Hiến pháp của ai?
Tô Văn
Trường
Không
phải bây giờ mà cách đây 2 năm, tôi đã dành thời gian nghiên cứu viết một số
bài liên quan đến việc cần thiết phải sửa Hiến pháp, sửa cái gì và như thế nào
cho hợp lòng dân?
Đầu
năm nay, Đảng và Nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong vòng 3 tháng về Bản
dự thảo sửa Hiến pháp. Tôi tự làm cuộc phỏng vấn "mini" thấy đến gần
90% người dân không hiểu hoặc không quan tâm đến việc sửa Hiến pháp. Có
thể nguyên nhân do chuyện cơm áo, gạo tiền không đùa với bất cứ ai và lòng tin
của dân đã nguội lạnh.
Theo
công bố Đảng và Nhà nước đang muốn lắng nghe người dân góp ý thẳng thắn không
có "vùng cấm" các suy nghĩ của mình về việc sửa Hiến pháp. Nếu mà có
nhiều người bỏ công sức và thời gian nghiên cứu góp ý thì đó là hồng phúc cho
đất nước. Suy ngẫm, tôi viết bài "Hiến pháp của ai"?. Xin chuyển
nguyên văn bài viết nói trên để các anh chị và các bạn tham khảo.
(Tô
Văn Trường)
Hiến pháp
của một quốc gia là một khế ước của xã hội tức là sự thoả thuận, giao ước giữa
các thành viên của một xã hội về mô hình xã hội mà họ muốn xây dựng; tổ chức,
hoạt động, giới hạn quyền lực của bộ máy nhà nước theo mô hình ấy; các quyền
của con người, của công dân trong mối quan hệ với người khác và với bộ máy nhà
nước. Bởi vậy, từng chữ, từng câu trong Hiến pháp phải là sự chắt lọc từ trí
tuệ của dân tộc, phải là biểu thị sự lựa chọn và quyết định của dân tộc, là những
câu văn chuyển tải ý chí và tâm nguyện của dân tộc. Bản chất của Hiến pháp là
những quy định pháp luật mà văn bản pháp luật là những quy tắc ứng xử, mang
tính bắt buộc đối với tất cả mọi người sống trên lãnh thổ quốc gia, cho nên khi
sửa phải rất thận trọng, trên cơ sở khoa học và đáp ứng những đòi hỏi của đời
sống thực tế.
Nội dung của
các bản Hiến pháp thời hiện đại thường gồm hai phần: một phần là những quyết
định cốt yếu thuộc về phương thức và kỹ thuật tổ chức và hoạt động của nhà
nước, một phần nữa là triết lý được trình bày một cách thực tiễn về bản chất
của nhà nước và mục tiêu của nhà nước, tỷ trọng của mỗi phần như thế nào là tùy
từng quốc gia. Mọi điều luật của pháp luật hay các bộ luật trong mỗi quốc gia
nếu trái với Hiến pháp, hay mâu thuẫn với Hiến pháp đều không có cơ sở để tồn
tại. Hiến pháp hay pháp luật đều có tính kế thừa theo sự phát triển của lịch sử
con người, và học hỏi các giá trị văn minh của nhân loại.
Ngày
2/1/2013 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được công bố để lấy ý kiến nhân dân trong
vòng 3 tháng. Sau khi đọc kỹ bản Dự thảo, tôi nhận thấy ít nhất có 4 câu
hỏi liên quan đến nguyên tắc cơ bản cần trả lời trước khi bàn về chi tiết các
nội dung đã sửa và đem ra trưng cầu.
Thứ nhất: “Tại sao bản Dự thảo Hiến pháp 1992 không dựa vào mô hình
quản trị đã được nhiều nước văn minh trên thế giới thừa nhận: Nhà nước pháp
quyền, Xã hội dân sự và Kinh tế thị trường?”. Nghị quyết của Đảng gần
đây vẫn không công nhận tam quyền phân lập, duy trì luận điểm đất đai là sở hữu
toàn dân và kinh tế nhà nước là chủ đạo? Hiến pháp là một khế ước xã hội nên
quyền lực phải được chia sẻ giữa Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp và các cơ quan
quyền lực thứ 4 (tự do và độc lập báo chí và thông tin) hay thứ 5 (quyền trưng
cầu dân ý và biểu tình) mới tránh được “quyền lực tuyệt đối sẽ sinh
ra tham nhũng tuyệt đối” và tất yếu dẫn đến việc các nhóm lợi ích sẽ thắng thế
và lũng đoạn, xâm chiếm toàn bộ nguồn lực quốc gia, sớm hay muộn cả dân tộc
phải trả giá.
Thứ hai là “Liệu Việt Nam ta có hoàn toàn ở tư thế độc lập để sửa Hiến
pháp theo những gì mà phía ta (gồm cả Chính quyền và Nhân dân Việt Nam)
thấy là tốt nhất?”. Câu hỏi này tưởng có vẻ thừa khi nước ta đã độc lập từ
1945 và thống nhất từ 1975 (“Tổ quốc ta từ nay vĩnh viễn vắng bóng quân xâm
lược…” – như Tuyên bố của Tổng bí thư Lê Duẩn). Tuy nhiên, thực
chất nhiều thông tin cho thấy rằng, tuy nước ta đã thoát được “ách xâm lược”
nhưng đất nước vẫn đang vướng vào một vòng kim cô được gọi là “ý thức hệ”. Ta
gần như lệ thuộc vào mô hình của Liên Xô cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm
1991, và kết quả Hội nghị Thành Đô 1990 lại đánh dấu cái mốc ta trở lại rơi vào
vòng tay của Trung Quốc (cũng chỉ vì lý do tìm điểm tựa về ý thức hệ)!.
Từ đó đến
nay, có vẻ như càng ngày Việt Nam càng bị cuốn vào vòng ảnh hưởng của Trung
Quốc với một lực hút không cưỡng nổi. Ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của
Trung Quốc đối với Việt Nam ngày càng tăng, bất chấp tình cảm phẫn uất của đa
số người dân Việt Nam. Có vẻ sự cần thiết có điểm tựa ý thức hệ mạnh hơn cả sự
cần thiết có một mô hình kinh tế xã hội tiên tiến, mạnh hơn cả nỗi sợ bị Trung
Quốc thôn tính lãnh thổ. Điều đó giải thích cho những biểu hiện thiếu nhất quán
trong phát ngôn và hành động của nhiều vị lãnh đạo của ta trước sự gây hấn có
hệ thống và ngày càng trắng trợn của Trung Quốc. Ta đang ôm lấy “người đồng
chí” (phát ngôn chính thức trên báo chính thống của tướng Nguyễn Chí Vịnh) theo
ý thức hệ mặc dù họ đang từng bước gặm nhấm và muốn nuốt chửng ta như một miếng
mồi ngon của chủ nghĩa dân tộc bành trướng. Người ta cảnh giác với các “ông –
ngài” tư bản hơn là với người “đồng chí” đang âm mưu / không cần giấu giếm,
nuốt chửng từng phần “non sông, gấm vóc” của ta.
Có vẻ như
càng khó khăn thì Việt Nam (đúng hơn là ĐCSVN) càng cần sự cấp cứu từ Trung
Quốc và càng bị lệ thuộc vào đó. Nhiều người đã chỉ ra, sự lấn lướt của
Trung Quốc trên Biển Đông chưa phải là mối nguy lớn nhất của Việt Nam mà
là cuộc chiến tổng lực âm thầm của Trung Quốc với Việt Nam mới là vấn đề chính.
Trước đây, cũng có ý kiến phân biệt phái chống tham nhũng và phái chống Trung
Quốc nhưng có lẽ câu trả lời là chính Trung Quốc đang là điểm tựa của nhóm tham
nhũng nên Việt Nam mới khó cải cách và gần như là đã kéo cờ trắng trước giặc
nội xâm. Phía Đài Loan mới đưa thông tin chấn động có hơn 40 vị tướng làm gián
điệp cho Trung Quốc? Vậy phía Việt Nam có bao nhiêu vị có chức quyền đã nằm
trong “vòng tay bọc nhung” của Trung Quốc?
Nhìn lại
hình ảnh phiên bế mạc của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, phát biểu gần đây của
vị Đại tá Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đăng Thanh phải chăng ta đang quyết định sự
lựa chọn cuối cùng là dựa vào Trung Quốc, cho dù trả một cái giá đắt như thế
nào cũng được để giữ lấy “ý thức hệ” – cái mà người dân bây giờ thực sự chẳng
còn mấy ai quan tâm nữa.
Nhiều người
dân đã hiến kế lẽ ra cải cách của Việt Nam đã đi nhanh hơn nếu như người Việt
Nam được thoải mái làm theo ý mình. Cái gì mà thực tiễn đã chứng minh là không
đúng thì ta phải sửa. Song thực tế cho thấy, hầu như các cải cách của Việt Nam
đều đi sau Trung Quốc một thời gian (xưa kia là cải cách ruộng đất, ngày nay
như hiện đại hóa, kinh tế thị trường XHCN, đảng viên được làm kinh tế tư
nhân…). Có vẻ như nếu không có “đèn xanh” từ phía Trung Quốc thì Việt Nam không
thể có một cải cách cụ thể nào. Do vậy, khác với Miến Điện, vì cùng đồng chí ý
thức hệ nên cuộc cải cách thực sự mà nhân dân Việt Nam đang chờ đợi lại tiếp
tục phải đợi “đèn xanh” của Trung Quốc. Nghĩa là Trung Quốc cải cách đến đâu
thì sẽ “cho phép” Việt Nam cải cách đến đó.
