Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Bớt cơm gạo, sắm vũ khí




Bớt cơm gạo, sắm vũ khí

Như thứ phản ứng dây chuyền, các quốc gia châu Á mấy năm nay “thi đua” sắm sanh ngày càng nhiều vũ khí súng đạn. Nghĩa là tăng dần các món chi ở ngân sách quốc phòng.

Lý do có nhiều, nhưng nổi lên là họ cảm thấy bất an trước lộ trình tăng hết cỡ mọi tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc. Nó thúc đẩy và làm nóng lên cuộc chạy đua vũ trang mới của nhiều nước châu Á nói chung và đặc biệt là khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Tuy dễ đồng tình trước việc nền kinh tế châu châu Á đã được cải thiện rất nhiều trong lien tục mấy chục năm qua nhưng không có nghĩa là châu lục này đã giàu có. Cơm áo gạo tiền vẫn là các tính toán chiếm rất nhiều thời gian và tiềm lực quốc gia phải dồn cho nó. Thế mà giờ đây các nước ở đây lại đành thắt lưng buộc bụng, thắt chặt hầu bao theo hướng bớt đi chuyện cơm gạo mà chuyển qua sắm sanh thêm vũ khí.

Đấy là điều nghịch lý mà vẫn buộc phải tiến hành nếu không muốn quốc gia của mình yếu đuối và sớm bị lệ thuộc vào các cường quốc khu vực và thế giới. Cái xu hướng như không cưỡng nổi, là hãy bơn bớt chuyện cơm áo gạo tiền mà để dồn tiền bạc cho những công vụ sắm sanh đạn dược vũ khí hiện đại.
Dưới đây xin giới thiệu 3 bài viết về xu hướng kể trên diễn ra ở châu Á..

Vệ Nhi

   
-------

Ồ ạt tăng chi phí ở châu Á: Đua nhau sắm tàu chiến

Việc Trung Quốc hối hả giao tàu sân bay đầu tiên cho hải quân khiến các nước láng giềng thêm quan ngại về ý đồ độc chiếm biển Đông




Lễ bàn giao tàu sân bay tân trang từ chiếc Varyag mua lại của Ukraine diễn ra hôm 24-9 tại cảng Đại Liên, theo bản tin ngắn của Thời báo Hoàn Cầu. Cũng theo bản tin này, một buổi lễ khác chính thức đưa tàu vào hoạt động sẽ được tổ chức sau nhưng không cho biết cụ thể khi nào. Chiếc tàu sân bay này vừa hoàn tất cuộc chạy thử cuối cùng lần thứ 10 ngày 3-9 vừa qua.
Bắc Kinh cần tàu sân bay
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận về sự kiện được cho là khá bất ngờ này vì trước đó có tin cuối năm mới biên chế con tàu vào hải quân. Việc con tàu vẫn chưa có tên chính thức cho thấy điều đó. Hiện nay nó mang tên “số 16”.
Trong thời gian chạy thử bắt đầu từ tháng 8-2011, cư dân mạng Trung Quốc từng đặt tên cho nó là Thi Lang, tên một vị tướng nhà Thanh chinh phục đảo Đài Loan. Có nhiều nguồn tin khác nói nó sẽ mang tên cố lãnh tụ Mao Trạch Đông hoặc Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo một nguồn tin mới nhất của nhật báo Đô thị phương Nam, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ mang tên Liêu Ninh. Theo quy định của hải quân Trung Quốc, không được lấy tên người đặt tên cho tàu mà chỉ được lấy tên tỉnh, thành phố, sông núi hoặc ao hồ.





Ảnh bên: Tàu tuần duyên Nhật so kè với tàu hải giám Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
 


Cuộc sửa chữa, tân trang chiếc Varyag được thực hiện tại cảng Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, từ năm 2002. Trong suốt thời gian này, những thông tin liên quan đến “niềm tự hào của Trung Quốc” đều thuộc dạng “tin tình báo phương Tây” hoặc “tin hành lang” chứ Trung Quốc không hé môi. Mãi đến lúc chạy thử lần đầu hồi tháng 8 năm ngoái, báo chí Trung Quốc mới chính thức đưa tin.
Trong bối cảnh căng thẳng chuyện tranh chấp chủ quyền các đảo với Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, theo nhận định của tờ Daily Times của Pakistan, việc vội vàng biên chế chiếc tàu sân bay “số 16” đã làm các cường quốc trong khu vực và Mỹ quan ngại với câu hỏi “tại sao Bắc Kinh cần tàu sân bay?”


Săn công nghệ tàu ngầm
Nhật báo Người đưa tin New Zealand gần đây giải thích rằng Trung Quốc khẳng định nguồn tài nguyên khu vực này là của họ. Do đó, họ muốn chiếm thế “thượng phong” và không ngần ngại dùng lực lượng hải quân hùng mạnh để đạt được mục đích.
Bên cạnh tàu nổi dễ thấy, dễ dùng số lượng để hù dọa, người ta cũng chứng kiến cuộc đua chế tạo và mua sắm tàu ngầm âm thầm trong khu vực.
Ấn Độ cho biết tin tặc từ Trung Quốc đã tấn công bộ chỉ huy hải quân của họ. Báo Nhật Bản tiết lộ 40 máy tính của 7 cơ sở đóng tàu ngầm của hãng Mitsibishi ở Kobe cũng bị tin tặc tình nghi là từ Trung Quốc tấn công bằng mã độc.
Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện có 64 chiếc, nhiều nhất trong khu vực hải giám và đang đóng thêm tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo. Nhật Bản cho biết từ nay đến năm 2020 sẽ nâng số tàu ngầm hiện có từ 16 lên 22 chiếc. Ấn Độ đang tự đóng 6 tàu ngầm mới. Indonesia mua thêm 3 chiếc. Thái Lan dự định mua 6 chiếc của Đức. Philippines cũng tính mua 1 chiếc. Malaysia đã mua 2 chiếc của Pháp.
Theo nhà báo Kamil Tazi của đài phát thanh Luxeradio, tham vọng Trung Quốc ở biển Đông ngày càng lộ rõ đã khiến các nước láng giềng hiện đại hóa hải quân của họ. Tất nhiên, các nước nhỏ không thể kình chống ngang ngửa với Trung Quốc nhưng theo nhà báo Mỹ Daniel Wagner viết trên trên tờ Huffington Post, lực lượng tàu ngầm của các nước nhỏ tạo một ảnh hưởng nhất định đến môi trường hải quân trong khu vực.


Tàu sân bay số 16 tại cảng Đại Liên. Ảnh: GT

Hải chiến Trung - Nhật?
Trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang dấy lên mối lo ngại nếu không kiềm chế có thể xảy ra một trận hải chiến Trung - Nhật ngay trong năm nay.
Trong mấy ngày qua, tàu hải giám Trung Quốc và tàu Đài Loan liên tục thực hiện “sứ mệnh khẳng định chủ quyền” quần đảo khiến lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) phải đối phó khá vất vả. 20 thành viên JCG đã có mặt trên đảo để ngăn chặn âm mưu đổ bộ của thuyền viên Đài Loan.
Nếu xảy ra hải chiến - điều mà chẳng ai muốn - ai sẽ thắng? Nhà báo James R. Holmes nhận định trên tạp chí Foreign Policy: “Về số lượng, rõ ràng Trung Quốc có ưu thế với 73 tàu chiến lớn, 84 tàu tuần duyên trang bị tên lửa và 64 tàu ngầm. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ có 48 tàu chiến lớn, 16 tàu ngầm chạy bằng điện và diesel”.
Tuy nhiên, số lượng không thể bảo đảm chiến thắng. Chất lượng mới đáng kể. Thủy quân Nhật nổi tiếng về tính chuyên nghiệp. Hải quân Nhật diễn tập quân sự rất nhiều, nhất là với đối tác Mỹ là cường quốc về hải quân. Cộng với vũ khí hiện đại như hệ thống chiến đấu Aegis, hải quân Nhật sẽ không dễ bị bắt nạt nếu không muốn nói là có ưu thế hơn, theo ông Holmes.

