Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Chút ký ức 40 năm trước



Chút ký ức đúng 40 năm trước



Hay gọi là "Ký ức 26/12" ngắn gọn thế cũng được! Bởi vì ngày mai, 26/12/2012 là tròn 40 năm Mỹ ném bom rải thảm từ pháo đài bay B52 nhằm hủy diệt cả một khu phố Khâm Thiên. 

Trước đó các mục tiêu tương đối đông dân cư như Đông Anh, rồi An Dương ở sát sông Hồng đều đã làm nhiều thường dân mất mạng. Nay Mỹ họ chọn Khâm Thiên là tính toán cả, có ý hủy diệt một khu phố mà nhà cửa san sát, mật độ dân rất cao, lại toàn con người lao động bình thường ở, ném bom rải thảm như B52 thì số người chết sẽ rất nhiều. Đó là cách gây sức ép tối đa nhất lên lãnh đạo Việt Nam, buộc Hà Nội chấp nhận các điều kiện Mỹ muốn ở Hội nghị Paris.    

Mình rất nhớ cái hôm 26 đó (và cả 27/12 rồi các ngày tiếp theo nữa, mình sẽ ghi lại sau) nằm trong chuỗi những ngày đông giá lạnh của miền Bắc, của thủ đô Hà Nội. 

Tình hình chiến sự thì trong Nam ngoài Bắc đều quyết liệt hơn vì hòa đàm Paris đã đổ vỡ. Quyết chơi canh bạc dốc hết sức, Mỹ không ngại ngần dùng tới B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên... Tuy nhiên gần 8 năm miền Bắc đối chọi với Mỹ ném bom thành ra mọi chuyện cũng không có gì là sợ hãi dù chẳng chủ quan khinh địch (khinh bom đạn). Bằng chứng là cơ quan nào bố trí người ở lại Hà Nội trực thì chẳng ai ngại ngùng. Nghĩa là phân công đi sơ tán hay cho ở nhà, ở lại với cơ quan đơn vị đều chấp nhận...   

Mình nhớ lại tối đó mình ôm đứa con trai đầu lòng săn sóc cháu bị ỉa chảy tại khoa Nhi BV Việt Nam - Cu Ba. Hai bố con nằm dưới tầng hầm bệnh viện (BV này có hẳn một tầng hầm không được sâu lắm nhưng cùng nằm dưới cốt 0, tức là nền nhà mà chúng ta bây giờ đi vào thấy). Tầng hầm này chạy dài suốt ngôi nhà chính ở 37 Hai Bà Trưng (bây giờ là một cơ sở giải phẩu thẩm mỹ thuộc khoa ngoại BV này). Những ai có con nhỏ đưa tới khám chữa bệnh ở đây thì biết, tất cả khu nhà này là của Nhà Chung, tức của nhà thờ công giáo. Nhà thờ nhường cho một phần lớn khu làm lễ và chủng viện cho hệ thống bệnh viện của thành phố Hà Nội.




Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba hiện nay (hồi 1972 khoa Nhi nằm ở phía bên phải cổng này)


...... Khoảng chập tối, lại vào những ngày sau tiết đông chí rất lạnh, đám trông con nhỏ điều trị tại BV đi xuống hầm nằm ôm con dỗ cháu. Là nói đi nằm thôi vì đâu có ai ngủ được. Mấy hôm liền trước đó báo động liên hồi mỗi khi bắt đầu tối trời. B52 ném bom suốt từ ngày 18/12 mà. Chỉ riêng đêm Noel 24/12 và ngày tết Noel 25/12 với vùng Hà Nội là hơi ngớt vì Mỹ cũng muốn "tỏ thiện chí" với tôn giáo. với Chúa chăng... Nhưng đêm 26/12, một đêm định mệnh đã tới! Sau một hồi báo động lúc chập tối, quãng hơn 8 giờ tối là liên tục tiếng gầm rú xé trời. Không gian đầy tiếng ầm ì, lúc to lúc nhỏ. Có lúc nghe ù ù như xay thóc, mỗi lúc rền vang hơn... Rồi những ánh chớp lóe lên liên hồi, xem ra rất gần, dù nằm dưới hầm tối om (cắt điện hết thành phố mà). Các cánh cửa nếu có cũng đều được mọi người qua lại đóng lại mà ánh chớp vẫn lóe màn đêm, nhoang nhoáng ánh lên xuyên vào tầng hầm... Chừng vài phút sau mặt đất chừng như bật nẩy lên, như các làn sóng cuộn lên rung chuyển. Có cảm giác như ngôi nhà lớn của BV này sẽ đổ sập! 

Nhớ lúc đó, mình nghĩ ngay đến các kết cục xấu nhất. Có tiếng nói thất thanh kêu lên, "B52 nó đánh rất gần rồi" (sau này mới biết tiếng nói phán đoán - mà rất chính xác - nói trên là của một ông bố chăm con như mình, nhưng vì từng ở trong Vĩnh Linh một thời nên biết các thứ tiếng động âm thanh của B52 nó bỏ bom và cắt bom ra sao...). 


Mình chỉ biết ôm chặt lấy đưa con trai, cháu lúc đó được hơn 7 tháng tuổi. Lẽ ra cháu bé theo cơ quan mình thì đưa đi sơ tán ở Chuông, Hà Tây. Nhưng vì mẹ cháu làm ở BV này, lại ở diện phải trực BV theo sự phân công của Sở Y tế, nên để cháu tiếp nước mấy hôm nay ở đây. Mình cứ hết giờ làm việc ở cơ quan lại về đây ôm con bởi chỗ mẹ cháu cũng cắt đặt ít người nên phải ở trong tổ trực ban suốt..

Sau đợt ném bom, mình có ngoi lên trên vào khoa trực. Đèn điện toàn thành phố vì chưa đóng cầu dao lại nhưng do BV có ít đèn măng-xông đã tạm thắp lên. Ngoài đường các xe cứu thương kéo còi xé lên cái âm thanh cấp cứu quen thuộc. Trong không khí thấy có mùi khen khét xộc đến (hóa ra đầu phố Khâm Thiên chỗ đường sắt chạy qua chỉ cách BV này mấy trăm mét theo đường chim bay chứ mấy)...


Cả BV không ai nói với ai nhưng cả người nhà bệnh nhi, những thấy thuốc đi qua đi lại đều thấy mình như vừa thoát qua một khúc hiểm nghèo, nói thẳng là thoát chết. Bởi vì cái đường bay B52 kia chỉ cần vẽ chệch đi tí chút thì điều gì sẽ xảy ra...

Thoát chết là thoát cho đợt oanh tạc này. Ai mà biết phía Mỹ họ sẽ ném bao nhiêu đợt bom nữa? Nên cái cảm giác an toàn thì chẳng hề có. Đêm tối vẫn bao quanh, máy bay Mỹ sẽ có thể còn quay lại đánh bom đợt nữa. Hoặc giả qua đi ngày hôm nay, thì ngày mai, 27/12, rồi tiếp nữa 28, 29... liệu sẽ như thế nào?... 

Nhưng quái lạ, tình thế thì như vậy, trước mặt biết bao khó khăn và hiểm nguy như thế như thế với mọi người dân, nhưng hình như chẳng một ai lo lắng âu sầu gì.! Cái vẻ lỳ không hề ngán ngại là thấy ở người dân miền Bắc, người dân Hà Nội những ngày đầy thử thách đó...

Mình tin những ai sống ở thời đó chắc cũng sẽ có những cảm giác như bọn chúng tôi trông trẻ con ốm đau ở BV Việt Nam - Cu Ba này những ngày đó. Nó cũng giống như các bộ nhân viên các cơ quan, đơn vị được phân công ở lại Hà Nội trực những ngày cuối tháng 12/1972 đó cũng tương tự vậy. Nghĩa là cái cảm giác đủ sức chịu đựng, một tinh thần vững vàng không hề sợ sệt lo lắng bồn chồn gì cả... Không một ai có ý định trốn chạy khi được phân công ở lại Hà Nội, mặc dầu lúc đó được coi là "một túi bom". Những túi bom từ rất nhiều B52, từ rất nhiều máy bay cường kích của không lực Mỹ vẫn "đang chờ" trong những ngày sắp tới. Đúng là như vậy, không lên gân chút nào. Đó là sự thật của những ngày được gọi là Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.. 

 (còn nữa)

Vệ Nhi

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...