Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tỉ đô không phải tỉ đồng


Tỉ đô không phải tỉ đồng

Tin trên truyền thông báo chí nêu rằng ông UBND tỉnh Bình Định đang thuyết phục Bộ Công Thương sớm trình lên Chính phủ cho hợp tác với công ty dầu khí Thái Lan làm nhà máy lọc dầu hoành tráng nhất VN. Dự kiến hoàn thành sẽ tiêu tốn 27 tỉ đô đầu tư. Nên có báo giật tít đó là một “siêu dự án”. Gớm ghê, đó chỉ là một dự án kinh tế của một tỉnh Việt Nam thôi nhá.

Ngẫm lạ, cái gì nước mình cũng thích to thích nhất. Còn nhớ nếu Quốc hội nước mình cho ngơ qua  thì cái dự án đường sắt siêu tốc Bắc - Nam còn định chi tới 56 tỉ đô kia.

Kể với nước giàu có hùng mạnh thì vài ba, thậm chí năm sáu chục tỉ đô Ô-ba-ma cũng không phải gì ghê gớm lắm. Nhưng cái anh thân còm VN nhặt nhạnh từ cân thóc cân cá cân cà phê để góp cho GDP cả nước, hội đủ các ngành kinh tế khác chỉ mới đạt trên trăm tỉ đô (cũng chỉ mấy năm gần đây mới đạt tới 3 con số đó) thì phải thấy tỉ đô nó lớn lắm. Rất lớn đấy bác đất võ Bình Định à. Chắc chắn nó không phải là tỉ đồng Việt, đương nhiên rồi…

Tuy nhiên vấn đề không phải chỉ là tỉ đô lớn hay nhỏ mà Bình Định phải luôn luôn cân nhắc khi đầu tư để phục vụ bài toán phát triển kinh tế xã hội địa phương. Mà vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn là bất cứ ngành nào, địa phương nào định làm gì lớn đều phải suy nghĩ thấu đáo đến quy hoạch tổng thể, đến mối tương quan và liên hệ trong và ngoài ngành, giữa các địa phương với nhau nằm chung trong nền kinh tế đất nước.

Nghĩ đến điều trên đây, lại chiếu theo thực tế đời sống thì mình càng thấy “lạ quá”! Đó là với dự án đầu tư, lấy cả tiền nước ngoài về cho đất nước mình làm kinh tế như dự án lọc dầu Nhân Hội (Thái Lan đầu tư vào), lẽ ra PetroVietnam - đơn vị được Chính phủ giao trách nhiệm “chủ trì” phát triển sự nghiệp dầu khí – phải mở rộng hơn cả hai cánh tay ra đón chào, rồi sấn vào giúp sức chứ…? Đằng này trái lại, không! Và chính cái anh Dầu khí VN xịn này lại phản đối dự án.

Vậy là “có chuyện” ở đây rồi!

Chuyện gì, xin mới bà con cùng bạn bè đọc hai bài viết dưới đây: một là PetroVietnam không tán thành dự án Nhân Hội, hai là một góp ý và phân tích khá khúc chiết của một chuyên gia kinh tế xung quanh việc có nên đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu Nhân Hội hay không? Hy vọng hai bài viết này đáp ứng phần nào mong muốn tìm hiểu thực chất vấn đề xung quanh dự án Nhân Hội mà dư luận đang xôn xao bàn tán.

           Vệ Nhi  

              --------      


PetroVietnam phản đối “siêu dự án” lọc dầu 27 tỷ USD


(Dân trí) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không nên đồng ý dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá khoảng 27 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư.


 >>  Ngợp với siêu dự án hàng chục tỷ USD
 >>  Yêu cầu giải trình "siêu dự án" lọc dầu 26,9 tỷ USD

Dự án lọc hóa dầu trị giá 27 tỷ USD dự kiến đặt tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) hiện đã xong báo cáo tiền khả thi. Dự án có quy mô dự kiến 660.000 thùng/ngày, tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm - gấp gần 5 lần Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã trao đổi với UBND tỉnh Bình Định trong hơn một năm qua. Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch và cho phép nhà đầu tư được triển khai dự án.
Trước đó, vào chiều 4/2, tại cuộc họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về chủ trương đầu tư dự án lọc hóa dầu trị giá khoảng 27 tỷ USD tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước


Trước những thông tin trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) - đơn vị đang đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc Dầu Nghi Sơn - đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không nên đồng ý dự án của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan, nhằm tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu. Bởi theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 (trên cơ sở dự báo để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của Việt Nam đến năm 2025 và các năm tiếp theo) không có dự án lọc dầu Nhơn Hội.
Cũng theo PetroVietnam, “siêu dự án” 27 tỷ USD Nhơn Hội lại rất gần các điểm như Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất - nơi đã được quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu.
Và dù Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đã đưa ra định hướng một phần sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội sẽ xuất khẩu nhưng theo lập luận từ phía PetroVietnam, tập đoàn này đã đầu tư Dung Quất, đang đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư Nhà máy lọc dầu Long Sơn với mục tiêu đến năm 2025 sẽ vận hành ba trung tâm hóa dầu tại Việt Nam. PVN còn nêu đang phải bao tiêu sản phẩm cho Dung Quất, sắp tới là Nghi Sơn.
Được biết, với một tổ hợp dự án mà PetroVietnam đã, đang triển khai và đưa vào hoạt động, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam - 9 tỷ USD, công suất thiết kế giai đoạn một là 10 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, cùng với Dung Quất (công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm, hiện đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước), sẽ đóng góp 50% lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa mỗi năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng được giao triển khai xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa). Dự kiến, công suất thiết kế của nhà máy này khoảng 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm).
Nếu bổ sung thêm Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội sẽ tạo nguy cơ thừa nguồn cung với thị trường nội địa, ảnh hưởng đến khả năng bao tiêu của PetroVietnam và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn...
An Hạ

------


Về dự án lọc hóa dầu Nhân hội

Tác giả: N. Lang

            Vì nhận được yêu cầu đột xuất nên tôi không thể thu thập được tương đối đầy đủ thông tin cần thiết nên chỉ có thể có một số ý kiến sơ bộ như sau:

                                                                      I
            1 – Dự án lọc hóa dầu Nhân hội do Tập đoàn dầu khí Thái (PTT) lập dự án tiền khả thi và đã làm việc với tỉnh thừ nhiều năm nay. Theo đó, dự án này :
            - sử dụng 30 triệu tấn dầu thô năm và, so với thế giới, là nhà máy đứng hàng thứ 6 về quy mô.
            - sử dụng 27 tỷ $, 2.000 ha đất.
            - v.v…..

            2 – Dự án tiền khả thi này còn một số vấn đề chưa rõ, tỉnh yêu cầu PTT trả lời để trình Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư :
            - các đối tác tham gia góp vốn là những ai ?
            - cam kết tham gia góp vốn.
            - cân đối cung – cầu về sản phẩm lọc dầu.
            - phương án tiêu thụ sản phẩm.
            - phương án cung cấp dầu thô.
            - các hạng mục công trình biển (cảng, đê chắn sóng, …)
            - v.v….

            3 – Trong điều kiện đó, đang có nhiều dư luận phản đối chủ trương đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nhân hội. Một trong những người phản đối, đề nghị cân nhắc kỹ là bản thân tập đoàn dầu khí VN (PVN).

                                                                      II
            Trong điều kiện đó, chúng ta có thể tham gia thực hiện phản biện xã hội một cách kịp thời. Theo tôi, để phản biện xã hội đối với dự án này, có thể đi từ mấy khía cạnh chủ yếu sau đây :

            1 – Đặt dự án Nhân hội trong quy hoạch phát triển ngành lọc hóa dầu. Theo Bộ Công thương thì đã có quy hoạch phát triển ngành dầu khí VN đến 2015, đưa vào vận hành năm 2020 và tầm nhìn đến 2025. Theo đó thì có :
            - trong quy hoạch có 7 dự án lọc hóa dầu. Dự án Dung quất đã đi vào hoạt động. Dự án Nghi sơn đang đi vào triển khai. Còn có thêm các dự án Vũng rô, Long sơn, Nam Vân phong, … Có hai dự án lọc hóa dầu tại Phú yên, sử dụng 20.700 ha, do Singapo đầu tư và đã được Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư. Dự án Nhân hội không nằm trong 7 dự án đã được quy hoạch.
            - dự kiến đến 2015, tổng công suất các dự án đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước vì còn thiếu 1 triệu tấn dầu.
            - v.v….
            Nhìn chung thì quy hoạch phát triển ngành lọc hóa dầu là một chủ trương lớn, mang xu hướng đảm bảo khả năng tự cung tự cấp về nhu cầu xăng dầu nên ý kiến đồng thuận chấp nhận chủ trương đầu tư dự án Nhân hội là để bù đắp số 1 triệu tấn dầu còn thiếu so với nhu cầu trong nước. Chính vì thế nên phải chăng chủ trương phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu đã trở thành một chủ trương lớn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nước ta ?



Ảnh bên: Một góc nhà máy lọc dầu (ảnh minh họa)

