Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Không thể như thế được Quan họ ơi




Không thể như thế được Quan họ ơi 
 
 

Hôm nay có việc vê quê. Đến Từ Sơn nghe loa phóng thanh phát bài quan họ quen thuộc của NS Nguyễn Trọng Tạo.  

Mọi khi nghe bài hát này tôi cũng giống hệt những bà con đồng hương đất Kinh Bắc, là dù nghe cả trăm lần vẫn một cảm giác không nhàm chán, trái lại vẫn thấy dâng lên trong lòng mình một tình cảm xao xuyến. Thấy giang san đất nước quê nhà, sông Cầu hội Lim câu ca quan họ liền anh liền chị những ngày xưa sao mà đẹp sao mà thiết tha trữ tình đến như vậy nhỉ...   

Thế mà hôm nay cũng làn điệu quen thuộc này, nghe qua thấy cái gì đó như khựng lại, hệt lúc ăn miếng cơm chạm phải hạt sạn (quá oan cho anh Tạo làm bài hát và ca sĩ biểu diễn bài này, ở trường hợp này!).

Sao vậy? Chả là vài chục phút trước khi qua Yên Viên, anh bạn cùng quê gặp trên đường, chào nhau xong níu lại buông ngay lời bực tức, thế ông đã đọc bài Quan họ "hầu nhậu" chưa? Mạng đưa đầy kia kìa. Đúng là đẹp mặt cho Quan họ quê ta nhá... - anh bạn như trút bằng hết nỗi bất bình, như thể tôi - tức bạn anh là thủ phạm, hoặc là bầu hát hoặc chủ quán bày đặt ra trò Quan họ hát rồi trơ trẽn xin tiền khách nhậu vậy.
 
... Chỉ đến khi tôi ôn tồn kể anh bạn nghe ý tôi đồng tình và tôi cũng đã vào mạng và đọc được bài đó rồi (thậm chí "cóp" bài để chuyển những người quen biết đọc nữa). Và tôi cũng nói thẳng với anh về sự bực tức và xấu hổ cho sự xuống cấp của đời sống văn hóa nghệ thuật thời nay. Bạn tôi bỗng trùng giọng xuống, nói với tôi mà như anh tự sự với lòng mình trước khi hai chúng tôi tạm chia tay để tôi đi tiếp hướng Bắc Ninh: Đói cho sạch rách cho thơm, lời xưa các cụ chẳng đúng nữa! Thật là đau Vĩnh à. Mà chắc gì mấy cô mấy anh ca Quan họ kia đã đói đã rách? Rồi bạn tôi chuyển hướng - Nhưng chả lẽ các ông quan quản lý văn hóa nghệ thuật vô can hả ông?  

Bạn tôi lên xe về Hà Nội vẫn còn nguyên nỗi bức xúc dù ngay trước đó tôi đã nêu một cái hẹn với anh ngồi café đầu tuần tới sẽ bàn tiếp câu chuyện Quan họ "đập đầu" - là cách nói mỉa, nghĩa là đến các bàn hầu hát và gợi ý xin tiền bo ở các nhà hàng bây giờ...

Thật ra cái cách "tăng thu nhập" cho ca sĩ từ khán giả được phục vụ trực tiếp nó không có lỗi. Ở nhiều nước khi thưởng thức một buổi "không phải là" hòa nhạc, ca nhạc cũng có tập quán tặng tiền tận chỗ ngồi hao hao như thế này. Ví dụ tới nhà hàng ẩm thực, dự ngày vui hoặc kỷ niệm ai đó, sự kiện nào đó nổi tiếng, có sức thu hút đông đảo người dự khán... thì những ca sĩ ở đó thể theo yêu cầu có thể đến bàn này, nhóm kia hát tặng đúng cái bài, tác phẩm mà người ta muốn nghe. Và người nghe "hết sức" tự nguyện móc ví trả cho cái sự ưu tiên ưu đãi, sự quan tâm đối với riêng họ đó... Tịnh không có cái gì - đối với người thưởng thức - là bó buộc, bị động phải "nộp mình"; và đối với người phục vụ lại là cố ý cố tình, thậm chí "tấn công" vào người thưởng thức như trường hợp Quan họ nhà mình đã làm buồn lòng anh bạn tôi.  

Và với lý do đó tối nay blog tôi xin phép tác giả Thủy Hướng Dương đưa bài "Hậu nhậu - Đừng đập đầu quan họ ai ơi!" lên đây (mời đọc bài đặt ở dưới entry này) như sự chia sẻ và đồng cảm với cách đặt vấn đề thẳng thắn trước một thực trạng văn hóa nghệ thuật xuống cấp hiện nay.
 
Còn chủ blog tôi, một đồng hương quê Bắc Ninh Kinh Bắc chỉ muốn nhắn những người có trách nhiệm về văn hóa của quê hương và những liền anh liền chị chuyên và không chuyên... cũng chỉ đơn giản một lời: "Không thể như thế được Quan họ ơi!" , xấu hổ muối mặt lắm...


Vệ Nhi
 


-----





Hậu nhậu - Đừng đập đầu quan họ ai ơi!

Vẫn biết được ăn, được nghe hát là hạnh phúc mà còn băn khoăn nọ kia thật chẳng nên chút nào nhưng sao cứ thương Quan họ đến thế. Lòng thông cảm với các liền chị vô cùng nhưng sao vẫn cứ thấy xót xa cho Quan họ.

 
Hậu nhậu - Đừng đập đầu Quan họ ai ơi!

Hậu nhậu - Đừng đập đầu Quan họ ai ơi
              Lẽ ra được ăn nhậu xong là người ta phải biết giữ cái mồm cái miệng để… lần sau còn được mời đi ăn nữa dưng mà tớ đek chịu được. Nhịn không yêu chồng một tháng còn được chứ mà nhịn miệng không nói thì quả là khó lắm, khó lắm.

            Chuyện là thế này, tối qua tớ được mời đi nhậu ở mãi Hồ Tây. Nơi mà bọn tớ vẫn thường đến tụ tập khi nổi hứng thơ phú.
            
            Sẽ chẳng có gì để báo cáo bà con nếu như gần tới cuối bữa nhậu bọn tớ bất thình thình “phải” nghe ba liền chị tới “trân trọng tặng quí khách vài điệu dân ca quan họ Bắc Ninh của chúng em”.

             Nhà hàng này có một đội các em xinh xẻo chuyên phục vụ những bài ca quan họ cho khách tới ăn ở nhà hàng. Mà thực tế là cách bàn ăn của chúng tớ không quá 4m, cũng có một số các anh đã yêu cầu các em ấy đến hát. Ngồi bên này bọn tớ vừa ăn, vừa nghe, vừa quan sát, vừa bình loạn. Các anh ấy cười hô hố đòi làm anh hai, nghe các em hát xong, các anh ấy còn kéo tay định cho các em ngồi trên lòng để tỏ lòng mến mộ.

              Bọn tớ nhìn thấy những cảnh đó đã bắt đầu chạnh lòng, nhưng lòng ngại nói ra đành chúi đầu chuyện vãn tiếp. Ừ, thì các anh ấy có nhu cầu, các em sẵn sàng phục vụ có gì đâu mà khó chịu, phải không ạ?

             Bẵng đi một lúc, các liền chị tới bàn bọn tớ và thẽ thọt những lời như trên. Bọn tớ hơi bất ngờ nên im lặng khá lâu mới có một bác lên tiếng phá vỡ không khí nặng nề. Bất ngờ vì mấy lẽ: Lẽ thứ nhất, bọn tớ không yêu cầu mà bỗng dưng các liền chị đến, làm bọn tớ tiếp nhận sự nồng hậu của các chị thật là gượng gạo. Chả lẽ lại nói chúng tôi không muốn nghe thì “phũ” quá. Mà quả tình là bọn tớ không muốn nghe thật. Không phải các liền chị hát dở mà vì dư âm sự đối đãi của khán giả (là các anh bên kia) với các chị chẳng bằng mấy người hát rong ngoài đường vẫn còn đọng lại, thật chẳng phải là tích cực gì. Lẽ thứ hai, giá như các liền chị đến mà nhà hàng cho nhân viên báo trước bàn bọn tớ được biết thì có phải là quan họ sang trọng lên bao nhiêu không? Chứ ai lại để các chị tự đến từng bàn mà “xin tặng” thế này, rẻ rúng Quan họ quê mình quá.




            Tớ còn nhớ sách xưa kể rằng, mỗi lần quan lớn chứ chưa nói tới ông vua mà vời được một gánh hát rong vào hát ở trong dinh là quan lớn coi trọng gánh hát lắm. Hát xong nếu quan có thưởng tiền cũng thưởng một cách trân trọng, chủ gánh hát có cúi đầu lạy tạ quan cũng tới gần nâng lên.

            Tớ biết, các liền chị đi hát thế này, đến từng bàn “năn nỉ” thế này cũng là việc cơm áo gạo tiền cực chẳng đã. Các chị phải chào những người không quen biết, để rồi rút tơ lòng bằng tiếng hát tặng người không quen biết chắc các chị cũng phải dằn lòng bỏ qua cái tôi mới dũng cảm như vậy được. Các chị và nhà hàng có nghĩ rằng nếu hình ảnh ấy mà được ghi lại bởi một du khách nước ngoài thì họ sẽ nghĩ gì về một làn điệu dân ca đã được Unessco công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại?

            Vẫn biết được ăn, được nghe hát là hạnh phúc mà còn băn khoăn nọ kia thật chẳng nên chút nào nhưng sao cứ thương Quan họ đến thế. Lòng thông cảm với các liền chị vô cùng nhưng sao vẫn cứ thấy xót xa cho Quan họ.

Người xưa có câu, biết ăn biết chơi mới là bậc phong lưu, nho nhã. Từ câu chuyện phục vụ hát quan họ tại các bàn ăn này tớ liên tưởng tới việc tại sao không chuyên nghiệp hóa ngành dịch vụ du lịch như một nhà hàng Nhật nọ, cũng có đàn hát phục vụ nhưng họ biết cách làm, khiến khách hàng dù phải trả nhiều tiền mà cảm thấy không hối tiếc vì được phục vụ xứng đáng.

              Ai ơi đừng đập đầu Quan họ mà dí xuống bùn đen như thế này.

 Thủy Hướng Dương
          9/8/2012


Nguồn: http://thuyhuongduong.com/vi/news/Vun-vat-doi-thuong/Hau-nhau-Dung-dap-dau-Quan-ho-ai-oi-473/



 

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...