VĂN ANH (Báo "Người lao động")

-------



Ồ ạt tăng chi phí quân sự ở châu Á: Ai hưởng lợi?

Gây căng thẳng trên biển Đông, Trung Quốc làm lợi cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ

Trong báo cáo có tiêu đề “Cán cân quân sự năm 2012”, Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) có trụ sở chính ở London - Anh nhận định rằng một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra ở châu Á, với một bên là Trung Quốc và bên kia là các nước châu Á láng giềng.

Do đâu Mỹ trở lại châu Á -Thái Bình Dương?

Việc Trung Quốc tăng chi phí quân sự gấp nhiều lần chính là lý do để các nước trong khu vực quan ngại, buộc phải tăng chi phí quốc phòng để bảo vệ lợi ích quốc gia, theo IISS. Kokoda Foundation, một tổ chức tư vấn quốc phòng có ảnh hưởng lớn ở Úc, mới đây cũng nhận định: “Mối đe dọa Trung Quốc đã châm lửa cho nhu cầu khẩn cấp tái tập trung phát triển quân sự để đối phó với sự phát triển nhanh chóng của quân đội nước này”.

Báo cáo tháng 3-2012 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) - Thụy Điển cũng có một đánh giá tương tự. Nó khiến châu Á trở thành khu vực nhập khẩu vũ khí lớn nhất. 5 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất năm 2011 đều ở châu Á.

Mối đe dọa Trung Quốc cũng là nguyên nhân khiến Mỹ trở lại mạnh mẽ ở châu Á - Thái Bình Dương và hưởng lợi từ việc bán vũ khí cho các nước châu Á, theo SIPRI. Điều này đã được ông Trần Hướng Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị Thế giới của Trung Quốc, nhìn nhận trong một bài báo đăng trên tạp chí Global Research. Tuy nhiên, cách lý giải sự trở lại của Mỹ của ông Dương hoàn toàn khác 2 viện nghiên cứu phương Tây nói trên.

Ông Dương nói Trung Quốc không phải là nước có chi phí quân sự lớn nhất ở châu Á mà là Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakistan từ năm 2007 đến 2012. Tuy nhiên, ông Dương không nói gì về việc Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ 6 thế giới, không còn nhập vũ khí từ lâu.

Ông Dương cũng so sánh năm nay, Trung Quốc chỉ tăng ngân sách quốc phòng có 11,2%, trong khi Ấn Độ tăng đến 17%. Thế nhưng, nhà nghiên cứu này lại không so sánh chi phí quân sự của Ấn Độ năm 2011 chỉ có 46 tỉ USD, trong khi Trung Quốc chi đến 143 tỉ USD.


Chiến đấu cơ F-35 sẽ thay thế F-4 lạc hậu của không quân Nhật . Ảnh: USAF
Về nguyên nhân khiến châu Á chạy đua vũ trang, ông Dương lập luận rằng đó là do “thiếu sự tín nhiệm, hiểu lầm và nghi ngờ (Trung Quốc) bởi hợp tác an ninh giữa các nước châu Á không theo kịp đà phát triển của hợp tác kinh tế”. Ông Dương gọi đó là biểu hiện của tình trạng “tiến thoái lưỡng nan về an ninh”.

Từ những lý lẽ trên, ông Dương kết luận rằng việc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở châu Á không những làm trầm trọng thêm căng thẳng quân sự ở đây mà còn xúi giục các nước châu Á xung đột với nhau, kích thích gia tăng chi phí quân sự mà Mỹ là kẻ hưởng lợi. Ông Dương nhấn mạnh rằng Mỹ là nước cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới. Châu Á nhập đến 30% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ từ năm 2007 đến 2011.
Vì vậy, theo ông Dương, chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là nhằm thổi bùng ngọn lửa tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Nó cũng nhằm kiểm soát tình hình an ninh trong khu vực và để bán được nhiều vũ khí hơn.
Vai trò của F-35 ở châu Á

Các nhà nghiên cứu ở Viện Lexington (LI), một tổ chức tư nhân chuyên nghiên cứu về chính sách công của Mỹ, trong đó có vấn đề an ninh nước Mỹ, đã có một cái nhìn sâu xa hơn về sự trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Sau khi không còn bận tâm mấy với cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự ở châu Âu, Mỹ không ngừng tập trung vào châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng vì lý do an ninh, kinh tế, chính trị và dân số. Việc Trung Quốc đầu tư lớn để tăng cường khả năng quân sự, theo Mỹ, tạo ra mối đe dọa làm xói mòn sự ổn định tương đối của khu vực.



LI cho rằng việc Mỹ bán vũ khí và đầu tư kỹ thuật trong khu vực là yếu tố quan trọng để cân bằng cán cân quân sự trong khu vực, khiến Trung Quốc e dè trong việc dùng vũ lực để đạt các mục tiêu chính trị. Khi nhiều nước trong khu vực sử dụng chung một hệ thống khí tài (của Mỹ) thì lực lượng quân sự Mỹ hành động có hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm trên, Mỹ đã có được trong 50 năm chiến tranh lạnh với Liên Xô. Khối quân sự NATO do Mỹ cầm đầu đồng nhất về vũ khí , chiến thuật và chiến lược đã giúp Mỹ kiềm chế được Liên Xô. Giờ đây, Mỹ muốn dùng lại kinh nghiệm đó ở châu Á - Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Nhằm mục đích trên, chương trình quốc tế đồng phát triển F-35, chiến đấu cơ tối tân nhất của Mỹ, là một ví dụ điển hình. Nó sẽ giúp mỗi nước giảm chi phí hiện đại hóa quân đội của mình mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất. Ở châu Âu, Anh, Ý, Hà Lan, Na Uy, Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia chương trình này.
Ngoài ra, còn có Canada và Úc. Mỹ cũng muốn phát triển chương trình này ở châu Á. F-35 sẽ thay phi đội F-4 của Nhật đã lạc hậu. Nó sẽ được phát triển ở Hàn Quốc trong tương lai. Ông Obama cũng muốn bán nó cho Ấn Độ. Một “liên minh” không quân hiện đại trải dài từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Úc và Ấn Độ sẽ có sức răn đe lớn với Trung Quốc.

-------

Buôn bán vũ khí Nga-Trung: Qua rồi thời trăng mật



VietnamDefence - Trung Quốc chấm dứt kỷ nguyên mua sắm ồ ạt vũ khí Nga và mưu toan cạnh tranh với Nga trên các thị trường vũ khí châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh khi đưa ra các sản phẩm quân dụng có giá rẻ hơn các loại tương tự của Nga.

Trong chuyến thăm Trung Quốc chính thức của TT Nga Dmitri Medvedev, không có các hợp đồng hợp tác kỹ thuật quân sự được ký kết.
Việc Moskva và Bắc Kinh tạm thời sẽ không ký các hợp đồng mới trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự đã được trợ lý TT Nga Sergei Prikhodko thông báo, mặc dù theo lời ông, "có một số dự án đang được sơ thảo, cụ thể là trong lĩnh vực không quân và hải quân".
Ông S. Prikhodko xác nhận sự suy giảm khối lượng xuất khẩu hàng quân sự của Nga sang Trung Quốc, cũng như có vấn đề cạnh tranh giữa Nga và Trung Quốc trên thị trường các nước thứ ba.



Từ đầu thập niên 1990, Trung Quốc trong một thời gian dài cùng với Ấn Độ là khách hàng nhập khẩu nhiều nhất vũ khí Nga. Các đợt bán vũ khí quy mô nhất đã được thực hiện trong lĩnh vực vũ khí không quân, hải quân và phòng không.

