Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Lễ tân quốc gia có chuyện đấy

Lễ tân quốc gia có chuyện đấy

Khoan nói đến mắc lỗi hay sai sót ở ai, ở chỗ nào trong ngành ngoại giao, cho dù khâu tặng phẩm cho các đoàn cấp cao của nhà nước (bên hệ thống các đoàn lãnh đạo đảng thường có bộ phận bên cơ quan đảng lo lễ tân riêng) thì tặng phẩm của đoàn bên lãnh đạo nhà nước và chính phủ thuộc phân đoạn công việc của vụ Lễ tân ngành ngoại giao rồi. Ngay cả thế cũng đừng trút mọi sự sai /hoặc lỗi là do anh chị em lễ tân gánh cả .

Lý do rất đơn giản, bởi nếu ai đi làm việc lâu lâu ở cái cơ chế của ta sẽ thấy có rất nhiều việc người ta cứ kinh nghiệm chủ nghĩa mà làm. Vì mọi sự thay đổi, sáng kiến  - nhất là sáng kiến trong khu vực hành chính – nếu lơ ngơ thật thà thì rất dễ bị trả giá. Đặc biệt những sáng kiến lại gắn với tiêu tiền, không khéo còn bị coi là vạch đường cho hươu chạy, là gây lãng phí thất thoát thì càng là dễ ăn đòn hơn...

Thế cho nên lâu nay cứ có đoàn đi ra nước ngoài, lại ở dạng có tiêu chuẩn mang quà biếu, tức khắc các bộ phận hành chính, lễ tân người ta cứ việc bê nguyên các định mức, tiêu chuẩn quà cáp ra mà áp dụng. Quà biếu nhìn chung nó có sẵn các công thức, danh mục như tranh thủ công mỹ nghệ là phổ biến nhất (vì nó cũng khá là "đậm đà bản sắc dân tộc" mà!); rồi triển khai ra các món đồ sơn mài hoặc là tranh sơn mài cụ thể nào đó... Cứ thế rồi cho hành chính lễ tân đi mua ở các cửa hàng cửa hiệu đã có trong list mà các cơ quan này chọn sẵn từ thân quen, hoặc giới thiệu người này người kia. Như vậy giá cả, phương thức chi trả nó kín nhẽ, cứ thế mà làm như lâu nay là "đệ nhất an toàn", dại gì mà làm khác đi vừa vất vả thêm vừa có khi bị nghi ngờ, dính chưởng...

Với đoàn đi cấp cao hơn có thể do sông sênh tài chính hơn, nhưng đeo đẳng cái khẩu hiệu quán triệt, là “triệt để tiết kiệm” mà,  nên lâu nay cứ các loại tranh lụa mà diễn. Mức là bao nhiêu tiền đó một món quà, rồi cứ thế cho người đi đặt đi sắm, đóng đai đóng kiện mang đi phục vụ các vị lãnh đạo đi thăm viếng các nước… 

Suốt từ lâu nay tất cả đã thành lệ hết, chẳng mấy ai nghĩ ngợi gì thêm là vậy hợp lý hay không, mang của đi tặng người ta thế có sao không, người ta có thích có quý không cũng mặc. Bởi xong rồi mà, đoàn đi tổng kết "thành công tốt đẹp" mọi sự, thì lễ tân tặng quà còn vấn đề gì mà phải lăn tăn...




Cho đến bây giờ, một người ngoại đạo - là một nhà văn người Việt Nam nhưng định cư ở hải ngoại, bà Phạm Thị Hoài – có bài viết trực diện vào câu chuyện lễ tân của ta thì tôi thấy cần phải nêu vấn đề này một cách chính thức với ngành ngoại giao của chúng ta. 

Qua việc này chúng tôi nghĩ rằng, nếu câu chuyện của chị Phạm Thị Hoài nêu bị xếp vào các kiểu ngăn kéo "im lặng đáng sợ" thì chắc là các cấp lãnh đạo chúng ta nói chung và nhất là ngành ngoại giao nói riêng rồi sẽ hối tiếc sau này vì đã không chú ý đến dư luận xã hội người ta chân thành tìm cách góp ý cho công việc của chúng ta. 

Nói gì thì nói, cách đặt vấn đề của chị Phạm Thị Hoài trong bài viết là có ý không những nêu vấn đề, nghiêm khắc phê phán cách làm hời hợt trong chuyện quà cáp cho các đoàn đi ra nước ngoài tặng bạn bè quốc tế nó ít tác dụng thiết thực mà còn lồng khéo vào một loạt dẫn chứng đáng lưu tâm. Đó là khi tác giả viết về các món quà tặng cho các vị lãnh đạo trên thế giới, nó không chỉ quý giá mà qua đó còn đề cao được cả nền văn hóa cũng như vị trí của nước tặng quà. Và đương nhiên nó cũng tự khắc đề cao cả cá nhân vị thế người lãnh đạo đi tặng quà.

