Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Đừng làm ngược tiền nhân

Đừng làm ngược tiền nhân


Nhớ gần 2 năm trước mình có viết bài “Đốt tiền” trên blog, tờ Tuổi trẻ lấy entry này in trên chuyên san Tuổi trẻ Cười.

Viết bài này mình có ý nêu bật chính kiến là không được lạm dụng việc cúng tế, từ lấy cớ thế rồi mang vàng mã đồ cúng phải mua sắm rất tốn tiền đó cho vào mồi lửa tất cả... Đó không còn là tục đốt mã nhằm dành sắm sanh tưởng nhớ ông bà tổ tiên mong điều phúc đức nữa mà chính là ta đi “đốt tiền” - những đồng tiền thật sự - gây nên những tốn kém lãng phí vô chừng kể cho xã hội.

Bữa nay lên mạng thấy có ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng đăng trên báo Đại Đoàn Kết cũng đề cập tới các góc cạnh rất có ý nghĩa thực tiễn về các tập tục, về niềm tin và truyền thống văn hóa cũng như cách ứng xử sao cho xứng với ý định tốt đẹp của tiền nhân trong sự cúng lễ thờ phụng. 

Bài phỏng vấn ông Phan Cẩm Thượng đã công bố trên mặt báo từ trong tết Nguyên đán nhưng vì thấy vấn đề vẫn đầy ý nghĩa “thời sự” trong cái tháng Giêng là tháng ăn chơi, là hội hè đình đám diễn ra khắp mọi nơi trên đất nước…, nên chủ blog tôi xin phép tác giả đưa lại đây để bà con thêm điều kiện tham khảo và đối chiếu với cuộc sống thực tế.

Vệ Nhi



-------



Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Đừng nghĩ tổ tiên sẽ vui lòng với đồ lễ lớn (02/02/2013)

Với người Việt, nghi lễ thờ cúng Táo quân là một tập tục cổ truyền, là một nét đẹp văn hóa tồn tại hàng ngàn đời nay. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân lại cưỡi cá chép về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình hạ giới với Ngọc Hoàng Thượng đế. Nhưng nghi lễ truyền thống ấy nay đang  ít nhiều bị biến đổi. Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng xung quanh vấn đề này.




Tranh dân gian Táo ông - Táo bà

Nhà nghiên cứu
 Phan Cẩm Thượng
Thưa ông, trong khuôn khổ Hội hoa chợ Tết  tôn vinh làng nghề đang diễn ra tại Hà Nội, năm nay lần đầu tiên Lễ hội ông Công- ông Táo do làng nghề Bát Tràng tổ chức với quy mô hoành tráng (vào đúng ngày 23 tháng Chạp AL). Theo như thông tin công bố thì  biểu tượng "ông đầu rau” sẽ cao 1,2m, cá chép dài 3,5m…Nhiều người đang háo hức đón xem những đồ lễ kỷ lục này. Vậy, dưới con mắt của một nhà nghiên cứu văn hóa, ông có chia sẻ gì không?

- Lần đầu tiên tôi được biết là có lễ hội ông Công ông Táo như vậy, hy vọng đó là hoạt động văn hóa sinh động đúng ý nghĩa của đời sống cổ truyền ở phương Đông. Tuy nhiên, tôi phải xin lỗi là không quan tâm đến các kỷ lục to cao dài, như kiểu bánh chưng to nhất, nhiều người hát Quan họ nhất…Nếu như chúng ta có kỷ lục về nhiều sáng tạo khoa học nhất thì hay bao nhiêu.

Bát Tràng là một làng nghề lâu đời làm gốm, nếu nung được hai tác phẩm ông đầu rau và cá chép lớn như vậy thì thật là một thành tựu lớn về gốm sứ. Đó mới thật sự là kỷ lục.

Lễ cúng ông Công- ông Táo là nét văn hóa truyền thống của người Việt. Nhưng giờ đây, nét văn hóa này đã và đang bị lạm dụng, bị thương mại hóa với những món đồ mã lên tới hàng triệu, hàng chục triệu đồng, vừa  gây lãng phí lớn cho xã hội; đồng  thời còn làm hại môi trường…

Cũng đã có những qui định hành chính về việc cấm đốt vàng mã với kỳ vọng giảm lãng phí, nhưng xem ra không mấy hiệu quả.

Theo ông, làm thế nào để giữ được vẹn nguyên những giá trị truyền thống của Lễ tiễn ông Táo về chầu Giời?

- Ý nghĩa chính của lễ ông Công ông Táo là năm hết tết đến, mọi gia đình bầy tỏ lòng ngưỡng vọng tổ tiên, báo cáo với tổ tiên về đời sống công việc của mình năm qua, và đề cao tình vợ chồng chung thủy, tình bạn tốt đẹp (sự tích ông Công ông Táo). 

Từ ý nghĩa này một số nghi thức hình thành được làm vào ngày 23 tháng 12 âm lịch hàng năm, trước ngày tết Nguyên đán. Như làm một mâm cỗ cúng, đốt chút vàng mã, phóng sinh động vật…tất cả những nghi thức này hoàn toàn có tính tượng trưng, dù vàng mã to hay nhỏ, mâm cỗ nhiều hay ít hoàn toàn tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình, chứ không hề có ý nghĩa làm vui lòng tổ tiên hơn bằng lễ nghĩa nhiều hơn.



Đồ tùy táng (vàng mã), tranh in giấy,
 thế kỷ 18 - 19 , chùa Bút Tháp

Riêng tục phóng sinh hiện đã mang mầu sắc hoàn toàn khác. Trong thời đại săn bắn, chăn thả và làm nông nghiệp cổ xưa, có những ngày mà người ta sám hối không săn bắn, giết hại động vật hoang và nuôi nữa, chứ không phải là mua cá ở chợ rồi đem thả xuống sông, mua chim nhốt vào lồng rồi lại thả ra như hiện nay. Trên thực tế chim cá dùng cho phóng sinh hoặc bị bắt lại, hoặc sẽ chết ngay bởi một môi trường khác, không có ý nghĩa gì cả, chưa kể vô số chúng đã chết trước khi được thả.

Các nghi lễ, người ngày xưa cũng đều hiểu rằng chủ yếu nhằm giáo dục đạo đức, truyền thống gia đình, uống nước nhớ nguồn cho con cháu hiện tại, chứ cha ông qua đời rồi, không biết có hưởng được gì không ? Nên ca dao có câu: Lúc sống con chẳng cho ăn / Khi chết thì lại làm văn tế ruồi.





Tập tục đốt vàng mã vốn xuất phát từ tục chôn đồ tùy táng (của cải thật của người chết), rồi vì thế quá tốn kém mà chuyển sang chôn đồ minh khí (tức là đồ làm giống như thật, dạng minh họa tượng trưng với chất liệu như đồ thật, ví dụ Trống đồng minh khí), rồi lại làm thay thế bằng giấy (đồ vàng mã) và tranh đốt (tranh vẽ các đồ tùy táng), tiền giả để đốt. Như vậy chính quá trình này mang ý nghĩa tượng trưng, giảm bớt tốn kém, gánh nặng tín ngưỡng không cần thiết, mà cha ông thực tế đã nhận ra.

Có một thực tế là không phải gia đình nào cũng biết cách cúng ông Công- ông Táo cho đúng nghi lễ. Vậy, thưa ông, phải cúng thế nào mới đúng các nghi lễ truyền thống?

- Tôi không có quyền đưa ra một quy định tín ngưỡng. Cái đó thuộc về con người nói chung. Tín ngưỡng thực ra cũng thay đổi, phát triển, tất nhiên tôn giáo cũng vậy. Ở đâu mà lòng người bất an, xã hội bất trắc, thì mê tín dị đoan cũng có nhiều cơ hội, như cỏ dại gặp đất hoang vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Lê (thực hiện)

Nguồn: http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1420&chitiet=60947&Style=1



Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...