Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Chết, bây giờ có kiểu làm báo thế



Chết, bây giờ có kiểu làm báo thế


Bên thongcao55 blog (Nguyễn Thông) có bài viết về "chuyện nghề báo". Nhân vụ bầu Kiên bị bắt (và có thể suy tới các vụ khác), tác giả bài viết này cho rằng nếu báo chí như tình trạng lúc này chỉ chờ mỗi nguồn tin công an phôn cho (hoặc phôn tới xin "chú công an"), thì nguy cơ tờ báo không còn chỗ đứng trong lòng bạn đọc là quá nhãn tiền, "không cần phải bàn nữa".

Có thể chăng, tự hiểu rộng ra từ những dòng chữ không muốn dài dòng thêm kia của tác giả, chủ blog tôi lại nghĩ tới một chính sách thông tin. Nếu nhiều loại tin mà những người quản lý báo chí lâu nay cứ muốn định sẵn hướng, và trong một số trường hợp có cách "mớm" cho báo chí để họ từ đó mà biết ý, rồi khai thác theo hướng định sẵn đó mà viết và đăng tải (với cái cớ là vấn đề "nhạy cảm"), thì các báo, các nhà báo ta cứ đường an toàn này mà đi. Thì chẳng phải với ai viên chức làm báo thì ưu tiên hàng đầu là giữ niêu cơm cho gia đình vợ con, chứ vạ gì mà xông xáo rồi có lúc "dính chưởng", nhà báo Nguyễn Thông nhỉ?

Trở lại cái entry ngắn của Nguyễn Thông vừa nói ở trên, đây là một bài viết rất đáng để mọi người suy nghĩ, đặc biệt là anh em làm báo chúng mình.

Xin phép tác giả đưa về đây mọi người cùng chia sẻ.

Vệ Nhi  g-th


-----


Xin thông tin từ các chú công an


Tác giả: NGUYỄN THÔNG
Sáng nay làng báo nhộn nhịp hẳn lên với tin nóng ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bố già Kiên, bầu Kiên) bị bắt. Dư luận ồn ào, nhiều ý kiến trái chiều. Theo thông tin do công an xì ra cho các báo thì ông Kiên được nhà chức trách "hỏi thăm" do có những "sai phạm về kinh tế". Lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông đang rốt ráo chỉ đạo, tung phóng viên đi tìm cơ quan điều tra xin thông tin mới liên quan đến vụ việc. Lâu lâu lại có thứ nóng sốt thế này, không khai thác tối đa để tăng tia-ra, để câu bạn đọc, để báo khác nó giành mất, có mà ngu.




Lúc sớm, theo thói quen sau khi ngủ dậy, tôi vào mạng điểm tâm thời sự thì đã thấy vụ việc, tất nhiên là không phải từ báo chính thống, quốc doanh. Đến cơ quan, một người bạn tôi, anh Hiếu Dũng thư ký tòa soạn phàn nàn báo TN online nhà mình bây giờ mới post bài lên, sau "thằng" Tuổi Trẻ gần cả tiếng đồng hồ. Tôi hiểu một người có trách nhiệm như anh Dũng không thể chấp nhận sự chậm trễ ấy. Hơn nhau từng phút từng giờ nhiều khi quyết định giá trị của tờ báo. Lại nhớ hồi vụ Mỹ bị bin Laden tấn công 11.9, báo Thanh Niên chỉ hơn các báo khác có vài giờ mà tạo được chấn động lẫy lừng, đến nay vẫn còn ăn theo ánh hồi quang ngày ấy.

Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, sẽ thấy ngay báo chí quốc doanh xứ mình chả mấy khi đóng được vai trò phát hiện, tìm tòi, chủ động lật ra những mặt trái xã hội. Hầu hết tờ báo, với hầu hết vụ việc, chỉ là ăn theo.


Mà ăn theo ai, theo công an chứ còn theo ai nữa. Phóng viên nội chính chủ yếu tạo mối quan hệ với công an, khi có vụ việc gì thì a lô cho nhau, đến lấy kết luận điều tra. Hiếm hoi lắm mới có những loạt bài do phóng viên tự lăn mình vào cuộc sống hiện thực, tự điều tra, ví dụ Phương Thanh (PV Thanh Niên) điều tra về xăng dầu bẩn; Hoài Nam (PV Thanh Niên) phanh phui những đường dây buôn lậu, dầu ăn bẩn, rau muống bẩn; PV báo Tuổi Trẻ bóc trần bọn lưu manh luộc đồ xe máy ở bệnh viện Nhi đồng, bọn rải đinh trên xa lộ; PV Hoàng Khương (Tuổi Trẻ) tố đường dây giải cứu xe vi phạm luật... Những trường hợp như thế, họ không phải chạy theo công an, cơ quan điều tra để xin xỏ thông tin mà ngược lại, chính công an phải xin tư liệu của họ. Làm báo thế mới đích thực vinh quang.

Vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên, nếu cần tuyên dương, nhặt nhạnh trong các nhà báo quốc doanh ký tên vào bài vở đăng bữa ni không tìm ra được người nào. Tất cả đều là ăn theo, xin xỏ. Vậy mà có "tờ báo" rất đáng được ghi nhận, khen ngợi, đó là "tờ" Quan làm báo trên mạng internet. Suốt nhiều tháng nay, báo quan đã chỉ đích danh những sai phạm của ông Kiên và nhiều cá nhân liên quan nhưng hình như những người có trách nhiệm coi nó là thứ phản động nên cứ lờ đi. Nay ông Kiên bị bắt, tôi đâm ra hồ nghi, hay chính cơ quan điều tra đã một phần dựa vào hệ thông tin không chính thống ấy mà củng cố được hồ sơ để bập còng số 8 vào cổ tay mũm mĩm của ông Kiên.





Tin tức cứ "chờ chuông reo", hoặc "gọi đến chú công an" là xong, đỡ mệt



Chợt liên tưởng đến vụ tiền polymer tận bên Úc. Không có cặp phóng viên Richard Baker - Nick McKenzie của báo The Age cất công điều tra, tìm tòi, phanh phui, công bố trên mặt báo suốt 2 năm trời thì chắc chắn vụ tham nhũng, tiêu cực xuyên quốc gia liên quan đến in tiền polymer, đến công ty Securency, đến bà quan chức cấp cao đại diện thương mại Úc tại Việt Nam Elizabeth Masamune, đến đại tá Lương Ngọc Anh... vĩnh viễn chìm trong bóng tối. Những nhà báo ấy làm nhà cầm quyền (nhất là bộ máy tham nhũng, tệ hại) cảm thấy khó chịu, nhưng xã hội, đất nước, nhân dân, và những nhà lãnh đạo có lương tri sẽ mãi mãi biết ơn họ. Khi bộ máy điều tra của nhà nước bất lực hoặc yếu kém thì chính những con người như thế thay mặt cho công lý, cho ước nguyện của nhân dân.

Cứ mải miết chạy theo công an để xin tin tức, nhà báo salon chả bao giờ lớn được.

21.8.2012
Nguyễn Thông

Nguồn: http://thongcao55.blogspot.com/2012/08/xin-thong-tin-tu-cac-chu-cong-an.html

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...