Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Ký ức 40 năm trước (II)



Ký ức 40 năm trước (II)

(viết về ngày 26/12 và những ngày tiếp theo)




      

… Mới đến khu vực đầu phố này thôi đã thấy một quang cảnh kinh hoàng! Gạch cùng vôi vữa rồi thân cây, những mảnh vải rồi dây điện ngổn ngang vương vãi khắp chỗ. Bên dãy số lẻ nhà cửa thấy nhiều đống ùn cao đổ nát... Cố chen chân sang được sát lối ngõ Khâm Thiên càng nhìn thấy nhiều cảnh tan nát tang thương. 

 27/12/1972 – Sáng hôm sau con trai mình vẫn còn ốm được mẹ ra trực trông, mình lấy cái xe đạp Thống Nhất cơ quan "phân phối” đi thẳng ra Khâm Thiên (vì sáng nay, 27/12 là ầm lên các nguồn thông tin B52 Mỹ ném bom phố Khâm Thiên).

Đi hết phố Thiền Quang đã thấy đất đá và các cành cây vương vãi đầy đường. Còn người thì đổ từ các ngả về phía Khâm Thiên dần đông đặc. Xe đạp không đi được cũng không dắt được. Mình quyết đến kỳ được Khâm Thiên nên quay ngược lại, đưa xe cất vào nhà ông bà nhạc ở ngõ Liên Trì không xa chỗ này là bao để đii bộ… 

Cất xe đạp ra phố, từ đầu Liên Trì mình men bộ phía bên bờ cái hồ có tên Ha-le, rồi định kiếm đường qua ngả hai con phố ngắn Vũ Lợi hoặc Đỗ Hạnh xuyên ra đường Nam Bộ (hồi ấy chưa có tên Lê Duẩn như bây giờ). Nhưng khôn ngoan ấy bằng thừa. Hai ngả phố ngách ấy vẫn người xe chen chân, kẻ này tìm đến Khâm Thiên thì người khác từ phía đó đổ về… 
Phải đến hơn hai chục phút sau thì mình cũng qua được Nam Bộ, vượt đường tầu để áp sát hè bên số chẵn của phố Khâm Thiên. 

… Mới đến khu vực đầu phố này thôi đã thấy một quang cảnh kinh hoàng! Gạch cùng vôi vữa rồi thân cây, những mảnh vải rồi dây điện ngổn ngang vương vãi khắp chỗ. Bên dãy số lẻ nhà cửa thấy nhiều đống ùn cao đổ nát... Cố chen chân sang được sát lối ngõ Khâm Thiên càng nhìn thấy nhiều cảnh tan nát tang thương. 

Đứng lên vài mố cao do nhà cửa sập xuống tối qua, mình quan sát thấy rất nhiều mảnh áo quần, chăn màn rách nát vung vãi khắp các cột điện, trên những cành cây khẳng khiu mà gốc nó đã siêu đổ vì hơi bom nhưng chưa rạp đổ xuống... Người phía trong ngõ chợ và phía mấy con ngõ nhỏ quanh đấy túa ra. Mình nhớ có cái ngõ đã vào trước đây một lần, nhưng tên là gì lâu quên mất rồi. Chỉ nhớ bên cạnh nó là một địa danh khi hỏi thăm thì bảo là hồ bãi cát gì đó... Mình ghi cái tên cụ thể vậy vì có lần mình đi vào tìm một tay con buôn xe đạp ở cái ngõ đấy. Là định nhờ hắn mai mối mua cái xe cũ ít tiền hồi mới ra trường, nhưng rồi việc không thành, phải chờ mãi mới được phiếu phân phối mua cái xe nội địa Thống Nhất dùng cho đi làm mà đoạn trên đã nói đến.