Cụ thể, Trung Quốc đã trở thành khách hàng lớn nhất mua các máy bay họ Su-27/Su-30. Nga đã cung cấp cho Trung Quốc tổng cộng 178 tiêm kích họ Su-27/Su-30, trong đó có 38 chiếc tiêm kích một chỗ ngồi Su-27SK và 40 máy bay huấn luyện chiến đấu 2 chỗ ngồi Su-27UBK, 76 tiêm kích đa năng Su-30МКК và 24 tiêm kích Su-30MK2. Tính cả 105 chiếc 105 Su-27SK lắp ráp theo giấy phép ở Thẩm Dương, tổng số tiêm kích Sukhoi của Trung Quốc là 283 chiếc.
Về vấn đề lắp ráp theo giấy phép Su-27SK ở Thẩm Dương, cần lưu ý là năm 1996, Trung Quốc đã mua giấy phép sản xuất 200 Su-27SK và không có quyền tái xuất sang các nước thứ ba. Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã lắp ráp được 105 chiếc từ các bộ linh kiện do Nga cung cấp. Sau đó, việc đàm phán cung cấp thêm 95 bộ linh kiện lắp ráp Su-27SK đi vào bế tắc. Thực tế, Bắc Kinh đã từ chối thực hiện tiếp chương trình lắp ráp theo giấy phép này sau khi chế tạo được sản phẩm làm nhái Su-27SK là J-11.
Trung Quốc trong một thời gian dài là khách đặt mua nhiều nhất các hệ thống phòng không của Nga. Các hệ thống này bắt đầu được chuyển giao vào đầu thập kỷ 1990. Năm 1993, Trung Quốc đã lần đầu tiên nhận được hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU với số lượng 2 tiểu đoàn. Năm 1994, hai bên đã ký hợp đồng thứ hai và năm 1996, quân đội Trung Quốc đã nhận được 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU-1.
Nga cũng đã cung cấp cho Trung Quốc theo 2 hợp đồng 35 hệ thống tên lửa phòng không Tor-М1 chia thành 3 đợt: 14 hệ thống vào năm 1997, 13 hệ thống vào năm 1999-2000 và 8 hệ thống vào năm 2001.
Năm 2002, Nga đã ký hợp đồng bán cho Trung Quốc 2 hệ thống tên lửa phòng không hạm tàu S-300FM Rif-M và bàn giao năm 2002-2003.
Năm 2004, Nga hoàn thành hợp đồng khác ký năm 2001 cung cấp cho Trung Quốc 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PMU-1.
Tháng 8.2004, hãng Rosoboronoexport đã ký với Trung Quốc hợp đồng bán hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 Favorit. Đây là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên hệ thống Favorit mà Nga bắt đầu xúc tiến ra thị trường từ năm 2001.
Trong khuôn khổ hợp đồng này, năm 2007-2008 Trung Quốc đã nhận được 2 đài điều khiển 83М6Е2, 8 hệ thống tên lửa phòng không 90Zh6Е2, 1 cơ số đạn tên lửa phòng không có điều khiển 48N6E2 và các phương tiện bảo đảm kỹ thuật.

Tháng 12.2005, Nga ký với Trung Quốc hợp đồng cung cấp lô thứ hai các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU-2 Favorit trị giá ước 1 tỷ USD. Số vũ khí này được chuyển giao năm 2008-2010.

Ở phân khúc vũ khí trang bị hải quân, vào nửa cuối thập kỷ 1990, Trung Quốc đã nhận được 2 tàu ngầm diesel-điện Projekt 877EKM. Năm 1997-1998, Nga đã cung cấp cho Trung Quốc 2 tàu ngầm diesel-điện Projekt 636 Kilo.

Tháng 5.2002, Rosoboronoexport đã ký hợp đồng cung cấp cho hải quân Trung Quốc 8 tàu ngầm diesel-điện Projekt 636 Kilo trang bị hệ thống tên lửa Club-S. Phần lớn các tàu ngầm này được chuyển giao vào năm 2005. Tàu ngầm cuối cùng, chiếc thứ 8 được chuyển giao mùa xuân năm 2006.
Năm 1999-2000, Trung Quốc đã nhận được 2 tàu khu trục Projekt 956Э lớp Sovremenny trang bị các tên lửa chống hạm siêu âm 3М-80Е Moskit. Theo hợp đồng thứ hai, năm 2005-2006, hải quân Trung Quốc nhận được thêm 2 tàu khu trục cải tiến Projekt 965EM.

Nga cũng đã cung cấp cho Trung Quốc một số lượng lớn trực thăng các loại, vũ khí lục quân, trong đó có hệ thống rocket phóng loạt Smerch, đạn pháo có điều khiển Krasnopol-М, hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Metis, Konkurs và các vũ khí khác. Hợp đồng cung cấp 9 trực thăng trên hạm Ка-28 và 9 chiếc Ка-31 đang ở giai đoạn thực hiện.

Việc Bắc Kinh hạn chế mua sắm vũ khí Nga có liên quan đến việc năng lực của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ trong những năm gần đây với việc sao chép thành công nhiều loại vũ khí Nga, bên cạnh các mẫu tự thiết kế.

Hiện tại, ngoại lệ chỉ có động cơ RD-93 dùng để lắp cho các tiêm kích hạng nhẹ FC-1 (JF-17 Thunder) của Trung Quốc và động cơ AL-31FN do MMPP Salyut cung cấp cho Trung Quốc để thay thế các động cơ tiêm kích Su-27 đã hết hạn sử dụng, cũng như để trang bị cho các máy bay J-10 (việc phát triển động cơ AL-31FN cho tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã hoàn thành năm 2000).

Sau này, không loại trừ Bắc Kinh sẽ mua tiêm kích trên hạm Su-33 cho các tàu sân bay tương lai của hải quân Trung Quốc (nếu như máy bay hàng nhái J-15 của họ sẽ không đáp ứng được các tính năng cần có), cũng như tiêm kích đa năng Su-35.
Trung Quốc cũng sẽ mua các tên lửa hàng không để trang bị cho các tiêm kích Su-27/Su-30 hiện có trong biên chế không quân Trung Quốc.

Trung Quốc cần có các tiêm kích trên hạm Su-33 là do kế hoạch đóng tàu sân bay của họ. Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán với Nga về việc mua Su-33 mấy năm trước. Ban đầu, Trung Quốc nêu vấn đề mua 2 Su-33 để đánh giá tính năng, nhưng Nga không chấp nhận phương án này. Sau đó, Bắc Kinh đề nghị Nga bán 1 lô 12-14 chiếc. Song Moskva cho rằng, phương án này cũng không thể chấp nhận vì với đơn đặt hàng này sẽ không có lợi để mở dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, phía Nga cũng lo ngại thất thoát công nghệ vì Trung Quốc có kinh nghiệm vô song về sao chép vũ khí Nga.
Công ty Sukhoi đưa ra đề xuất cuối cùng cung cấp cho Trung Quốc lô đầu gồm 12-14 Su-33 biến thể tiêu chuẩn để hải quân Trung Quốc sử dụng làm phi đội huấn luyện, và 36 chiếc tiêm kích trên hạm cải tiến trở lên. Nhưng cuối cùng, đàm phán bế tắc. Cần lưu ý là song song với việc đàm phán cò cưa mất thì giờ với Nga về việc mua Su-33, Trung Quốc đồng thời ráo riết phát triển J-15 làm nhái Su-33.
Tháng 11.2010, dự kiến sẽ có phiên họp tiếp theo của Ủy ban liên chính phủ Nga-Trung về hợp tác kỹ thuật quân sự. Có thể tại phiên họp này, người ta sẽ đề cập vấn đề J-15 (làm nhái Su-33) và J-11 (sao chép Su-27SK). Phía Nga dự định giải quyết các vấn đề này trong khuôn khổ các thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã ký giữa Nga và Trung Quốc.
Tiếp đó, có thể Nga sẽ tiếp tục bán cho Trung Quốc các động cơ tiêm kích RD-93 và AL-31FN nếu các sản phẩm tương tự của Trung Quốc không đáp ứng các tính năng cần có.
Ngoài việc xuất khẩu quốc phòng sang Trung Quốc bị sụt giảm, ngay trong tương lai gần, Nga sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ phía Trung Quốc trên thị trường nhiều nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, những quốc gia không có điều kiện mua sắm vũ khí phương Tây đắt tiền.
Trước đó, Nga đã cạnh tranh thành công với Trung Quốc ở phân khúc giá này. Tuy vậy, nay thì vũ khí Nga về giá cả “đang đuổi kịp” vũ khí phương Tây. Vì thế, Bắc Kinh sẽ bắt đầu dần từng bước chèn ép Nga khỏi thị trường nhiều nước có ngân sách quân sự hạn hẹp. Cần lưu ý rằng, giá cả của các loại vũ khí của Trung Quốc được tiêu thụ mạnh nhất trên thị trường thế giới có giá thấp hơn 20-40% so với các loại tương tự của Nga mà chúng sao chép hoặc được chế tạo dựa trên cơ sở đó.
Hơn nữa, Trung Quốc còn mời chào các điều kiện làm giá, tài trợ, tín dụng cũng như kỳ hạn thanh toán ưu đãi.




Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

OMG - Báo động đỏ !


OGM - Báo động đỏ !

 
OGM - Thực phẩm biến đổi gène đang gây chuyện động trời tại châu Âu. Các tác hại của nó đã được giới khoa học chứng minh bằng nghiên cứu và thực nghiệm. Tuy nhiên những vấn đề quanh nó còn phải "để ý" đến chuyện gì nữa ? Xin mời xem lá thư có nhiều thông tin rất đáng phải nghĩ ngợi của Tiến sĩ Tô Văn Trường gửi bạn bè của ông khi đề cập đến vấn đề trên - là câu chuyện xung quanh OGM -, nó không chừng gây cho Việt Nam mình khối điều hại khác nữa ngoài cái hại - tất nhiên rồi - của thực phẩm biến đổi gène...?! Việt Nam mình nó thế mà!

Vệ Nhi
 
 
-----


Ngày 19/09/2012, theo AFP, một kết quả nghiên cứu về tác hại của thực phẩm biến đổi gen (OGM) đối với chuột thực nghiệm, vừa được công bố, gây chấn động công luận. Pháp và Châu Âu tuyên bố sẽ thẩm định kết quả này và, nếu tác hại là thực, sẽ nhanh chóng có biện pháp thích đáng. Cho đến nay, đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên cho thấy tính độc hại của thực phẩm OGM. (Mời xem toàn bộ thông tin ở phần kèm theo dưới đây).  
 
 
                               Trên một cánh đồng ngô biến đổi gene ở Việt Nam

 
Tôi tham vấn chuyên gia am hiểu vấn đề biến đổi gene cho rằng đây là kết quả nghiên cứu của đại học Caen, phải có kết quả chắc chắn thì các nhà khoa học này mới dám công bố. Tuy nhiên, phe đối lập sẽ lại ra sức phản bác vì họ có tiền và có thế lực. Giống như giáo sư Puztai, mấy ông này sẽ bị đánh cho te tua mất thôi. Mặc dù ở VN còn nhiều ý kiến khác nhau về GMC, nhà khoa học (GS Long) tuy không phản đối GMC nhưng ông nhấn mạnh cần có cách tiếp cận phù hợp trong đó chia ra 3 mảng khác biệt để có cách ứng xử phù hợp, đó là:

1) Mảng nghiên cứu KH thì phải đầu tư tới nơi, tới chốn để nghiên cứu cho được các giống GMC phù hợp và chủ động về giống;

2) Mảng sản xuất thì trước mắt chưa nên cho sản xuất đại trà vì VN cũng đang có nhiều giống có tiềm năng về năng suất cũng như các đặc điểm sinh học rất tốt, lại phù hợp với điều kiện của VN . Vậy thì trước mắt hãy cứ khai thác cho hết điểm tốt của các giống này đi đã;

3) Mảng thứ ba là tiêu dùng GMC: cần phải dán nhãn để mọi người có quyền lựa chọn, tuy nhiên nhiều người vẫn cố tình không hiểu.

Theo tôi biết hồi tháng 8 có 3 cuộc hội thảo về GMC trong đó 2 cuộc do Mỹ tài trợ, 1 cuộc do NGO tổ chức. 2 cuộc do Mỹ tài trợ khi các NGO đăng ký tham gia, người của sứ quán Mỹ bảo "chỉ được dự, không được phát biểu quá đáng". Cuộc hội thảo do NGO tổ chức có mấy người từ Mỹ và Ấn Độ sang thì Bộ Nông nghiệp cũng hạn chế người tham dự. Đã thế, nhưng người ta cứ rao giảng luôn miệng nói hãy cứ để nông dân quyết định và hãy là người tiêu dùng thông thái. Làm sao nông dân quyết định và làm sao người tiêu dùng thông thái được khi vây quanh họ là những thông tin bị bóp méo hoặc bị bưng bít thông tin?

Người ta còn đang bày ra đề án PPP nữa, thật lớn để tiêu tiền, liệu có lại rước mấy anh FDI vào để rồi lại cướp hết công sức của nông dân?

Mong các chuyên gia nông nghiệp chuyên sâu về biến đổi gene nghiên cứu và có tiếng nói độc lập theo góc nhìn của mình để rộng đường công luận.
 

Tô Văn Trường
 

-----  

 

Mời đọc bài viết:


Nghiên cứu chấn động : OGM gây u bướu và giảm thọ


 

 

Hôm qua, 19/09/2012, theo AFP, một kết quả nghiên cứu về tác hại của thực phẩm biến đổi gen (OGM) đối với chuột thực nghiệm, vừa được công bố, gây chấn động công luận. Pháp và Châu Âu tuyên bố sẽ thẩm định kết quả này và, nếu tác hại là thực, sẽ nhanh chóng có biện pháp thích đáng. Cho đến nay, đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên cho thấy tính độc hại của thực phẩm OGM.
 
 
 
Dòng chữ: Ai biết được thực sự tác hại (nguyên văn: "hậu quả") của OGM là thế nào?


Một nhóm chuyên gia, do giáo sư Gilles-Eric Séralini (Đai học Caen) lãnh đạo, đã tiến hành trong vòng 2 năm liền một cách bí mật, một nghiên cứu về tác động của ngô OGM NK 603 (là sản phẩm của hãng Monsanto được nhập vào Châu Âu) và thuốc diệt cỏ Roundup lên chuột. Kết quả nghiên cứu cho thấy : Nhóm chuột ăn ngô biến đổi gen có tỷ lệ bị u, bướu cao gấp khoảng 2,5 lần và tỷ lệ tử vong cũng cao gấp khoảng 2,5 lần so với nhóm đối chứng ăn ngô thường.

Chi phí cho nghiên cứu kể trên của Đại học Caen là hơn 3 triệu euro. Khoản tiền này do hai quỹCeresFondation Charles Leopold Meyer vì tiến bộ của con người đài thọ và do Hội đồng Nghiên cứu và thông tin độc lập về công nghệ di truyền(CRIIGEN) quản lý. Ngày 26/09 tới, một bộ phim về nghiên cứu đặc biệt này, mang tên «Tous cobayes », sẽ ra mắt công chúng, cùng với một cuốn sách do NXB Flammarion phát hành.
 

Châu Âu yêu cầu cơ quan hữu trách khẩn trương thẩm định
 

Ngay sau khi kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học « Food and Chemical Toxicology» hôm qua, Bruxelles đã lập tức yêu cầu EFSA (Cơ quan Châu Âu về an toàn thực phẩm) xem xét hồ sơ này và hứa hẹn sẽ sớm có các biện pháp. Ngay hôm qua, Ủy ban Châu Âu đã tuyên bố ngưng xem xét yêu cầu gia hạn nhập khẩu hạt giống ngô OGM MON 810, trong khi chờ đợi ý kiến của EFSA về vấn đề này. MON 810 là một trong hai giống OGM duy nhất mà Châu Âu cho phép cho đến nay.
 

