Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Kinh tế: Coi chừng vẫn tuột dốc


Kinh tế: Coi chừng vẫn tuột dốc

Hàng ngày các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước vẫn cố ý đưa nhiều tin bài và hình ảnh cốt chứng minh sự điều hành quản lý kinh tế - xã hội đã rất cố gắng để vượt thoát tình trạng trì trệ, giảm phát…, tóm lại là bước ra khỏi thực trạng kinh tế khó khăn hiện nay... Thậm chí có bài viết còn gợi thêm ý để người đọc hình dung là nên nhìn ra chung quanh thế giới, xem những nước khác họ còn tồn tại biết bao vấn đề nan giải - vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu cơ mà -, trong khi đó VN mình đã biết điều chỉnh kịp thời, triển khai các biện pháp điều hành khá hợp lý và đồng bộ... Và nhân dân cùng mọi người hãy yên tâm đi...

Hòa với dòng chủ lưu của tuyên truyền công khai và chính thức này là những diễn đàn để các vị lãnh đạo cấp cao tham dự và truyền đạt. Ở cấp vĩ mô này là sự nhấn mạnh vào chủ trương đường lối, là sự phục hồi kinh tế đang và sẽ diễn ra, và thường không bao giờ quên nhắc đến các cụm từ như “tái cơ cấu” (cho mọi hoạt động kinh tế), coi đó như liều thuốc chữa bách bệnh, một thứ cứu cánh phá thế khủng hoảng…

Rồi nữa, không ít chuyên gia kinh tế - đây chỉ nói riêng các vị loại “ăn theo”, loại này xuất hiện rất linh hoạt, thường biết lên tiếng (rất đúng lúc) trên nhiều tờ báo ở trung ương cũng như lên sóng truyền hình quốc gia. Nội dung thường cũng chỉ là bản minh họa tồi, tức “đón ý” lãnh đạo là chính. Nên bài vở và phỏng vấn của họ chẳng có mấy ‘bít’ thông tin đáng giá chứ mong chi một nhận định nào mới mẻ và sáng tạo.

Thảng hoặc cũng có những ý kiến những nhận định phải nói rất sắc sảo, nói rất trúng những điều cần nói của các chuyên gia thật sự về kinh tế và tài chính. Và quan trọng là những con người này vốn trung thực, có nhân cách trong lĩnh vực nghề nghiệp và chuyên môn của họ. Nên khi được/phải nói thì họ rất thẳng thắn, không né tránh các vấn đề gai góc. Tuy nhiên số này đáng tiếc là ít có dịp được bộc lộ công khai chính kiến của mình - có thể bản thân họ không muốn nói nhưng cái chính là báo chí truyền thông "đón gió", chiều ý cấp trên nên chẳng mặn mà vời tới họ... Nên cách xuất hiện của dạng ý kiến phản biện có thực chất này chỉ có ở các trang lề trái, lề dân...   

Trong số những ý kiến nổi lên về điều hành kinh tế vĩ mô thì bài phỏng vấn được nhắc đến nhiều nhất gần đây là cuộc phỏng vấn ông bộ trưởng văn phòng chính phủ đã được đài truyền hình trung ương đầu tư kỹ càng nhất. Bài phỏng vấn có vẻ quá dài về thời lượng như đối với truyền hình, lại ưu tiên phát trong “giờ vàng” của đài, được xem là cú đáp trả đối với những đánh giá theo luồng phản biện, lề trái trong dư luận… Tác dụng của bài nói đó sẽ như thế nào hãy đợi thời gian và dư luận phán xét. 

Kể ra một chính phủ mà tự tin, quyết đoán, lại có những ý kiến và giải đáp công khai minh bạch trước công luận về “quốc kế dân sinh” như trên là một hiện tượng tốt cần ghi nhận và đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên vấn đề là trong bức tranh “có nhiều điểm sáng” mà lãnh đạo và người quản ký cố sức vẽ ra thì thực chất nền kinh tế của chúng ta hiện nay, là "sức khỏe" thật của nó trong đời sống người dân bấy lâu nay ra sao mới là vấn đề cần bàn tới.

Chỉ cần lướt trên trang điện tử của hai tờ báo chính thức mới đây đã thấy bộc lộ tình thế ông chẳng bà chuộc, vung kia nồi nọ chứ chẳng ăn khớp gì - tức cái cách đánh giá và nhận định ngay tại những tiếng nói chính thức, tiếng nói "trong luồng" cũng đã khác nhau rất nhiều rồi. Chẳng phải là không ít lần trên truyền hình cả nước xem, những vị lãnh đạo cấp bộ ngành, nhất là các vị bên ngành tài chính ngân hàng thường đăng đàn nói rằng nợ công là rất an toàn, chí ít cũng trong vòng kiểm soát... Nhưng bài viết trên tờ Dân Việt – mà Dân trí đăng lại – thì lại nói “nợ công của VN vượt ngưỡng an toàn”. Cũng vẫn sự giải thích mang tính đả thông, quán triệt thì không thiếu cảnh quan chức phụ trách ngân hàng vẫn nói những lời có cánh về sự quản lý ngân sách, về kiểm soát dòng tiền lưu thông và chi tiêu công quỹ... là rất bài bản nghiêm túc như bản tin đăng trên báo Công an nhân dân (và nhiều tờ báo khác) lại phát tín hiệu SOS về “Quỹ lương hưu có khả năng mất khả năng chi trả trong một tương lai không xa”.

Đến đây người viết bài này muốn rằng các bạn chúng ta hãy đọc nguyên văn những điều tôi vừa miêu tả tại 2 bài viết được cóp dưới đây rồi các bạn tự rút ra kết luận cho mình.

Tóm lại bức tranh kinh tế quốc gia của chúng ta chưa có gì là sáng sủa cả, nếu không muốn nặng lời là “vẫn trượt dốc, tụt dốc”.

Với sự tăng giá liên miên của xăng dầu, điện đóm, khí đốt và các nhu yếu phẩm khác (lại nghe những giải thích về việc “phải tăng giá” của quan chức không hề thuyết phục); với thực tế đời sống ngày càng khó khăn của người dân thường trong sinh hoạt; với sự báo động đỏ từ sức mua của đồng tiền ngày càng giảm sút (lấy giá bát phở nay là 30-40 nghìn đồng, thay vì chỉ chục nghìn hay là đến 15-20 chục nghìn ít năm trước đây là thấy rõ nhất về giá trị đồng tiền giảm sút)...

Trên đây là sự thực quan sát dễ dàng nhất với bất cứ ai quan tâm đã khiến không người dân thường nào không lo lắng cho tương lai đời sống của mình và gia đình. Lẽ đương nhiên từ lo lắng sẽ thấy bức xúc bức bối trước những bất cập trong cách điều hành, quản lý nền kinh tế hiện nay của bộ máy các cấp. Chỉ có nhận thức được rõ ràng và minh bạch về những điều như vậy, cái cơ chế và bộ máy công quyền phụ trách đời sống kinh tế mới thực sự có cơ tìm lại niềm tin trong nhân dân và vượt thoát ra khỏi tình trạng khó khăn lung túng hiện nay.


Vệ Nhi


------



Nợ công Việt Nam đã vượt xa ngưỡng an toàn








Theo Ủy ban Kinh tế, những khoản nợ xấu của khu vực DNNN mà rất có thể sẽ phải dùng NSNN để trả, là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam. Riêng năm 2012, nghĩa vụ trả nợ xấp xỉ 5,4 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP năm 2011.







Tại bản thảo nghiên cứu Nợ công Việt Nam - Quá khứ và Tương lai do Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện, ghi nhận, số liệu ước tính đến hết năm 2011, tổng nợ công của Việt Nam vào khoảng 58,7% GDP. Trong đó, nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 31,1% và 17,6% GDP.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công của Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách.

Theo đó, những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam.

Cụ thể, khoản nợ nước ngoài của khu vực tư nhân và DNNN không được chính phủ bảo lãnh chiếm 11,1% GDP. Ngoài ra, nợ trong nước của khu vực DNNN theo ghi nhận trong Đề án Tái cấu trúc DNNN của Bộ Tài chính năm 2012 cũng chiếm xấp xỉ khoảng 16,5%.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế và UNDP đánh giá, tính đến các con số kể trên, nợ công Việt Nam đã vượt xa so với ngưỡng an toàn (60% GDP) được khuyến cáo bởi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF).


Tại báo cáo thẩm tra về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015 và năm 2012, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đồng ý với Chính phủ, chỉ tiêu dư nợ công năm 2012 không quá 60% GDP, đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia không quá 40% GDP.


Dự kiến, nợ công sẽ còn tăng đến 2015 và được đề xuất bắt đầu giảm từ 2016 nhằm tránh ách tắc trong phát triển KT-XH.