Ảnh bên: Khâm Thiên trước khi bị bom B52

... Trở lại chuyện Khâm Thiên. Nhờ những người đi ngược ra họ truyền tin thì mới biết, phía trong kia còn kẹt không vào được, mà người chết chủ yếu lại ở phía trong đó mới chiếm nhiều. Tức là người dân bị chết vì sức ép bom nổ, vì gạch đá bê tông sắt thép nhà cửa đè lên là rất nhiều vì trong ấy đông người ngủ lại đêm qua. Vừa vừa nghỉ Noel qua mà. Loáng thoáng đài đưa tin sáng nay là “hàng trăm” người chết, người hưa tìm và kiểm được. Chắc phải đợi về cơ quan xem mấy tờ nhật báo chính thức thì mới rõ chi tiết được... Họ còn bảo hiện giờ ở phía sâu trong kia còn nghe rõ nhiều tiếng kêu rên rỉ rất thương tâm. Nó vọng ra từ mãi phía trong các ngõ Trung Phụng, Dân Chủ và cả ngõ Chợ này. Bởi các nơi đó có những dãy nhà gác hai ba tầng đổ sụp cả khối nên người chắc người còn bị kẹt dưới những tường nhà, những thanh xà lớn và nhiều mảng trần bê tông dày...

Mình ngơ ngẩn chưa định đi đâu, đúng hơn là cũng chẳng biết đi đâu lúc này. Tiến thoái lưỡng nan. Người thân người quen phía trong ấy thì không có ai. Nhưng trong lòng thì cứ muốn tới tận nơi những chỗ đổ nát. Quả thực muốn làm muốn giúp ai đó một điều gì. Hồi đó, 29 tuổi, lòng đầy niềm hăm hở. Tuy vậy mình cũng hiểu làm những việc giải quyết hậu quả thế này cũng phải có tổ chức có bài bản lớp lang. Vì nếu không, cứ nhiệt tình xông tới, nhảy bổ vào, gặp trường hợp nhà vắng chủ (đi sơ tán) thì người giúp cũng dễ mắc kẹt.  Mấy ông dân phòng có giải thích như vậy, và mình thấy ở phía sát ngõ chợ chủ yếu là người ta còn canh gác như chờ các chủ nhà vắng đêm qua ở nhà hoặc đang trên khu sơ tán chưa về kịp… Chứ còn các nhà có chủ, có người nhà người thân thì họ đã báo nhau, kéo về dọn dẹp thu vén những đống đổ nát một cách hết sức khẩn trương.

Kể ra nếu chi đoàn thanh niên cơ quan mình không đi hết vào Chuông thì mình cũng bàn với các bạn cùng kéo xuống đây đăng ký giúp địa phương một phần việc nào đấy. Chứ thân một mình thế này, xem ra khó góp vào đây việc gì trong buổi sáng nay… Nhớ lại ngay lúc sáng nay biết không còn bạn cơ quan nên mình đã có ý định rủ mấy anh bạn ở vài cơ quan khác cùng tới Khâm Thiên. Nhưng điều kiện lúc đó không liên lạc được với nhau, cũng đành chịu...





Khâm Thiên 40 năm trước (ảnh chụp đường phố sau khi B52 ném bom)

Người quen thân ở Khâm Thiên lúc này chỉ nghĩ tới anh bạn NĐV. Rất muốn tới hỏi thăm tại chỗ vì nghe nói bạn chưa đi sơ tán. Nhưng nhà anh bạn nằm mãi trên số 330 của con phố này. Đất đá, cột điện đổ, người ngờm ngợp thế này sao mà tiến về phía nhà anh bạn ở mãi cuối con phố dài này để hỏi thăm bạn được. 

Nhắc lại một lần nữa là thời ấy chẳng có một thứ phương tiện gì để liên lạc bạn bè nhanh hơn là cách đạp xe đến tận nơi mà gặp! Điện thoại đã có nhưng chỉ cơ quan nhà nước mới được trang bị, chứ nhà riêng thì chỉ cán bộ cao cấp chứ cánh chúng tôi với nhau thì quên đi nhé. Ngay ở cơ quan thì cái thứ phương tiện thông tin liên lạc công này cũng chỉ dùng cho công việc. 

… Loanh quanh mình ở đầu phố Khâm Thiên đó đến quãng hơn 10 giờ sáng. 