Nghiên cứu của đại học Caen, nếu được EFSA công nhận, sẽ lật ngược lại quan niệm cho rằng ngô OGM là vô hại. Đây là luận điểm mà cơ quan này và Ủy ban Châu Âu vẫn dùng để biện bạch cho việc cấp phép cho việc trồng một số cây biến đổi và nhập khẩu các thực phẩm có chứa OGM.
 

Nghiên cứu kéo dài hai năm kể trên là một trường hợp hy hữu, vì cho đến nay, theo quy định của Châu Âu, các nghiên cứu chứng minh tính vô hại của OGM đối với sức khỏe, chỉ được tiến hành trong thời gian tối đa là 90 ngày.
 

Tập đoàn Monsanto cho rằng, còn quá sớm để nói về nghiên cứu của Pháp vừa công bố. Bên cạnh đó, một hiệp hội chuyên gia ủng hộ OGM thì khẳng định, cho đến nay, rất nhiều nghiên cứu đều cho thấy thực phẩm OGM vô hại.
 
 
 

Ủy ban Công nghệ Sinh học Pháp (HCB), được chính phủ Pháp yêu cầu, cam kết sẽ cung cấp một "phân tích sâu" về vấn đề này, đồng thời kêu gọi thận trọng trước việc tuyên truyền thái quá. Giáo sư Jean-Christophe Pagès, chủ tịch Hội đồng khoa học của HCB phẫn nộ lên án việc sử dụng các bức ảnh chuột bị u bướu vì mục đích tuyên truyền. +Trả lời họp báo tại Quốc hội Châu Âu ở Bruxelles, giáo sư Séralini tuyên bố, không chấp nhận thẩm quyền của EFSA -Cơ quan Châu Âu về an toàn thực phẩm. Ông khẳng định : Một cơ quan đã từng cho phép nhập giống ngô OGM NK 603, thì không thể nào đóng vai trò thẩm định nghiên cứu về chính giống ngô này, vì ở đây có «một xung đột lợi ích ». Sự mập mờ trong quan hệ giữa nhiều thành viên củaCơ quan Châu Âu về an toàn thực phẩm và các nhà khoa học với các tập đoàn công nghiệp thực phẩm là điều đã từng bị công luận chỉ trích.
 

Pháp yêu cầu Châu Âu làm sáng tỏ thủ tục pháp lý đối với OGM
 

Về phần mình, chính phủ Pháp tuyên bố sẵn sàng yêu cầu Châu Âu ngưng khẩn cấp việc nhập thực phẩm có chứa ngô NK 603, nếu nhưCơ quan An toàn Thực phẩm của Pháp – ANSES – khẳng định nghiên cứu của giáo sư Séralini.
 

Trả lời AFP hôm qua, bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Le Foll yêu cầu Châu Âu phải làm sáng tỏ các thủ tục pháp lý đối với các cây trồng biến đổi gen, dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học. Theo nghị sĩ Pháp Philippe Martin, lâu nay Châu Âu thường xuyên bác bỏ các đòi hỏi của Pháp về OGM với luận điểm « không có bằng chứng khoa học về tính chất nguy hiểm của OGM ». Vào năm 2008, chính phủ Pháp đã từng kiến nghị Châu Âu không cho phép trồng trên diện rộng giống ngô MON 810. Tuy nhiên, đề nghị này đã bị Tòa án Châu Âu bác bỏ. Cho đến nay, Cơ quan Châu Âu về an toàn thực phẩm (cơ quan phụ trách việc cấp giấy phép) – vẫn dựa trên một số kết quả nghiên cứu chứng minh tính vô hại của ngô OGM, trong đó có các nghiên cứu do chính hãng Monsanto đề nghị.

 
Hiện tại, Châu Âu dù có rất ít cây trồng OGM, nhưng đậu tương Hoa Kỳ, mà phần lớn là đậu tương OGM chiếm từ 25-30% trong thức ăn cho chăn nuôi của Châu Âu.

Nhân dịp nghiên cứu về OGM gây sốc vừa được công bố, một số nhà chính trị đặt lại nghi vấn về những cản trở ghê gớm đối với các nghiên cứu khoa học độc lập về tác động của OGM từ lâu nay. Các nhà chính trị Pháp thuộc đảng Xanh (EELV) thì yêu cầu đình chỉ việc nhập khẩu tất cả mặt hàng có chứa thực phẩm biến đổi gen.

 

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Thông báo


 
Thân kính gửi bạn bè cùng bà con xa gần,

Từ ngày 18/9 đến 24/9 chủ blog đi Tp HCM và vài địa phương lân cận có việc riêng nên tin tức và bài vở mới đã không cập nhật được. Tuy nhiên số thư từ và tin nhắn của bạn bè và bạn đọc gửi đến vẫn được chủ blog tôi hồi âm hoặc trao đổi hết sức kịp thời. Từ trưa 24/9 trang blog này sẽ trở lại hoạt động bình thường.


Blog Nguyễn Vĩnh

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

"Giải mã" chiếc bàn xoay thần bí


"Giải mã" chiếc bàn xoay thần bí


 

 

Chuyến đi xuyên Việt hồi tháng 4–5/2012 trong đoàn tôi khối người trầm trồ về chiếc bàn xoay ở chùa Tàu Đà Lạt. Bà con nhà mình không ai bảo ai, cứ xúm xít quanh cái bàn và thì thầm to nhỏ... Rồi là người trước người sau, khuôn mặt thành tâm đặt tay lên bàn, như ai xui khiến niệm mấy câu thần chú (có lẽ theo hướng dẫn). Chiếc bàn sau thoáng chốc còn đứng lặng, bỗng từ từ quay, quay tới quay lui…

Đứng kế bên quan sát, dù ít tin ở những điều đồn đại, nhất là nó nhuốm thứ màu sắc kỳ bí, nhưng rồi thấy hết tốp này tốp khác khi kết thúc thu lại đôi tay mình đều một giọng trầm trồ, “đúng thật là bàn tự quay”, là “tài tình quá, thật không ngờ”…, thì quả thật trong tôi cũng bất chợt dội lên ý nghĩ như kiểu bán tin bán nghi, thấy có điều gì “hoang mang” khó giải thích.

Tuy nhiên lý trí lại mách bảo, có thể các vị nhà mình tự kỷ ám thị gì đó chăng. Xưa nay có rất nhiều câu chuyện thôi miên, hoặc có một sức gì như từ thánh thần ở đền miếu, như "mẫu" ở các phủ có thể “điều khiển” được hành vi con người mà chỗ này chỗ kia người ta đồn thổi… nhưng với tôi vẫn thấy một cái gì đó khó tin và nghi vấn...

Từ đó về chuyện cái bàn xoay tôi nghĩ trên đời này làm gì có một thứ gọi là ý nghĩ, tư tưởng con người lại “sinh sản” được ra một dạng năng lượng cụ thể, sinh ra một động lực vật chất đẩy được cái bàn - là một miếng gồ nặng tự xoay được?!. Nếu vậy thì có chuyện động cơ vĩnh cửu chăng? Và tôi thật sự không tin chiếc bàn tự xoay.
 

 
Mấy tháng trôi qua rồi sau chuyến du lịch, cũng có thể câu chuyện trên đã rơi vào quên lãng nếu không thấy lại nó lại hiện lên mạng internet mấy hôm nay.
 

Tuy nhiên lúc này bài vở hoàn toàn không phải là các chuỗi bài viết triền miên, mô tả đến từng chi tiết lạ kỳ của chiếc bàn xoay thần diệu ở Đà Lạt (và cả vài ba nơi khác nữa, đều ở các tỉnh phía Nam). Trước đây là những bài thường là buông lửng với vài ba lời kết, đại loại như “những chiếc bàn đó vẫn quay tròn trước sự ngạc nhiên vừa thích thú vừa ngưỡng mộ vẻ kỳ bí của những khách tham quan chứng kiến”, rồi là “thế giới này có nhiều điều chưa thể nhận thức hết được”, “đó là những vấn đề thuộc về tâm linh khó lòng đem sự không tin dù duy vật ra giải thích”, v.v…, và v.v…   


Cũng xin lưu ý khi đọc bài viết mới “giải mã” sự việc bàn xoay thì xin mọi người cùng "liên hệ" với các bài viết trước đây để có cơ sở so sánh và thấy thêm giá trị sự phát hiện từ một nhà hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã “nhập cuộc” – đó là Tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Liên hiệp UIA).
 
 

àXin mời bà con đọc cả 2 bài viết dưới đây:

 
 
Vệ Nhi        


-------
 

Người lật tẩy sự thật những chiếc bàn tự quay thần bí



(VTC News) - Trong những năm gần đây, báo chí liên tục có những bài viết về hiện tượng chiếc bàn tự quay kỳ lạ ở miền Trung và Tây Nguyên. Những chiếc bàn quay này khiến nhiều người nửa tin, nửa ngờ, thực hư chưa rõ ràng



Thế nhưng, TS. Vũ Thế Khanh (Liên hiệp UIA), đã từng nghiên cứu và lý giải rất rõ ràng về hiện tượng này.


Theo ông Khanh, những chiếc bàn quay xuất hiện ở các tỉnh như Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng… từ hàng trăm năm nay. Đây là trò chơi dân gian được lưu truyền ở một số tỉnh phía Nam.

Những chiếc bàn có tuổi thọ cả trăm năm, chuyên dùng để biểu diễn khiến khán giả kinh ngạc. Bàn quay có cấu tạo hình tròn, được làm bằng gỗ, đồng, nhôm hoặc thủy tinh. Mặt bàn được đặt trên một ổ trục để giảm tối đa lực ma sát khi quay.

Những người tham gia cuộc chơi đứng quanh bàn, đặt tay lên mặt bàn và "ra lệnh" liên tục trong đầu: "quay, quay, quay…". Mặt bàn quay thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ là do quy ước với nhau khi tham gia.











Mặt chiếc bàn quay. Ảnh Khắc Lịch

Khi người chơi đọc liên tục thì mặt bàn bắt đầu quay theo chiều đã quy ước. Mọi người chỉ còn biết chạy theo chiều bàn quay đến lúc mệt. Khi muốn dừng thì tất cả lại cùng đọc: "hãy dừng lại, hãy dừng lại…". Đọc như vậy một lúc thì bàn cũng dừng hẳn.

Cứ theo lời đồn, từ cả trăm năm nay, các nhà khoa học - những người tỉnh táo nhất đều đã thử nghiệm, song bàn đều quay tít mù. Ai cũng tin chiếc bàn tự quay được.

Ông Khanh đã nghe nói đến chuyện bàn quay từ 35 năm trước, khi lần đầu tiên báo chí đưa tin, khiến cả nước sửng sốt. Từ ngày biết tin, ông đã rất sốt sắng tìm ra sự thật. Với ông, những chuyện bí hiểm, kỳ lạ luôn có sức lôi cuốn đặc biệt.

Để nghiên cứu về chiếc bàn quay, ông đã kỳ công lập một hội đồng khoa học, có cả các nhà ngoại cảm để xem xét khía cạnh tâm linh. Đoàn nghiên cứu đã vào tận Đà Lạt, nơi có chiếc bàn quay mà báo giới nhắc đến ròng rã trong nhiều năm qua. Chiếc bàn quay thuộc sở hữu của chị Phong Lan, chủ một nhà nghỉ nằm ngay cạnh chùa Tàu.

Theo phân tích của các nhà khoa học, bàn chỉ có thể quay khi có lực tác động vào bàn tạo ra mô-men quay, lực này nằm trong mặt phẳng của bàn, có phương vuông góc với bán kính quay, tức là tiếp tuyến với đường tròn quay.





















Mặt dưới bàn quay. Ảnh Khắc Lịch

Đoàn nghiên cứu đã nhận định, những loại tác động có thể gây ra mô-men quay được xác định gồm: Tác động của điện từ trường, tác động của lực sinh học và tác động của lực cơ học. Các nhà ngoại cảm đưa ra nguyên nhân nữa là do năng lượng, điện từ trường đặc biệt. Hầu hết người dân cũng như chủ nhân của những chiếc bàn quay đều khẳng định do cõi giới tâm linh vô hình.

Chiếc bàn quay của chị Lan được đặt trong một căn phòng 20 m2. Chiếc bàn làm bằng gỗ, đặt trên một ổ trục quay được thiết kế khá công phu.

Chị bảo rằng, chiếc bàn đã rất lâu đời vì ông nội chị cũng không xác định được từ đời nào để lại. Chị Lan mang cho ông Khanh xem 10 cuốn sổ, mỗi cuốn dày cả trăm trang ghi cảm tưởng của khách thập phương nói về sự kỳ diệu của bàn quay.

Căn cứ vào các trang cảm tưởng thì thấy nhiều tầng lớp xã hội đã từng thí nghiệm tại đây: học sinh, sinh viên, kỹ sư, tiến sỹ, các cán bộ nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, ở khắp các địa phương trên toàn quốc, thậm chí có cả người ngoại quốc.











Chiếc bàn tự quay? Ảnh Khắc Lịch

Tất cả các ý kiến đều ca ngợi sự kỳ lạ của bàn quay, thậm chí còn thần thánh hóa về chiếc bàn quay, chẳng hạn như: “Thật tuyệt vời, chuyện khó tin mà là sự thật. Đề nghị các nhà khoa học hãy vào cuộc, không nên võ đoán, đừng vội phủ định nếu chưa tự mình làm thí nghiệm…”.

Có người còn viết: “Đây là sự thật 100%, đề nghị các cơ quan khoa học Nhà nước kiểm định và công nhận đây là di sản văn hóa quốc gia”.

Rồi thì: “Bàn quay được là do siêu năng lượng, cần nghiên cứu và khai thác dạng siêu nặng lượng này để phục vụ cho khoa học…”.

Có nhà nghiên cứu còn thốt lên thế này: “Đây là hiện tượng cộng hưởng của "thần giao cách cảm", dù bạn có phủ nhận thì nó vẫn hiện hữu. Thế giới này quả là kỳ diệu…! Nếu tìm được bản chất của hiện tượng quay này thì đó là phát minh thế kỷ!”.

Ông Khanh lật mặt bàn ra khỏi ổ trục quay, xem trong đó có cài các thiết bị có thể bị ảnh hưởng của sóng điện từ điều khiển từ xa hay không. Nhưng phương án này cũng nhanh chóng bị loại bỏ vì chẳng tìm được gì, hơn nữa, từ xa xưa chiếc mâm đã được biểu diễn như vậy, mà lúc đó cũng chưa thể có thiết bị điều khiển từ xa bằng sóng điện từ như bây giờ.











Khi mọi người đặt tay lên bàn, đọc "thần chú" thì chiếc bàn tự quay.
Ảnh Vũ Thế Khanh

Để tiến hành thí nghiệm, trước hết ông Khanh cũng làm theo đúng quy trình như các nhóm khác đã làm trước đây. Mọi người đứng xung quanh, đặt tay trực tiếp lên mặt bàn và đọc cho bàn "quay".

Lần đầu ra lệnh cho bàn quay theo chiều kim đồng hồ. Sau hơn 4 phút đọc "thần chú", bàn từ từ quay, càng lúc càng nhanh. Khoảng 10 phút sau, ông Khanh yêu cầu mọi người cùng đọc "hãy dừng lại". Sau hơn 2 phút, bàn đã dừng lại hẳn.

