Cách tưởng nhớ về cha mình
Chiều nay, 10/11, nữ họa sĩ Lê
Hiền Minh vừa mở một cuộc triển lãm độc đáo theo thể nghệ thuật “sắp đặt”. Tên
cuộc triển lãm là “Bố Hạo”.
Có 2 phòng trưng bày. Phòng
thứ nhất gồm 1.000 vật thể được làm bằng
giấy bản, có hình dáng của sách từ điển. Tất cả đều rỗng ruột và không có chữ.
Tác phẩm sắp đặt này có tên Sách Từ Điển. Phòng bên cạnh tập hợp những bức ảnh
chụp vật dụng còn lại của người bố của tác giả và ghi chép lại ký ức của nữ họa
sĩ về người cha, phần này được đặt một tên như phụ trợ cho tên cuộc trưng bày
chính về Sách Từ Điển, đó là “Còn lại | Rời rạc”.
Quay lại tại sao có cái tên “Bố
Hạo”? Người bố mà nữ tác giả nói tới là nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Dưỡng Hạo.
Sinh thời ông từng làm việc ở ngay tòa nhà diễn ra triển lãm hôm nay với chức
phận một người nghiên cứu Hán - Nôm vô cùng say mê với nghề. Ông mất 10 năm về trước,
và giờ đây con gái của ông – một họa sĩ thành danh ở cả Việt Nam và nước ngoài
– đã có cách tưởng nhớ cha mình bằng cuộc trưng bày tác phẩm thể “sắp đặt” (installation)
theo chủ đề đã nói tới ở trên.
Và cũng chính họa sĩ Lê Hiền
Minh nói thêm rằng “thế không lấy tên là Bố Hạo thì biết lấy tên gì bây giờ?”
Theo cô lúc đầu cũng cân nhắc đến những cái tên khác như “Bố tôi”, “Tình cha”…
nhưng đều thấy chúng có ý chung chung quá. Còn “Bố Hạo”, theo nữ họa sĩ, thì
chỉ có một bố Hạo của cô ở trên đời này mà thôi!
Điều mà người xem chú ý rất
nhiều là phòng trưng bày ngàn cuốn sách rỗng ruột. Ý tưởng này đã được nữ họa
sĩ giải thích, cô làm như vậy như một lời tuyên bố thay cho “sự
thất vọng của cha tôi về việc đại bộ phận chúng ta không biết đọc ngôn ngữ Hán –
Nôm”. Điều ấy cũng có nghĩa là người dân chúng ta “hoàn toàn bị cắt đứt với chính nền văn hóa của tổ tiên mình”. Đây là một việc theo họa sĩ Lê Hiền Minh nó “liên quan
đến văn hóa đọc, viết của giới trẻ ngày nay nữa…”
Trong tấm bảng giới thiệu về triển lãm, nữ họa sĩ trẻ Lê Hiền Minh đã viết
trên đó: “Khi bắt tay vào chuẩn bị cho triển lãm cũng là khi những suy ngẫm về
cha bắt đầu mở ra. Tôi phải đối mặt với những cảm xúc lẫn lộn mà tôi đã tránh
né trong bao năm. Những cảm xúc đầy thách thức này trở về mạnh mẽ khi tôi xem
lại những bức ảnh kỷ niệm, sổ tay, thư viết và rất nhiều những vật dụng khác
của cha. Thật khó khi phải lục lọi trong ký ức để nhớ lại kỷ niệm mà tôi đã
không muốn nhớ đến trong nhiều năm qua, để khi nhận ra bây giờ mình không còn
nhớ gì mấy. Và dù 10 năm trôi qua, tôi vẫn không thể xem ảnh đám tang của cha.
Tôi thấy sợ dù chỉ là chạm tay vào những bức ảnh này”.
- Họa sĩ Lê Hiền Minh ký tặng vật phẩm làm mẫu trưng bày cho người xem
- Phòng trưng bày "Sách Từ Điển"
- Phòng trưng bày "Sách Từ Điển"
Tôi quan sát thấy nhiều người xem dừng lại rất lâu bên những cuốn sách làm
bằng giấy dó với sự tò mò muốn biết nó được làm bằng tay như vậy đã
mất bao nhiêu thời gian (nghe nói kéo dài cả năm!). Hoặc có người ngắm chăm chú mấy
bức ảnh chụp về đời sống đơn sơ thường ngày thời bao cấp, thời mà mọi người
“cùng nghèo khổ”. Đó là ảnh người cha của
nữ họa sĩ đạp xe đạp đèo con ngồi trên cái gióng phía trước của chiếc xe; ảnh
khác là ông hơi nghiêng mình trên chiếc ghế mây và để con gái mình tươi cười
nghịch ngộ dẵm nhảy lên đùi lên ngực bố cũng như tấm ảnh miêu tả làm nổi bật 2
chồng tài liệu cũ kỹ chắc là mốc ẩm mà người cha cô gìn giữ hồi còn công tác. Chính
những cái đó khiến nhiều người lớn tuổi như chúng tôi cảm động nhớ về một thời…
Sau cuộc triển lãm lần này tại
Hà Nội (11/2012), nội dung trưng bày của nữ họa sĩ Lê Hiền Minh sẽ được tổ chức
tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm tới, 2013.
Điều cuối cùng muốn viết lên đây, tuy là điều cô
họa sĩ trẻ muốn tránh nói đến nhất.
Đó là Lê Hiền Minh là con gái duy nhất của họa sĩ
rất nổi tiếng Nguyễn Thị Hiền. Và cô chính là cháu ngoại của cố nhà văn với
những văn phẩm bất hủ Kim Lân. Cậu ruột cô là họa sĩ tài hoa Thành Chương. Và
các em mẹ cô cũng là những họa sĩ có
những đóng góp nhất định với nghề hội họa. Ông nội cháu là cụ Lê Tư lành, một
người uyên bác; và bác ruột bên bố cháu là Tiến sĩ Lê Đăng Doanh rất nổi tiếng
trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế... Song điều mà cô tránh nhắc đến chuyện
"con ông nọ cháu bà kia" như thế đơn giản vì nghĩ mình không thể là
cái bóng sống nhờ sự che chở bảo trợ từ những người tiếng tăm lẫy lừng, dù đó
là người thân ruột thịt. Lê Minh Hiền muốn là mình, tự đi lên và tiến tới đích
nghệ thuật vinh quang từ sức lực phấn đấu của chính mình, không thích dựa bóng
cây đa cây đề nào cả.
Tuy nhiên ở khía cạnh khác, xin có vài lời riêng với cháu Lê Hiền Minh thế này, một gia tộc như vậy với góc nhìn từ người trong giới văn học nghệ thuật, và rộng ra là xã hội cũng thế - nơi cháu Lê Hiền Minh con bố Hạo được sinh ra và lớn lên, trưởng thành như một nữ họa sĩ thành danh hiện nay - rõ ràng là điều càng đáng tự hào chứ sao...
Tuy nhiên ở khía cạnh khác, xin có vài lời riêng với cháu Lê Hiền Minh thế này, một gia tộc như vậy với góc nhìn từ người trong giới văn học nghệ thuật, và rộng ra là xã hội cũng thế - nơi cháu Lê Hiền Minh con bố Hạo được sinh ra và lớn lên, trưởng thành như một nữ họa sĩ thành danh hiện nay - rõ ràng là điều càng đáng tự hào chứ sao...
Xóm Chuối, 10/11/2012
Vệ Nhi
Vệ Nhi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét