Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Nén khổ vào trong, góp cười cho đời


Nén khổ vào trong, góp cười cho đời

Hôm đó trên chuyến xe du lịch từ Lệ Giang trở về Côn Minh, mình lướt mạng thông tin lại ngay cho mọi cùng đi biết tin anh Văn Hiệp vừa mất. Mọi người ào lên hỏi, sao sao Hiệp nào, thì “Văn Hiệp hài” đó mà…  Ơ, thì mới thấy ông ấy cười cười nói nói vui quá trên tivi kia thôi, phía dưới xe mấy bà rào lên thế... Bà con nhà mình trong chuyến đi đều bất ngờ, có phần sững người khi nghe tin dữ này bởi vì đều mới rời Hà Nội sáng 8/4, mà nghệ sĩ hài Văn Hiệp rời cõi tạm này sáng 9/4 (5g30).

Phải nói Văn Hiệp được rất nhiều người trong xã hội yêu thích quý hóa. Mình nhớ từ bữa đó trên xe luôn có những câu chuyện quanh người nghệ sĩ hài rất gần với nụ cười dân gian, lại có cuộc đời đầy cam chịu, hoàn cảnh gia đình nhiều éo le cay đắng nhưng lại luôn biết vượt lên để hiến cho đời nhiều tiếng cười vui...

Về Hà Nội, tìm đọc thêm nhiều bài viết về nghệ sĩ Văn Hiệp, thêm sự quý trọng anh, thầm cảm phục một nhân cách vậy là cao thượng quá. Hết lòng hết sức vì đời chứ mình thì nhận lấy thiệt thòi.

Trong số những bài viết ấy, mình thích một bài rất ngắn của một người bạn làm ngoại giao văn hóa, anh Vũ Đức Tâm. Thích là ở "cái ngẫm" của tác giả bài viết này sau sự ra đi của nghệ sĩ Văn Hiệp và những chuyện kéo theo... nó nói lên nhiều điều...

Xin giới thiệu với bà con và bạn bè cùng vào đọc bài viết để tham khảo và chia sẻ.

Vệ Nhi g-th

-----    



Tưởng nhớ "ông Trưởng thôn" Văn Hiệp

 Bài viết trên facebook của Vũ Đức Tâm

Ở đời này vô vàn cái bất ngờ. Cái bất ngờ xen chua xót mà mình cảm nhận được mấy ngày qua khi nghệ sĩ Văn Hiệp về cõi, đó là cuộc đời ông khổ quá, nghèo quá. Cái bất ngờ đến từ cái bất ngờ trên là, khổ thế, nghèo thế mà ta luôn thấy ông xuất hiện trên sân khấu với đủ các cung bậc của niềm vui. Ông diễn hài thoải mái, tự nhiên, với phong cách gần gũi với đời thường. Cho nên ta lẫn lộn giữa sân khấu, đời thường, suy diễn là đời ông chắc vui lắm nên lên sân khấu ông mới "quậy tưng bừng" thế chứ. Ông được công chúng mọi tầng lớp biết đến, mến mộ. Điều ngạc nhiên tiếp theo là ông nổi tiếng thế, diễn hay thế mà trắng tay về bên kia thế giới, không kèm theo một danh hiệu gì tương xứng với tài năng và cống hiến của ông cho đời. Lỗi này tại ai nhỉ ?

Ngẫm lại, mình mới thấy Văn Hiệp thật độc đáo và có bản lĩnh. Ông không ngồi than khổ, than sầu mà chắt lọc từ bao nỗi khổ đau của đời mình, biến thành tiếng cười sảng khoái trên sân khấu để xua đi bao nỗi sầu của nhân thế. Ông chẳng vì danh hiệu nọ kia, vẫn cháy hết mình cho sân khấu, cho công chúng đến hơi thở cuối cùng.

Bạn bè ông đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho ông. Nhưng vớt vát thế để làm gì nhỉ ? Mình cũng đồng ý với vô vàn ý kiến của công chúng và dân mạng : Đừng níu kéo ông ở lại cõi tạm bạc bẽo này nữa! Hãy để ông thanh thản về với tổ tiên! Hơn nữa, với công chúng, từ lâu ông đã được phong là NGHỆ SĨ NHÂN DÂN rồi.

Nghệ sĩ Nhân dân Văn Hiệp ơi, «Ông Trưởng thôn » ơi, thế là ông từ bỏ thế giới này ra đi được ba ngày rồi. Tôi viết mấy dòng này và xin gửi ông mấy câu sau, coi như một nén nhang muộn tưởng nhớ ông. Cầu mong ông bình an, sớm phiêu diêu miền cực lạc !

Văn Hiệp nén khổ vào trong,
Niềm vui bất tận để bong ra ngoài.
Danh hiệu này, nọ, mặc ai,
Đến khi về cõi hàng dài tiễn ông !

VĐT
Hà Nội, 12/4/2013


-------


MỜI ĐỌC THÊM MỘT BÀI VIẾT KHÁC ĐĂNG TRÊN :

Nghệ sĩ lặng người trước tin Văn Hiệp mất

Minh Vượng, Quốc Vượng, Quốc Tuấn, Hải Anh - những người từng cười với Văn Hiệp trên phim - nay phải khóc trước sự ra đi lặng lẽ của ông.
Những người quen Văn Hiệp từ lâu đã lo cho sức khỏe của ông. Ẩn sau thân hình còm cõi là rất nhiều thứ bệnh: dạ dày, lao phổi, đại tràng... Từ sau Tết 2012, Văn Hiệp giã từ tình yêu phim ảnh để gắn mình với nơi ông chẳng thích thú gì là bệnh viện. Con trai, con dâu cùng các bác sĩ đều chăm sóc ông rất tận tình. Người vợ vốn sống ở Đức cũng thường xuyên bay về Việt Nam lo cho chồng từng miếng cơm, ngụm nước.
Trong khi đồng nghiệp và người thân xót xa cho ông, Văn Hiệp lại hài hước tới tận những ngày cuối đời. Vốn coi Văn Hiệp như anh trai, thậm chí là người cha, diễn viên Trà My năng qua lại thăm ông. Sáng 8/4, khi gọi điện cho Văn Hiệp, nghe ông mệt nói chẳng thành lời và được con trai ông là Quốc Thắng thông báo cụ thân sinh đang mệt nặng, Trà My vội vàng đến nhà. Giữa những hơi thở nặng nhọc, Văn Hiệp bảo Trà My: “Cô có vai trò chỉ đạo. Thế nên tôi giao cho cô việc gọi thợ đến đóng cho tôi một chiếc bàn thờ, có đèn xanh xanh đỏ đỏ, thi thoảng bật lên cho vui”. Trà My trách Văn Hiệp nói đùa, nhưng ông cầm tay bảo: “Anh mệt lắm. Anh đi thật đấy”.

v2-jpg-1365501354-1365501443_500x0.jpg
Văn Hiệp trong một tiểu phẩm hài Tết
Thương người nghệ sĩ 71 tuổi vật lộn với những hơi thở khò khè, Trà My vội về nhà mang cho ông máy thở ôxi. Văn Hiệp lúc ấy vẫn còn sức giễu cô: “Em có lý đấy. Anh thấy dễ chịu hơn rồi, nhưng thở một lúc thì cho anh nghỉ giải lao chút nhé”. Dường như còn sức là ông vẫn còn đùa được với mọi người, vẫn còn trào lộng được về bản thân mình. Nụ cười hồn hậu, lạc quan đó chỉ vĩnh viễn tắt đi khi trái tim ông ngừng đập vào 5h sáng 9/4.
Khi hay tin Văn Hiệp mất, các đồng nghiệp của ông không giấu nổi nỗi buồn. Trà My rớt nước mắt. Minh Vượng nghẹn ngào tiếc thương "người chồng, người tình" trên phim của mình. “Tôi bất ngờ khi nghe tin anh mất. Thôi thì ai cũng phải đi nhưng một người như Văn Hiệp thật không thể không khiến người ta buồn” - Minh Vượng chia sẻ. Quốc Vượng (nghệ danh Vương "râu") viết lên trang cá nhân: “Sáng ra ngủ dậy, Nghe một tin đau đớn! Nghệ sĩ Văn Hiệp đã ra đi. Ôi dẫu biết rằng sinh tử là lẽ thường ở đời! Nhưng sao nghe tin "Bố" ra đi mà lòng đau đến thế!!! Cả cuộc đời sống trọn vẹn với niềm vui sân khấu và điện ảnh, miệt mài cống hiến như con "giun" trong bài thơ Bố viết! Không quan tâm tới việc xét duyệt NSƯT hay này nọ! Cứ lặng lẽ cống hiến và đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà”. Quốc Tuấn, Hải Anh đều buồn khi đọc tin Văn Hiệp mất trên báo. Giang “Còi” lặng người không ngờ “ông trưởng thôn” đã ra đi mãi mãi. Đang quay phim ở Hòa Bình, khi hay tin Văn Hiệp mất, cả đoàn anh không thể tiếp tục làm việc. Ai cũng đau xót như vừa mất đi người thân.
Còn lại trong ký ức đồng nghiệp là hình ảnh người nghệ sĩ xuề xòa với chính mình nhưng rất tận tình với đàn em; hài hước nhưng có chiều sâu; nhỏ bé nhưng có tài năng và nhân cách lớn.
Theo Văn Hiệp diễn từ Bắc vào Nam với hơn 1.000 suất diễn, Trà My tiếc vì “cặp đôi hoàn hảo” từng gây ấn tượng sâu sắc trong khán giả giờ chỉ còn lại mình chị. Mỗi lần đi diễn, Văn Hiệp thường yêu cầu Trà My đặt riêng cho ông một phòng. Trong khi các nghệ sĩ đùa vui, ăn uống, Văn Hiệp, vì thích sự yên tĩnh, thường nằm trong phòng và nhờ Trà My đi mua đồ ăn hộ, khi là phở xào, khi là mì tôm, có khi chỉ là ổ bánh mì. “Có lần ông mắng tôi vì tôi mua cho ông hai ổ bánh mì trong khi sức ông chỉ ăn hết một. Tính ông rất ghét sự lãng phí” - Trà My ngậm ngùi nhớ lại.
vanhiep-jpg-1365497789_500x0.jpg
Văn Hiệp - Giang "Còi" - Quang "Tèo" trong Gặp nhau cuối tuần
Từng được đóng phim cùng Văn Hiệp, Quốc Vượng và Hải Anh đều chung ấn tượng về một người anh lớn trong nghề, luôn tận tụy chỉ dẫn đàn em từ cách thoại đến cách đi đứng. “Ông là bậc tiền bối tuyệt vời, xứng đáng được kính trọng. Ông không bao giờ giấu nghề, không cần hỏi cũng tận tình uốn nắn. Khi tôi đóng chung phim Bánh đa, bánh dày năm 2000, tôi đã học được rất nhiều bài học quý giá từ ông” - Quốc Vượng tâm sự. Trong khi đó, Hải Anh chia sẻ: “Tôi mới chỉ được cộng tác cùng bác ấy qua một vài dự án như bộ phim hài chiếu Tết Tháng củ mật. Bác sống giản dị và chân tình lắm. Là diễn viên lớp cha chú nên bác Văn Hiệp luôn tận tình chỉ bảo đàn em như chúng tôi. Bác ấy sống công bằng và tình cảm với mọi người nên ai cũng quý”. NSƯT Xuân Hinh tiếc nuối: “Hiếm ai thấy lạc quan, yêu đời và sống vô tư như bác Hiệp. Bác ấy ân cần, tỉ mỉ với anh em đồng nghiệp lắm. Không chỉ tôi mà nhiều nghệ sĩ đều coi bác như người anh trai trong gia đình”.
Quốc Tuấn nhớ rằng, từ hồi về hưu, Văn Hiệp lại đóng nhiều và đóng hay hơn. Hai người từng đóng cùng nhau trong Người thổi tù và hàng tổng. “Vai diễn của anh Văn Hiệp bên ngoài nghiêm túc nhưng bên trong lại rất hài. Vốn là người có trách nghiệm và kinh nghiệm, Văn Hiệp đã tung hứng với tôi rất hài hòa. Hai anh em tạo được hiệu ứng tốt từ bộ phim này” - Quốc Tuấn nhìn nhận. Với con mắt đạo diễn, Quốc Tuấn cho rằng, sự ra đi của Văn Hiệp là mất mát lớn cho phim ảnh Việt Nam vì để tìm một nghệ sĩ ngoại hình nhỏ bé nhưng tài năng như ông không dễ.
13654918641-jpg-1365501103_500x0.jpg
Nét vẽ "caricature" đặc tả khuôn mặt nghệ sĩ hài Văn Hiệp
Văn Hiệp cũng từng cùng Giang “Còi”, Quang “Tèo” làm mưa làm gió trong Gặp nhau cuối tuần với loạt tiểu phẩm về hai anh chàng nhà quê thích tranh cãi và ông trưởng thôn nhiều chuyện. Series này được xây dựng ngẫu hứng, đất diễn dành nhiều cho Giang “Còi” - Quang “Tèo” nhưng Văn Hiệp rất chịu khó theo dõi vai của đồng nghiệp. “Thường thì mọi người cứ thoải mái chơi cờ, uống nước chờ đến phần diễn của mình nhưng anh Hiệp rất có trách nghiệm. Anh ấy theo dõi phần diễn của tôi và Quang “Tèo” từ đầu tới cuối để nhập vai cho dễ. Chính vì thế, hai anh em tôi rất thân nhau. Nhưng người bạn thân nhất của anh không phải tôi mà là cái điếu cày. Đi đâu anh cũng phải ôm ấp nó cho bằng được” - Giang “Còi” nhớ lại. Anh cũng không khỏi thương cho Văn Hiệp - người nghệ sĩ vì ngoại hình xấu mà cả đời không được giao cho một vai diễn chính. “Vì không có vai chính, anh ấy chẳng được dự một giải thưởng nghề nào, không được trao một danh hiệu dù nhỏ. Thế nhưng nhân cách và tài năng của anh, ai cũng phải công nhận” - Giang “Còi” nhận xét.
Giang “Còi” bảo, anh đang thu xếp về Hà Nội, cùng các nghệ sĩ đưa tiễn Văn Hiệp về nơi an nghỉ cuối cùng. Lễ viếng ông sẽ được tổ chức vào hồi 10h ngày 11/4 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội). Lễ truy điệu diễn ra vào lúc 12h cùng ngày.
Ngọc Trần

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...