Chọn lựa một món quà cho các vị lãnh đạo cao cấp đi ra nước ngoài tặng nước chủ nhà đón tiếp mình hoàn toàn là một việc rất nghiêm túc. Nó cần phải được tư duy lại một cách thực sự cầu thị và có phương cách sửa chữa lại, thậm chí là làm lại cho thật bài bản và chuyên nghiệp.

Tôi nghĩ rằng trong hoàn cảnh nền kinh tế nước ta bây giờ tuy không giàu có thừa thãi gì, nhưng lo quà cho một chuyến đi lớn không phải là không có đồng tiền để chi trả. Cả một chuyên cơ ta đưa đi phục vụ đoàn mà mặt tiền nong tài chính chúng còn chịu được thì món quà như lãnh đạo các quốc gia khác vẫn tặng cho nhau đâu phải là câu chuyện ngoài tầm tay của lễ tân Việt Nam.

Nếu đến nay vẫn chưa làm được những điều trên đây chẳng qua là chúng ta còn quá sơ tâm với công việc bếp núc của những chuyến đi lớn mà thôi. Nghĩa là dồn hết tâm sức cho nội dung chuyến đi mà coi nhẹ công việc hậu cần, công việc tỉ mỉ cụ thể về khía cạnh quà cáp lễ tân cho các chuyến đi.

Rất mong bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài (bài dưới đây) sẽ nhanh chóng đến được với lãnh đạo và cán bộ ngành ngoại giao chúng ta đang thừa hành nhiệm vụ. 

Theo hướng này rất mong các anh Nguyễn Chiến Thắng (blog Lều văn Thăng Sắc), anh Trần Kinh Nghị (blog Bách Việt) - đều là người từng thâm niên công tác trong ngành ngoại giao – cùng chia sẻ ý kiến với chủ blog tôi và “đưa lại Entry này lên các trang của các anh”, nhằm thêm được các đồng nghiệp của chúng ta  trong ngành cùng biết.

Vệ Nhi            
    
-------

Ngoại giao Tháp Rùa

Phạm Thị Hoài
Không có nghị định nào buộc các cơ quan và cá nhân thuộc Đảng và Nhà nước Việt Nam phải dùng tranh thủ công mĩ nghệ làm quà lưu niệm. Nhưng ở mọi ngành, mọi cấp, mọi nơi, mọi dịp, cứ đến đoạn trao quà lưu niệm là người tặng và người được tặng đứng hai bên, chung tay khoe một bức tranh sơn mài, tranh thêu, tranh lụa, tranh gỗ hay tranh khảm ra trước ống kính. Giá trị vật liệu của những sản phẩm này tùy vào tầm vóc của sự kiện liên quan. Giá trị nghệ thuật thì luôn bằng nhau – đều là con số 0. Chúng đơn thuần là Kitsch. Như để khẳng định nghệ thuật Kitsch của Việt Nam phong phú, chúng ta có 3 lựa chọn: tranh Bác Hồ, tranh Chùa Một Cột hay tranh Tháp Rùa. Trong chuyến công du châu Âu những ngày này, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhất quán chọn Tháp Rùa. Hai cái nhỏ tặng hai ông Thủ hiến ở Bỉ. Một cái to hơn tặng Giáo hoàng.
Đằng sau món quà nổi tiếng nhất trong quan hệ quốc tế, bức tượng Nữ thần Tự do của nhân dân và nhà nước Pháp tặng Hoa Kỳ, là cả một lịch sử và đi cùng với nó là một biểu tượng bất tử. Phần lớn quà cáp ngoại giao giữa các quốc gia không được hưởng số phận ấy. Chúng nằm im trong những kho chứa, thảm chồng lên thảm, ngà voi chất thành đống, bình sứ Trung Hoa và chậu sứ Trung Đông, tủ chè, chao đèn, gươm, đao, mũ, tượng, bút, đồng hồ, đồ chơi, vô tận tranh thủ công mĩ nghệ…, chờ lịch bán đấu giá và cuối cùng có thể tập kết ở chợ giời. Vô danh, không xuất xứ. Không kể một câu chuyện nào, cùng lắm chỉ còn giá trị vật liệu.
Song quà tặng bao giờ cũng kể một câu chuyện, mang một thông điệp, không hiếm khi là thông điệp ngoài chủ định. Quà tặng tiết lộ chân dung người tặng và cả diện mạo người được tặng. Fidel Castro từng tặng cố lãnh tụ Đông Đức Erich Honecker một con tôm hùm tươi sống. Ông này không ăn, đem ướp. Con tôm nặng tình quốc tế vô sản ấy nay nằm trong Bảo tàng Bác vật Berlin. Putin từng tặng cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder một chiếc áo lông. Ông này không dùng, đem cho vợ mặc. Nhà độc tài Rumani Nicolae Ceaușescu tặng cho mọi đối tượng một món duy nhất: món Nicolae Ceaușescu, bằng sách, tranh, ảnh, tượng, huy hiệu, nhãn hiệu, thủ bút, bằng khen, giải thưởng. Quà của Stalin cho Kim Nhật Thành là một đoàn tầu hỏa bọc thép. Jacques Chirac tặng G.W. Bush một lọ nước cạo râu, tất nhiên là sản phẩm Pháp, trong khi quà của Gerhard Schröder thực dụng hơn: một chiếc cưa điện, tất nhiên made in Germany, rất thích hợp cho việc trang trại ở Texas.
Có những món quà hoàn hảo, vừa mát mặt khách vừa đẹp lòng chủ nhà. Cựu Tổng thống Đức Horst Köhler thường tặng đĩa thu những buổi hòa nhạc bất hủ của dàn giao hưởng Berliner Philharmoniker. Cựu Thủ tướng Pháp François Fillon tặng Thủ tướng Đức Angela Merkel, nữ tiến sĩ vật lí, một ấn bản cổ cuốn Radioactivité của Marie Curie. Bà Merkel tặng bà Hillary Clinton một ấn bản của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung lồng khung, có bức hình nổi tiếng chụp riêng bàn tay của hai bà đặt cạnh nhau. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đến thăm Nhà trắng, tặng Tổng thống Obama ấn bản đầu tiên cuốn Tiểu sử Churchill.
Có những món quà phá giới hạn của quy ước ngoại giao và gây tranh cãi. Cũng ông Gordon Brown ấy tặng Obama một chiếc bút có quản làm từ gỗ của con tầu HMS Gannet lừng danh trong cuộc chiến chống buôn bán nô lệ, còn vợ chồng Obama đến thăm Điện Buckingham, tặng Nữ hoàng Anh một chiếc iPod – thời iPod đang nổi. Một nguyên thủ Hoa Kỳ khác, cựu Tổng thống Johnson, tặng cựu Thủ tướng Đức Ludwig Erhard một chiếc mũ cao bồi Stetson. Sở thích của một Bộ trưởng Đức ưa giễu cợt là phân phát những Bức tường Berlin bỏ túi tại các nước chuyên chế. Một cựu Thủ tướng Nhật từng là nỗi kinh hoàng trên sàn ngoại giao: quà của ông là một robot chó biết hát quốc ca của nước chủ nhà.
Nhưng người Nhật cũng biết sử dụng một ngôn ngữ ngoại giao dễ nghe hơn nhiều: họ tặng anh đào. Không phải hoa anh đào chết trên một bức tranh rởm, mà là hàng chục ngàn cây anh đào gửi tặng những quốc gia hữu nghị, trong đó có 3000 cây ở Washington. Người Thái tặng voi. Người Tầu tặng gấu trúc. Ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc sát cánh cùng ngoại giao bóng bàn. Mở màn với con gấu trúc được Mao Trạch Đông tặng Richard Nixon năm 1972, gần đây nhất là đôi gấu Đoàn Đoàn và Viên Viên tặng Đài Loan năm 2005. Khi ấy Đài Loan không nhận. Bốn năm sau, tinh thần “Một Trung Quốc” đã chiến thắng, Đoàn Viên đã vui vầy định cư tại Sở thú Đài Bắc.
Còn ngoại giao Tháp Rùa?
Tất nhiên sĩ diện của tôi bị tổn thương khi thấy một Thủ tướng Việt Nam mở tờ giấy gấp tư ra đọc trong buổi hội kiến với Tổng thống Hoa Kỳ; khi nhìn những bộ com-lê và cà vạt cũng cứng đờ như cử chỉ, nét mặt và diễn văn của giới thượng lưu chính trị nước nhà trên sàn diễn quốc tế; khi một lần nữa và còn lâu mới là lần cuối lại phải ngắm cảnh các lãnh tụ Việt Nam trang trọng mang tranh rởm đi rải ở nước ngoài. Song xấu hổ là chuyện phụ. Quan trọng hơn là món quà lưu niệm cổ hữu ấy cho tôi cảm giác rằng không có tín hiệu mới mẻ nào hết, không có đột phá, không có thông điệp nào ngoài thông điệp rằng mọi sự vẫn theo đúng tập quán, phong cách và nhận thức đồng bộ như xưa.
Một lúc nào đó nhất định tôi sẽ gặp lại những sứ giả khốn khổ này của văn hóa dân tộc ở chợ giời.
P.T.H. 

___________
Ảnh 1: Quà lưu niệm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Giáo hoàng
Ảnh 2 và ảnh 3: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà lưu niệm ở Bỉ.
© 2013 pro&contra

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...