Lần hai, đoàn khảo nghiệm lại làm đúng như đợt đầu, nhưng "ra lệnh" cho bàn quay ngược chiều kim đồng hồ. Lần này, chỉ khoảng 3 phút bàn đã quay và khi muốn dừng lại thì cũng chỉ mất hơn một phút. Điều này hết sức kỳ lạ, bởi những người tham gia thí nghiệm đều là cán bộ của Liên hiệp UIA.

Cuộc thí nghiệm lần ba, ông Khanh đưa cho mỗi người tham gia thí nghiệm một quả cầu mà ông mang theo từ trước, cỡ xấp xỉ bằng quả bóng bàn. Lần thí nghiệm này mọi người không đặt tay trực tiếp lên mặt bàn mà đặt tay thông qua quả cầu trên mặt bàn.











Ngăn cách mặt bàn và bàn tay bằng quả cầu, thì mặt bàn không quay được nữa. Ảnh Vũ Thế Khanh

Các quá trình đọc "thần chú" vẫn thực hiện như các thí nghiệm trước đây. Nhưng lạ thay, mọi người đọc đến 30 phút mà bàn vẫn không nhúc nhích.

Dù đổi "thần chú" đọc cho bàn quay ngược lại, nhưng bàn vẫn trơ trơ bất động. Người chủ nhà thốt lên: “Từ trước tới nay, chưa có vụ nào bàn không quay. Các bác là nhóm đầu tiên đọc "thần chú" mà bàn không chịu nghe lời".

Sau khi tổng kết, đánh giá các thí nghiệm, ông Khanh phát biểu trước đông đảo các nhà khoa học và những người dân kéo đến chứng kiến:

“Khi tay người chơi không tiếp xúc với mặt bàn, mà phải gián tiếp thông qua quả cầu, thì người chơi chỉ có thể tác dụng lực vuông góc với mặt bàn (mà phương này thì không gây ra mô-men quay cho bàn).

Quan sát kỹ các lần làm thí nghiệm, thấy rõ người chơi dù vô tình hay cố ý đẩy tay đi thì quả cầu lập tức lăn ngay, không truyền lực đẩy ngang xuống bàn được nữa. Phương pháp này đã triệt tiêu ma sát tạo mô-men quay và làm cho bàn hết "phép lạ".

Như vậy, có thể khẳng định không hề có tác động của lực từ trường, lực sinh học, điện từ trường hay lực lượng tâm linh siêu hình nào đó như mọi người vẫn từng nghĩ. Bàn chỉ quay khi có lực cơ học do tay người chơi đặt trực tiếp vào mặt bàn tạo mômen quay. Nếu lực này bị khử mất do quả cầu lăn thì bàn không thể quay được nữa”.











Ông Vũ Thế Khanh đã làm sáng tỏ sự thật về chiếc bàn quay

Nhưng lực cơ học gây ra mô-men quay do đâu mà có? Đây là câu hỏi mà các nhà khoa học cũng như những người chứng kiến hoặc đã khảo nghiệm đều muốn có câu trả lời.

Ông Khanh nói rõ: “Khi người chơi đặt tay trực tiếp lên mặt bàn, liên tục đọc khẩu lệnh cho bàn quay, thì tâm lý phát sinh tự kỷ ám thị, dần dần bị rơi vào ảo giác: hình như đang có lực vô hình nào đó làm cho bàn quay, và cảm thấy bàn "chuẩn bị quay", nên người chơi có xu hướng nương theo chiều quay quy ước trong đầu.

Khi nương theo, vô tình hay hữu ý đã gia tăng lực vào mặt bàn. Cứ như vậy bàn sẽ quay càng lúc càng nhanh hơn. Đấy là chưa kể đến trường hợp trong số đó có một người cố tình đẩy cho bàn quay. Quá trình dừng bàn lại cũng theo nguyên tắc ấy để phát sinh tâm lý tương ứng.

Như vậy, thực chất của hiện tượng "bàn quay" là do tay người chơi đã tác động lực cơ học vào mặt bàn tạo mô-men quay. Người chơi cũng vô tình không hề nghĩ rằng chính mình bị tự kỷ ám thị, đã tưởng tượng ra bàn đang quay (hoặc sắp quay), nên đã gia tăng lực vào khiến bàn quay nhanh hơn".

Theo ông Khanh, những người tập thiền, luyện yoga, hiểu biết về lĩnh vực thôi miên đều hiểu rất rõ hiện tượng tự kỷ ám thị.

Như vậy, câu hỏi tồn tại hàng thế kỷ nay về chiếc bàn quay đã được nhà khoa học Vũ Thế Khanh làm sáng tỏ bằng một thí nghiệm hết sức đơn giản.


Thông Tuệ


Nguồn: http://vn.news.yahoo.com/ng%C6%B0%E1%BB%9Di-l%E1%BA%ADt-t%E1%BA%A9y-s%E1%BB%B1-th%E1%BA%ADt-nh%E1%BB%AFng-chi%E1%BA%BFc-b%C3%A0n-233217695.html

------


KHỒNG LẠT CÓ BÀN XOAY MÀ Ở QUẢNG NAM CŨNG CÓ 1 CHIẾC BÀN NHƯ VẬY:

Chiếc bàn cổ thần kỳ tự xoay 200 năm tuổi

(Theo VnExpress.net) - Đến đất Tam Thành (Phú Ninh, Quảng Nam) hỏi lão nghệ nhân có tay nghề tài hoa làm ra những chiếc bàn gỗ có "công năng" kỳ lạ, ai cũng biết là ông Đinh Thẩm (93 tuổi), nghệ nhân duy nhất của làng mộc Văn Hà chế tác được bàn xoay.
Trong ngôi nhà rường cổ, lão nghệ nhân tai đã nghễnh ngãng, song kể chuyện rất hóm hỉnh. Nghe hỏi về việc mới phục chế thành công chiếc bàn gỗ cổ tự xoay, ông Thẩm cười móm mém, rồi thủng thỉnh: "Mới chi mà mới? Tính ra cũng đã 2 năm có dư rồi. Hồi đó, mấy anh làm văn hóa tỉnh chở lên cho tui coi hai chiếc bàn gỗ mặt tròn đã bị hư, đường nét chạm khắc khá tinh xảo đúng là đồ mộc của người làng Văn Hà đóng xưa kia nên tui nhận lời. Sửa sao cho đặt tay lên mặt bàn thì mặt bàn tự xoay tròn. Sửa xong, dưới tỉnh cho ôtô lên chở đi triển lãm".
Theo ông Thẩm, ở làng Văn Hà từ xưa thợ mộc đã biết đóng bàn gỗ tự xoay. Nhưng theo thời gian, những chiếc bàn cũng dần dần biến mất, người làm được loại bàn này lần lượt theo nhau về với trời, đất. Giờ cả làng chỉ còn độc một cái bàn gỗ cổ, áng chừng đã hơn 200 năm để tại nhà ông Trần Ngọc Tuấn, "đệ tử ruột" của lão nghệ nhân Đinh Thẩm.
Ông Tuấn cho hay, chiếc bàn là bảo vật gia truyền từ đời các cụ Tổ của dòng tộc nên rất quý. Ông đặt chiếc bàn trên gác, ngay bên bàn thờ gia tiên và không bao giờ cho bất cứ người lạ nào đến xem bàn, chứ chưa nói đến chuyện sờ vào. May mà có "sư phụ" Đinh Thẩm nên ông Tuấn mới chịu phá lệ...
câu chuyện về chiếc bàn thần kỳ tự xoay của làng Văn Hà
Ông Đinh Thẩm và khách cùng trải nghiệm với chiếc bàn cổ tự xoay tại nhà ông Tuấn. Ảnh: ANTG.
Chiếc bàn cao chừng 80 cm, thân là trục gỗ tròn được tiện theo hình bình hoa, đáy bình gắn 3 chân lượn sóng tiếp đất; còn miệng bình là miếng gỗ vuông được gắn 12 trụ nhỏ tiện hình bình hoa. Và trên 12 trụ nhỏ này cũng là miếng gỗ hình vuông khớp nối khéo léo vào mặt bàn hình tròn, đường kính 70 cm, dày khoảng 2 cm...
Theo năm tháng, nước gỗ mặt bàn đã nhạt màu, Ông Tuấn cho hay, mặt bàn làm bằng gỗ mít vườn, song chân và thân bàn là gỗ chuồn. Nếu không có "công năng" đặc biệt, chiếc bàn này cũng giống mọi chiếc bàn khác, dù có được chạm trổ khéo léo và có tuổi hàng trăm năm...
Trước khi "thực nghiệm" làm cho chiếc bàn xoay, ông Tuấn yêu cầu mọi người tháo giày, bỏ dép ra rồi đứng sát vào bàn. Nếu úp bàn tay xuống mặt bàn, hướng tâm chú ý vào chiếc bàn thì nó sẽ tự quay theo chiều kim đồng hồ. Ngửa bàn tay, nó sẽ quay ngược lại.
Không khí trong nhà im phăng phắc, một phút... hai phút... ba phút trôi qua... dưới mặt bàn, chỗ khớp nhau giữa miếng gỗ hình vuông nằm trên 12 trụ tiện nhỏ dáng bình hoa, phát ra âm thanh rắc... rắc.... Và mặt bàn rùng rùng chuyển động tròn và tốc độ mỗi lúc tăng lên. Khi mọi người đã bỏ hẳn tay ra, theo quán tính, mặt bàn vẫn xoay một lúc rồi mới dừng hẳn.
Khi mọi người cùng đặt ngửa bàn tay xuống mặt bàn, chưa tới 3 phút, lại nghe tiếng rắc... rắc... dưới gầm bàn, rồi mặt bàn đột nhiên "trở mình" rùng rùng quay ngược chiều kim đồng hồ... Nhóm khách ngạc nhiên mò mẫm từng góc cạnh chiếc bàn, cố tìm bằng được "bí mật" ẩn giấu nào đó bên trong nhưng tuyệt nhiên không có gì đặc biệt cả. Chiếc bàn được làm hoàn toàn bằng gỗ, khớp nối cũng rất đơn giản, không có mảnh nhỏ kim loại nào...
Để thuyết phục hơn, ông Tuấn cho một người khách vào thực nghiệm. Với những động tác úp, ngửa bàn tay, mặt bàn vẫn quay ngược, quay xuôi nhưng tốc độ quay giảm đi... Theo lời chủ nhân chiếc bàn, ông là con trai trưởng nên mới được cất giữ vật gia bảo này và chỉ dùng vào dịp nhà có đám giỗ, đám chạp. Rất nhiều người hay tin, tới gặp ông để hỏi mua chiếc bàn với giá cao; trong đó một "đại gia" ở TP HCM ra ngã giá gần 200 triệu đồng nhưng ông Tuấn không bán...
đây là chiếc bàn cổ quý hiếm của làng Văn Hà (Quảng Nam). Đặt úp tay thì chạy theo chiều kim đồng hồ, ngửa tay thì chạy ngược lại.
Chiếc bàn nhìn rất đơn giản nhưng phải chế tác theo một kỹ thuật, bí quyết rất riêng của người thợ Văn Hà mới có "công năng" đặc biệt để tự xoay tới, xoay lui. Ảnh: ANTG.
Theo lời lão nghệ nhân Đinh Thẩm, cùng với làng mộc Kim Bồng (Hội An), làng mộc Văn Hà là một trong những làng nghề cổ xưa nhất ở Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông từng nghe ông cố kể rằng, vị Tổ nghề mộc Văn Hà có gốc Thanh - Nghệ - Tĩnh di cư vào lập làng từ thời Vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XV).
Uống cạn bát nước chè xanh, lão nghệ nhân Đinh Thẩm trầm ngâm rằng, chưa tròn 17 tuổi ông đã nối nghiệp cha theo học nghề mộc từ những người thợ giỏi của Văn Hà. Nói về chiếc bàn gỗ tự xoay, ông Thẩm khẳng định, chỉ có thợ làng Văn Hà ngày xưa mới làm được. Bản thân ông cũng đã làm 4 - 5 chiếc bàn như thế.
"Ngày xưa chỉ có nhà giàu mới mua nổi chiếc bàn xoay của thợ mộc Văn Hà vì giá mỗi chiếc bàn cao lắm. Có những chiếc bàn giá tính bằng cả con trâu, hoặc mấy trăm ang lúa...", ông lão nheo mắt nhìn ra vườn cây xanh mát như hồi tưởng lại thời "hoàng kim" của người thợ mộc Văn Hà. Ông giải thích, lúc đầu thợ mộc Văn Hà chỉ nghĩ ra việc chế tác chiếc bàn tròn để dùng trong thờ cúng, về kỹ thuật, kích thước hầu như đều như nhau. Bàn được làm bằng gỗ mít, loại mít vườn lâu năm.
Bản thân lão nghệ nhân Đinh Thẩm cũng không biết rõ, ai là người đầu tiên chế tác được chiếc bàn xoay. Tuy nhiên, đã nhiều đời nay, khi muốn làm bàn xoay người thợ buộc phải chọn gỗ mít hàng trăm năm tuổi, có ròng (lõi) vàng rực, đem xẻ ra phơi phóng cho thật kỹ, thật khô mới đưa vào chế tác. Đặc biệt, phải chọn những tấm gỗ không bị sâu, không bị mắt, không nứt, không vặn thớ...
Ảnh bên là chiếc bàn tự xoay ở Đà Lạt



Đầu tiên, người thợ làm bộ chân bàn, có 3 chân lượn sóng đặt gắn với trụ chính đỡ mặt bàn theo thế chân kiềng. Quan trọng nhất vẫn là bộ trục có 12 trụ tiện hình bình hoa nhỏ gắn khớp với mặt bàn, buộc người thợ phải chế tác theo một kỹ thuật nhất định. Đây cũng là bí quyết rất riêng chỉ có người thợ Văn Hà mới biết và làm thành thạo. Còn mặt bàn hình tròn, gỗ có thể liền tấm, hoặc có thể ghép hai miếng với nhau, song tuyệt đối không được cong vênh.
Ông Thẩm kể rằng, năm 2010, khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhờ ông sửa chữa, phục chế lại hai chiếc bàn tròn tự xoay để mang đi hội chợ triển lãm sản phẩm độc đáo làng nghề truyền thống Quảng Nam, nhiều người đến với ý định đặt ông làm cho một chiếc bàn mới. Nhưng, bây giờ gỗ mít loại lớn rất hiếm, hơn nữa sức khỏe ông đã yếu, không thể một mình cưa xẻ, chạm khắc.
Rồi ông lão thở dài: "Làng mộc Văn Hà ngày nay đã mai một dần. Số người nắm được kỹ thuật, bí quyết nghề mộc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Làng cũng có chục hộ làm nghề mộc, nhưng bây giờ người ta phụ thuộc vào máy móc, hơn nữa chỉ làm những sản phẩm không cần tay nghề cao, không cần cầu kỳ, tinh xảo...".
Đầu năm 2012, ông được chính quyền huyện Phú Ninh mời truyền dạy nghề mộc truyền thống cho thanh thiếu niên. Lớp học của dự án có 10 người, song chỉ còn 4 người chịu khó học, nắm bắt được những kiến thức sơ đẳng... Điều này khiến lão nghệ nhân Đinh Thẩm khi nhắc tới nghề mộc làng Văn Hà là đôi mắt lại rưng rưng bởi có thể mai này những "bí quyết" chế tác độc đáo của tiền nhân làng nghề truyền thống này cũng sẽ không còn.
(An ninh Thế giới)

Nguồn: http://www.vienthammy.org/products/Chi%E1%BA%BFc-b%C3%A0n-c%E1%BB%95-th%E1%BA%A7n-k%E1%BB%B3-t%E1%BB%B1-xoay-200-n%C4%83m-tu%E1%BB%95i.html

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...