Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Chớ bập vào "gác tranh chấp, khai thác chung"


Chớ “bập vào” khai thác chung

 
Gần đây rộ lên đây đó ý kiến nghe có vẻ hòa dịu và xây dựng cho một giải pháp Biển Đông: “gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Phiên hết ý này ra một cách nôm na, đó là “mọi bên mà chúng ta có tranh chấp bất đồng với nhau thì hãy xếp lại đấy, rồi ta tính đến một biện pháp xử lý 'công bình' nhất cho lợi ích, đó là cùng nhau thăm dò và khai thác chung các tài nguyên biển”.

Sao vậy, hóa ra cứ cãi nhau hoài, thậm chí mấy phen suýt nổ súng vào mặt nhau, giờ lại hé ra một giải pháp nghe đơn giản và dáng dấp yêu chuộng hòa bình đến thế mà bấy lâu không ai nghĩ ra!? Thật ra món võ này cũ mèm. Truy nguyên từ đâu xuất phát lên ý tứ này? Quá dễ để tìm ngay ra tác giả của nó: Bắc Kinh.

Trên trang web "Nghiên cứu Biển Đông" có một bài phân tích rất kỹ càng và sâu sắc với đầy cứ liệu có giá trị của thống kê và khoa học về vấn đề cùng khai thác này. Có rất nhiều ý kiến và phân tích trong bài viết đó, nhưng mở đầu bài viết (Phần 1) đã chỉ rõ cái ý cùng khai thác, gác tranh chấp là của Trung Quốc: --->>> bài đây:


Phần 1: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/1237-trung-quc-va-khai-thac-chung--bin-ong-phn-i

Phần 2: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/1238-trung-quc-va-khai-thac-chung--bin-ong-phn-ii

Phần 3: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/1239-trung-quc-va-khai-thac-chung--bin-ong-phn-cui


Bài viết trên là của các giới nghiên cứu Biển Đông ở nước ngoài và chúng tôi tin các cơ quan có chức năng nghiên cứu tương tự ở trong nước, đặc biệt những cơ quan có trách nhiệm về biên giới lãnh thổ của chúng ta sẽ đi sâu nghiên cứu để giúp ích cho nhà nước trong cuộc đấu tranh ngoại giao với các đối tác tranh chấp.

Ở entry này người viết chỉ muốn nhấn mạnh xung quanh cái ý là tại sao TQ lại chìa ra con bài “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong thời điểm hiện nay?

Nhìn lại quá trình thì việc này nằm trong tính toán mưu mô độc chiếm Biển Đông đã có từ rất lâu trong giới cầm quyền ở Bắc Kinh. Tuy nhiên trong hơn 3 năm qua TQ có sự trỗi dậy về kinh tế, và càng thúc đẩy nhu cầu không những về tài nguyên mà còn là thế đứng bá chủ bá chủ khu vực nên họ dấn bước một cách bạo dạn hơn, bất chấp quy ước và luật pháp quốc tế vì nghĩ rằng “thời cơ đã đến”.

Cụ thể từ năm 2009 TQ chính thức đệ trình lên tổ chức Liên hợp quốc “yêu sách” về lãnh hải biển đảo trong đó nổi bật là đường lưỡi bò. Và đó cũng là cú đáp trả của TQ với các tài liệu phân giới về lãnh hải, biển đảo do 2 nước Việt Nam và Malaysia cùng trình lên LHQ ngay trước đó.

Suốt 3 năm qua, TQ lúc căng lúc chùng, nhưng hướng là rõ ràng và ngày càng hung hăng ngang ngược trong mọi động thái ở Biển Đông.

Tuy nhiên điều hoàn toàn không thuận cho TQ là các nước có tranh chấp phản kháng quyết liệt trước những đòi hỏi vô lý của TQ.

Trong khi đó dư luận từ các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, hầu như chống lại rõ rệt ý đồ thâu tóm Biển Đông của Bắc Kinh.