Nghĩa vụ trả nợ năm 2012 tương đương 4,5% GDP năm 2011

Báo cáo lưu ý, trong vài năm trở lại đây, quy mô của các khoản vay thương mại trong nợ nước ngoài với lãi suất cao đang có xu hướng tăng lên. Tính đến hết ngày 31/12/2010, đã có gần 6,8% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất lên tới 6-10% và hơn 7% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ có lãi suất thả nổi.

Bên cạnh đó, bản dự thảo báo cáo chỉ ra, cơ cấu kỳ hạn của các khoản nợ công trong nước cũng gây rủi ro khá lớn. Trong khi các khoản nợ nước ngoài có kỳ hạn dài tới vài chục năm, có hơn 88,7% nợ trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn chỉ từ 2-5 năm.

Do vậy, nghĩa vụ nợ nước ngoài được dàn khá đều với 1,5-2 tỉ USD/năm, trong khi đó nghĩa vụ nợ trong nước lại dồn trong thời gian gần, với xấp xỉ 4,5-5 tỉ USD/năm trong vòng 4 năm tới. Như vậy, cùng với triển vọng cán cân ngân sách cơ bản tiếp tục thâm hụt thì sức ép phát hành trái phiếu để đảo nợ trong nước những năm tới là rất lớn.

Với tỉ trọng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, nhóm nghiên cứu cho rằng, nợ công trong nước đang hàm chứa những rủi ro do lợi suất cao cộng với kỳ hạn ngắn của nó.

Chỉ tính riêng năm 2012, nghĩa vụ trả nợ lãi và gốc của Việt Nam lên tới xấp xỉ 5,4 tỉ USD hay tương đương với 4,5% GDP của năm 2011. Theo nhóm nghiên cứu, đây chính là những nguyên nhân chính của hiện tương chi tiêu công lấn át chi tiêu tư nhập, kết hợp lạm phát cao do sức ép tài trợ trái phiếu thông qua tăng cung tiền.


Theo số liệu được cung cấp bởi Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết năm 2010 nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại tương đương 11,2 tỷ USD, tăng hơn so với 9,203 tỷ USD năm 2009. Trong đó, số dư mà Bộ Tài chính cho vay lại tại 11 tổ chức cho vay lại và 7 đơn vị vay lại khoảng 8,4 tỷ USD.

Lũy kế đến hết năm 2011, số tiền Bộ Tài chính ứng trả nợ thay cho các đơn vị được Chính phủ bảo lãnh vay công nước ngoài gần 2.437 tỷ đồng.
Thông tin về nguy cơ cạn kiệt Quỹ lương hưu:

Nguy cơ cạn kiệt Quỹ Hưu trí tại Việt Nam
09:13:00 03/08/2012
“Quỹ lương hưu sẽ bắt đầu thâm hụt từ năm 2020 và sẽ hoàn toàn cạn kiệt vào năm 2029. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam” là một thông điệp được đưa ra tại tại Hội thảo “Đánh giá tài chính Quỹ Hưu trí ở Việt Nam-Kết quả dự báo và những khuyến nghị” do Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 2/8, tại Hà Nội.
Theo báo cáo, chỉ khoảng 20% lực lượng lao động tham gia BHXH ở Việt Nam. Tỷ lệ này có thể tăng trong thời gian tới khi Việt Nam đang bước vào “thời kỳ dân số vàng” với số người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) chiếm tới 58,5% cơ cấu dân số (số liệu năm 2010). Tuy nhiên, quá trình lão hóa dân số ở nước ta đang diễn ra nhanh, một tỷ trọng lớn dân số sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai.

Chế độ hưu trí hiện tại được đánh giá còn nhiều bất cập, thể hiện ở tuổi về hưu tương đối sớm, đặc biệt là đối với nữ giới, và một bộ phận người lao động được phép về hưu trước tuổi qui định, trong bối cảnh tuổi thọ trung bình được nâng cao và tỷ lệ sinh giảm rõ rệt. ILO khuyến nghị cần thiết phải sửa đổi cách tính lương hưu để giảm tỷ lệ chi trả. Sự kết hợp giữa tăng tuổi về hưu và thay đổi cách tính lương hưu sẽ giúp tăng tính bền vững của Quỹ Hưu trí trong dài hạn.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết: đánh giá quỹ hưu trí hiện tại và dự báo được xu hướng Quỹ Hưu trí trong thời gian tới là cơ sở để hoạch định chính sách BHXH nói chung, chính sách hưu trí nói riêng, nhất là phục vụ Đề án Cải cách chính sách BHXH giai đoạn 2012 - 2020, đảm bảo công tác an sinh xã hội



Nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-vn/khcn/2011/6/177592.cand


---------


THAM KHẢO NHỮNG THÔNG TIN KINH TẾ KHÁC (để thấy tính "đa chiều" trong cách nhìn nhận về thực j Nam hiện nay):


Một trang mạng về kinh tế nêu câu hỏi:“Tại sao mọi mảng kinh tế Việt Nam đều sụt mạnh, trong khi GDP trong quý I và II đều tăng?” - Câu hỏi này tôi dành cho những nhà kinh tế gia Việt Nam, đặc biệt là những vị có bằng cấp cao từng tốt nghiệp Cao học hay Tiến sĩ từ các nước tân tiến trên thế giới như Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Đức… Câu hỏi này hết sức đơn giản mà tôi chưa từng thấy có vị nào dám nêu ra. Đặc biệt, chúng tôi (trang mạng dudoankinhte.wordpress.com) rất mong có câu trả lời của các vị kinh tế gia từng phát biểu, đăng bài kinh tế trên các báo Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó trên báo chí cũng xuất hiện nhiều bài viết, một số trong đó dưới đây (các bạn  đường Link chúng tôi đã dẫn ở bên cạnh).

1. Tiến sĩ Kinh tế Trần Vinh Dự – Một nền kinh tế nợ xấu (Tuổi trẻ, 21/07/2012):

“…Tăng trưởng kinh tế, theo con số chính thức của Tổng cục Thống kê, cũng giảm trở về mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. GDP của 6 tháng đầu năm nay tăng 4.38% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức thấp nhất trước đó là 4.46% vào Q2, 2009. Và điều này hợp lý bởi vì cuộc củng hoảng năm 2008-2009 diễn ra khi sức chịu của hệ thống doanh nghiệp còn tương đối tốt do có một thời gian dài tăng trưởng đều đặn và nhiều doanh nghiệp huy động được tài chính do phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư để tạo thành cái đệm tiền mặt (cash cushion) cho doanh nghiệp khi tín dụng bị thắt chặt…”
“… Về triển vọng dài hạn, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đang phát triển còn nhiều tiềm năng để tiếp tục bứt phá…”

2. Kinh tế gia Phạm Chi Lan – GDP phản ánh bức tranh thực của nền kinh tế (Báo Kinh tế Việt Nam, 16/07/2012)
“…Vì thế, theo tôi mức tăng trưởng GDP 4,38% trong 6 tháng đầu năm 2012 là con số thực, nó phản ánh bức tranh thực của nền kinh tế. ..”

3. Tiến sĩ Kinh tế Võ Trí Thành – Kinh tế chỉ cần kiên nhẫn chờ thêm 1 tháng nữa (Dân trí, 09/07/2012)
“…TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nghiêng về triển vọng lạc quan hơn, dự báo tăng trưởng GDP cả năm sẽ vào khoảng 5,1%, như vậy là có đi lên. .. “

4. Tiến sĩ Kinh tế Vũ Đình Ánh – Nỗi lo giảm phát (Công an Đà Nẵng, 27/06/2012)
“…GDP quý I đạt 4%, quý II dự báo khoảng 4,5%, do vậy, chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong năm 2012 là vô cùng khó khăn nếu Chính phủ không có quyết tâm cao…”.

-------

Tuổi trẻ, Một nền kinh tế nợ xấu, 21/07/2012, http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/502974/Mot-nen-kinh-te-no-xau.html
Báo Kinh tế Việt Nam, GDP phản ánh bức tranh thực của nền kinh tế, 16/07/2012, http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-de-Su-kien/502974/Mot-nen-kinh-te-no-xau.html
Dân trí, Kinh tế chỉ cần kiên nhẫn chờ thêm 1 tháng nữa, 09/07/2012, http://dantri.com.vn/c76/s76-616409/kinh-te-chi-can-kien-nhan-cho-them-1-thang-nua.htm
Công an Đà Nẵng, Nỗi lo giảm phát, 27/06/2012, http://cadn.com.vn/News/Kinh-Te/Viet-Nam-Cac-Nuoc/2012/6/27/80230.ca
T.Uyên

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...