những người chính nghĩa tập hợp nhau lại để cô lập nó, qua đó làm suy yếu tham vọng xâm lược của nó. Với vai trò là người “hiến kế”, ông Long đã đi cổ súy và biện minh cho sự hèn yếu, là cái nguyên nhân dẫn đến họa mất nước, không những thế ông đã không có thái độ dứt khoát đối với kẻ thù xâm lược, gây lầm lạc về tình hình đang diễn ra. Nếu ông Phạm Nguyên Long hiểu rõ những điều đó thì mọi người sẽ không hiểu ông đang nghĩ gì!

Nhân dân ViệtNamluôn khát khao và nỗ lực để xây dựng một nước ViệtNamđộc lập, tự do, dân chủ, giàu đẹp và văn minh. Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, lại phải trải qua biết bao cuộc chiến tàn khốc, đau thương để giữ vững nền độc lập của dân tộc, hơn lúc nào hết, giờ đây Việt Nam chỉ mong muốn được hòa bình để phát triển đất nước, làm bạn với tất cả năm châu. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận bất cứ một sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ nào của đất nước, bởi hèn yếu là mất nước, ta muốn hòa nhưng chúng chẳng chịu hòa, không thể để chúng được thể lấn tới. Toàn thể dân tộc ViệtNamkiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

Lời cuối, xin chúc ông Phạm Nguyên Long thật nhiều sức khỏe!

H. N.

* Bài viết trên đây đăng trên Trang BVN.





Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...