Vì thế TQ ý thức được chiều hướng quốc tế không thuận, là không thể cứ áp dụng mãi một thứ chiến thuật có thể gọi là đầy tính tham lam và trâng tráo khi muốn độc chiếm một vùng biển quốc tế có tầm quan trọng bậc nhất nhì thế giới như Biển Đông được. Chính từ lý do này khoảng gần năm nay thì TQ một mặt “hành động giơ nắm đấm”, hanh xử thật căng với 2 nước Philippines và Việt Nam, mặt khác không ngần ngại “xông vào nhà” một số nước ĐNÁ bằng chiến thuật lôi kéo, ve vãn, miễn sao cô lập Việt Nam cũng như Philippines. Mục tiêu cao hơn nữa là chia rẽ cả khối Asean trong cách nhìn và một giải pháp hợp lý cho Biển Đông.

Chiến thuật và mưu mô của TQ rất thâm hiểm ở chỗ họ cứ dần dần biến các vùng biển, các hải đảo chưa từng có tranh chấp trở thành các vùng có tranh chấp (xem thêm lịch sử vấn đề, như các bản đồ cổ thời nhà Thanh, tới đầu thế kỷ 20 là  chưa hề vẽ lãnh thổ TQ vượt quá đảo Hải Nam).

Rồi từ chỗ TQ “chen chân” được vào khu vực gọi là có tranh chấp thì nay họ đưa ra chiêu bài “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Thật là quá ư bất nhất và xảo quyệt.

Đáng chú ý bây giờ theo TQ thì vùng có tranh chấp chỉ khoanh tròn vào quần đảo Trường Sa (TS) và các vùng phụ cận của nó chứ không liên can gì đến quần đảo Hoàng Sa (HS) và vùng biển xung quanh quần đảo này nữa. Điều đó có nghĩa là HS coi như đã thuộc về TQ, và vì thế TQ không bàn với bất cứ ai, ngay cả với VN là nước bị chính TQ chiếm mất quần đảo này.

Cộng đồng ĐNÁ đều biết một sự thực: Năm 1974 TQ đánh chiếm HS khi đó do chính quyền Sài Gòn quản lý; rồi đến năm 1988 TQ đánh chiếm một số đảo ở TS để cắm chân, xí phần. Cho nên cái sự đã rồi mà TQ cố tình bày ra là từ một mưu mô vô cùng thâm hiểm đã tính trước.  

Vì những lẽ đó cái chiêu bài TQ đưa ra kỳ này ẩn giấu cái bẫy của Bắc Kinh. VN xử sự không khéo không những bị thiệt hại mà có thể làm các nước có tranh chấp khác hiểu lầm. Ý đồ của TQ là gây những nghi kỵ cho một số nước Asean với nhau.

Trước cú đòn tấn công ngoại giao này rất mong những vị chức sắc lãnh đạo của đất nước hãy cảnh giác cao độ mà không bập vào lời mời chào đầy tính cạm bẫy “gác tranh chấp, cùng khai thác” của TQ theo ý đồ kể trên.

Vệ Nhi

 
------
                  

 THAM KHẢO
 
(chưa kể nếu khai thác chung không tránh khỏi tình trạng dưới đây)

So sánh 2 giàn khoan tối tân nhất của VN và của TQ trên Biển Đông
 
Thời gian gần đây, thông tin về giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc được dư luận trong và ngoài nước chú ý đặc biệt.
 
Dưới đây là một số hình ảnh về hai giàn khoan dầu khí được cho là hiện đại nhất, một của Việt Nam và một của Trung Quốc:


 
Dưới đây là một số hình ảnh về hai giàn khoan dầu khí được cho là hiện đại nhất, một của Việt Nam và một của Trung Quốc:
 
 
Theo Petro Times, từ cuối tháng 3/2012, Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đã chính thức bàn giao cho Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) giàn khoan tự nâng hiện đại mang tên Tam Đảo 03.

Giàn tự nâng có khối lượng chế tạo cơ khí chính xác lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và công nghệ cao với khối lượng thi công khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn đường ống công nghệ, 1.748 tấn thiết bị bao gồm các hạng mục như điện, điện tự động, kiến trúc nội thất.
 