            2 – Đặt quy hoach phát triển ngành lọc hóa dầu trong phát triển ngành năng lượng. Xét theo giác độ này thì cần làm rõ thêm thực trạng là nguồn năng lượng hóa thạch đang đứng trước ba vấn đề cơ bản :
- Sự cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch đặt thế giới trước nhu cầu phải tìm nguồn năng lượng thay thế.
- Việc khai thác nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước, trong đó có ô nhiễm môi trường biển. Hiện nay nhân loại đang đứng trước tình hình nguồn tài nguyên trên đất liền không còn khả năng tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên đã hình thành xu hướng đi vào khai thác nguồn tài nguyên biển. Vì thế nên việc ô nhiễm môi trường biền là một vấn đề không thể xem nhẹ.
- Việc sử dụng nguồn nang lượng hóa thạch gây ô nhiễm không khí, trong đó có vấn đề làm thay đổi khí hâu, làm nước biển dân lên. VN là một trong những nước hàng đầu bị uy hiếp bởi nguy cơ nước biển dâng lên.
            Nhìn chung lại, có vấn đề cần làm rõ thêm :
- Thế giới đang đi vào con đường tìm và khai thác các nguồn năng lượng sạch, tái sinh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển, năng lượng địa nhiệt, …. Đồng thời cũng đi vào con đường tìm cách nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch để giảm nhu cầu phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. ….
- Với xu hướng tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, phải chăng VN đang đi vào con đường trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu do các nước công nghiệp phát triển thải ra ? Tại sao không đi ngay vào đón đầu công nghệ sử dụng năng lượng sách, năng lượng tái sinh mà thế giới đang đi vào ?

            3 – Đặt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu trên địa bàn Miền Trung nước ta. Có thể khẳng định là các dự án đầu tư phát triển nhà máy lọc hóa dầu được qquy hoạch phát triển trên mảnh đất Miền Trung nước ta. Trong điều kiện đó, cần xem xét thêm mấy khía cạnh chủ yếu sau đây.
            - Phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu không phù hợp với nhiệm vụ phát huy thế mạnh của Miền Trung nước ta. Vùng đất này dựa lưng vào rừng, trông ra biển nên cần quán triệt đầy đủ hơn câu tổng kết của ông cha ta là RỪNG VÀNG, BIỂN BẠC. Trải qua hai chục năm thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, một nội dung chủ yếu của đường lỗi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng đất này đã tập trung vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn. Do đó rừng bị tàn phá, không những gây tác hại lớn đến môi trường mà còn làm tăng tác hại của thiên tai. Ngành đánh bắt thủy hải sản không được đầu tư thỏa đáng nên không những không khai thác và bảo vệ được các nguồn tài nguyên biển mà ngư dân VN còn bị uy hiếp trên biển, không đủ năng lực vừa đánh bắt hải sản vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của VN trên biển.
            - Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn làm mất quỹ đất vùng đồng bằng duyên hải, vốn đã chật hẹp và nhỏ bé. Trước nguy cơ vung duyên hải này bị chìm dưới biển do biến đổi khí hậu thì chiến lược phát triển theo hướng này uy hiếp ngành ngông nghiệp và đời sống nông dân, uy hiếp an ninh lương thực.
            - Việc phát triển tập trung ngành công nghiệp lọc hóa dầu còn gây ô nhiễm đến môi trường biển nên không chỉ uy hiếp ngành đánh bắt hải sản mà còn uy hiếp ngành du lịch, một ngành được coi là ngành mũi nhọn của vùng lãnh thổ Miền Tring này.
            - v.v….

            4 – Nhìn chung lại, chỉ mới xét trên ba phương diện trên đã cho thấy chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu là một lĩnh vực cần được xem xét, cân nhắc lại. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể đánh giá là chủ trương đầu tư xây dựng dự án lọc hóa dầu Nhân hội có phù hợp không ?

                                                                    III
            Từ sự phân tích ban đầu như trên, việc xem xét tính hợp lý của chủ trương đầu tư dự án lọc hóa dầu Nhân cơ dẫn đến nhu cầu phải rà soát lại :
            - Cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn, đúng mức hơn Nghị quyết ĐH XI về điều chỉnh chủ trương phát triển, tử phát triển nhanh sang phát triển bền vững.
            - Thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
            - Quán triệt Nghị quyết HN TƯ 3, K XI về nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoach, chủ trương đã phê duyệt để loại bỏ ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ” tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí và “lợi ích nhóm”. Đồng thời qua đó thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh thích hợp để “Quy trình và phương pháp xây dựng, tổ chức điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch phải thực sự khoa học, đi từ tổng thể chung của cả nước, đến các vùng lãnh thổ, rồi mới đến từng địa  phương, cơ sở.” (Văn kiện HN TƯ 3, K XI, tr 247).
Thực tế diễn biến chủ chủ trương đầu tư xây dựng nhà náy lọc hóa dầu Nhân cơ, cũng như nhiều chủ trương đầu tư khác như đầu tư cảng Lạch Huyện, khu hành chính - kinh tế Vân đồn và khu cửa khẩu Móng cái, …. đã không quán triệt nhiệm vụ rà sát, điều chỉnh ngay quy trình, phương pháp xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chủ trương theo tinh thần đi từ quán triệt các mục tiêu chung của nền kinh tế để rồi đi qua các quy hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ để cuối cùng thể hiện thành chủ trương đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng cơ sở.

            Thời gian có hạn, việc thu thập thông tin cũng có hạn nên chỉ có thể lạm bàn, trình bày một số ý kiến ban đầu như vậy, mong anh thông cảm.

22/4/2013
N. Lang

(Xin post nguyên văn bài viết. Cách viết hoa danh từ riêng của tác giả cũng giữ nguyên theo tác giả)   


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...