Khu vực mình đang đứng quang cảnh hao hao giống những vùng dân cư bị ném bom khác mà mình cũng nhiều phen mục sở thị khi đi công tác ở khu 4, nhất là chuyến vào Quảng Bình Vĩnh Linh hồi đầu năm vừa rồi (tháng 3 – 4/1972) . Là hoang tàn và đổ nát. Ai cũng thế, đứng trước cảnh này đều thấy dâng lên một nỗi ngậm ngùi trước cảnh thê lương. Thương những nạn nhân và cảnh đời bao người mất nhà cửa…

Lúc đó mình chú ý nhất là có một cái hố bom rất to và sâu. Quả bom nổ ở đồng ruộng, ở cầu cống nó đi một nhẽ. Thấy tiếc (cho dân mình), thấy căm (kẻ ném) nhưng các hố bom đó nócũng dễ qua đi trong trí nhớ, chưa đủ gây sự nhức nhối đào khoét trong tâm hồn. Đằng này hố bom to rơi xuống một khu nhà ở, nó gợn trong lòng một sự sót xa và căm giận khác hẳn. Có thể giữa cái hố kia là một căn nhà, một gia đình trú ngụ? Thì hãy nhìn ngay bên cạnh hố, chẳng là mấy nếp nhà đổ sụp đó sao.

Đi lại hỏi han rồi mình cũng nhận ra cạnh hố bom sâu, phía sát cái con ngõ có tên hồ bãi cát ngày xưa kia mình đã có lần đến đây... Gặp mấy người đang đào bới, đang tìm một cái gì đó cho nhà mình và thấp thoáng các anh dân phòng đi đi lại lại. Người ta bảo toàn bộ đất đá do quả bom lớn nổ đã vật lên rồi quật trùm lên dãy nhà mái ngói cấp 4 phía bên trái mà giờ trông chỉ còn là những đống ngói và gạch vỡ vụn… Người ta cũng bảo có sáng tinh mơ hôm nay đã đưa 4 người chết ở khu này về phía Xã Đàn. Chắc có người nhà ở đó để khâm liệm chôn cất. Còn dãy nhà bị sập kia phần lớn là hộ đi vắng, hoặc bận làm ăn ở đâu, hoặc đi sơ tán vắng mặt nên dân phòng vẫn trông nom canh giữ chờ người chủ người thân họ về… Với mức độ ăn ở san sát thế này, mình nghĩ số người chết nhiều hơn, nhưng thoáng nghĩ không khí thê lương này, không có nhiệm vụ mình chẳng dám cất lời hỏi ai lúc này.




Hai ảnh: Khâm Thiên ngày nay, 2012






Trưa hôm đó về nhà, mình cậy cục moi trong trí nhớ và những gì thấy được buổi sáng nay viết lại. Hay đúng hơn là cố thể hiện những cảm xúc lúc tới Khâm Thiên bị tàn phá. Ấn tượng xoáy sâu tâm can nhất lúc đó chắc chắn là cái hố bom giữa lòng thành phố đông dân, Cái hố bom toang hoác lúc đó chỉ là đất đá, nhưng mình vẫn bị ám ảnh. Nó cứ như là có máu người vương lại, màu đỏ lòm từ thân xác người dân vô tội đổ xuống khu phố Khâm Thiên đêm qua…

Viết rất nhanh; và sau đó chẳng kịp đánh máy (hồi đó bản thảo nhiều khi là thế, máy chữ vẫn còn hiếm hoi lắm), mình để nguyên hơn trang giấy "5 hào hai" với chữ viết tay, gấp lại đưa vào phong bì rồi gửi ngay đến tòa báo Hà Nội mới ở ngay bên cạnh Bờ Hồ. Bài viết như vậy cũng ngắn thôi, chắc chừng 300 chữ gì đó. Mình ký bút danh là Vĩnh Long, bởi cậu con trai mình có tên Bình Long. Sáng hôm sau trên trang 2 tờ báo của thủ đô có in bài viết này. Tiếc rằng hồi đó mình chẳng biết lưu giữ số báo đó nên nay chỉ còn nghĩ về nó như một kỷ niệm với Khâm Thiên…

Và phải đến cuối buổi chiều hôm 27/12 mình mới thu xếp đi tới 330 Khâm Thiên để thăm hỏi anh bạn NĐV mà mình cũng rất muốn viết tiếp…

Vệ Nhi 

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...