Quay trở lại
với câu hỏi nêu trên vì sửa Hiếp pháp là một cải cách quan trọng. Những
vấn đề thời sự nóng bỏng như lãnh thổ, lãnh hải quốc gia hay những nội dung
chiến lược như mô hình kinh tế xã hội, quan hệ Đảng – Chính quyền – Quốc hội –
Nhân dân, quyền cơ bản của người Dân…liệu người Việt Nam có “được phép”
thoải mái suy nghĩ chọn lựa những gì mình cho là tốt nhất hay muốn sửa gì thì
lại phải tùy theo “sắc mặt của người đồng chí đàn anh”?
Nếu câu trả
lời là không thì nước ta đã không còn độc lập nữa rồi, và bàn về Hiến pháp khi
độc lập đã mất sẽ là một điều trớ trêu. Người dân Việt Nam không cần sự
tương đồng ý thức hệ với Trung Quốc một cách hình thức như hiện nay để mai mốt
phải làm tên lính xung kích cho Trung Quốc một khi có xung đột với nước khác.
Chúng ta cần sự trung lập, trên cơ sở độc lập, tự chủ và dân chủ.
Thứ ba là:”Cách thức nào, quy trình nào để người dân có thể “phúc quyết”
Hiến pháp?” Nhiều quốc gia khi xây dựng Hiến pháp trên cơ sở phúc
quyết của toàn dân, được nhân dân và trí thức góp công xây dựng tạo nên một bản
Hiến pháp xứng đáng gọi là Hiến pháp làm cơ sở chỉ đạo các luật đi kèm. Quyền
làm chủ đất nước của người dân ở mức độ đơn giản nhất thể hiện qua việc người
dân được “phúc quyết” Hiến pháp. Lấy ý kiến người dân về Hiến pháp không phải
là “Phúc quyết” mà cần có Trưng cầu dân ý. Liệu dự thảo Hiến pháp mới có được
dân phúc quyết theo cách thức này? Còn góp ý giống như góp ý cho Nghị quyết Đại
hội Đảng 2 kỳ vừa rồi thì mọi người cũng đã thừa biết là nó đi đến đâu.
Không có ở
quốc gia nào mà Hiến pháp được thực hiện đúng và đủ. Những người làm khác, làm
trái Hiến pháp nhiều nhất là những người, những tổ chức cầm quyền, cầm quyền
chính danh và thực sự cầm quyền tuy không chính danh. Ở Việt Nam việc thực thi
Hiến pháp đầy dẫy những sai lầm không có chế tài, xử lý thích đáng đảm bảo
quyền công dân. Điển hình là ngày 25/12/2012 nhiều người dân trong và ngoài
nước phải ký tên kêu gọi chính quyền thực thi những quyền con người đã được
Hiến pháp nước CHXHCNVN và những công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ghi nhận
và bảo đảm.
Câu hỏi thứ tư: “Điều cốt yếu và quan trọng nhất là giả sử ngay cả
khi xây dựng được bản Hiến pháp mới được coi là Hiến pháp thì việc thực sự
thực hiện đúng Hiến pháp như thế nào ở Việt Nam?” Muốn đạt được mục
tiêu cao cả đó, thì việc xây dựng và thực thi các bộ luật thích ứng cần phải vì
sự phát triển của đất nước và để đảm bảo được nhu cầu phục vụ đời sống con
người mà không tùy tiện phá bỏ những nguyên tắc Hiến định như lâu nay trong
thực tế đã luôn xảy ra khiến cả bên hành pháp và người chấp pháp đều thấy vướng
víu, dễ nảy sinh xung đột.
Chỉ khi nào người dân, đặc biệt giới trí thức nhận được sự trả lời rõ ràng
4 câu hỏi nói trên thì ta mới có thể yên tâm bỏ công sức, thời gian bàn về nội
dung, câu chữ để bản Hiến pháp thực sự là Hiến pháp của dân chủ, và Nhà nước có
thực quyền, với Lời mở đầu là tiếng nói của dân tộc:
“Chúng tôi, dân tộc Việt Nam quyết định và công bố những điều khoản sau đây,
với trách nhiệm lịch sử trước các thế hệ người Việt Nam hiện nay và mai sau,
trước các dân tộc, các quốc gia trong cộng đồng quốc tế”.
Nói tóm lại: Nhận thức về bản chất của Hiến pháp, khi người dân được tham gia và
phúc quyết sửa đổi Hiến pháp trên tinh thần “khó vạn lần, dân liệu cũng xong”
thì chính nhân dân sẽ đóng góp trí tuệ cùng với các tinh hoa trí thức của nước
ta xây dựng một văn bản tự nhận là Hiến pháp đáng gọi là Hiến pháp của
Dân. Quyết định hơn cả là thực hiện đúng và đủ Hiến pháp, nâng cao hiệu lực và
hiệu quả thực tế, thiết thực của Hiến pháp, nghiêm trị hành vi làm khác, làm
trái Hiến pháp. Nhiệm vụ quyết định này có được đặt ra và có được thi hành
không đấy là câu hỏi của người dân đối với những người được giao trọng trách
soạn thảo tiếp thu sửa đổi Hiến pháp và giám sát thực hiện Hiến pháp.
T.V.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét