Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Từ góc nhìn của nhà văn



Từ góc nhìn của nhà văn 

Chiều nay vào blog “Thời 2 Đ” của nhà văn Nhật Tuấn, thấy một bài viết của một nữ văn sĩ đang có những tác phẩm "làm nóng văn đàn Việt Nam" vốn lâu nay hơi nguội lạnh - nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. 

Dịp vào Sài Gòn vừa rồi mình cũng ngẫu nhiên ngồi ăn bữa tối với Thu Huệ, được tác giả tặng đúng tập sách mà chị vừa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhất về văn xuôi năm 2012, cuốn "Thành phố đi vắng" (tập truyện ngắn). Có cuộc gặp hơi ra ngoài những dự định ở Tp HCM kỳ này của mình là do ông bạn phương Nam Tô Hoàng thiết kế. Cùng có mặt Nhật Tuấn từ Bình Dương cuối tuần thường trở về SG. Và Nguyễn Thị Thu Huệ từ Hà Nội vào có công việc của Đài truyền hình - nơi Thu Huệ làm biên kịch phim. Qua cuộc gặp thấy mối quan hệ giữa Tô Hoàng Nhật Tuấn với Nguyễn Thị Thu Huệ vốn có từ rất lâu, rất thân tình, do "chú Hoàng" "chú Tuấn" đều là chỗ bạn bè chị em thời xa xưa với mẹ Thu Huệ là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú.  

Trở lại tác giả Nguyễn Thị Thu Huệ. Sách được tặng mình đã đọc hết hơn chục cái truyện ngắn trong tập sách chỉ mất vài ba buổi chiều. Phải nói là truyện có tính hấp dẫn thì mình mới đọc nhanh như vậy chứ có tập sách kéo co cả tuần không đọc hết! Laị đọc thêm bài viết về Nguyễn Thị Thu Huệ, về Thành phố đi vắng của nhà văn Nhật Tuấn (đăng trên trang của chính anh và trang trannhuong.com). Nên khi đọc chính bài viết của Thu Huệ giới thiệu dưới đây, quả thật là mình tiếp nhận được ngay những ý tứ từ cây bút nữ này gửi gắm cho văn chương và cuộc đời. Cái góc nhìn và phát hiện đời sống đương đại của Thu Huệ là một trong những đóng góp nổi bật ở tác giả này. Chị không lẩn tránh những vấn đề gai góc khi phải mổ xẻ phân tích tâm lý con người cùng thời với mình, những thân phận cuộc đời với bao tâm trạng buồn vui, yêu ghét sống ngay bên chúng ta. Trong sự quan sát của tác giả về xã hội hiện đại, Nguyễn Thị Thu Huệ chừng như đã nhìn ra một khúc quanh ghê gớm đã xuất hiện, nó đang xô đẩy bằng một sức mạnh ma mị đối với con người - vốn là một cá thể sinh động và riêng biệt - nay có nguy cơ rơi vào cách sống xa lạ của đám đông, nhiễm tâm lý đám đông, dồn tụ cả một khối lớn những người là người nhưng lại vô cảm ngay chính với đồng loại. Tóm lại là có rất nhiều điều phải nói là cay đắng chua chát trong đời sống hiện tại, và hiện thực của nó đang như khoan xoáy vào tâm can chúng ta những người cả nghĩ, gợi ý hoặc cả bắt chúng ta phải nghĩ ngợi và lo lắng chứ không thể bàng quang, đứng ngoài cuộc cho được... Có thể là tác giả đã khải ngộ ra những điều đó mà thúc hồi chuông "báo động" với mọi người chúng ta trong tư cách một nhà văn như chị? Một cách đặt vấn đề như thế chắc là thiết thực đối với đời sống của những con người đương thời...  

Mời bạn bè và bà con "trên mạng" cùng đọc và cùng ngẫm nghĩ...

Vệ Nhi 

----

Cõi riêng của văn chương


Nhà văn NGUYỄN THỊ THU HUỆ

Nhà văn thường sống trong hai cõi. Một cõi thực, là đời sống hàng ngày với  hỉ nộ ái ố như bất cứ ai đang sống. Một cõi mộng, là thế giới riêng. Ở cõi riêng đó, người viết mới trở về với sự xâu xa nhất của bản thân, để hiểu mình đang nghĩ về điều gì và có ước mơ hay đau đớn vì  điều gì.

Mỗi một tuổi, một thời điểm, cõi riêng của tôi lại đổi khác. Mười năm trước, tôi cảm nhận cuộc sống này theo hướng mở. Tiếp nhận, khám phá và tận hưởng ngày tháng khá thoải mái. Thoải mái thời gian. Thỏai mái tâm trạng và ít phải chịu sự bất lực khi muốn làm điều gì nhưng không làm được.

Bây giờ, mọi chuyện đã khác. Tôi thích nghi dần với  sự bất lực, rồi nó trở thành nỗi  ám ảnh, và ngầm chảy trong những truyện ngắn mới viết. Không còn là những lát cắt, những câu chuyện rất cụ thể về những con người cụ thể như “Hậu thiên đường”” Phù thủy”, nhân vật của tôi ngày hôm nay ở góc này, góc khác là đại diện cho một số đông, mang những dấu ấn của thời tôi đang sống. Vẫn là những số phận, những mối quan hệ gia đình cha con, ông cháu, nhưng đằng sau đó, là một tâm lý đám đông khá phổ biến với  sự bế tắc trước một đời sống lộn xộn, các ác hoành hành, buộc người tốt đôi khi thành vô cảm.

Vô cảm là mầm mống của sự hủy diệt

Xã hội những năm 2012 dẫn người ta đi rất xa với bản chất cần có của con người, đấy là sự bình yên.  Sự bất an xâm chiếm tôi mỗi ngày, và nặng dần lên đến mức tôi luôn hoang mang, truy vấn tìm nguyên nhân tại sao đời sống lại ra thế này? Nhìn bề nổi, cuộc sống tiện nghi hơn, nhu cầu sử dụng vật chất tăng bội phần, cảnh vật, con người có vẻ “nguyên vẹn”, mỗi khi mình đi xa về. Những con phố, bà bán nước chè, anh bảo vệ chung cư, hay hàng quán quen. Thế nhưng, nhìn kỹ thì không phải vậy.  Người ngày càng đông, nụ cười ngày càng hiếm . Phận người vô cùng mỏng. Mọi sự đã thay đổi từ trong máu, trong tinh thần của mỗi cá nhân, theo những cách ứng xử khác nhau. Mọi người tự tăng dần sự tự bảo vệ, tăng dần những lo toan, và lạnh lùng bởi họ mải mang vác ngày tháng với những khó khăn mỗi ngày một nặng.       
       
Tôi càng ngày càng hay tự hỏi mình, suy cho cùng, đời một con người từ lúc sinh ra, đến già rồi cuối cùng cũng bệnh tật mà chết. Tại sao người Việt nam  chúng ta phần lớn không yêu quý ngày tháng sống trên cõi đời này của mình? Phần đông mọi người mất thời gian vào rất rất nhiều chuyện vô ích. Không biết ở đâu trên thế giới có kiểu đàn ông nhậu nhẹt buổi trưa nhiều như Việt nam? Ăn trưa để chiều làm việc tiếp nhưng phải có bia, rượu? Xong rồi ngủ trưa say sưa. Chiều ngất ngư ra vẻ làm việc để đợi tới hẹn, ra hàng bia nhậu tiếp. Ở đâu trên thế giới mà cán bộ đi làm ít người đọc sách, xem phim như ở Việt nam? Thường mọi người  làm nghề gì, quan tâm đúng nghề đấy, ngoài ra, với những lĩnh vực khác là câu trả lời, không có thời gian. Nơi những phòng chờ ở sân bay, hay trong những chuyến bay, hiếm thấy người Việt nam đọc sách. Hiếm thấy người Việt nam bình tĩnh đợi máy bay dừng hẳn mới đứng lên lấy đồ và chen lấn chui ra…Khắp nơi, khắp chốn, người Việt hình như chưa quen với phương tiện sinh hoạt tiến bộ, để chỉnh đốn sự văn minh vốn không được nhà trường hay gia đình quan tâm dạy dỗ từ nhỏ, để tới ngày, không biết phải ứng xử với đời sống văn minh thế nào.

Những chuyện đâu đâu nếu chỉ nghe, để biết rồi cho qua, có lẽ không làm mình buồn đến thế, ngẫm ngợi trong cay đắng đến thế. Một ngày, người Việt nam chết vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đâm chém nhau và nhiều lý do khác chắc đến trăm người. Những tin lãng xẹt trên báo như chìm tàu, xe đổ đèo mất phanh không hôm nào không có đến nỗi, việc người chết thành bình thường. Mạng người Việt vừa mỏng, vừa rẻ. Nghĩ mà chạnh lòng, xót cho cái xứ này, khi gần đây nhất, một vụ tai nạn ở Bỉ, chiếc xe bị nạn trong đường hầm, làm hơn hai chục người chết. Tin đó chấn động thế giới, và các nguyên thủ quốc gia đã đau xót gửi lời chia buồn đến nước Bỉ và gia đình những ngừoi thân.

Ở Việt nam, sao người ta chết càng ngày càng nhiều và dễ dàng thế?

Tôi bây giờ nhìn cuộc sống này khác xưa. Mọi chuyện dường như chảy ngược vào trong, buồn bã, hoang mang lo lắng là cảm giác thường trực. Và tiếc. Đứng ở trên cửa sổ phòng làm việc, nhìn người đi nườm nượp, kẹt xe tối ngày thấy ai cũng được sở hữu một cuộc đời, có sự giỏi giang sức khỏe  như nhau, vậy mà số người làm được những điều giá trị, có ích cho nhân loại ít quá. Gốc rễ từ đâu nhỉ? Từ sự giáo dục của gia đình và nhà trường không khuyến khích mỗi cá nhân phát triển cái tôi, phát huy sáng tạo? Học thì rập khuôn, làm theo mẫu và lấy điểm số cao làm chuẩn cho một học sinh giỏi? Bố mẹ thì theo nhà trường, con điểm kém, hay có trò nghich gì đấy, cô gọi tới phê bình là về đánh mắng con…Cứ như thế, một đời sống tin thần mất cá tính bao trùm lên từng thế hệ. Để rồi, nhãng đi vài chục năm, chúng ta có một đám đông không bản sắc, không làm nên những giá trị hữu ích mang tính đột phá cá nhân.

Tâm lý đám đông là bộ mặt hôm nay của xã hội,  nhưng phủ trùm lên nó là sự vô cảm, với mầm mống của những điều ác đang lên ngôi và dần loang như một vệt dầu tràn mang tính hủy diệt.

 NTTH

  

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...