Giàn tự nâng có trọng lượng gần 12.000 tấn với chiều cao chân giàn là 145m, Giàn khoan có thể hoạt động ở các khu vực nước sâu đến 90m cùng hệ thống khoan có thể khoan sâu đến 6.100m dưới đáy biển. Giàn được trang bị sân đáp cho trực thăng và có thể chống chịu gió bão mạnh cấp 12.
 
Giàn Tam Đảo 03 có thể tự nâng phần thân giàn lên độ cao nhất định. Trong ảnh, Tam Đảo 03 trong một cuộc thử nghiệm nâng độ cao cao nhất.
 
Có thể nói, việc Việt Nam chế tạo thành công giàn khoan tự nâng là bước đột phá lớn trong lĩnh vực dầu khí. Bởi đây là công nghệ phức tạp, tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe, không nhiều nước trên thế giới có thể thực hiện được. Hiện nay, chỉ khoảng 2 quốc gia có thể thiết kế cơ sở và 10 quốc gia có thể thiết kế chi tiết, thi công.

Tam Đảo 03 đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) và Cơ quan đăng kiểm Hàng hải Mỹ (ABS) cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Chất lượng giàn khoan được đánh giá là đạt tiêu chuẩn quốc tế và tương đương giàn khoan do các nước Mỹ, Singapore, Hàn Quốc chế tạo.
 
Theo Báo Đại Đoàn Kết, tháng 5/2012, truyền thông khu vực chú ý tới thông tin Tập đoàn dầu khí Trung Quốc (CNOOC) triển khai giàn khoan khổng lồ CNOOC 981 ở giếng dầu Lệ Lan 6-1-1, cách Hong Kong 318 km về phía Đông Nam.
 
Giàn khoan bán ngầm thế hệ thứ 6 CNOOC 981 có chiều dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m, nặng khoảng 31.000 tấn (gần gấp 3 lần giàn Tam Đảo 03). Giàn khoan có thể hoạt động ngoài khơi ở độ sâu tối đa 3.000m và khoan ở độ sâu 12.000m.
 
CNOOC 981 được thiết kế để họat động ở vùng nước sâu nên nó không thiết kế với phần chân đứng.

Thay vào đó, 4 chân đứng đỡ thân giàn đặt trên các phao nổi. Câu hỏi đặt ra là liệu nó có khả năng chống chọi với những cơn bão khủng khiếp thường xuyên xuất hiện trên biển Đông không?
 
CNOOC 981 là bước đi đầy tham vọng của Trung Quốc khai thác dầu khí vùng biển sâu. Cách thiết kế của CNOOC 981 thể hiện phần nào tham vọng đó, với kiểu phao nổi nó có thể di chuyển dễ dàng tới mọi nơi trên vùng biển.

Hiện nay, tuy Trung Quốc triển khai CNOOC 981 ở vùng thuộc đặc quyền kinh tế biển nước này nhưng lại có thời hạn chỉ trong 56 ngày. Vấn đề, sau 56 ngày 981 sẽ được đưa đi đâu?
 
Theo một số chuyên gia quốc tế, CNOOC 981 sẽ được đưa tới khu vực đang tranh chấp với Philippines và cũng là nơi "thuộc đường lưỡi bò" hết sức phi lý mà Trung Quốc tự vẽ ra.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc triển khai CNOOC 981 là một nước đi hiểm của Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông. Vì khi CNOOC 981 di chuyển, chắc chắn "khối tài sản" trị giá gần 1 tỷ USD được hộ tống bởi nhiều tàu (có thể có cả tàu chiến) và máy bay.

Như vậy, việc đưa giàn khoan tới vùng biển nhạy cảm sẽ là cái cớ "hợp lý" để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự tại nơi đó. Một bước đi nhằm thực hiện tham vọng hợp thức hóa cái gọi là "đường lưỡi bò".
 
 
Theo Đất Việt online
 
 
 

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...